Thứ Tư, 27 tháng 7, 2022

 

Khởi tố đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước

Ngày 27/7, Cơ quan ANĐT Bộ Công an cho biết, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự đối với đối tượng Nguyễn Sơn Lộ (SN 1948); trú tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Đồng thời, Cơ quan ANĐT Bộ Công an cũng ra Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với đối tượng Nguyễn Sơn Lộ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển (SENA), trụ sở tại phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. 

Khởi tố đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước -0
Trụ sở Viện nghiên cứu và phát triển (SENA).

Sau khi VKSND tối cao phê chuẩn, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên. Hiện, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đang tập trung điều tra, thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ về hành vi phạm tội của bị can và các cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

@CLT

 

Quyết liệt xử lý tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân 


 Thực hiện quyết liệt yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, liên tục trong thời gian ngắn gần đây, hàng loạt vụ án về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận xã hội tiếp tục được đưa ra ánh sáng của luật pháp và công luận.

 Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xẩy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hải Dương (CDC Hải Dương), các đơn vị, địa phương liên quan bị phanh phui gần đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Sự quan tâm của dư luận là có căn cứ bởi không chỉ nhìn vào số lượng tổ chức, cá nhân liên quan tới vụ án cũng như số tiền tham nhũng bước đầu được cơ quan chức năng công bố mà còn bởi sự việc xảy ra trong một thời điểm vô cùng đặc biệt, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực, đồng lòng, nhường cơm sẻ áo để chống đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, khi mà sự đoàn kết, tương thân tương ái- một truyền thống quý báu ngàn đời của dân tộc Việt đang được phát huy mãnh liệt, tiếp thêm sức mạnh nội sinh để đất nước vượt qua những tháng ngày cam go, khốc liệt nhất, chiến đấu chống lại giặc COVID, thì đâu đó, những người được Đảng và Nhà nước trao quyền, lại lợi dụng điều đó để thu lợi bất chính. Dư luận phẫn nộ, bất bình, niềm tin bị xói mòn. Với quyết tâm xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm, cảnh báo, răn đe mạnh mẽ hơn nữa để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Liên quan tới vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, tại Kỳ họp thứ 13, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 cũng như một số cá nhân. Mới đây, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 bằng hình thức Cảnh cáo; đồng thời thi hành kỷ luật Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Quân y và Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Quân y bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025. Những sai phạm của các tập thể và cá nhân trong vụ án này đang tiếp tục được khẩn trương làm rõ, theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị nêu rõ trong Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây. Đó là "chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có".

Trong khi vụ án Công ty Việt Á đang được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ, vào cuối tháng 3/2022, vụ án xảy ra tại ra Tập đoàn FLC, cùng nhiều nhân sự cấp cao của Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty liên quan tiếp tục được "gọi tên". Cái tên đình đám trong giới chứng khoán: Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị rơi vào vòng lao lý không chỉ gây xôn xao trong giới đầu tư mà còn khiến người dân rất quan tâm. Hành vi "thao túng thị trường chứng khoán"; "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra trong tháng 1/2022, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam của Trịnh Văn Quyết đang được Bộ Công an khẩn trương điều tra làm rõ. Liên tiếp sau đó, hai em gái của Trịnh Văn Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga và hai cộng sự Hương Trần Kiều Dung và Nguyễn Quỳnh Anh với vai trò đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội “Thao túng thị trường chứng khoán" đã bị khởi tố để điều tra làm rõ các sai phạm.

