Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

NÓI VỀ CHƯƠNG TRÌNH CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC CỦA GS. HỒ NGỌC ĐẠI


Thanh Niên Việt @
Mấy nay trên mạng xã hội đâu đâu cũng thấy vuông vuông, tròn tròn, tam giác vuông…rồi tự coi đó là niềm tiêu khiển, bản thân mình nhận thấy điều đó thật ấu trĩ.

- Thứ nhất, dạy theo cách của GS. Hồ Ngọc Đại là không sai. Cách dạy của ông theo ngữ âm học tiếng Việt. Mà ngữ âm học tiếng Việt là một môn học của ngành ngôn ngữ, chỉ có sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ được học, cho nên với những ai có học qua chuyên ngành đó, họ đều hiểu là cách dạy học của thầy Đại là khoa học. Còn phân tích cụ thể kiểu âm tiết, âm tố, âm vị…thì mình không nói ở đây vì kiến thức hẹp quá chuyên ngành. Cách dạy truyền thống cũng là một cách dạy cho biết chữ. Dù dạy kiểu nào thì đường nào cũng đến La Mã cả, chứ không phải cách dạy truyền thống mới là đúng, còn cách dạy của GS. Đại là sai. Cách dạy của GS Đại vẫn giữ nguyên hình dáng, từ ngữ, cách viết tiếng Việt. Cần phân biệt cách làm của GS Đại với PGS. Bùi Hiền. GS. Đại là dạy cách đánh vần. PGS. Bùi Hiền là đòi cải cách chữ quốc ngữ.
- Thứ hai, GS. Hồ Ngọc Đại đã dạy Thực nghiệm từ năm 1978 và cho đến nay có nhiều trường ở nhiều địa phương đã dạy theo sách của ông mấy chục năm nay. Bản thân tuy không học Thực nghiệm nhưng có rất nhiều bạn bè học Thực nghiệm thì thấy rằng các bạn ấy nhanh biết chữ hơn mình và sau này các bạn ấy cũng thừa nhận là viết chuẩn hơn. Biết rằng ở đâu cũng có người giỏi, học ở đâu cũng có người giỏi, không nhất thiết phải ở địa phương nào hay trường nào, song các bạn học Thực nghiệm mà vẫn biết thì sau này đều rất thành đạt và rất tự hào về mái trường Thực nghiệm của mình, cũng như học sinh Hà Nội tự hào có trường Amsterdams, học sinh TPHCM tự hào có trường Lê Hồng Phong.
- Thứ ba, nhiều người chưa hiểu, thậm chí chưa cầm cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, thì đã lên tiếng chê bai. Họ bảo là những ô vuông hay hình tròn đó là thay cho chữ, trong khi thực tế đó là bài đầu tiên, chỉ dùng để phân biệt tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, chứ không phải đa âm, chưa phải là bài dạy chữ chính thức cho các cháu. Nếu những người đó có chút kiến thức ngữ âm học thì mọi chuyện đã khác.
- Thứ tư, đường đi của chương trình Thực nghiệm cũng rất gian truân. Lúc đầu (năm 1978) nó chỉ được dạy ở trường Thực nghiệm, rồi sau đó đến năm 1986 được mở rộng ở nhiều trường. Năm 2006, Giáo sư Hồ Ngọc Đại mở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số. Mấy năm sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thêm 5 tỉnh tiếp tục thí điểm là: Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang. Từ đó mỗi năm mở dần thêm mấy tỉnh. Đến năm học 2014 - 2015 có 37 tỉnh, thành áp dụng chương trình này. Người quyết định mở rộng phạm vi áp dụng Công nghệ giáo dục chính là (nguyên) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận. Ngoài ra còn có chương trình giáo dục bằng sách Giáo khoa của nhóm Cánh buồm, do nhà giáo Phạm Toàn chủ trì. Như vậy đã có nhiều nơi dạy Thực nghiệm và chưa thấy có phản ánh gì về chương trình này từ những năm trước.
- Vậy tại sao bây giờ xã hội mới rộ lên chuyện này qua một số trang giáo khoa và clip post trên mạng? Thật ra đấy là chuyện đấu tranh giữa những nhóm lợi ích ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi quyết định cho học chương trình nào là chính, thì điều ấy sẽ mang lại cho họ nguồn thu khổng lồ từ tiền thực hiện chương trình, cải cách và bán sách giáo khoa v.v… Thế nên mới có chuyện những dư luận viên lên tiếng ở những tờ báo tưởng là chính thống nhất, chuyên ngành nhất. Mà họ cần ở đây là gì? Cần sự phản đối của dân chúng để gây sức ép, mà muốn dân chúng vốn không hiểu biết cụ thể vấn đề đứng ra phản đối thì hình thức cắt xén clip, trang sách đưa lên mạng là một thủ đoạn thường được dùng.
- Cuối cùng, vẫn cho rằng sự đa dạng các chương trình giáo dục sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chính các em học sinh và phụ huynh. Phụ huynh nào còn phân vân có thể vẫn cho con theo học những trường không áp dụng công nghệ giáo dục của GS Đại, hoặc cho con học sách của nhóm Cánh buồm. Giáo dục không được độc quyền. Tri thức không được độc quyền. Càng nhiều chương trình giáo dục thì người dân càng có nhiều sự lựa chọn. Theo tôi thì nên duy trình nhiều chương trình giáo dục song song, không nên độc quyền một chương trình nào cả, điều đó cũng giúp cho việc triệt tiêu lợi ích nhóm. Dù cho đến nay vẫn chưa có 1 công trình khoa học nào thẩm định lại hiệu quả của các chương trình giáo dục, song cũng đã đến lúc cần làm việc này để giúp cho người dân hiểu biết để mà lựa chọn chương trình giáo dục nào phù hợp với con em mình.


Không có nhận xét nào: