Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

 

Nâng cao hiệu quả hợp tác, năng lực phòng, chống tội phạm trong ASEAN

            Trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ Công an Việt Nam cũng đã tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong cơ chế ASEAN+3 về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

 Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 15 (AMMTC 15) và các Hội nghị liên quan do Brunei Darussalam chủ trì theo hình thức trực tuyến, ngày 30/9, Đoàn đại biểu Việt Nam do Trung tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị tham vấn AMMTC + 3 lần thứ 11 và  AMMTC + Nhật Bản lần thứ 6 . 

Tại Hội nghị AMMTC + 3, Thứ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ, trong hơn 2 thập niên qua kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác, cơ chế hợp tác ASEAN với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã không ngừng được củng cố và phát triển, góp phần quan trọng vào hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Đông Á. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, hai bên đã tiếp tục duy trì và tăng cường hợp tác đối phó hiệu quả với những thách thức từ vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đang nổi lên.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác, năng lực phòng, chống tội phạm trong ASEAN -0
Thứ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại Hội nghị tham vấn AMMTC +3.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam, Thứ trưởng Lương Tam Quang gửi lời cảm ơn đến sự hỗ trợ tích cực của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong suốt thời gian qua với lực lượng thực thi pháp luật các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong đào tạo nâng cao năng lực thực thi pháp luật; viện trợ không hoàn lại phương tiện, thiết bị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; viện trợ vaccine ngừa COVID-19.

Trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ Công an Việt Nam cũng đã tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong cơ chế ASEAN+3 về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Trong đó nổi bật là việc chủ trì tổ chức hội nghị quốc tế “Nâng cao hiệu quả hợp tác, phối hợp trong bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm mạng của các nước ASEAN+3” theo hình thức trực tuyến ngày 28/12. Đây là hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác phòng, chống tội phạm mạng trong các nước ASEAN và các nước đối tác thông qua cơ chế đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng.

Về định hướng hợp tác ASEAN+3 đi vào chiều sâu và hiệu quả trong thời gian tới, Thứ trưởng Lương Tam Quang đề nghị hai bên dành ưu tiên cho hợp tác ứng phó dịch bệnh COVID-19. Theo đó, hai bên cần tăng cường hợp tác bảo đảm cung ứng đầy đủ vaccine phòng COVID-19 hướng tới tự cường, tự chủ về vaccine; phát triển chuỗi cung ứng vaccine khu vực gồm các trung tâm sản xuất vaccine tại các nước ASEAN+3; các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực y tế dự phòng và cung ứng vaccine cho các nước ASEAN.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác, năng lực phòng, chống tội phạm trong ASEAN -0
Các đại biểu tham dự Hội nghị tham vấn AMMTC +3.

Thứ trưởng Lương Tam Quang  đề nghị các bên liên quan tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động ASEAN+3 giai đoạn 2018-2022 về phòng, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ đào tạo cho cán bộ thực thi pháp luật trong lĩnh vực tội phạm mạng, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người... cho các nước ASEAN. Bên cạnh đó, ASEAN+3 cần chủ động, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật để thiết lập một cơ chế thuận lợi, hiệu quả trong ứng phó, xử lý tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia trong khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng AMMTC +3 về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 11.

Cùng ngày, phát biểu tại Hội nghị AMMTC + Nhật Bản, Thứ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ, Quan hệ đối thoại ASEAN-Nhật Bản đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoà bình, an ninh và phát triển thịnh vượng tại khu vực. Nhật Bản luôn tích cực đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược, hợp tác hiệu quả với ASEAN, cùng ứng phó với các thách thức từ môi trường khu vực và quốc tế đang biến chuyển sâu sắc, khó lường. Với vai trò điều phối trong quan hệ đối thoại ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hợp tác an ninh và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia đạt được nhiều kết quả ý nghĩa và thực chất.

Trong cơ chế hợp tác SOMTC/AMMTC thời gian qua, hai bên tập trung thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia đặc biệt là tội phạm mạng, tội phạm ma túy. 

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác, năng lực phòng, chống tội phạm trong ASEAN -0
Thứ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại Hội nghị tham vấn AMMTC + Nhật Bản.

Nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trong lĩnh vực an ninh, hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ đối thoại (1953-2023), Việt Nam đề nghị ASEAN-Nhật Bản tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động SOMTC-Nhật Bản về hợp tác phòng, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia giai đoạn 2018-2022. Tăng cường chia sẻ thông tin về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm để cùng nhau hợp tác, ứng phó hữu hiệu hơn với các thách thức đặt ra, nỗ lực duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển thịnh vượng ở khu vực.

Đẩy mạnh hợp tác trong chia sẻ kinh nghiệm nâng cao kiến thức chuyên môn, đẩy mạnh các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự cũng như dẫn độ tội phạm; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất và tiếp cận nguồn vaccine góp phần hỗ trợ các nước ASEAN phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác, năng lực phòng, chống tội phạm trong ASEAN -0
Các đại biểu tham dự Hội nghị tham vấn AMMTC + Nhật Bản.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng AMMTC + Nhật Bản về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 6.

 

Virus chống phá lại “biến màu”

Việc Việt Nam tiếp tục đứng vững trong đợt dịch lần thứ 4 và đang dần dần ổn định tiến tới tiêm chủng toàn dân để sống chung với dịch COVID-19 khiến cho các thế lực thù địch tỏ ra “thất vọng” và tiếp tục tìm cách chống phá.

Tại Thông báo số 256/TB-VPCP ngày 23/9/2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với các nhà khoa học về phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ: Nhiều nhà khoa học thống nhất việc không thể kiểm soát dịch COVID-19 một cách tuyệt đối, vì vậy chúng ta thống nhất cần phải thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh; cần có biện pháp, bước đi phù hợp để “thích ứng an toàn, linh hoạt” hoặc “sống chung” với dịch bệnh. Bộ Y tế cần tiếp thu các ý kiến và khẩn trương nghiên cứu, xác định rõ các tiêu chí thế nào là thích ứng an toàn, linh hoạt, thích ứng an toàn có kiểm soát; tiêu chí kiểm soát được dịch bệnh.

Như vậy, quan điểm này sẽ định hướng các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, sau thời gian nhiều địa phương phải quyết liệt áp dụng giãn cách xã hội, ngăn chặn với mục tiêu truy vết, không để F0 tồn tại trong cộng đồng.

Thủ đoạn mới, âm mưu cũ

Trước sự quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân, các thế lực thù địch tiếp tục tìm cách chống phá, bóp méo, chỉ trích công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước ta nhằm hướng lái dư luận và sự chú ý của quần chúng theo âm mưu, ý đồ của chúng, tiến tới kích động biểu tình, bạo loạn.