Gần đây nhất, một cái tên có tiếng trong giới bất động sản, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng cũng đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Cùng với Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, 6 bị can khác cũng bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Liên tục các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phanh phui trong thời gian vừa qua đều liên quan hoặc xảy ra trong lĩnh vực kinh tế. Trong giai đoạn cả đất nước đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau một thời gian dài COVID-19 hoành hành, việc xem xét, xử lý nghiêm minh, thẳng tay loại bỏ những ung nhọt để kinh tế- xã hội phát triển lành mạnh là điều rất quan trọng, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân cùng chung tay để phát triển đất nước. Các vụ việc được đưa ra ánh sách một lần nữa khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, không vì chống dịch mà “chùng xuống, không xử lý” của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công cuộc phòng, chống tham nhũng "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ". Tất cả mọi sai phạm, bất kể người đó là ai nếu lạm quyền, làm trái để thu lợi bất chính chắc chắn đều phải trả giá.

Song song với quá trình hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, việc tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân là rất quan trọng. Đây là vấn đề đã được Bộ Chính trị chỉ rõ trong Kết luận số 12-KL/TW mới được ban hành đầu tháng 4/2022, khẳng định rõ việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Chính trị yêu cầu "Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, trọng liêm sỉ, danh dự; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.".

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự ủng hộ đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, để "những con sâu không làm rầu được nồi canh", tiếp tục thắp sáng niềm tin của nhân dân với Đảng.

@CLT

 

Chiêu bài chính trị hóa những vụ án hình sự hòng chống phá Nhà nước


Thời gian gần đây, sau khi các cơ quan chức năng ở Việt Nam khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam và ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, trên nhiều trang mạng hải ngoại, một số tổ chức cá nhân chống phá Việt Nam đã cố tình đánh tráo bản chất các vụ án hình sự thành những vấn đề chính trị nhằm đả kích, chống phá Nhà nước Việt Nam.

Chiêu bài chính trị hóa những vụ án hình sự hòng chống phá Nhà nướcBà Nguyễn Phương Hằng và ông Trịnh Văn Quyết

Ngày 31/3, phát biểu khi tham dự hội nghị phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương với TAND tối cao và VKSND tối cao, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, vụ bà Nguyễn Phương Hằng và vụ thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết là các vụ việc sai phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội và phải xử lý nghiêm minh, kịp thời.

Ngay lập tức, ngày 1/4, trả lời phỏng vấn Đài Châu Á tự do RFA, “nhà báo độc lập” Nguyễn Ngọc Già đã bình luận rằng: “Tuyên bố của ông Võ Văn Thưởng cho thấy khi bắt bà Nguyễn Phương Hằng đã được Bộ Chính trị đồng ý. Tức câu chuyện trầm trọng hơn rất nhiều so với những gì dư luận nghĩ. Tuy nhiên, nhiều người ngạc nhiên khi bà Hằng bị bắt vì Điều 331 lợi dụng quyền tự do dân chủ, thay vì tội danh vu khống, làm nhục …”

Cũng chính tác giả này tuyên bố: “Bà Hằng thách thức danh dự của nhà cầm quyền CSVN, tức mang tính chính trị. Còn ông Quyết thách thức khả năng quản trị quốc gia, tức về mặt kinh tế”.

Xin được thưa rằng, các vụ án trên thách thức pháp luật ở chỗ, nó xảy ra trong một thời gian dài, các cá nhân ngang nhiên xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Nguyễn Phương Hằng đã nhiều lần bị nhắc nhở, xử phạt hành chính. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng phải tiến hành những bước đi thận trọng, tập hợp đủ chứng cứ mới tiến hành các hoạt động tố tụng. Khi bắt hai cá nhân này, phần lớn dư luận tỏ rõ sự đồng tình, thể hiện niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật và chờ đợi những bước đi tiếp theo khi mở rộng vụ án.

Nhưng, bất kỳ một hiện tượng gì gây chú ý trong dư luận xã hội ở Việt Nam, đều bị các nhà dân chủ giả hiệu xuyên tạc, lèo lái.

Trước khi cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng, truyền thông hải ngoại ra sức đơm đặt rằng, bà Hằng có thế lực chính trị hậu thuẫn nên được ngang nhiên, phách lối, thậm chí họ còn dựng chuyện vợ chồng bà Hằng là công cụ chính trị để chấn chỉnh, tranh giành ảnh hưởng ở Việt Nam.

