Tuổi trẻ thanh niên chung tay đoàn kết phòng ngừa,đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch,
chống phá Đảng, Nhà nước, quyền và lợi ích của nhân dân.
- Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tường thuật
trực tiếp 64 trận đấu World cup 2022. Tuy nhiên, để bóng đá thực sự là món ăn
tinh thần, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự chấp hành các quy định pháp luật
liên quan đến tội phạm và tệ nạn cờ bạc, nhất là cá độ bóng đá.
Tham gia cá độ sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy
Ngày 29/11, Công an
thành phố Hà Nội cho biết, World Cup 2022 tại Qatar đang thu hút sự theo dõi
của người hâm mộ toàn thế giới.
Tuy nhiên, ngày hội thể
thao lớn nhất hành tinh cũng có nhiều nguy cơ về những hoạt động phạm pháp,
nhất là đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng dưới hình thức cá độ
bóng đá.
Việc người dân tham gia
cá độ bóng đá trên không gian mạng sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. "Con bạc"
thua "độ" không có tiền thanh toán có thể bị các đối tượng cầm đầu
cưỡng ép trả tiền, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản hoặc thuê
các đối tượng hình sự đòi nợ…
Thậm chí, "con
bạc" thua "độ" không có tiền trả, lâm vào đường cùng có thể làm
phát sinh tội phạm cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp hay tự tử để né tránh việc
trả nợ.
Tập trung đấu
tranh tội phạm cá độ bóng đá trong mùa World Cup 2022
Trung tướng Nguyễn Hải
Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị thuộc Công an thành
phố tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh
với hoạt động đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, đặc
biệt trong thời gian diễn ra World Cup 2022 (20/11-18/12).
Các đơn vị khẩn trương
rà soát, lập danh sách các đối tượng, tụ điểm, đường dây, nhất là các đối tượng
đứng sau tổ chức, điều hành có nghi vấn hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc
trên không gian mạng; các đối tượng có hoạt động quảng cáo cá độ, tuyển đại lý,
lôi kéo người tham gia đánh bạc để đưa vào diện quản lý nhằm có đối sách phù
hợp, kịp thời; tổ chức thu thập các tên miền, ứng dụng tổ chức đánh bạc và đánh
bạc trên không gian mạng để ngăn chặn, xử lý.
Giám đốc Công an thành
phố Hà Nội đặc biệt lưu ý, các đơn vị cần phải nâng cao hiệu quả công tác tiếp
nhận tin báo, tố giác tội phạm của nhân dân.
Trên cơ sở tài liệu thu thập
được, nếu xác định có dấu hiệu tội phạm thì thiết lập hồ sơ, tổ chức đấu tranh,
điều tra khám phá nhanh các vụ án có liên quan đến tội phạm đánh bạc và tổ chức
đánh bạc trên không gian mạng, nhất là hình thức cá độ bóng đá trong mùa World
Cup.
Theo Công an thành phố
Hà Nội, hiện có nhiều "nhà cái" quốc tế lớn tổ chức đánh bạc trên
mạng Internet dưới hình thức cá độ bóng đá như M88, Bong88, 3in1bet, Sobobet,
W88, 188bet, dafabet, 10bet, Bet365, Fun88...
Mỗi "nhà cái"
thiết lập hàng trăm website, máy chủ đặt tại nhiều nước trên thế giới tổ chức
cho người chơi tham gia đánh bạc trên mạng.
Các "nhà cái"
này móc nối với các đối tượng trong nước (đại lý) chia nhỏ thành nhiều tài
khoản chân rết, xây dựng đường dây, phân cấp nhiều tầng, tổ chức đánh bạc chặt
chẽ, quy mô, phát triển ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước với phương
thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi với nhiều hình thức quảng cáo, chào mời hấp
dẫn công khai bằng tiếng Việt.
Những nghi phạm cầm đầu
đường dây cờ bạc này thường là những đối tượng hình sự, những người tham gia cá
độ bóng đá trên không gian mạng hầu như có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có
nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng như: Sử dụng các thiết
bị di động thông minh có kết nối mạng Internet để trao đổi thông tin, thực hiện
hành vi phạm tội; lợi dụng sơ hở trong quản lý, kiểm soát không gian mạng, quản
lý sim rác, quản lý thanh toán để thực hiện tội phạm…
Để làm tốt công tác
phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động cá độ bóng đá trong mùa World Cup, Đội
phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội
thuộc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công
an thành phố Hà Nội) đã chủ động chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ tổ chức nắm tình hình
trên không gian mạng, rà soát các website, ứng dụng có dấu hiệu liên quan đến
hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
Từ đó nghiên cứu các
phương thức thủ đoạn, thu thập các tài khoản ngân hàng của các đối tượng trong
đường dây tổ chức, được đánh dấu trên các website cá độ bóng đá, báo cáo Cục An
ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Ban
Giám đốc Công an thành phố để có biện pháp phối hợp ngăn chặn hoạt động của các
website và tổ chức một số biện pháp trong công tác phòng ngừa.
Khuyến cáo người dân không tham gia cá độ bóng đá dưới mọi
hình thức
Bên cạnh công tác đấu
tranh, phòng ngừa của các đơn vị nghiệp vụ, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo
người dân nâng cao ý thức tự chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến tội
phạm và tệ nạn cờ bạc, nhất là cá độ bóng đá; phải ý thức được hậu quả, tác hại
của tệ nạn cá độ bóng đá đối với bản thân, gia đình và xã hội; tuyệt đối không
tham gia cá độ bóng đá dưới mọi hình thức.
Người dân cần nâng cao
ý thức, tự chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến tội phạm và tệ nạn cờ
bạc, nhất là cá độ bóng đá, cảnh giác với các chiêu trò, lôi kéo, dụ dỗ tham
gia hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng, chủ động cung
cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng khi phát hiện các trang web đánh
bạc trên mạng xã hội.
Các gia đình cần quan
tâm quản lý, giáo dục, vận động người thân và những người xung quanh nâng cao
cảnh giác, tránh xa cá độ bóng đá…
Trường hợp phát hiện
các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến cá độ bóng đá, người dân cần
kịp thời báo tin tố giác với cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp điều tra
xử lý, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên toàn địa bàn thành phố.
Tội phạm cá độ bóng đá diễn biến phức tạp, nhất là trước thềm
World Cup 2022
Thời gian qua, lực
lượng Công an liên tiếp phát hiện, triệt phá thành công nhiều đường dây đánh
bạc, cá độ bóng đá qua mạng với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng; cho thấy,
tội phạm cá độ trên không gian mạng có xu hướng diễn biến phức tạp, nhất là
trước thềm World Cup 2022.
Trước tình hình trên,
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an trao đổi một
số thông tin cảnh báo đối với loại tội phạm này.
Về phương thức, thủ đoạn hoạt động, Trung tướng Tô Ân Xô cho
biết: Các đường dây cá độ bóng đá được hình thành bởi các đối tượng cầm đầu tổ
chức cờ bạc chuyên nghiệp, thường là những đối tượng hình sự, giới “anh chị”,
móc nối với “nhà cái” quản lý các trang web cá độ (M88.com, Fun88.com,
Bong88.com…) có máy chủ đặt tại nước ngoài để thiết lập chia nhỏ cho các chân
rết tổ chức cá độ bóng đá trên không gian mạng tại Việt Nam, với nhiều hình
thức quảng cáo, chào mời hấp dẫn công khai bằng tiếng Việt.
Các đối tượng tội phạm
cá độ bóng đá trên không gian mạng thường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và
có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng như: Sử dụng các
thiết bị di động thông minh có kết nối mạng internet để trao đổi thông tin,
thực hiện hành vi phạm tội; Lợi dụng sở hở trong quản lý, kiểm soát không gian
mạng, quản lý sim rác, quản lý thanh toán để thực hiện tội phạm.
Người chơi chỉ cần có
các thiết bị kết nối Internet, đăng ký tài khoản thành viên, có tài khoản cá
nhân tại các ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản hoặc nạp tiền đánh bạc thông
qua thẻ cào điện thoại, qua cổng trung gian thanh toán để tham gia cá
cược.
Nếu thua không có tiền
thanh toán, người chơi có thể bị các đối tượng cầm đầu cưỡng ép trả tiền bằng
các hình thức như bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản hoặc thuê
các đối tượng hình sự đòi nợ…
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm đánh bạc dưới
hình thức cá độ bóng đá trên không gian mạng, Bộ Công an đề nghị:
Mỗi người dân cần nâng
cao ý thức tự chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến tội phạm và tệ nạn
cờ bạc, nhất là cá độ bóng đá; phải ý thức được hậu quả, tác hại của tệ nạn cá
độ bóng đá đối với bản thân, gia đình và xã hội; tuyệt đối không tham gia cá độ
bóng đá dưới mọi hình thức.
Quan tâm quản lý, giáo
dục, vận động người thân và những người xung quanh nâng cao cảnh giác, tránh xa
cá độ bóng đá.
Trường hợp phát hiện các đối
tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến cá độ bóng đá cần kịp thời báo tin tố
giác với cơ quan Công an gần nhất hoặc qua đường dây nóng của Cục Cảnh sát hình
sự Bộ Công an (0692348569) để có biện pháp điều tra xử
lý, góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội.
Lực lượng Cảnh sát hình
sự, An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Quản lý hành chính về
trật tự xã hội và các lực lượng nghiệp vụ khác sẽ quyết liệt vào cuộc, sử dụng
nhiều biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật cao để phát hiện, xử lý nghiêm các đối
tượng tổ chức, tham gia đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá.
Cảnh báo hệ lụy xấu
từ các trang web tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng
Theo Bộ Công an, tội
phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc diễn ra trên không gian mạng đã và đang gây
ra nhiều hệ lụy cho xã hội, tác động xấu đến cuộc sống của người dân, ảnh hưởng
trực tiếp đến an ninh, trật tự.
Bộ Công an cảnh báo và
khuyến cáo đến người dân cần cảnh giác và không tham gia hoạt động tổ chức đánh
bạc và đánh bạc dưới mọi hình thức.
Thời gian qua, Cục An
ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an và Công an
các đơn vị, địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều kế hoạch, biện
pháp để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả; xử lý kịp thời hoạt động tổ chức
đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng với quy mô lớn, phạm vi liên tỉnh,
thậm chí xuyên quốc gia… được các ngành, các cấp và nhân dân ghi nhận, đánh giá
cao.
Điển hình như: Triệt
phá đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua hệ thống Evol (evol.club), với số
tiền khoảng 30.000 tỷ đồng; triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua
trang Nagaclubs.com, với số tiền khoảng 87.000 tỷ đồng; triệt phá đường dây tổ
chức đánh bạc, đánh bạc qua trang bong88.com, với số tiền khoảng 13.500 tỷ
đồng…
Tính riêng năm 2021,
Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, xử lý 694 vụ việc, triệt phá 181
chuyên án liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng. Trong
đó, khởi tố vụ án 570 vụ, khởi tố 2.674 bị can, xử lý hành chính 154 vụ, xử
phạt hành chính 1.426 đối tượng, thu giữ nhiều tiền, đồ vật, tài liệu liên
quan… Phát hiện trên 20 cổng thanh toán trung gian chưa rõ nguồn gốc được sử
dụng vào hoạt động tổ chức đánh bạc.
Dự báo thời gian tới,
tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc sẽ sử dụng không gian mạng làm môi trường
hoạt động tương đối phổ biến, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn,
đáng chú ý là:
(1) Tổ chức
đánh bạc tín chấp (trả tiền sau):
Nhà cái tổ chức đánh
bạc tín chấp dưới dạng các cược thể thao, lô đề, xóc đĩa mạng…, như: Bong88,
Sbobet, 3in1bet…
Các nhà cái ở nước
ngoài thông qua hệ thống mạng Internet tổ chức đánh bạc cho người chơi ở Việt
Nam tham gia.