Việc Việt Nam tiếp tục đứng vững trong đợt dịch lần thứ 4 và đang dần dần ổn định tiến tới tiêm chủng toàn dân để sống chung với dịch COVID-19 khiến cho các thế lực thù địch tỏ ra “thất vọng” và tiếp tục tìm cách chống phá.

Để phủ nhận công sức của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng như gây hoang mang cho người dân trước việc Việt Nam đang chuẩn bị từng bước cho việc mở cửa dần dần kinh tế - xã hội, các đối tượng bịa đặt, đưa thông tin sai trái, lợi dụng một số sai sót trong phòng, chống dịch của Việt Nam để xuyên tạc, thổi phồng. Đó là việc đưa thông tin trên mạng xã hội những số liệu không chính xác; cho rằng “nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hoàn toàn bất lực trong chống dịch nên bắt dân phải sống chung với COVID-19”, vu cáo “chính quyền hoàn toàn không quan tâm gì đến người dân sống khổ sở trong thời đại dịch ra sao, chỉ nghĩ làm sao moi tiền dân bằng mọi cách”.

Thậm chí, các thế lực thù địch và các tổ chức phản động còn trắng trợn bịa đặt: “Nhìn Việt Nam mà lo, chỉ thương cho đồng bào chưa chết vì dịch thì nhiều người đã có khả năng chết vì đói. Suốt mùa dịch người dân chả nhận được sự hỗ trợ nào của Nhà nước thì chớ, lại còn bị bóp họng bắt phải đóng góp tiền mua vaccine”! Từ đó, chúng hướng đến kích động “thương cho người Việt mình còn phải tiếp tục chịu đựng cái Đảng cầm quyền bất lực, tham lam này cho đến bao giờ”!

Tráo trở hơn, các đối tượng còn cắt ghép nhiều hình ảnh xe bọc thép tung lên mạng để xuyên tạc về lực lượng Quân đội, Công an, cho rằng chính quyền huy động các lực lượng này để “đàn áp nếu dân đói xuống đường đòi quan chức mở kho lương”, vu cáo “Quân đội hiện diện khắp đường phố Sài Gòn là để o ép dân chứ không phải chống dịch”! Không chỉ tung thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên các nền tảng mạng xã hội ở trong nước, các đối  tượng còn đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc trên các trang thông tin nước ngoài nhằm hạ uy tín của Việt Nam, khiến cho bè bạn quốc tế có cái nhìn không đúng về công tác phòng, chống dịch của nước ta. Đồng thời thông qua đó gián tiếp tác động đến hoạt động ngoại giao vaccine của Việt Nam.

Theo cơ quan chức năng, trong thời gian qua, các tổ chức phản động ở bên ngoài tiếp tục duy trì, lập mới hàng nghìn website, blog, fanpage Facebook trên không gian mạng nhằm đẩy mạnh chiến dịch “chiến tranh tâm lý”, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước; xuyên tạc chia rẽ nội bộ, gieo rắc tâm lý hoang mang, hoài nghi, bất bình trong nhân dân đối với chế độ.

Điểm mới trong phương thức, thủ đoạn tuyên truyền phá hoại tư tưởng so với trước là: Các thế lực thù địch và các tổ chức phản động lưu vong triệt để lợi dụng những thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ, ứng dụng các loại hình dịch vụ mới trên không gian mạng để đăng tải, phát tán thông tin sai trái, thù địch trên diện rộng với nhiều bình luận phức tạp. Sử dụng ứng dụng thoại trên Internet, thư điện tử, phần mềm chuyên dụng, mạng xã hội để hoạt động chống phá.

Chúng lập các nhóm kín trên mạng xã hội, phân chia theo khu vực địa lý để tập hợp lực lượng trong nước tham gia tổ chức, chỉ đạo chống phá. Các đối tượng chống đối, bất mãn, khiếu kiện, lợi dụng tôn giáo thường xuyên liên hệ, trao đổi qua mạng với các đối tượng phản động lưu vong để nhận sự giúp đỡ hoặc trả lời phỏng vấn, phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội.

Đặc điểm chung của hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc về sự chuẩn bị của Đảng, Nhà nước ta cho giai đoạn phòng, chống dịch trong tình hình mới và hướng tới mở cửa nền kinh tế, chung sống với dịch bệnh là bác bỏ, phủ nhận các chủ trương, chính sách chống dịch của Đảng, Nhà nước; đồng thời cố tình hướng lái sự hy sinh, vất vả, nguy hiểm mà các lực lượng đang ngày đêm quên mình chống dịch như lực lượng Y tế, Công an, Quân đội…, kích động người dân không thực hiện các quy định trong phòng, chống dịch. Trong đó phải kể đến một số thủ đoạn, âm mưu nguy hiểm sau:

Thứ nhất, lợi dụng việc triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ tại các địa phương có diễn biến dịch phức tạp để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo về quyền tự do đi lại, vu cáo “ngăn sông cấm chợ”... gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Chúng phỏng vấn một số trường hợp người lao động tự do rồi cắt ghép nội dung, đổi trắng thay đen hòng “củng cố” cho những luận điệu xuyên tạc của mình.

Thứ hai, xuyên tạc về công tác điều trị dịch bệnh, cho rằng chính quyền không chủ động trong ứng phó dịch bệnh mà nay lại tìm cách “sống chung với dịch” là bỏ mặc dân. Phỏng vấn trực tiếp, tạo hiệu ứng đám đông cho các đối tượng chống đối cộm cán trong nước với danh nghĩa “chuyên gia”, người “uy tín” và những đối tượng là người nước ngoài không có thiện cảm với Việt Nam, sau đó phát tán rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội, phương tiện truyền thông ngoài nước. Sử dụng video, clip bị cắt xén, lồng ghép những hình ảnh, âm thanh xuyên tạc về dịch COVID-19 gây hoang mang dư luận; đăng bài viết có tiêu đề giật gân nhưng nội dung thì xáo lại chuyện cũ nhằm tăng tỉ lệ tương tác, lượt like, câu “view”, tư lợi, “đánh bóng tên tuổi”…

Tỉnh táo trước thông tin độc hại

Để chuẩn bị cho giải đoạn mới mở cửa nền kinh tế, tiến tới chung sống với dịch COVID-19, người dân cần phải làm gì trước thông tin xuyên tạc sai sự thật, kích động của kẻ xấu? Theo chúng tôi, cần lưu ý một số nội dung sau:

Trước hết, khi tiếp cận những thông tin không rõ nguồn trên mạng Internet cần thận trọng; với thông tin xuyên tạc, sai sự thật, kích động của các thế lực thù địch và các tổ chức phản động, người dân cần hết sức bình tĩnh, chắt lọc, đối chiếu với thông tin chính thống để tìm ra những điểm bất hợp lý, điểm sai trái không đúng sự thật, tránh biến mình thành công cụ phát tán thông tin giả, gây hoang mang dư luận. Việc không share, like, comment những thông tin trên cũng góp phần kiểm soát dịch bệnh.