Còn sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Phương Hằng để điều tra về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” thì lập tức họ lại quay ngoắt, vu cáo Việt Nam không có “tự do ngôn luận”, đòi xóa bỏ Điều 331, Bộ luật Hình sự vì cho rằng, đây là điều luật “mơ hồ” “được tạo ra để chụp mũ lên bất kỳ đối tượng nào họ muốn trừng trị”.

Như vậy, từ vị thế được “chính quyền chống lưng”, giới “dân chủ” đã ngay lập tức biến bà Hằng thành “nạn nhân của chính quyền” hay chính trị hóa vụ việc bằng việc xuyên tạc “bắt bà Nguyễn Phương Hằng đã được Bộ Chính trị đồng ý…”

Đúng là sự lật lọng trắng trợn, lá mặt lá trái, mục đích cuối cùng là để chống phá, tạo sự bất mãn trong dư luận xã hội ở Việt Nam.

Đối với Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, không chỉ Việt Nam, hàng loạt quốc gia cũng đặt ra những điều khoản cụ thể để ngăn chặn việc lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm các mối quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Ví dụ, Hiến pháp Đức quy định: “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền… làm công cụ chống lại trật tự của xã hội, tự do dân chủ, sẽ bị tước bỏ quyền công dân”.

Còn vụ việc liên quan Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết và 2 người em là bà Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế về tội Thao túng thị trường chứng khoán. Theo cơ quan chức năng, việc làm của những cá nhân trên gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Có thể nói, đây là hành vi lừa đảo nhà đầu tư, phạm tội có tổ chức và cần phải cắt bỏ “ung nhọt” để thị trường chứng khoán lành mạnh hơn. Việc Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam cho thấy cơ quan pháp luật không nhân nhượng với bất cứ hành vi nào làm ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán, giúp cho thị trường thêm minh bạch.

Tuy nhiên, khi bắt giam ông Trịnh Văn Quyết, một số cá nhân và tổ chức nước ngoài không bỏ lỡ cơ hội. Họ tỏ ra “am tường”, “hiểu chuyện” khi cho rằng, đó chẳng qua là những màn “đấu đá nội bộ” hay bắt các doanh nghiệp lớn nhằm “tịch thu tài sản” .... Tác giả Lê Ánh viết trên trang web của Việt Tân: “Những sự kiện mới xảy ra liên quan đến các đại gia “bất động sản” bị “xộ khám”, nhiều người cho rằng, chẳng qua là do các thế lực ngầm đằng sau lưng đang đấu đá với nhau. Họ đưa những con cờ “đại gia” vừa làm tốt thí để khoa trương thế lực, lại vừa hưởng được tài sản kếch xù của các đại gia”.

Trong khi đó, các đối tượng Nguyễn Văn Đài, Phạm Minh Vũ, Hoàng Dũng tán phát thông tin “ngân sách cạn kiệt nên mới bắt giữ ông Trịnh Văn Quyết nhằm tịch thu tài sản nuôi bộ máy”. Một số đối tượng phản động tiếp tục khoét sâu luận điệu cho rằng, hành vi sai phạm của ông Quyết đã bị xử lý hành chính (theo Nghị định 156/2020 của Chính phủ) đang có hiệu lực nhưng cơ quan tố tụng vẫn tiến hành khởi tố hình sự, vi phạm nguyên tắc cấm xử lý 2 lần cho một hành vi phạm tội. Trên thực tế, ngay khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, cơ quan Công an đồng thời có văn bản đề nghị UBCKNN hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bị can này.