Chúng liên kết với một
số người Việt Nam, phần lớn là nhóm lưu manh, giang hồ, xã hội đen để quản lý,
tổ chức phân mạng nhỏ với những khoản tiền vay nhất định tùy và khả năng tài
chính của con bạc để tham gia đánh bạc, khi có khoản tiền ứng trước trong tài
khoản, con bạc có thể đánh bạc trên trang wed do đối tượng lập ra.
Sau kỳ hạn một ngày
hoặc một tuần, con bạc phải đến "đại lý" để thanh toán số tiền thắng,
thua.
(2) Tổ chức
đánh bạc thế chấp (trả tiền trước):
Nhà cái tổ chức đánh
bạc thế chấp với nhiều hình thức: Sòng bài (Casino), cá cược thể thao, trò chơi
trực tuyến có tính chất cờ bạc, như: M88, Fun88.com, 12bet…
Các nhà cái ở nước
ngoài thông qua hệ thống Internet tổ chức cho người chơi ở Việt Nam tham gia.
Phần quản trị ở nước ngoài (nhà cái) sẽ trực tiếp kiểm soát toàn bộ hoạt động
đánh bạc của các tài khoản đánh bạc do người chơi lập ra.
Người tham gia đánh bạc
sau khi đăng ký tài khoản đánh bạc trên mạng phải mở tài khoản ngân hàng, sau
đó chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của đối tượng tổ chức hoặc có thể sử
dụng hình thức nạp thẻ điện thoại và làm theo hướng dẫn trên trang wed tổ chức
đánh bạc.
Các trang web này cài
phần mềm tự động, số tiền nạp vào tài khoản ngân hàng của đối tượng sẽ quy ra
điểm ( loại tiền ảo để cá cược) và được chuyển vào tài khoản cá cược của người
đánh bạc. Người đánh bạc dùng số điểm này để cá cược trực tiếp với nhà cái.
(3) Thiết lập mạng lưới
các website vệ tinh, mạng ẩn danh để hoạt động, xây dựng hàng trăm tên miền
website khác nhau với cùng một giao diện tổ chức đánh bạc.
(4) Xây dựng, phát triển mạng
lưới đại lý, quảng cáo dưới hình thức tuyển dụng nhân viên biết tiếng Việt sang
các trụ sở đặt tại các trung tâm cờ bạc lớn trên thế giới để hoạt động; câu kết,
móc nối với một số đối tượng trong nước để xây dựng và mở rộng mạng lưới đại lý
tổ chức đánh bạc tại Việt Nam.
(5) Sử dụng các cổng thanh
toán trung gian phục vụ hoạt động cờ bạc; sử dụng các dịch vụ thanh toán tiền ảo
trực tiếp trên website hoặc sử dụng qua các cổng dịch vụ thanh toán trung gian
để chuyển đổi từ tiền ảo sang tiền đánh bạc.
(6) Lợi dụng các ứng dụng
công nghệ số để quảng cáo, lôi kéo người dân tham gia đánh bạc.
Các đối tượng tổ chức
đánh bạc quảng cáo qua các website viết bài hướng dẫn đánh bạc, giới thiệu
đường dẫn truy cập của mạng lưới đại lý; đặt banner trên các website, diễn đàn,
tài khoản mạng xã hội… có nhiều lượt theo dõi.
Tội phạm tổ chức đánh
bạc và đánh bạc nói chung và Tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc diễn ra trên
không gian mạng nói riêng đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, tác động xấu đến
cuộc sống của người dân và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, trật tự.
Do đó, Cục An ninh mạng và
phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đề nghị người dân cần
cảnh giác và không tham gia hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới mọi
hình thức.
Nâng cao nhận thức,
cảnh giác với các chiêu trò, lôi kéo, dụ giỗ tham gia hoạt động tổ chức đánh
bạc và đánh bạc trên không gian mạng.
Chủ động cung cấp thông
tin kịp thời cho cơ quan chức năng khi phát hiện các trang web đánh bạc trên
mạng.
Tuyên truyền, vận động
người thân, gia đình chấp hành các quy định của pháp luật về phòng ngừa, đấu
tranh với hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng.
- Sáng 30/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước
Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm việc với
lãnh đạo chủ chốt của Hội triển khai một số nhiệm vụ an sinh xã hội dịp Tết
Nguyên đán 2023.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị
Hòa cho biết, sau Đại hội XI của hội nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra vào tháng 8 vừa
qua, Hội đang triển khai quán triệt Nghị quyết Đại hội ở các cấp Hội 63 tỉnh,
thành phố; huy động nguồn lực xã hội hóa tài trợ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Lào
300.000 bếp tiết kiệm năng lượng và 100.000 bình lọc nước miễn phí cho người
nghèo, trị giá 180 tỷ đồng; hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ vừa qua
các tỉnh miền Trung với tổng kinh phí trên 45 tỷ đồng.
Mới đây, Hội tổ chức thành công Chương trình "Sức mạnh nhân
đạo" năm 2022, đồng thời phát động Phong trào "Tết Nhân ái" và
Chương trình nhắn tin ủng hộ phong trào "Tết Nhân ái". Tết Nguyên đán
Quý Mão 2023, toàn Hội phấn đấu chăm lo, hỗ trợ 1 triệu người nghèo, người có
hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương với tổng giá trị hoạt động đạt 600
tỷ đồng.
Lãnh đạo Hội cũng cho biết, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi
liềm đỏ quốc tế đánh giá cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới hoạt động của
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Chữ thập đỏ
Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực
châu Á - Thái Bình Dương vào năm tới.
Huy động nguồn lực hỗ trợ người nghèo dịp Tết
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sau Đại hội XI đã nhanh chóng triển khai nhiệm vụ với
tinh thần trách nhiệm cao, tổ chức được một số hoạt động cụ thể, thiết thực.