Không nghe theo kẻ xấu kích động mà cần làm đúng theo hướng dẫn của chính quyền, hợp tác với chính quyền và cơ quan chức năng trong khai báo y tế, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tụ tập đông người, tham gia sàng lọc khi có yêu cầu và tiêm vaccine để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và cộng đồng, góp phần sớm đưa Việt Nam bước vào giai đoạn sống chung với dịch COVID-19.

Tỉnh táo, cảnh giác trước những lời lẽ kích động, xúi giục của số đối tượng chống phá. Đừng vì lợi ích viển vông mà tự hủy hoại tính mạng, sức khỏe, tự đạp đổ “chén cơm” của mình, khiến mình rơi vào vòng lao lý và làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của bản thân, cùng sẻ chia khó khăn với đồng bào và đất nước. Với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, Việt Nam chúng ta đã và đang đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước phục hồi kinh tế.

 

Công phu như… bảo quản vaccine COVID-19

Trong chiến dịch tiêm chủng vaccine có một không hai như hiện nay, chuyện “cất giữ” loại hàng hóa đặc biệt như vaccine COVID-19 cũng đang diễn ra với quy mô lớn và mức độ cấp bách chưa từng có. Để đảm bảo chất lượng vaccine, phát huy hiệu quả trong phòng dịch, việc vận chuyển, lưu trữ và bảo quản các loại vaccine COVID-19 đúng chuẩn với những điều kiện bảo quản khác nhau là cả một quá trình công phu, tốn kém và không hề đơn giản

Mỗi vaccine một kiểu bảo quản

Không phải loại vaccine COVID-19 được cấp phép nào hiện nay cũng đều có điều kiện bảo quản giống nhau. Có loại vaccine COVID-19 chỉ cần “ở” trong điều kiện nhiệt độ lạnh vừa từ 2-8 độ C đã đảm bảo được chất lượng. Có nhiều loại tủ lạnh thông thường hiện nay có thể bảo quản được  vaccine ở nhiệt độ này.

Công phu như… bảo quản vaccine COVID-19 -0
Một lô vaccine COVID-19 vừa “hạ cánh”, được phun khử khuẩn tại sân bay trước khi vận chuyển đến kho bảo quản chuyên dụng.

Nhưng cũng có loại “khó tính” chỉ thích hợp môi trường siêu lạnh. Như vaccine COVID-19 của Công ty Moderna (Mỹ) cần được bảo quản đông lạnh ở nhiệt độ từ -25° đến -15°C với thời hạn sử dụng 6 tháng. Có thể bảo quản các lọ vaccine chưa bị chọc thủng ở nhiệt độ từ 8° đến 25°C trong tối đa 12 giờ. Các lọ vaccine khi đã rã đông thì tuyệt đối không được làm đông lạnh trở lại.

Kén môi trường nhất phải kể đến vaccine của Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) được bảo quản trong môi trường nhiệt độ âm sâu từ -80 độ C đến -60 độ C. Chính vì điều kiện bảo quản quá khắt khe nên việc phân phối vaccine COVID-19 này đã trở thành cơn ác mộng về hậu cần cho nhiều quốc gia.

Song song với cuộc đua chế tạo và sản xuất vaccine là cuộc chạy nước rút để chế tạo ra hệ thống tủ bảo quản vaccine và các thiết bị đi kèm. Không chỉ là kho lạnh, mà phải có một chuỗi cung ứng lạnh duy trì liền mạch từ lúc vaccine xuất xưởng cho đến khi được sử dụng.

Chẳng hạn, khi vaccine hạ cánh xuống sân bay, cần có hệ thống xe lạnh vận chuyển về các kho tổng, từ kho tổng đến các trung tâm. Tại mỗi trung tâm lại có kho bảo quản vaccine riêng. Để vận chuyển vaccine từ kho trung tâm đến các phòng tiêm cần có các thùng bảo quản chuyên dụng. Và khi đã “dừng chân” ở điểm cuối là các phòng tiêm, vaccine tiếp tục được bảo quản trong các tủ lạnh trong tư thế “chờ tiêm”. Tất cả các kho lạnh, xe lạnh, thùng vận chuyển, tủ lạnh đều được tiến hành thẩm định, đánh giá điều kiện bảo quản đạt trước khi đưa vào sử dụng.

Công phu như… bảo quản vaccine COVID-19 -0
Hệ thống kho lạnh âm sâu bảo quản vaccine COVID-19 ở nhiệt độ -86 độ C đến -40 độ C.

Ở Việt Nam, từ trước đến nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng chưa có hệ thống dây chuyền bảo quản vaccine ở nhiệt độ âm sâu. Ngay tại thủ đô Hà Nội cũng không có hệ thống bảo quản lạnh âm sâu đối với vaccine Moderna và Pfizer. Năng lực tối đa của hệ thống y tế dự phòng Hà Nội cũng chỉ bảo quản được gần 1,3 triệu liều vaccine ở nhiệt độ 2-8 độ C.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, khi  vaccine nhập ồ ạt về với số lượng lớn và nhiều loại, thành phố phải dựa vào Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, những đơn vị có cơ sở vật chất bảo quản vaccine COVID-19.

Thiếu hụt kho lạnh âm sâu

Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, khái niệm tủ lạnh âm sâu vẫn còn khá xa lạ, ngoại trừ trong giới y học và các ngành công nghiệp liên quan. Nhưng khi Pfizer thông báo vaccine của họ cần phải được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C, thì lập tức loại thiết bị y tế hiện đại và đắt đỏ này được các nước cuống cuồng tìm kiếm.

Công phu như… bảo quản vaccine COVID-19 -0
Các nhân viên vận hành phải thuần thục các thao tác kĩ thuật để vận hành tủ lạnh âm sâu.

Hiện nay ở Việt Nam, Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) là một trong số rất ít đơn vị có hệ thống kho lạnh âm sâu. Mỗi kho lạnh chứa nhiều tủ âm sâu duy trì nhiệt độ cực thấp và luôn ổn định, có nhiều mức nhiệt độ được thiết kế khoảng từ -86 độ C đến -40 độ C để đáp ứng mọi khả năng duy trì nhiệt độ và bảo quản vaccine ở điều kiện tốt nhất.