Đấu tranh quyết liệt với hành vi sai phạm, dù bất kể trong lĩnh vực nào, kể cả với thành phần kinh tế tư nhân để giữ gìn sự ổn định xã hội, tạo môi trường lành mạnh, công bằng cho các nhà đầu tư… đó là mục tiêu, là đích đến để Việt Nam phát triển bền vững. Sai phạm phải xử lý hình sự thì dứt khoát phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Mặc dù chính sách nhất quán của Việt Nam là tạo môi trường, tạo sân chơi bình đẳng, khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân phát triển nhưng dứt khoát phải là những ông chủ đàng hoàng, tuân thủ pháp luật.

Các màn “đấu đá nội bộ” (mà các vị rêu rao) để đưa ra ánh sáng những đại gia vi phạm pháp luật như Hà Văn Thắm, Nguyễn Đức Kiên, Phạm Nhật Vũ, Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng …. thì đó là kết quả tích cực hay tiêu cực hỡi các “nhà dân chủ”?

Tại hội trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022 ngày 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan chức năng cần nắm sát tình hình, ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, rà soát, phát hiện các lỗ hổng về cơ chế, chính sách để điều chỉnh phù hợp.

Thói đời “mượn gió, bẻ măng”, lợi dụng các các vụ việc được dư luận quan tâm để tung ra những luận điệu xuyên tạc hòng làm phức tạp thêm tình hình… Thủ đoạn này đâu có gì mới. Bởi vậy, dù cố tình chính trị hóa các vụ án hình sự thì sớm muộn thực tế sẽ có câu trả lời thỏa đáng./.

@CLT

 Phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá về phòng, chống tham nhũng liên quan vụ Việt Á

Phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá về phòng, chống tham nhũng liên quan vụ Việt Á

Một trong những vấn đề mà các thế lực thù địch thường tập trung chống phá, xuyên tạc nhiều nhất trên mạng xã hội là về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là mỗi khi có những vụ việc mới về xử lý kỷ luật Đảng, bắt tạm giam, khởi tố để thực hiện quy trình điều tra, xét xử một vụ việc tham nhũng, tiêu cực, như việc khai trừ Đảng, miễn nhiệm, khởi tố, bắt tạm giam đối với hai vị cán bộ cấp bộ trưởng, chủ tịch một thành phố lớn vừa qua…

Gần đây khi đọc bài viết trên baotiengdan và một số trang RFA, VOA… lợi dụng vụ Việt Á để xuyên tạc về cơ chế “dân chủ tập trung”, cho rằng vụ Việt Á nó không đơn giản là “lợi dụng chức vụ” hay dối trên lừa dưới… “Dân chủ tập trung” thế nào mà để cả bộ sậu làm sai, làm đểu vậy? Chúng còn bịa dẫn rằng, người ta hoàn toàn có thể nghi vấn các ông thông đồng với nhau hoặc cơ chế “dân chủ tập trung” của các ông có vấn đề!. Chúng cố tình xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực, kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phòng, chống dịch thời gian qua. Theo những kẻ này, đó chỉ là những cách Đảng “che mắt thế gian theo kiểu đánh ai và ai đánh?”, “ta đánh mình, mình đánh ta”… Rồi rằng việc Đảng, Nhà nước tăng cường phòng, chống tham nhũng thực chất chỉ là “trò đánh trống khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, thực chất là “đấu đá nội bộ”… Đây là những luận điệu hết sức thâm độc nhằm gieo rắc tâm lý hoài nghi, dao động, mất niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; gây mất đoàn kết nội bộ, kích động xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất là đối với một số cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng không vững vàng, có tâm lý bất mãn.

Do đó, đối với bất kỳ người đọc nào, thì việc tỉnh táo nhận diện những thủ đoạn chia rẽ, chống phá qua các luận điệu đó là hết sức cần thiết; đồng thời cần nắm chắc, hiểu rõ các căn cứ xác thực, cả về thực tiễn và lý luận có tính thuyết phục để phản bác, bác bỏ những thông tin, luận điệu sai trái đó.