Chủ tịch nước yêu cầu Hội củng cố bộ máy hoạt động từ Trung ương
đến cấp cơ sở, phát huy sức mạnh của Hội; đề xuất cơ chế chính sách, chế độ,
phương tiện, bao gồm cả cơ chế xã hội hóa nguồn lực phục vụ hoạt động của Hội
hiệu quả hơn, cán bộ Hội yên tâm công tác. Công tác quản lý về tài chính chặt
chẽ, minh bạch, bài bản và đúng quy định pháp luật, không để xảy ra sai sót.
Đặc biệt, Trung ương Hội và các cấp Hội phải xây dựng được tập
thể đoàn kết, có khí thế, trách nhiệm cao trong các hoạt động. Hội và cán bộ
Hội phải có sự nhạy bén, tiên phong trong các hoạt động nhân đạo; có năng lực
tập hợp, huy động các nguồn lực xã hội để hướng về người dân có hoàn cảnh khó
khăn, người yếu thế trong xã hội. Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành, địa
phương quan tâm cho hoạt động của Hội trong công tác nhân đạo.
Đánh giá cao Hội Chữ thập đỏ có thực hiện Phong trào "Tết
Nhân ái" dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý,
thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán không còn nhiều, Hội có chương trình, kế
hoạch triển khai cụ thể, vừa bảo đảm có được sự ủng hộ của các cấp bộ, ngành và
địa phương, vừa huy động được nguồn lực xã hội chăm lo Tết cho người nghèo,
người có hoàn cảnh khó khăn.
Về việc tổ chức Hội nghị Chữ thập đỏ -Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực
châu Á - Thái Bình Dương năm 2023, Chủ tịch nước yêu cầu Hội chuẩn bị kỹ lưỡng
về chương trình, nội dung, để qua đó phát huy vị thế quốc tế của Hội Chữ thập
đỏ Việt Nam; đồng thời huy động nguồn lực quốc tế ủng hộ Hội Chữ thập đỏ Việt
Nam trong các hoạt động nhân đạo trong nước, phục vụ cho các hoạt động dự án về
môi trường, biến đổi khí hậu, sinh kế cho người nghèo, người yếu thế mà Hội
đang huy động nguồn lực triển khai.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tán thành việc Hội tổ chức Hội
nghị Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh/thành phố trong cả nước vào
tháng 11 hằng năm nhân dịp tổ chức Chương trình Sức mạnh nhân đạo.
- Ngày 29/11, Di sản Văn hóa phi vật thể thứ
15 của Việt Nam - "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" - đã được
UNESCO đưa vào "Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp".
Ngày 29/11, tại phiên họp
của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể
lần thứ 17 của UNESCO tại Rabat (thủ đô Morocco), Hồ sơ "Nghệ thuật làm
gốm của người Chăm" của Việt Nam là 1 trong số 56 hồ sơ được UNESCO xem
xét.
Theo Uỷ ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn
hóa phi vật thể, Hồ sơ đề cử của Việt Nam đáp ứng được những tiêu chí để đưa
vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO.
Các tiêu chí đó là di sản liên quan đến nghề
thủ công truyền thống làm gốm Chăm bằng tay và sử dụng các công cụ đơn giản.
Chủ thể văn hóa và người thực hành chủ yếu là phụ nữ Chăm. Tri thức và kỹ năng
làm nghề được trao truyền trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Việc trao truyền
được thực hiện bằng biện pháp kể chuyện và thực hành hằng ngày.
Di sản thu hút sự trao đổi và tương tác giữa
những người thực hành nghề, các sinh hoạt xã hội và nâng cao vai trò của người
phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại. Di sản gắn liền với nghệ thuật trình diễn
dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên
quan đến ông tổ nghề làm gốm của người Chăm. Nghề làm gốm của người Chăm góp
phần gìn giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Đông Nam Á.
Hồ sơ cho biết hiện nay số lượng nghệ nhân,
người thực hành và người học nghề tại các làng gốm còn rất ít. Dù có nhiều nỗ
lực bảo vệ, di sản vẫn có nguy cơ mai một bởi nhiều mối đe dọa khác nhau (tốc
độ đô thị hóa ảnh hưởng đến không gian các làng nghề thủ công truyền thống và
ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu sẵn có; chi phí nguyên liệu tăng cao; nghệ nhân
lành nghề tuổi cao, thế hệ trẻ không hứng thú với nghề, sản phẩm thiếu sự đa
dạng…). Đây cũng là lý do để di sản này phải được bảo vệ.
Trên cơ sở đó, Hồ sơ trình bày chi tiết kế
hoạch bảo vệ di sản được thực hiện trong 4 năm (2023 - 2026).
Di sản này đã được đưa vào "Danh mục Di
sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Việt Nam" và Báo cáo kiểm kê di sản văn
hóa phi vật thể quốc gia trên Hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật
thể của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL).
Bên cạnh đó, việc kiểm kê di sản thu hút sự
tham gia của cộng đồng ở làng Bàu Trúc (Ninh Thuận) và Bình Đức (Bình Thuận)
với sự phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, Trung tâm
Nghiên cứu và Trưng bày Văn hóa Chăm (tỉnh Ninh Thuận) trong việc khảo sát,
kiểm kê, quay phim, chụp ảnh...
Theo Bộ VHTT&DL, sau khi Hồ sơ đáp ứng được
các tiêu chí, UNESCO đã ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm"
là Di sản Văn hóa phi vật thể vào các danh sách của tổ chức này.
- Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ
giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời
kỳ mới” phân tích, làm rõ các hệ giá trị và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ
giá trị đó.
Hội
thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và
chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” - Ảnh: VGP/Nhật Nam
Ngày 29/11, Ban Tuyên
giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ VHTT&DL, Viện
Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc
gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam
trong thời kỳ mới” bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và 2 điểm cầu trực tuyến
tại TPHCM và Thừa Thiên Huế.
Dự hội thảo tại Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn
Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng
Ban Chỉ đạo Hội thảo; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ
VHTT&DL, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung
ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo
dục của Quốc hội; GS.TS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam,
nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước.