Theo các chuyên gia giám sát kĩ thuật tại VNVC, sự phân bố nhiệt độ bên trong tủ âm sâu rất đồng đều, đảm bảo cho vaccine luôn được giữ trong cùng một điều kiện nhiệt độ. Loại tủ này sử dụng gas lạnh và công nghệ làm lạnh ghép tầng, là sản phẩm đầu tiên trên thế giới có hệ thống cảnh báo qua GSM và chức năng điều khiển thiết bị từ xa. Để vận chuyển được loại vaccine này cũng cần đến xe vận chuyển siêu lạnh.

Bà Trần Thị Trung Trinh - Giám đốc Kiểm soát chất lượng của VNVC cho biết, ở thời điểm mà vaccine COVID-19 là vấn đề sống còn như hiện nay thì các kho lạnh âm sâu ngoài yêu cầu đảm bảo chất lượng      vaccine còn phải đáp ứng về sức chứa lớn. Hiện tại có 3 kho lạnh âm sâu của VNVC tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng gồm 30 tủ âm sâu với sức chứa lên tới 3 triệu liều   vaccine tại cùng một thời điểm. Tại mỗi kho lạnh âm sâu đều được trang bị một kho rã đông riêng được kiểm soát nhiệt độ dưới 8 độ C để đảm bảo vaccine được rã đông an toàn trước khi đưa vào sử dụng.

Công phu như… bảo quản vaccine COVID-19 -0
Phích vaccine có thể bảo quản vaccine trong thời gian 1-2 ngày.

Trong các kho lạnh, hàng loạt tủ lạnh âm sâu được phân bố thẳng hàng thẳng lối. Trên mỗi cánh tủ đều hiển thị nhiệt độ đang duy trì và nhiều thông số kĩ thuật khác. Để đảm bảo cho các kho lạnh âm sâu hoạt động tốt thì hệ thống điện vận hành thiết bị máy móc luôn ổn định.

Khi có sự cố xảy ra, hệ thống cảnh báo 3 lớp sẽ phát huy tác dụng, gồm cảnh báo tại chỗ bằng tín hiệu còi và đèn, cảnh báo từ xa qua tin nhắn SMS và qua email đến thủ kho, quản lý kho và bộ phận quản lý chất lượng và bảo trì. Theo một nhân viên phụ trách kĩ thuật kho lạnh âm sâu thì luôn có hai nguồn điện dự phòng trong trường hợp mất điện lưới quốc gia. Nếu có sự cố xảy ra, chỉ trong vòng 30 giây, máy phát sẽ khởi động và cung cấp điện cho hệ thống hoạt động ổn định.

Quy trình đảm bảo chất lượng vận hành dây chuyền lạnh âm sâu rất nghiêm ngặt, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu đặc thù của lĩnh vực này. Bởi thế, các nhân viên vận hành phải thuần thục các thao tác kĩ thuật. Làm việc trong phòng bảo quản này, nhân viên phải mặc đồ bảo hộ đúng tiêu chuẩn, có mũ trùm kín đầu để có thể chịu đựng được nhiệt độ “khủng”.

Tận dụng tối đa kho lạnh 2-8 độ C

Hệ thống kho lạnh bảo quản vaccine COVID-19 trong điều kiện nhiệt độ lạnh thông thường 2-8 độ C phổ biến hơn. Trên cả nước hiện tại có nhiều đơn vị y tế có kho lạnh bảo quản nhiệt độ từ 2-8 độ C. Và đây là thời điểm tận dụng tối đa hệ thống kho lạnh loại này để bảo quản vaccine COVID-19.

Công phu như… bảo quản vaccine COVID-19 -0
Theo dõi nhiệt độ dây chuyền lạnh bảo quản vaccine hàng ngày tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn (Nguồn: Sở Y tế Lạng Sơn).

Theo Bộ Y tế thì cả nước có thể bảo quản được tối đa 122 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó tuyến Trung ương bảo quản được 54 triệu liều; các tuyến tỉnh, thành phố có thể bảo quản được 33 triệu liều; tuyến quận, huyện khoảng 35 triệu liều. Kho lạnh dạng này có thể bảo quản được nhiều loại vaccine COVID-19 “dễ tính” hơn như AstraZeneca của Anh,  Vero Cell của Trung Quốc, Abdala của Cuba. Mới đây, lô vaccine Sputnik V mã số SV-030721 do Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm Số 1 (VABIOTECH) sản xuất đã được phía Nga phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu quy chuẩn. Nhiệt độ bảo quản của loại vaccine này cũng ở 2-8 độ C, có thể bảo quản trong tủ lạnh thông thường.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội, hiện đơn vị này có một kho lạnh bảo quản vaccine tiêm chủng dịch vụ, thể tích 40m³, có thể chứa thêm 150.000 liều vaccine AstraZeneca; một kho lạnh bảo quản vaccine tiêm chủng mở rộng, thể tích 16m³, có thể chứa thêm 100.000 liều vaccine AstraZeneca. Ngoài ra, Hà Nội có 6 tủ lạnh 3.000 và 3.000 AC (thể tích 126 lít, sức chứa tối đa 10.000 liều/tủ); 6 hòm lạnh bảo quản vaccine thể tích 44 lít/chiếc. Tổng số liều vaccine COVID-19 có thể bảo quản là 310.000 liều. Tại các trung tâm y tế quận, huyện và trạm y tế phường, xã có 34 tủ TCW 3000 và 3000 AC, thể tích 126 lít, sức chứa tối đa 10.000 liều/tủ chưa tính vaccine tiêm chủng mở rộng. Sức chứa thêm khi bảo quản cả vaccine tiêm chủng mở rộng trung bình khoảng 8.000 liều.

T12_6-1632880600891.jpg
Nhân viên kĩ thuật làm việc trong kho bảo quản vaccine COVID-19.

Ở tuyến tỉnh, vaccine được vận chuyển từ kho của tỉnh xuống huyện, từ kho của huyện tới cơ sở y tế hoặc từ trạm y tế xã tới điểm tiêm chủng ngoài trạm. Khi tiếp nhận vaccine, nhân viên y tế có trách nhiệm kiểm tra tình trạng bảo quản và các thông tin khác theo quy định. Vaccine không bảo quản chung với các sản phẩm khác và phải được sắp xếp đúng vị trí. Khi thực hiện thao tác với hộp, lọ vaccine phải tuyệt đối đảm bảo vệ sinh. Việc theo dõi nhiệt độ dây chuyền lạnh bảo quản vaccine được tiến hành hàng ngày, kể cả ngày lễ, ngày nghỉ và ghi vào bảng theo dõi nhiệt độ tối thiểu 2 lần/ngày ở buổi sáng bắt đầu ngày làm việc và buổi chiều trước khi kết thúc ngày làm việc.