Thứ nhất, phòng, chống tham nhũng luôn là công việc cần kíp, thường xuyên của bất kỳ một nhà nước, chính thể nào. Hiện nay trên thế giới chưa có một xã hội, quốc gia nào là không có tham nhũng, tiêu cực. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là một hiện tượng phổ biến, xảy ra ở nhiều nước trên thế giới trong đó “phần lớn tham nhũng xảy ra ở các quốc gia có chế độ đa đảng, “tam quyền phân lập”. Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, mà đối với chính thể tam quyền phân lập càng dễ bề tham nhũng. Chúng ta thấy ở một số nước châu Á, tình trạng tham nhũng thậm chí còn xảy ra ở cả những nguyên thủ quốc gia như Hàn Quốc, Malayxia… Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xoá tận gốc tham nhũng trong xã hội có nhà nước. Cho nên việc cố tình xuyên tạc, bóp méo rằng tham nhũng chỉ xảy ra ở những nước có chế độ một đảng lãnh đạo như Việt Nam là những luận điệu trò hề lạc lõng.

Đối với Việt Nam, thời gian qua, công cuộc phòng, chống tham nhũng được Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành kiên trì với quyết tâm cao, với phương châm “không có vùng cấm”, bất kỳ ai, ở cương vị nào cũng chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những vi phạm do bản thân mình gây ra khi những hành vi vi phạm đó gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, làm thiệt hại tài sản và quyền lợi của Nhà nước và Nhân dân.

Thứ hai, tập trung dân chủ là nguyên tắc để xây dựng một tổ chức thống nhất, chặt chẽ, kỷ luật; vừa phát huy được tính chủ động, năng động, sáng tạo mỗi người vừa kiểm soát được dân chủ quá đà. Là liên minh tự nguyện của những người cùng chung chí hướng cộng sản, cùng đồng chí, đồng lòng đấu tranh để xây dựng một chế độ xã hội tự do, dân chủ, công bằng vì con người và cho con người thì tất yếu Đảng Cộng sản phải là một tổ chức dân chủ mới phù hợp với bản chất và mục đích; đồng thời, phải được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật và thống nhất mới đảm đương được sứ mệnh lịch sử ấy. Cho nên, Đảng phải được tổ chức, sinh hoạt và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tất nhiên tập trung và dân chủ có mối liên hệ chặt chẽ, bổ trợ và phát huy lẫn nhau.

Bất cứ luận điệu nào cho rằng tập trung và dân chủ là hai mặt đối lập, nếu thực hiện tập trung sẽ tất yếu dẫn đến thu hẹp dân chủ, triệt tiêu dân chủ và ngược lại, nếu muốn thực hiện dân chủ, ắt phải từ bỏ tập trung thì rõ ràng đó là sự xuyên tạc phản khoa học với mục đích, dụng ý chống phá vô tình hoặc hữu ý.

Quyết tâm chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thể hiện rõ nét từ người đứng đầu Đảng, Nhà nước cho tới cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, vừa có tác dụng cảnh báo, răn đe; vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ; được dư luận quốc tế đánh giá cao. Điều đó cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đồng thời cũng chứng tỏ năng lực, bản lĩnh của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tình trạng tham nhũng của cán bộ, đảng viên, kể cả những người đã và đang giữ chức vụ quan trọng từ trung ương tới địa phương.

Việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng là cách để mỗi cán bộ, đảng viên thêm vững tin vào Đảng, vào chế độ – một đảng sinh ra không phải để làm quan phát tài, mà luôn lấy sự phồn vinh của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu cao nhất…/.\

@CLT

 

Nhận diện các luận điệu xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước liên quan vụ án nâng giá kit xét nghiệm tại Công ty Việt Á