Hội thảo được chia làm hai phiên. Phiên thứ
nhất diễn ra trong buổi sáng với chủ đề "Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực
con người Việt Nam trong thời kỳ mới". Phiên thứ hai "Hệ giá trị quốc
gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới" được tổ chức trong
buổi chiều.
Giữ gìn, phát huy,
xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Trung ương
Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, Nghị quyết
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt
lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường
dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức
mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt
Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực,
tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người
là quan trọng nhất".
Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội XIII đã xác
định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa,
sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó việc "Tập trung nghiên cứu, xác định
và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con
người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ
mới" có vai trò đặc biệt quan trọng.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của
Đảng, cách đây đúng một năm, ngày 24/11/2021 tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc
triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Phát triển văn hóa là một trong những vấn
đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng... Để
tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc,
chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng
tâm".
Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, ở nhiệm vụ trọng
tâm thứ 2, Tổng Bí thư đã định hướng: "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ
đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ
gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc
gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời
đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ
cương, sáng tạo.
Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa
gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn
minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng
của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa
bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,
hạnh phúc".
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, hội
thảo sẽ phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá
trị và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá
trị đó. "Tôi hy vọng hội thảo hôm nay sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất,
đồng thuận để có thể đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực
tiễn giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam; góp
phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát
triển đất nước nhanh và bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội
Đảng lần thứ XIII đã đề ra", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu.
Tại phiên thảo luận buổi sáng, các tham luận và
ý kiến phát biểu đều nhấn mạnh, khẳng định và đồng tình với quan điểm "Văn
hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam"; nêu
lên và trao đổi về những vấn đề cấp thiết, đặt ra đối với xây dựng, thực hiện
các hệ giá trị quốc gia văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong
thời kỳ mới; phân tích những đóng góp từ truyền thống gia đình trong xây dựng
hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay…
Tìm lời giải đáp cho hiện tại và tương lai
Theo GS.TS. Đinh Xuân Dũng, văn hóa Việt Nam ra
đời và phát triển trong những điều kiện và đặc điểm lịch sử rất đặc biệt, nổi
bật là những cuộc đấu tranh vĩ đại để dựng nước và giữ nước, là sự lao động
kiên cường để trụ vững và phát triển, là những cuộc chiến đấu kiên trì vô song
để chống lại âm mưu đồng hóa văn hóa, đồng thời nó tồn tại trong nhiều thế kỷ
của chế độ phong kiến từ buổi đầu phát triển cho đến giữa thế kỷ 19. Nền văn
hóa ấy đã trực tiếp tạo nên những đặc trưng của con người Việt Nam trong quá
khứ, cả mặt mạnh và mặt yếu của nó.
Cần phải nhìn một cách khách quan cả hai mặt
này để tìm lời giải đáp cho hiện tại và tương lai, cái gì phải bảo vệ, giữ gìn
và phát triển, cái gì phải khắc phục và vượt qua. Chưa bao giờ như thời điểm
lịch sử này, vấn đề trên được đặt ra một cách gay gắt, trực diện khi dân tộc
đang ở trong thời kỳ quá độ, vượt qua lạc hậu và muôn vàn thử thách, vươn tới
xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Theo PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam nêu, hệ giá trị con người là một cấu thành đặc biệt
quan trong trong hệ thống nhiều hệ giá trị Việt Nam khác nhau cùng tồn tại
trong giai đoạn lịch sử hiện nay của đất nước. Trong quá trình hình thành, phát
triển, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một hệ
thống nhiều hệ giá trị khác nhau như: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa,
hệ giá trị xã hội, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị tộc
người, hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị chính trị. Tùy thuộc vào lĩnh vực, đối
tượng, chủ thể, góc độ xem xét, mà mỗi một hệ giá trị đó lại bao hàm những giá
trị khác nhau và có những cơ cấu, trình tự thứ bậc khác nhau.
Nhưng trong hệ thống các hệ giá trị đó thì hệ
giá trị con người bao giờ cũng là hệ giá trị trung tâm. Trong mối quan hệ với
các hệ giá trị cơ bản như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị
gia đình, hệ giá trị cộng đồng,… thì hệ giá trị con người còn thể hiện là hệ
giá trị cốt lõi với nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác. Hệ giá trị
con người ẩn chứa, kết tinh, thấm đẫm, trong nhiều mặt, nhiều nội dung của các
hệ giá trị khác.
Cũng trong chương trình buổi sáng đã diễn ra
thảo luận-tọa đàm bàn tròn với sự tham gia của GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch
Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh
Hương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ (từ điểm cầu
Thừa Thiên Huế).
Các đại biểu tham gia thảo luận-tọa đàm bàn
tròn đã trao đổi ý kiến xung quanh một số nội dung như: Ý nghĩa và sự cần
thiết, cấp thiếp của việc xác định hệ giá trị gia đình, con người Việt Nam
trong thời kỳ mới; những chuẩn mực cần có của con người Việt Nam nói chung,
người phụ nữ nói riêng trong thời kỳ mới; những đặc trưng của gia đình truyền
thống và hiện đại cần lưu giữ và phát huy; bàn về "bữa cơm gia đình"
trong thời công nghiệp hóa; sự khác biệt giữa gia đình Việt Nam và gia đình ở
các nền văn hóa khác.
- Giáo hội Phật
giáo Việt Nam với tinh thần từ bi, trí tuệ và phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”,
tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh quan trọng trong đấu tranh với cái xấu, điều
ác; nỗ lực làm việc tốt, điều thiện; chung tay xây dựng đất nước hòa bình, hùng
cường, thịnh vượng, nhân dân được ấm no, hạnh phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính
bày tỏ tại buổi tiếp đoàn đại biểu lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn ra
chiều tối 29/11 tại trụ sở Chính phủ.