Càng xuống đến các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa thì việc bảo quản vaccine càng khó khăn. Lúc này hòm lạnh, phích vaccine là dụng cụ quan trọng trong quá trình tiếp nhận và bảo quản từ khi bắt đầu tiêm chủng đến lúc kết thúc buổi tiêm.

Nếu như hòm lạnh bảo quản vaccine và dung môi trong quá trình vận chuyển hoặc lưu trữ với thời hạn từ 4-7 ngày thì phích vaccine chỉ bảo quản vaccine trong thời hạn 1-2 ngày. Có nhiệt kế và chỉ thị đông băng điện tử đối với kho hoặc tủ lạnh bảo quản vaccine của tuyến tỉnh và tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố; có nhiệt kế đối với tủ lạnh, hòm lạnh hoặc phích vaccine của tuyến xã, phường, thị trấn. Những lọ vaccine chưa mở sau buổi tiêm chủng cần được tiếp tục bảo quản trong thiết bị dây chuyền lạnh và sử dụng trước vào buổi tiêm chủng kế tiếp.

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

'Điểm mù' có khả năng tạo ra xung đột trên Biển Đông

 

'Điểm mù' có khả năng tạo ra xung đột trên Biển Đông


Luật ATGTHH khi được áp dụng song hành với Luật Hải cảnh sẽ trở thành bộ đôi công cụ để Trung Quốc thực hiện chiến thuật “vùng xám” của mình, gia tăng triển khai lực lượng chấp pháp trên các vùng biển yêu sách.

Nếu như Luật Hải cảnh quy định lực lượng chấp pháp có thể ngăn cản, chặn và loại trừ các hành vi gây nguy hiểm tới chủ quyền, an ninh, quyền và lợi ích hàng hải quốc gia (điều 12) và cho sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết, kể cả vũ khí (điều 21, 22) thì điều 92 của Luật ATGTHH sửa đổi cũng cho phép MSA yêu cầu hoặc xua đuổi tàu thuyền nước ngoài rời đi và thực hiện cả quyền truy đuổi nóng nếu các đối tượng này không khai báo khi đi qua “lãnh hải” của Trung Quốc.

Lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc khi được trao nhiều quyền hạn như kể trên, đồng thời tăng cường hiện diện tại các vùng biển tranh chấp thì khó có thể được coi là đang thực hiện nhiệm vụ “thực thi pháp luật” thông thường trong thời bình, mà đã trở thành mối đe dọa đối với các quốc gia ven biển.

Nếu đi lại hợp pháp thì phải được tôn trọng

Gần đây, có nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Ấn Độ... đưa tàu tới khu vực Biển Đông. Về vấn đề này, UNCLOS 1982 quy định, tại những vùng biển vượt quá giới hạn 12 hải lý, các quốc gia ven biển cần phải đảm bảo tàu thuyền nước ngoài được thực hiện quyền tự do hàng hải (điều 58, 86-87, 89-90).

Nguyên tắc trên cũng đã được công nhận là tập quán quốc tế bởi Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Vì vậy, không chỉ các nước thành viên UNCLOS mà kể cả Mỹ, dù chưa tham gia Công ước, vẫn có thể chịu ràng buộc.

Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines liên quan đến "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc đơn phương đưa ra cũng đã chỉ ra Biển Đông hiện giờ là một vùng biển mở mà tàu thuyền các quốc gia trên thế giới đều có thể được hưởng tự do hàng hải.

Cũng theo UNCLOS 1982, bên ngoài giới hạn 12 hải lý, các quốc gia không được yêu sách bất kỳ phần nào của vùng biển quốc tế, kể cả vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), là thuộc chủ quyền của họ (điều 58, 89).

Vì vậy, Trung Quốc không có quyền chỉ trích hay cản trở tàu thuyền các quốc gia đi lại hợp pháp trong khu vực Biển Đông, nằm ngoài lãnh hải của nước này (đối với lãnh hải, tàu thuyền các quốc gia có quyền qua lại vô hại).

Việc Trung Quốc gọi các quốc gia như Mỹ, Anh, Ấn Độ thực thi các quyền tự do hàng hải tại Biển Đông là “thách thức” thể hiện thái độ chưa thiện chí và thiếu đi sự tôn trọng cần thiết đối với UNCLOS 1982 nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung.

Một tàu tuần duyên Philippines lướt qua tàu tuần duyên Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông vào tháng 5 năm 2019
Một tàu tuần duyên Philippines lướt qua tàu tuần duyên Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông vào tháng 5/2019. (Ảnh: QT)

COC quan trọng nhưng cơ chế giám sát quan trọng hơn

Các động thái của Trung Quốc tại Biển Đông như kể trên đã ảnh hưởng đến hoà bình, an ninh, ổn định trong khu vực và quyền tự do hàng hải. Một bộ quy tắc ứng xử là giải pháp cần thiết để Trung Quốc kiềm chế và điều chỉnh hành vi của mình phù hợp hơn với luật pháp quốc tế.

Tháng 8/2018, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về một văn kiện dự thảo để đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) tại Singapore.

Bản dự thảo không có trên trang web chính thức của ASEAN nhưng đã được GS. Carl Thayer, chuyên gia Australia về Việt Nam và vấn đề Biển Đông trích dẫn nội dung trong bài báo “A Closer Look at the ASEAN-China Single Draft South China Sea Code of Conduct” (tạm dịch: “Một cái nhìn sát hơn với Bản dự thảo COC”).

Theo đó, một cơ chế giám sát hoạt động đã được đề xuất trong bản dự thảo này, nhưng mới chỉ được nhắc đến một cách chung chung. Cơ chế này được cho là chỉ giám sát việc thực thi COC chứ dự thảo không quy định điều gì sẽ xảy ra nếu một bên bị phát hiện vi phạm Bộ quy tắc.

Dù còn quá sớm để khẳng định được nỗ lực biến COC trở thành một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý có thành hiện thực được hay không, điều cốt yếu là phải xây dựng các cơ chế giám sát để đảm bảo tính hiệu quả của nó.

COC chỉ có hiệu quả khi bảo đảm thực thi luật pháp và các quy phạm quốc tế. Sự thành công của COC phải được đo lường bằng mức độ mà COC được tất cả các bên tuân thủ.

Chỉ khi đó, sự hợp tác và tin cậy lẫn nhau mới có thể được xây dựng giữa các bên tranh chấp.

COC sẽ không phải là công cụ để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hoặc các vấn đề phân định biển, nhưng một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý với cơ chế giám sát hiệu quả có thể mang lại hòa bình và giảm căng thẳng trong khu vực.

Việc giám sát COC có thể được tiếp quản phụ trách bởi cơ quan có sẵn như Nhóm Công tác chung ASEAN-Trung Quốc về Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc về DOC do hai cơ quan này đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đưa ra phương thức phối hợp và cách thức cụ thể nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả Tuyên bố DOC.

