BÁC BỎ QUAN ĐIỂM CỦA NGUYỄN HUY VŨ VỀ VĂN HÓA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Văn hóa cũng là một trong những trụ cột chủ yếu của công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.
Đây cũng là lĩnh vực các thế lực thù địch tập trung chống phá, gần đây, trên trang Viettan.org, Nguyễn Huy Vũ có bài viết: “Văn hóa”, đã vu cáo, xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam góp phần phá hủy văn hóa của quốc gia.
Bài viết này vẫn tiếp tục luận điệu gặm nhấm một chiêu bài cũ rích: xuyên tạc, bóp méo, vu cáo quan điểm, đường lối phát triển văn hóa hiện nay, đồng thời nói xấu Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tuy nhiên sự thâm hiểm của bài viết này được thể hiện với cái giọng điệu thâm thù, vu khống, bịa đặt, bôi nhọ của Nguyễn Huy Vũ.
Từ khi đất nước ta giành được độc lập đến nay, mặc dù kinh tế đất nước còn khó khăn, song Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, phát triển văn hóa.
Thứ nhất, ngày 16-7-1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết đã bổ sung, phát triển, làm sâu sắc, phong phú hơn kho tàng lý luận văn hóa, đường lối văn hóa của Đảng và mở đường cho thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam thu được những thành tựu to lớn trong hơn hai thập niên qua. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã có quan niệm rộng hơn, toàn diện hơn, bao quát hơn về văn hóa, về văn hóa và phát triển, về di sản văn hóa, về bản sắc, đặc trưng văn hóa Việt Nam, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
Văn hóa được đề cập ở đây theo nghĩa rộng, bao gồm các lĩnh vực chủ yếu tạo nên đời sống văn hóa như: Tư tưởng, đạo đức, lối sống; Môi trường văn hóa; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn học nghệ thuật; Thông tin đại chúng; Giao lưu văn hóa với nước ngoài; Thể chế và thiết chế văn hóa…Với tính cách bao trùm như vậy, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh thì không có sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương,… biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.
Thứ hai, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), ngày 09/6/2014, đã thông qua Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ ba, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020, tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Không ngừng phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, quan tâm hơn việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa. Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị thuần phong, mỹ tục, nhất là trên không gian mạng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, thực hiện tốt công tác kiểm kê, xếp hạng, ghi danh, quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, di tích…
Thứ tư, tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngày 14/9/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Việc xây dựng Quy hoạch cần quán triệt và cụ thể hóa phát triển nhanh nhưng bền vững, phát triển hài hòa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, đặt văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, xác định văn hóa, lịch sử truyền thống là một nguồn lực; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Vì vậy mọi luận điệu xuyên tạc, bóp méo của Nguyễn Huy Vũ về văn hóa ở nước ta là hoàn toàn sai trái. Chúng ta cần kiên quyết đấu tranh, vạch trần âm mưu đen tối, ngăn chặn, không lan truyền, cổ súy những thông tin xấu độc trên không gian mạng.