Thủ
tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp đoàn Đại biểu lãnh đạo Giáo hội
Phật giáo Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ
Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Phật giáo Việt Nam luôn luôn gắn bó, đồng hành với dân tộc
Bày tỏ vui mừng đón tiếp đoàn, thay mặt lãnh
đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng chúc mừng Giáo hội Phật
giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần
thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Thủ tướng nêu rõ, qua gần hai nghìn năm hiện
diện, Phật giáo đã hội nhập, đồng hành và hòa vào đời sống xã hội Việt Nam, trở
thành một thành tố quan trọng trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Phật giáo
Việt Nam luôn luôn gắn bó với dân tộc trong mọi cuộc thăng trầm của đất
nước", Thủ tướng cho rằng, Phật giáo ngày càng phát triển, là một trong
những tôn giáo lớn ở Việt Nam với hơn 18.500 cơ sở thờ tự, gần 55.000 tăng, ni
và hơn 14 triệu người đã quy y tam bảo.
Phật giáo có nhiều đóng
góp quan trọng trong công cuộc "hộ quốc, an dân"; nhiều nhân vật lịch
sử, anh hùng dân tộc mà tên tuổi, sự nghiệp gắn liền với đạo Phật. Từ các triều
đại Đinh, Tiền Lê đến triều Lý, triều Trần, bên cạnh các bậc minh quân luôn có
các vị cao tăng phò vua, giúp nước.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống
Mỹ, nhiều tăng, ni, cư sĩ, Phật tử đã tham gia kháng chiến, nhiều vị đã anh
dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong những năm qua, với
phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", tiếp nối dòng
chảy của Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vượt mọi khó khăn,
không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt. Giáo hội đã luôn đi đầu trong các
phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn
bó giữa đạo pháp và dân tộc, hết lòng phấn đấu vì cuộc sống tốt đẹp, ấm no,
hạnh phúc của nhân dân.
"Tôi cũng rất chia sẻ với những khó khăn,
thách thức mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải đối diện trong nhiệm kỳ
qua", Thủ tướng bày tỏ và cho rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban
Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã điều hành
linh hoạt, sáng tạo các hoạt động Phật sự của Giáo hội, đạt được nhiều kết quả
hết sức tích cực, góp phần quan trọng vào thành công chung của cả nước trong
phòng, chống đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển KTXH.
Giáo hội đã khẳng định vai trò tích cực trong
hoạt động xây dựng chính quyền từ Trung ương tới cơ sở. Quốc hội nhiệm kỳ XV có
4 đại biểu Phật giáo (Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng Thích Thanh
Quyết, Thượng tọa Thích Đức Thiện và Thượng tọa Lý Minh Đức).
Giáo hội ngày càng nâng cao vị thế, vai trò
trong hoạt động quốc tế, tham gia sáng lập và là thành viên của nhiều tổ chức
Phật giáo thế giới; tổ chức thành công nhiều sự kiện Phật giáo quốc tế ở Việt
Nam như Hội nghị Ni giới thế giới (2009), 3 lần tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp
quốc (2008, 2014 và 2019); tích cực tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo
quốc tế…
Gắn
đạo với đời, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc
Thủ tướng nhấn mạnh, Giáo hội đã làm được nhiều
việc ích đời, lợi đạo, thực hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam, vận
động tăng, ni, Phật tử trong cả nước tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã
hội, cùng chung tay trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, vận động cứu trợ nhân
đạo, giúp đỡ người già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật, những người yếu thế
trong xã hội với số tiền hàng ngàn tỷ đồng (nhiệm kỳ 2017-2021 đã quyên góp
được hơn 7.000 tỷ đồng).
Đặc biệt, trong phòng, chống đại dịch COVID-19
vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước,
Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các cấp, các ngành, Giáo hội Phật
giáo Việt Nam cùng toàn thể tăng, ni, Phật tử cả nước đã điều chỉnh các hoạt
động tôn giáo phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh, đóng góp sức người,
vận động quyên góp vật chất, chung tay cùng chính quyền chống dịch, bảo vệ sức
khỏe cộng đồng…
Hàng nghìn tăng, ni, Phật tử đã tình nguyện
xung phong lên tuyến đầu phòng, chống dịch; ủng hộ nguồn kinh phí lớn cho Quỹ
Vaccine, hỗ trợ trang thiết bị y tế, trao tặng hàng chục triệu phần quà và suất
ăn miễn phí...
"Tất cả những điều đó thể hiện rõ, Giáo
hội Phật giáo Việt Nam luôn là tổ chức tôn giáo gắn đạo với đời, gắn bó, đồng
hành cùng dân tộc", Thủ tướng nói và thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ghi
nhận, trân trọng và cảm ơn những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho
xã hội và cho đất nước.
Những kết quả đã đạt được của Nhiệm kỳ Đại hội
VIII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã góp phần quan trọng vào thành công
chung của đất nước ta thời gian qua, nhất là trong năm 2022. Kinh tế vĩ mô cơ
bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực,
các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó
khăn.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm ASXH được
chú trọng; đời sống người dân được cải thiện: Thu nhập bình quân tháng của
người lao động đạt 7,6 triệu đồng, tăng 1,6 triệu đồng so cùng kỳ. Đã hỗ trợ
hơn 87 nghìn tỷ đồng cho hơn 55 triệu lao động và trên 850 nghìn người sử dụng
lao động.
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây
dựng, hoàn thiện thể chế; cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại,
tố cáo được đẩy mạnh.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an
toàn xã hội được đảm bảo. Các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy
mạnh. Nhiều vấn đề tồn đọng và những vấn đề mới phát sinh được tập trung chỉ
đạo, giải quyết như trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị
trường bất động sản, ngân hàng yếu kém, củng cố niềm tin của người dân, nhà đầu
tư đối với thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu.
Thủ tướng lấy ví dụ, 11 tháng qua, vốn giải
ngân FDI đạt gần 20 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức
cao nhất trong nhiều năm qua, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối
với Việt Nam, "họ thấy yên tâm đầu tư thì mới giải ngân".
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được,
chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách
thức. "Trong điều hành, phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, bản
lĩnh để nhận diện, thúc đẩy thuận lợi, thời cơ, hóa giải vướng mắc, khó khăn,
thách thức một cách bài bản; không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không hoang
mang, dao động, lo lắng".