Tuy nhiên, các bên ký kết COC cũng có thể nghiên cứu thành lập một cơ quan có thẩm quyền thu thập thông tin. Cơ quan độc lập này cần bao gồm đại diện được tin cậy của tất cả các bên và sẽ báo cáo thường xuyên về việc tuân thủ COC.

Việc thành lập một cơ quan như vậy sẽ yêu cầu sự cân nhắc kỹ lưỡng về việc đối tượng nào có thể báo cáo trực tiếp thông tin liên quan đến việc không tuân thủ COC, bao gồm cả xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và ngư dân từ bất kỳ nước thành viên nào, hay chỉ giới hạn cho công chức chính phủ các nước.

Tiếng nói chung của thế giới về Biển Đông

 

Tiếng nói chung của thế giới về Biển Đông


Mới đây, Mỹ và Australia đã tiến hành cuộc tham vấn thường niên theo cơ chế '2+2' lần thứ 31, trong đó nhấn mạnh tới những quan ngại về Biển Đông, cũng như đề cao việc thượng tôn luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

0:00/ 4:48
Nam miền Bắc

(Từ trái qua phải) Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton, Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong cuộc gặp tại Thủ đô Washington, Mỹ trong tuần trước. Ảnh: REUTERS

Kiên quyết phản đối các diễn biến phức tạp

Tham dự cuộc tham vấn này, về phía Mỹ có Ngoại trưởng Anthony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin; về phía Australia có Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton. Sau cuộc tham vấn, Mỹ và Australia đã ra Tuyên bố chung, trong đó đề cao tầm quan trọng trong việc thực hiện các quyền và quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, phù hợp với UNCLOS, gồm quyền tự do hàng hải, hàng không và việc sử dụng hợp pháp vùng biển này trên bình diện quốc tế gắn với các quyền tự do đó.

Các Bộ trưởng của hai nước cùng nhấn mạnh rằng, việc tuân thủ luật pháp quốc tế là điều quan trọng bậc nhất để đảm bảo sự ổn định, thịnh vượng của khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Mặt khác, các Bộ trưởng của hai nước tái khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác trên biển với nhiều đối tác, đồng thời quyết tâm phối hợp với các đối tác để đối phó với những diễn biến phức tạp tại khu vực.

Một trong những điểm nhấn quan trọng, các Bộ trưởng của Mỹ và Australia quan ngại về những tuyên bố chủ quyền hàng hải, cũng như những hành động không dựa trên cơ sở pháp lý, đồng thời kêu gọi mọi quốc gia đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với UNCLOS và Phán quyết trọng tài 2016 có tính ràng buộc pháp lý với các bên liên quan.

Các Bộ trưởng cũng tiếp tục thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với mọi hành động quân sự hóa các thực thể địa lý đang tranh chấp; những hành vi gây mất ổn định khác, gồm những hành vi sử dụng lực lượng vũ trang và dân quân biển; các động thái làm gián đoạn hoạt động khai thác toàn nguyên biển của các quốc gia...

Trước đó, trong cuộc gặp theo cơ chế “2+2” giữa Australia và Pháp, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước nhấn mạnh lập trường kiên quyết phản đối mọi hành động cưỡng ép hoặc gây bất ổn, có thể làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Đồng thời tái khẳng định, mọi bất đồng đều phải được giải quyết theo giải pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS.

Theo Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Pháp và Australia sẽ tăng cường hợp tác chung để triển khai chiến lược tại khu vực nhằm đảm bảo Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đồng thời khẳng định, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cơ chế của ASEAN cần đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, bởi đây là cốt lõi, đóng vai trò quyết định cho nền hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Cam kết vững chắc vì lợi ích khu vực

Phó Đô đốc Michael McAllister, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương cho biết, Mỹ là nước đi đầu trong lĩnh vực an ninh và an toàn hàng hải nên luôn có vai trò đóng góp vào sự ổn định và an ninh của khu vực. Điều này là động lực để Mỹ nâng cao khả năng và năng lực của các nước đối tác trong việc thực hiện sứ mệnh đóng góp cho lợi ích chung. Phó Đô đốc Michael McAllister cũng nhấn mạnh, cam kết của Mỹ hiện đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trong đó, Mỹ luôn khẳng định rằng, quan hệ đối tác là chìa khóa để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và quản trị hàng hải.

Về Biển Đông, Phó đô đốc Michael McAllister đánh giá, đây là tuyến đường vận tải hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới nên sự hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển có vai trò rất quan trọng. Theo quan điểm xuyên suốt của Mỹ, điều quan trọng nhất là thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế trong khu vực.

Tại khu vực Biển Đông, gần đây, Mỹ và Philippines cam kết đẩy mạnh hợp tác quân sự với một trong những trọng tâm là đảm bảo hòa bình, ổn định. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana đã đưa ra Tuyên bố chung của hai nước khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quân sự; thống nhất hợp tác trong khuôn khổ hàng hải song phương nhằm thúc đẩy hợp tác hàng hải; nối lại các dự án quốc phòng;... Bên cạnh việc khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế, giới chức hai nước cũng nhất trí tăng cường hợp tác hàng hải chặt chẽ hơn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên đảo Trường Sa tuần tra, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cùng bày tỏ những quan ngại xoay quanh những diễn biến phức tạp trên vùng biển này. Đồng thời tái khẳng định, Mỹ và Philippines đã duy trì tốt các cam kết trong Hiệp ước Phòng thủ chung xuyên suốt 7 thập kỷ. Điều này là nền tảng và động lực để hai nước tiếp tục cam kết giữ mối quan hệ đồng minh vững chắc trong thời gian tới, cùng ứng phó và giải quyết hiệu quả các thách thức đặt ra tại khu vực.

Tại châu Âu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova vừa qua khẳng định trước truyền thông quốc tế rằng, quan điểm của Nga đối với Biển Đông là nhất quán. Nga không phải là một bên trong các tranh chấp ở Biển Đông và không đứng về bên nào. Đồng thời, Nga coi những nỗ lực can thiệp từ bên ngoài vào việc giải quyết vấn đề Biển Đông là phản tác dụng. Thay vào đó, các bên liên quan cần tổ chức tham vấn, đàm phán theo các hình thức phù hợp để giải quyết bất đồng một cách hòa bình và hài hòa.

