Ngày 08/05/2020, sau 3 ngày xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, và giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên Hồ Duy Hải tử hình về tội giết người. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận báo chí và mạng xã hội.
Trong dư luận, có nhiều ý kiến phản đối kết luận của tòa, vì các cơ quan điều tra, xét xử đã vi phạm một lượng lớn nguyên tắc tố tụng hình sự trong quá trình xử lý vụ án; và vì một số vụ án cùng thời kỳ, như vụ Nguyễn Thanh Chấn, là án oan do ép cung nên họ có quyền lo ngại bản án này. Đáng chú ý, một số kẻ cực đoan lợi dụng tâm lý này để tuyên truyền chống chế độ, vi phạm pháp luật như: ca ngợi “công lý đám đông”; kêu gọi kết tội, truy tìm nghi can Nguyễn Văn Nghị; kêu gọi ám sát thẩm phán; và tung tin đồn chưa kiểm chứng về thẩm phán Nguyễn Hòa Bình để tác động đến các quyết định nội chính. Họ đồng loạt tuyên truyền rằng vụ án Hồ Duy Hải đã “phơi bày sự bất công của chế độ”, “xóa sạch mọi uy tín” mà chế độ có được nhờ đợt xử lý dịch COVID-19 vừa qua, và khiến không ai còn hy vọng rằng chế độ có thể thay đổi. Mục đích sau cùng của hướng tuyên truyền này là làm mất hy vọng, niềm tin của người dân vào Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ hiện tại.
Về mặt cảm xúc, hướng tuyên truyền này tập trung khai thác hình ảnh bà mẹ Hồ Duy Hải kêu khóc trước tòa, và lập luận rằng mọi người Việt Nam đều có thể chịu chung số phận với Hồ Duy Hải nếu không hành động.
Về mặt lập luận, hướng tuyên truyền này tập trung vào 3 ý:
Thứ nhất, họ viết rằng Việt Nam chỉ có các phiên tòa công bằng nếu có đa đảng, tam quyền phân lập và báo chí độc lập. Điển hình cho lập luận này là một số bài viết của Việt Tân và Nguyễn Văn Đài:
Thứ hai, họ viết rằng Bộ Chính trị Việt Nam đã chỉ đạo tử hình Hồ Duy Hải, vì vậy Bộ Chính trị mới là cơ quan phải chịu trách nhiệm về cái chết của Hải. Chẳng hạn, để chứng minh ý này, Nguyễn Anh Tuấn viết rằng Bộ Công an đã “đưa ra tuyên bố rõ ràng” rằng “tử hình Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội, đúng luật”, trong khi Bộ trưởng Bộ Công an là Ủy viên Bộ Chính trị:
Trong thực tế, Bộ Công an không đưa ra tuyên bố chính thức như vừa nêu, đó là kết luận trong báo cáo của tổ điều tra do Bộ Công an thành lập để thẩm định lại vụ án. Cụ thể, bài trên trang Tintucvietnam.vn có đoạn: “Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết sau khi có kháng nghị của Viện KSND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giao cơ quan điều tra của bộ thành lập một tổ công tác điều tra độc lập để thẩm định lại vụ án này. Tổ công tác này đã trình bày báo cáo trước Hội đồng thẩm phán. Báo cáo của Bộ Công an xác định bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.
Thứ ba, họ viết rằng phiên giám đốc thẩm của vụ Hồ Duy Hải chỉ là một nước cờ “đấu đá nội bộ” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhằm đưa “những người thân cận” lên trong Đại hội XIII. Điển hình cho lập luận này là post của Nguyễn Thành Kiên:
Khi trả lời phỏng vấn BBC, Nguyễn Hữu Vinh cũng nói rằng phiên giám đốc thẩm này liên quan đến Đại hội XIII. Tuy nhiên, ông Vinh đưa ra một quan điểm hơi khác, khi cho rằng việc này hợp lý về mặt chính trị:
Sau khi xem xét vấn đề, tôi xin đưa ra 2 ý kiến.
Thứ nhất, đa đảng, tam quyền phân lập, báo chí độc lập và thân Mỹ không phải là điều kiện đủ để công lý tồn tại. Ở nước Mỹ, con số ước tính, ít nhất 4% án tử hình oan sai mỗi năm. Ở nước đa đảng Philippines, mỗi năm đang có hàng nghìn người bị giết mà không qua xét xử, do bị cáo buộc tham gia buôn bán ma túy. Tổng thống Duterte còn khoe mình đã ném một nghi phạm ra khỏi trực thăng. Để có công lý, kiểm soát quyền lực là điều cần thiết (như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định), tuy nhiên không nên cho rằng đa đảng và tam quyền phân lập là những phương thức kiểm soát quyền lực duy nhất:
Thứ hai, thể chế chính trị hiện tại của Việt Nam có khả năng điều chỉnh để đảm bảo kiểm soát quyền lực hiệu quả, sao cho công lý được thực thi. Các cơ chế từ trên xuống (như hoạt động của Ủy ban Kiểm tra các cấp), hay từ dưới lên (như việc cho phép quay phim CSGT làm nhiệm vụ, bản thân hoạt động của dư luận mạng xã hội…) đã phát huy tác dụng trong nhiều vụ việc gần đây – như vụ triệt phá đường dây đánh bạc do 2 tướng công an bảo kê, vụ Vũ Nhôm, vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái… Bộ máy chính trị của Việt Nam cũng có khả năng tiến hành nhiều điều chỉnh khác – như việc chuyển hệ thống trại giam cho Bộ Tư pháp quản lý, một việc mà Trung Quốc đã làm. Ngoài ra, nên nhớ rằng trong vụ án Hồ Duy Hải, chính Viện Kiểm sát đã chỉ ra những nguyên tắc tố tụng hình sự bị vi phạm trong quá trình xử lý vụ án.
Nếu thực lòng muốn bảo vệ công lý ở Việt Nam, độc giả có thể tham gia vào những quá trình cải cách nêu trên, thay vì đòi phá hoại hệ thống hiện tại và đẩy đất nước vào một trạng thái vô chính phủ không đảm bảo được ngay cả thứ công lý tối thiểu.