Củng
cố và phát huy truyền thống "hộ quốc, an dân"
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng và mong muốn Giáo
hội Phật giáo Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Đệ Tứ Pháp chủ
Thích Trí Quảng sẽ có một nhiệm kỳ mới với nhiều thành công; hoạt động và
phát triển theo định hướng "Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát
triển" mà Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX đã đề ra.
Thủ tướng trân trọng đề nghị các quý vị chư tôn
giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm, tập trung chỉ đạo Giáo
hội một số nội dung. Thứ nhất, tiếp tục vận động tăng, ni, Phật tử thực hiện
tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy tinh thần
"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ
hưởng".
Thứ hai, tiếp tục là tổ chức tôn giáo đi đầu
trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Việt Nam là
quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Đến nay, nước ta có hơn 26,5 triệu tín đồ tôn
giáo, chiếm 27% dân số cả nước với 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau được
Nhà nước công nhận. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng đoàn kết tôn giáo vì lợi
ích của quốc gia, dân tộc, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, vì cuộc
sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, Thủ tướng khẳng định.
Thứ ba, tiếp tục củng cố và phát huy truyền
thống "hộ quốc, an dân" của Phật giáo Việt Nam với tinh thần
"Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội". Bên cạnh đó, Giáo hội Phật
giáo Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, qua đó khẳng định tinh
thần hội nhập của Phật giáo, của dân tộc Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam
phát huy những thành quả đã đạt được, tích cực, chủ động hội nhập, thông qua
các diễn đàn tôn giáo thế giới để quảng bá đất nước, văn hóa, con người Việt
Nam; khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta luôn
tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta tin tưởng rằng,
Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tinh thần từ bi, trí tuệ và phương châm
"sống tốt đời, đẹp đạo", tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh
quan trọng trong đấu tranh với cái xấu, điều ác; thúc đẩy đoàn kết; phát huy
các giá trị cao đẹp, giá trị dân tộc, con người Việt Nam; nỗ lực làm việc tốt,
điều thiện; chung tay xây dựng đất nước hòa bình, hùng cường, thịnh vượng, nhân
dân được ấm no, hạnh phúc.
Sáng 30/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp
Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Baykham Khattiya nhân dịp tham dự
Hội nghị Bộ trưởng đặc biệt về Lao động, Phúc lợi xã hội và Phát triển nguồn
nhân lực Việt Nam - Lào.
Phó
Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi một số vấn đề với Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc
lợi xã hội Lào Baykham Khattiya - Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng chúc mừng
những thành tựu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đạt được sau gần 4 thập kỷ
tiến hành công cuộc đổi mới; đồng thời, tin tưởng chắc chắn rằng Đảng, Nhà nước
và nhân dân Lào sẽ vượt qua những thách thức hiện nay, xây dựng đất nước hoà
bình, độc lập, dân chủ, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất và phồn vinh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quan hệ hợp tác Việt
Nam - Lào thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực, vững chắc, ngày càng đi
vào chiều sâu, toàn diện trên nhiều lĩnh vực: Chính trị - ngoại giao; quốc
phòng - an ninh; kinh tế; giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề;
y tế; văn hoá - xã hội; thông tin truyền thông; tài nguyên - môi trường; khoa
học công nghệ... góp phần vào sự ổn định và phát triển của mỗi nước.
Cảm ơn Phó Thủ tướng dành
thời gian tiếp đoàn, Bộ trưởng Baykham Khattiya cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng
của đại dịch COVID-19 nhưng thời gian qua Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội
Việt Nam và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã rất linh hoạt trong việc
triển khai, thúc đẩy hợp tác, đạt một số kết quả tích cực.
Hai bên tiếp tục duy trì hợp tác trên các lĩnh
vực lao động, việc làm, an sinh xã hội và người có công; phát triển nguồn nhân
lực; triển khai nhiều hoạt động hợp tác từ đào tạo ngắn hạn, luyện thi tay nghề
ASEAN tới hỗ trợ trang thiết bị, và đào tạo dài hạn từ bậc đại học;…
Mới đây, trong hai ngày 28-29/11, tại thành phố
Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Lao động và
Phúc lợi xã hội Lào đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng đặc biệt về Lao động, Phúc
lợi xã hội và Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Lào nhân kỷ niệm 60 năm Ngày
thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Hội nghị đã đánh giá kết quả đạt được trong
việc thực hiện các chương trình hợp tác giữa hai Bộ thời gian qua; chia sẻ
những kinh nghiệm và chính sách phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội của
hai nước; ký Thỏa thuận cấp bộ trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn hai Bộ tiếp
tục nghiên cứu, xây dựng các định hướng chiến lược về hợp tác lao động-xã hội
phù hợp với bối cảnh mỗi nước, khu vực và thế giới hiện nay; trao đổi, chia sẻ
kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau về luật pháp, chính sách và các chương trình về
quản lý thị trường lao động, việc làm, lao động di cư, cũng như các vấn đề an
sinh xã hội khác; hợp tác nâng cao kỹ năng, hỗ trợ tham gia các kỳ thi tay nghề
ASEAN, thế giới; tăng cường, phối hợp chặt chẽ trao đổi thông tin, đối thoại
chính sách, tham vấn, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn thế giới và khu vực.
Báo cáo mới nhất
vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy, 45,6 tỷ USD đã bị gian lận trong đại
dịch COVID-19.
Cơ quan chức năng Mỹ đang tiếp tục điều tra các hành vi gian lận liên quan đến
gói cứu trợ để truy tố những đối tượng liên quan và thu hồi số tiền bị đánh
cắp.
Theo Bộ Lao động Mỹ, mức thiệt hại đã tăng thêm 29,6 tỷ USD so với báo
cáo ban đầu đưa ra hồi tháng 6/2021 với 16 tỷ USD. Các đối tượng đã lợi dụng
các gói viện trợ COVID-19 để bòn rút hàng chục tỷ USD của Chính phủ. Phổ biến
nhất từ các chương trình bảo vệ tiền lương, hỗ trợ người thất nghiệp hay viện
trợ thực phẩm cho người dân.