Theo giới quan sát an ninh quốc tế, trước đây, Liên minh châu Âu (EU) thường đứng trung lập trong tranh chấp Biển Đông. Song, đến nay, 27 quốc gia thành viên EU đã khẳng định rằng, căng thẳng ở Biển Đông đe dọa đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Giới chuyên gia cho rằng, sự điều chỉnh quan điểm, thái độ của EU đối với Biển Đông cho thấy sự thay đổi nhận thức của phương Tây đối với khu vực là rất đáng kể. Trong lời kêu gọi liên quan tới nỗ lực quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, EU nhấn mạnh rằng, bất kỳ hành động đơn phương nào đều sẽ làm suy yếu sự ổn định của khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Mạng lưới nhân quyền Việt Nam lại giở trò chống phá bằng bản "báo cáo nhân quyền" vô căn cứ!

 Mạng lưới nhân quyền Việt Nam lại giở trò chống phá bằng bản "báo cáo nhân quyền" vô căn cứ!


Mới đây, tổ chức mạng lưới nhân quyền Việt Nam cho công bố “báo cáo nhân quyền” để nói về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2020 và năm tháng đầu năm 2021. Cộng đồng mạng lại thêm một lần được thưởng thức một vở kịch dở tệ của các nhà biên kịch zân chủ bởi từ lâu, ai nấy đều đã biết bản chất xuyên tạc của tổ chức này. 


Gọi là mạng lưới nhân quyền Việt Nam cho nó "sang mồm" chứ thực chất, đây chính là một tổ chức chống cộng trá hình. Tháng 11/1997, một nhóm đối tượng phản động người Việt trên đất Mỹ do Nguyễn Thanh Trang, Lê Minh Nguyên, Ngô Văn Hiếu, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Lâm Thu Vân, Nguyễn Thị Hồng Liên, Nguyễn Quốc Khải, Đoàn Việt Trung... cầm đầu đã tổ chức “Hội nghị quốc tế” tại thành phố Santa Ana, thuộc quận Orange County (hay còn gọi là quận Cam), bang California, Mỹ công bố thành lập cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” (tên tiếng Anh là Vietnam Human Rights Network - viết tắt là VHRN), trụ sở ở số 14550 Magnolia St.,Suite 203. Westminster, CA 92683, Mỹ.

Số đối tượng cầm đầu Mạng lưới nhân quyền Việt Nam đã móc nối gây dựng quan hệ với 25 nhóm, tổ chức phản động lưu vong người Việt ở hải ngoại, gồm: “Báo tự do ngôn luận”, “Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam”, “Ủy ban quốc tế tự do tôn giáo cho Việt Nam”, “Tiếng dân kêu cứu”, “Diễn đàn dân chủ”, “Tập hợp Thanh niên dân chủ” “nhóm Thông luận” (của Nguyễn Gia Kiểng, tại Pháp), “Mạng ý kiến”, “Thông điệp xanh”, “Cánh én”, “Đàn chim Việt”, “Mạng lưới tuổi trẻ Việt Nam lên đường”, “Liên minh Việt Nam tự do” (tổ chức ngoại vi của tổ chức khủng bố “Việt Tân”), “Phong trào thống nhất dân tộc và xây dựng dân chủ”... nhằm phối hợp chống phá Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam còn móc nối quan hệ với một số tổ chức nhân quyền quốc tế - gần đây đã có những hoạt động vu cáo, xuyên tạc chống phá Nhà nước Việt Nam về “dân chủ, nhân quyền” - như: tổ chức “Ân xá quốc tế” (Amnesty International - AI), “Quan sát nhân quyền” (Human Rights Watch - HRW), “Nhà báo không biên giới” (Reporters Sans Frontieres - RSF), “Ủy ban bảo vệ ký giả” (Committee to Protect Journalists - CPJ)...


Thế nên, càng không lạ gì khi mạng lưới nhân quyền Việt Nam chính là lớp vỏ bọc để các nhà rận chủ, các phần tử chống đối, phản động hoạt động chống phá. Cụ thể, trong "báo cáo nhân quyền", mạng lưới nhân quyền Việt Nam xuyên tạc, đổi trắng thay đen bản chất của những vụ án như của tử tù Hồ Duy Hải, vụ Đồng Tâm…khi cho rằng "những vụ án này đã phơi bày nhiều sai phạm trong hệ thống tư pháp của Việt Nam nói chung và đặc biệt các thủ tục truy tố trong các vụ án chính trị". Không những vậy, tổ chức này đưa ra những luận điệu đầy cảm tính, vô căn cứ rằng: “Tình trạng bạo hành của Công an Việt Nam trong thời gian qua không có dấu hiệu giảm bớt với ít nhất 16 trường hợp chết trong lúc bị công an tạm giữ để điều tra” rồi mạnh miệng yêu cầu “Việt Nam cần chấm dứt các hình thức tra tấn và giam giữ tùy tiện”... 

Không biết những con số, bằng chứng trên được mạng lưới nhân quyền Việt Nam lấy từ đâu? Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ một tổ chức chính thống trong nước và quốc tế nào đưa ra những vấn đề về việc Công an, chính quyền ta tra tấn, giam giữ tùy tiện các "tù nhân lương tâm" cả. Thử hỏi nếu việc này có thật, không biết liệu các tổ chức xã hội dân sự hay đám cơ hội chính trị trong nước có dựng ngược, nhảy đòng đong, cân cấn đòi "công lý" rồi chính phủ một số nước vốn được coi là "xứ thiên đường dân chủ" có "để yên" cho Việt Nam hay không? 

Thế mới thấy, những luận điệu của Mạng lưới nhân quyền Việt Nam hoàn toàn là bịa đặt, những căn cứ mà họ đưa ra hết sức lố bịch, phi căn cứ. Nó cho thấy bản chất chống cộng cực đoan của tổ chức này./.

VẮC XIN NANOCOVAX ĐƯỢC HỘI ĐỒNG ĐẠO ĐỨC CHẤP THUẬN

 

VẮC XIN NANOCOVAX ĐƯỢC HỘI ĐỒNG ĐẠO ĐỨC CHẤP THUẬN

Ngày 18/9, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia tiếp tục họp thẩm định kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ giai đoạn 3 của vắc xin Nanocovax. Trước đó, nhà sản xuất và nhóm nghiên cứu vắc xin đã hoàn thiện, bổ sung hồ sơ về thử nghiệm lâm sàng và đăng ký vắc xin

.

Theo một thành viên của Hội đồng Đạo đức, Hội đồng đã thông qua kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ giai đoạn 3. Toàn bộ hồ sơ của vắc xin sẽ được chuyển sang Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc xem xét để quyết định có cấp phép khẩn cấp hay không.

Trước đó, trong cuộc họp ngày 22/8, Hội đồng Đạo đức đã thông qua kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ pha 3a vắc xin Nanocovax và chuyển hồ sơ sang Hội đồng cấp phép để xem xét cấp phép khẩn cấp.