            Ngày 07/6/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Chu Ngọc Anh (nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ); ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) và Phạm Công Tạc (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) do những sai phạm liên quan đến vụ án nâng giá kit xét nghiệm xảy ra tại Công ty Việt Á.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh

và Phạm Công Tạc (từ trái qua) - Ảnh: TTXVN

          Việc xử lý các cá nhân sai phạm liên quan đến vụ án Việt Á cho thấy sự quyết tâm không khoan nhượng với hành vi sai phạm trong công cuộc phòng, chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; khẳng định quan điểm “diệt tận gốc, cắt tận ngọn”; thể hiện một nguyên tắc nhất quán “xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào”. Từ thời điểm xảy ra vụ án đến nay, hàng loạt quan chức, lãnh đạo đầu ngành các địa phương, một số bộ ngành đã bị khởi tố, bắt giam, “lò lửa” chống tham nhũng nóng hơn bao giờ hết; sự quyết liệt, triệt để, không khoan nhượng trong chỉ đạo và hành động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta, với phương châm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng và thượng tôn pháp luật hơn lúc nào hết được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, đạt hiệu quả.

          Vụ án Việt Á cho đến nay vẫn đang được các cơ quan chức năng Việt Nam tích cực mở rộng điều tra, lần lượt “đưa ra ánh sáng” những hành vi sai phạm. Điều tra làm rõ đến đâu, giải quyết, xử lý đến đó. Tuy nhiên, lợi dụng những bức xúc của dư luận quần chúng đối với vụ án, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, các tổ chức, hội nhóm ngoài nước, hãng thông tấn như Việt Tân, RFA, RFI, BBC Tiếng Việt, VOA… liên tục đăng tải, bình luận, đưa ra những luận điệu để xuyên tạc bản chất vụ việc, cố tình làm sai lệch, tạo dư luận trái chiều công kích, phủ nhận công tác phòng chống tham nhũng của Đảng ta. Mới đây nhất hồi ngày 08/6/2022, trên trang thông tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) đăng bài: “Phản hồi của dân chúng về vụ bắt giữ ba lãnh đạo cấp cao liên quan đến Việt Á”, đưa ra những luận điệu cho rằng “việc bắt giữ ba quan chức mới nhất chỉ là sự đấu đá trong hàng ngũ cấp cao nhất của Đảng Cộng sản và số phận của các lãnh đạo này được định đoạt sau khi cuộc đấu đá này ngã ngũ”. Các đối tượng thường xuyên dùng thủ đoạn phỏng vấn, tán phát các video, hình ảnh, bài viết với nội dung sai trái, cực đoan của những đối tượng gắn mác “chuyên gia”, “học giả”, những cá nhân tự cho mình là những “nhà phản biện” để bóp méo, đả phá đối với sự việc, cho rằng “việc xem xét kỷ luật các quan chức này quá rề rà trong một thể chế độc đảng”, ca tụng chế độ dân chủ pháp quyền “thì những sai phạm kiểu này sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc từ lâu rồi”, quy chụp việc chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng cũng “không thể làm thay đổi được bản chất hư hỏng hết thuốc chữa của hệ thống cai trị này”; đồng thời nghi ngờ sự lựa chọn nhân sự, những con người đang có sai phạm như trên vào lãnh đạo bộ máy chính quyền của Đảng; đổ lỗi việc để xảy ra những vụ án như vậy là do chế độ, lỗi do Đảng, Nhà nước.

LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

LIÊN QUAN VỤ ÁN NÂNG GIÁ KIT XÉT NGHIỆM TẠI CÔNG TY VIỆT Á

          Những luận điệu thù địch thường đi đến kết luận “Ban Chỉ đạo vào cuộc chỉ để giải quyết hậu quả”; rồi quy kết vấn nạn tham nhũng “thủng từ gốc”. Đưa từ vụ việc tại Việt Á, các đối tượng tiếp tục xâu chuỗi những vụ án tham nhũng lớn gần đây rồi quy kết công cuộc chống tham nhũng “chỉ trên khẩu hiệu”, không đạt kết quả nhằm hạ thấp vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tiến hành tố tụng; đổ lỗi do chế độ “độc Đảng, độc quyền”. Từ vụ việc, mục đích các đối tượng tung ra thông tin sai lệch nhằm vẽ lên một bức tranh xám xịt về thực trạng xã hội Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Từ đó gây hoài nghi trong nhân dân vào các cấp lãnh đạo, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, tạo hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Đồng thời, phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, chia rẽ cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội.

          Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, mà ở tất các quốc gia, dân tộc không phân biệt về thể chế chính trị đa đảng hay một đảng lãnh đạo, không phân biệt về trình độ phát triển xã hội giàu hay nghèo đều xuất hiện tham nhũng, tiêu cực. Chính vì vậy, không thể lấy vụ án tham nhũng tại Công ty Việt Á cũng như các vụ án tham nhũng, tiêu cực khác để gán ghép, suy diễn là do chế độ “độc đảng” như cái cách mà các thế lực thù địch đang tìm cách đổ lỗi, quy trách nhiệm, cố tình quy kết tình trạng tham nhũng, tiêu cực là do chế độ, do Đảng, Nhà nước.

Các bị can liên quan trong vụ án nâng giá kit xét nghiệm tại Công ty Việt Á

Ảnh: Bộ Công an

          Vụ án Việt Á là một vụ án nghiêm trọng, xảy ra vào thời điểm “nhạy cảm” khi toàn xã hội đang gồng mình để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, một số cán bộ tha hóa, biến chất, vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đã lợi dụng dịp “nước sôi lửa bỏng” để “thừa nước đục thả câu” ăn chia lợi nhuận theo kiểu “đục nước béo cò”. Đây rõ ràng là hành vi phải được xử lý và nghiêm trị thích đáng. Ngay khi vụ án xảy ra, các cơ quan chức năng đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt để không bỏ lọt sai phạm. Tháng 12/2021, Bộ Công An khởi tố vụ án, bắt Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á và các phần tử liên quan về tội nâng giá bộ xét nghiệm Covid-19 và đưa nhận hối lộ. Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng đã khởi tố hàng loạt quan chức từ Trung ương đến địa phương, trong đó có các cán bộ cấp vụ của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc CDC 5 tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế. Và tất nhiên con số chưa dừng lại ở đó, chỉ trong hơn năm tháng (từ giữa tháng 12 năm 2021 đến nay), cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt giam 58 người liên quan đến vụ án, trong đó có cán bộ cấp cao các bộ ngành và địa phương. Điều này thể hiện rất rõ quan điểm nhất quán trong công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”, quyết tâm đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong xã hội.

          Thực tế cho thấy, sai phạm ở vụ án Việt Á là sai phạm mang tính hệ thống, xảy ra trên diện rộng và liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Nhưng không thể đồng nhất với “lỗi hệ thống”, “lỗi của cả bộ máy”. Nguyên nhân căn bản là của sai phạm xảy ra do một số thủ tục trong quá trình đấu thầu được rút gọn để phục vụ công tác chống dịch, việc giám sát còn nhiều sơ hở, thiếu công khai, minh bạch dẫn đến khơi dậy lòng tham của những kẻ thoái hóa, biến chất. Do đó, không thể quy kết nguyên nhân gây ra vụ án là do bản chất và hậu quả của chế độ “độc đảng” và kêu gọi “cải cách thể chế chính trị” là điều phi lý, phi thực tế.  

          Qua vụ án Việt Á cho thấy cuộc chiến chống tham tham nhũng, tiêu cực phải đi liền với chống lợi ích nhóm, sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay từ trong nội bộ. Vì vậy, cần phải có những bước đi thận trọng, chuẩn xác để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước. Vụ án cũng chứng minh chủ trương “kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta được thực thi trên thực tế chứ không phải “khẩu hiệu suông, mị dân” như luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, phản động. Chính sự chỉ đạo, vào cuộc mạnh mẽ, đồng lòng, quyết tâm cao trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị đã để lại dấu ấn nổi bật trong cộng đồng quốc tế, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân.

@CLT