Những kẻ lừa đảo thậm chí sử dụng hàng trăm nghìn số an sinh xã hội của
những người đã chết hoặc những tù nhân không đủ điều kiện để nhận tiền hỗ trợ.
47 bị cáo đã bị truy tố tuần trước với cáo buộc ăn cắp 250 triệu USD từ
gói viện trợ cho trẻ em. Đến nay, Cục Điều tra Liên Bang Mỹ đã tiến hành hơn
3.850 cuộc điều tra, thu hồi gần 2,3 tỷ USD bị gian lận. Trước đó, Mỹ đã chi
hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch
COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ mới đây nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục truy tìm và
quy trách nhiệm với những đối tượng lợi dụng đại dịch để trục lợi, qua đó bảo
vệ quyền lợi của những người dễ bị tổn thương và tính toàn vẹn của các chương
trình được cấp quỹ từ thuế của người dân.
Để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” phục
vụ cho mưu đồ chính trị, các thế lực phản động trong và ngoài nước đã và đang
tìm mọi cách, mọi âm mưu, thủ đoạn, biện pháp chống phá Đảng, chế độ chính trị
như: Tìm cách đan xen, lồng ghép các nội dung có tính chất kích động, phản động
nhằm tuyên truyền các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, phản động vào các hoạt động
của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Thông qua các
diễn đàn: như diễn đàn khoa học, Hội thảo các chuyên đề để phát tán tài liệu, rải
tờ rơi, “phiếu cung cấp thông tin” thư điện tử và internet; cổ xúy việc viết
“thư góp ý”, “hồi ký” của cán bộ lão thành…
Hiện nay, các thế lực thù địch đã lập ra hàng
trăm tổ chức phản động ở nước ngoài thường xuyên móc nối với các tổ chức chính
trị đối lập, số đối tượng cơ hội chính trị trong nước để thực hiện mưu đồ công
khai hóa hoạt động, lấy danh tiếng của các tổ chức này ở trong nước. Hoạt động
chủ yếu của chúng là hiện nay đấu tranh ôn hoà, bất bạo động; đứng đằng sau,
không lộ diện để kích động tạo “điểm nóng” tiến tới bạo loạn, lật đổ chính quyền.
Trong quá trình thực hiện chúng thường xuyên tích cực bơm tiền cho các loại tội
phạm hình sự và các loại tội phạm khác để thực hiện ý đồ và khi cơ quan chức
năng bắt giữ số này thì chúng lại đặt cho số này với cái danh hão: “Tù nhân
lương tâm” và đưa ra yêu sách với cơ quan chức năng.
Các thế lực thù địch chống phá ta với nhiều thủ
đoạn vừa ngấm ngầm, tinh vi, xảo quyệt, vừa công khai trắng trợn; kết hợp cả lực
lượng bên ngoài và bên trong; triển khai trên tất cả các lĩnh vực; sử dụng tất
cả các hình thức, biện pháp; lợi dụng tất cả các tình huống, các phương tiện để
chống phá, đặc biệt là thông qua mạng internet, các trang mạng xã hội, các thiết
bị công nghệ thông tin và truyền thông.
Để làm thất bại âm
mưu thủ đoạn của chúng, cần làm tốt một số biện pháp sau:
Thứ nhất, Chủ động “phủ xanh” thông tin, không để
“khoảng trống” thông tin trên mạng internet. Thế lực thù địch chống phá ta qua
mạng internet, chúng ta tổ chức phòng, chống bằng thông tin, định hướng dư luận
bằng hệ thống Blogger, các Groups, các trang Fanpage được tổ chức chặt chẽ, cử
những con người có bản lĩnh chính trị vững vàng đấu tranh trực diện trên các
trang mạng. Thông tin truyền bá phải thường xuyên, liên tục, bền bỉ, hấp dẫn về
các chủ đề như: chủ nghĩa Mác-Lê nin; đường lối chính sách của Đảng, pháp luật
Nhà nước; các vấn đề kinh tế, xã hội, đối ngoại; các sự kiện quan trọng; các vấn
đề về biển, đảo, biên giới, các thành tựu đổi mới của đất nước sau hơn 30 năm,…
Thứ hai, Chủ động tận dụng không gian mạng
internet để truyền bá quan điểm đúng đắn, thông tin trung thực khách quan, kịp
thời, chính xác cho các đối tượng. Tăng cường công tác thông tin nội bộ, công
tác tuyên truyền miệng, kịp thời định hướng tư tưởng, giải tỏa thông tin từ
trong nội bộ, từ cơ sở tạo ra dư luận rộng rãi phản bác thông tin quan điểm sai
trái, thù địch. Thứ ba, Tăng cường quản lý báo
chí, quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên; quản lý chính trị
nội bộ, quản lý internet theo quy chế, theo pháp luật, không để rò rỉ thông tin
nội bộ, bí mật Nhà nước; thường xuyên rà soát hệ thống mạng nội bộ, chống cài đặt
phần mềm gián điệp, phần mềm độc hại. Với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm báo
chí phải bám sát định hướng tuyên truyền của cấp trên, tuyên truyền với liều lượng,
mật độ phù hợp, tránh bị kẻ xấu và các thế lực thù địch lợi dụng.
Thứ tư, Xây dựng, bồi dưỡng “Văn hóa internet”,
nâng cao nhận thức tư tưởng, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc
chấp hành các quy định của Nhà nước.
Thứ năm, tăng cường thông tin, tuyên truyền đối
ngoại. Chủ động tranh thủ các diễn đàn để tuyên truyền đường lối, quan điểm,
chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người
Việt Nam ra nước ngoài để người Việt Nam ở nước ngoài và các nước hiểu đúng
tình hình trong nước, ủng hộ chúng ta.
Không tiếng súng đạn nhưng cuộc chiến với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên
không gian mạng vẫn mang ý nghĩa quan trọng đối với quá trình bảo vệ và phát triển đất nước!