Khi đó, dù đã thông qua nhưng theo Hội đồng chưa có dữ liệu để đánh giá trực tiếp, cần tiếp tục thực hiện theo đề cương, đánh giá về hiệu lực bảo vệ theo đề cương được phê duyệt. Đây là kết quả quan trọng nhất về chất lượng. Hội đồng đánh giá vắc xin đạt yêu cầu về tính an toàn, có tính sinh miễn dịch.

Đặc biệt, Hội đồng cũng yêu cầu trong trường hợp vắc xin Nanocovax được cấp giấy đăng ký lưu hành, vắc xin có thể chỉ được sử dụng có điều kiện theo số lượng và kế hoạch được Bộ Y tế phê duyệt. Những người sử dụng vắc xin này cần được theo dõi chặt chẽ về tính an toàn tương tự như với đối tượng nghiên cứu giai đoạn 3b.

Trong cuộc họp ngày 29/8, Hội đồng cấp phép đã đề nghị các đơn vị cập nhật, bổ sung dữ liệu về tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ đối với vắc xin Nanocovax, để có thể cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện trong trường hợp cấp bách.

Giai đoạn 3, vắc xin được thử nghiệm với mức liều 25mcg, trên 13.000 người tình nguyện từ 18 tuổi trở lên, chia thành pha 3a và pha 3b. Mục tiêu nghiên cứu là đánh giá tính an toàn, đáp ứng sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vắc xin. Trong đó, pha 3a có 1000 người tham gia, còn pha 3b là 12.000.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về việc đăng ký lưu hành vắc xin Covid-19 trong trường hợp cấp bách, vắc xin phòng Covid-19 sản xuất trong nước đang thực hiện thử lâm sàng nhưng đã có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 về tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vắc xin dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch có thể được xem xét cấp phép có điều kiện. Cụ thể sẽ căn cứ trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp quốc gia (đối với vắc xin thực hiện thử lâm sàng tại Việt Nam) và ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với từng vắc xin cụ thể, có tham khảo hướng dẫn hoặc khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Vắc xin được cấp trong trường hợp trên phải được tiếp tục theo dõi về tính an toàn, hiệu quả, kiểm soát về đối tượng, số lượng, phạm vi sử dụng sau khi cấp giấy đăng ký lưu hành.

Sau khi được cấp phép lưu hành, cơ sở đăng ký phối hợp với cơ sở sản xuất tiếp tục thực hiện nghiên cứu lâm sàng và cập nhật dữ liệu lâm sàng theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo).

 Theo: Dân trí

VTV VÀ CÂU CHUYỆN "BÓC PHỐT" NGHỆ SĨ

 

VTV VÀ CÂU CHUYỆN "BÓC PHỐT" NGHỆ SĨ

Tối 16/9 vừa qua, VTV1 phát sóng phóng sự với thời lượng khoảng 20 phút với tiêu đề “Nghệ sĩ và văn hóa ứng xử” trong chuyên mục Câu chuyện văn hóa. Dù đã không ít lần điểm tên những nghệ sĩ dính 'phốt' trong những chuyên mục trước nhưng lần này VTV “mạnh tay” hơn khi tấn công trực diện vào rất nhiều nghệ sĩ bị lên án liên quan đến phát ngôn tục tĩu trên mạng xã hội cũng như chuyện không minh bạch trong vấn đề từ thiện, quảng cáo sai sự thật, lan truyền tin giả gây hoang mang dư luận, cùng với những lùm xùm và cách ứng xử không nghệ sĩ của họ.

Khéo léo dẫn đắt câu chuyện từ Mỹ, Trung Quốc cho đến Hàn Quốc, VTV cho rằng nghệ sĩ đều phải trả giá khá đắt lối sống trụy lạc, những ứng xử không văn hóa của họ bằng việc cấm sóng, phong sát hoặc nặng hơn là ngồi tù.

Mặc dù VTV không trực tiếp đề cập tới bất kỳ hình thức xử lý nào đối với nghệ sĩ Việt, vẫn chờ sự vào cuộc của các cơ quan pháp luật nhưng xem cả chương trình thì những nghệ sĩ được nhắc tên hoặc thấy bóng dáng của mình trong đó chắc sẽ phải “lạnh sống lưng”.

Việc minh bạch trong hoạt động từ thiện cũng như ứng xử có văn hóa là việc mà nghệ sĩ cần làm để tạo dựng được niềm tin của người hâm mộ. Đối với những nghệ sĩ thiếu chuẩn mực thì cần có những chế tài nhất định. Điều này đã được phân tich ở bài “ĐÃ ĐẾN LÚC SHOWBIZ VIỆT CẦN ÁP DỤNG PHONG SÁT”.

Sau khi phát sóng chương trình này, khá nhiều khán giả đã vào trang chủ của VTV để đưa ra những đánh giá, bình luận. Phần lớn trong số họ đồng tình, ủng hộ và mong muốn chương trình sẽ là động lực để các nhà chức trách vào cuộc trong việc minh bạch trong chuyện từ thiện của nghệ sĩ, cũng như thôi thúc nghệ sĩ phát ngôn chuẩn mực hơn trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, một bộ phận lại tỏ ra không hài lòng với sự thẳng thắn của VTV, thậm chí có những bình luận mang tính công kích VTV như “báo đài gì mà ăn nói kiểu không có căn cứ” hay “report và tố cáo VTV”… Được biết, phần lớn trong số họ là fan hâm mộ của các nghệ sĩ đã được VTV chỉ mặt, đặt tên.

Có thể nói, thời gian qua, sau hàng loạt các vụ lùm xùm liên quan đến nghệ sĩ Việt từ chuyện sao kê từ thiện đến phát ngôn có phần bừa bãi trên mạng xã hội, khiến cho đông đảo người hâm mộ tỏ ra mất niềm tin vào hoạt động nghệ thuật nói chung và giới nghệ sĩ nói riêng. Vì vậy, để thức tỉnh nghệ sĩ, VTV đã xây dựng phóng sự này với mong muốn tạo ra môi trường chuẩn mực trong giới nghệ sĩ, qua đó lấy lại niềm tin cho người hâm mộ.

Việc một số khán giả công kích VTV cũng cho thấy sự thần tượng có phần hơi mù quáng của họ vào nghệ sĩ, bởi phóng sự “Nghệ sĩ và văn hóa ứng xử” chỉ là sự đánh giá một cách khách quan vào thực trạng nghệ sĩ thời gian qua và thể hiện sự mong muốn của các khán giả chân chính đối với việc xây dựng chuẩn mực trong giới nghệ sĩ.

Yêu hay ghét là quyền tự do của mỗi người, tuy nhiên, quan trọng là phân biệt được “thật - giả”, “trắng - đen” để không bị mù quáng đối với những người mà mình coi là thần tượng.