VŨ NHÃ HÂn @
Ðấu tranh, phản bác nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái
Với sự phát triển của khoa học và công
nghệ, ngày nay các phương tiện phổ biến thông tin trở nên hết sức phong phú, mà
nổi lên trong đó là in-tơ-nét. Ðiều này làm cho phạm vi tiếp xúc thông tin của
nhân loại nói chung, của người Việt Nam nói riêng, được mở rộng mà với quỹ thời
gian hằng ngày, mỗi cá nhân khó có thể bao quát. Nhất là các mạng xã hội dựa
trên nền tảng in-tơ-nét, đã hấp dẫn con người không chỉ vì khả năng truyền tải
thông tin nhanh chóng, kịp thời, đa dạng về hầu hết các sự kiện, hiện tượng diễn
ra trên thế giới, mà còn vì đã tạo một môi trường giúp con người trực tiếp
tương tác, đưa ra ý kiến, trình bày suy nghĩ, vừa tự bộc lộ, vừa giao lưu với
người khác, qua đó xây dựng những mối liên kết cộng đồng…
Ðiều này làm
cho những câu chuyện, giai thoại trước đây chỉ tồn tại bằng phương thức truyền
miệng nay có điều kiện lan tỏa trong thời gian rất ngắn, trong không gian rộng
và rất hấp dẫn. Ðó cũng là một nguyên nhân lý giải vì sao đến tháng 6-2018 trên
thế giới, chỉ riêng Facebook: hằng tháng có hơn 2,2 tỷ người dùng; hằng ngày có
1,45 tỷ người đăng nhập; 60 giây có 510 nghìn comment, 293 nghìn trạng thái
được cập nhật, 136.000 ảnh được tải lên; mỗi ngày có 4,75 tỷ nội dung được chia
sẻ, 8 tỷ lượt người xem video với tổng số thời gian 100 triệu giờ…
Với Việt
Nam, theo số liệu do WeAreSocial (công ty có trụ sở tại Anh, chuyên thống kê,
đánh giá thông tin kỹ thuật số, di động cùng các lĩnh vực liên quan) thì: đến
đầu năm 2018 Việt Nam có 64 triệu người sử dụng in-tơ-nét; 58 triệu tài khoản
Facebook và đứng thứ bảy trên thế giới về người sử dụng mạng xã hội này; hằng
ngày, trung bình người sử dụng máy tính truy cập in-tơ-nét 6 giờ 52 phút, người
dùng điện thoại di động truy cập in-tơ-nét 3 giờ 3 phút…
Song tính ưu
việt, tiện ích của in-tơ-nét đã sớm bị một số người lạm dụng, nhất là trên mạng
xã hội, nhằm phục vụ cho việc làm có mục đích xấu, biểu hiện cụ thể nhất là
tình trạng tin giả (fake news), lập các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội (như
Facebook thông báo thì trong ba tháng đầu năm 2018 đã khóa 583 triệu tài khoản
giả mạo) trở thành một tệ nạn mà nhiều quốc gia đang phải đối diện và giải
quyết.
Ðể chống phá
Việt Nam, các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí
cũng đã tận dụng, biến in-tơ-nét thành loại công cụ chủ yếu để lan truyền nhận
thức lệch lạc, tuyên truyền quan điểm sai trái, đặc biệt là biến mạng xã hội
thành "nguồn tin" cung cấp đủ thứ "tài liệu" cho người hiếu
kỳ, bất mãn,… từ đó tiến công vào nền tảng tư tưởng của Ðảng, xuyên tạc chủ
trương và chính sách của Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của lãnh đạo,
bịa đặt và dựng chuyện để gây hoang mang, gieo rắc tâm lý bất mãn, lung lạc đời
sống tinh thần nhân dân… Trước âm mưu thâm độc đó, nếu mỗi đảng viên, mỗi tổ
chức đảng cơ sở đến toàn Ðảng không chủ động đấu tranh dựa trên cơ sở lý luận -
thực tiễn đúng đắn thì có thể sẽ tạo cơ hội làm cho hiện tượng suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có lời nói và việc làm biểu hiện "tự
diễn biến", "tự chuyển hóa" trở nên phức tạp hơn.
Ðể thực hiện
âm mưu đen tối, các thế lực thù địch tỏ ra nhanh nhạy trong việc chụp giật,
khai thác các tin tức, hiện tượng, sự kiện từ nhỏ đến lớn xảy ra trong xã hội
để bóp méo, xuyên tạc, dẫn dắt nhận thức người đọc theo hướng tiêu cực. Từ tai
nạn giao thông, người chết bất thường, dịch bệnh, hậu quả bão lụt, sự cố môi
trường… cho tới tăng giá xăng dầu, phát hiện tham nhũng, xử lý tham nhũng, cơ
quan chức năng xét xử và tuyên án người đã có hành vi vi phạm pháp luật, chủ
trương và chính sách mới của chính quyền, quan hệ đối ngoại, lãnh đạo Ðảng hoặc
Nhà nước từ trần,… đều bị quy chiếu từ góc nhìn tiêu cực, gán cho các động cơ
không trong sáng,… nhằm tác động đến suy nghĩ cảm tính của con người, đẩy người
tiếp xúc đến nhận thức, suy nghĩ mơ hồ và rồi do thiếu tỉnh táo mà có phản ứng
thiếu sự dẫn dắt của lý trí, dần dà làm xói mòn niềm tin của mỗi người nói
riêng, của xã hội nói chung. Tuy nhiên, việc dựa trên sự kiện, hiện tượng đã
xảy ra để xuyên tạc mới là một phương diện mà các thế lực thù địch âm mưu
truyền bá, một phương diện khác không kém quan trọng là sản xuất tin giả để đầu
độc nhận thức của người tiếp xúc.
Một nghiên
cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) cho biết trên thế giới, chủ đề nhiều
tin giả nhất thường liên quan đến chính trị, tiếp sau là loại tin giả có liên
quan kinh doanh, khủng bố, giải trí, khoa học, thiên tai… Trên thực tế, khi đưa
ra tin giả, các thế lực thù địch thường chú ý đến sự kiện giật gân, gợi tò mò,
thường kèm theo lời dẫn như: "một nguồn tin thân cận cho biết",
"một người có uy tín trong lĩnh vực này xác nhận", "nguồn tin từ
nội bộ cho hay",... để tạo dựng cơ sở cho "tính xác thực", khiến
người tiếp xúc tin giả không nghĩ đến việc kiểm chứng, xác minh... Vì thế, nếu
không nắm bắt được bản chất của vấn đề, không chú ý tìm hiểu kỹ lưỡng, lại bồng
bột và thiếu chín chắn, người tiếp xúc luận điệu xuyên tạc hoặc tin giả dễ bị
dẫn dắt tinh thần theo chủ đích của kẻ xấu.
Khi mà
"các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược "diễn
biến hòa bình", lợi dụng các vấn đề "dân chủ, nhân quyền", dân
tộc, tôn giáo và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để xuyên tạc, bóp
méo tình hình; cổ súy cho lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ
nghĩa; đồng thời, cấu kết với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hoạt động
ráo riết, chống phá cách mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn" như Nghị
quyết T.Ư 4 (khóa XII) đã chỉ rõ, việc tăng cường, nâng cao bản lĩnh chính trị,
trình độ lý luận và sự am hiểu đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước, khả
năng nắm bắt các vấn đề của cuộc sống để phân biệt đúng - sai, từ đó luôn tỉnh
táo, không phụ họa theo nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái của các thế lực
thù địch trở thành yêu cầu cấp thiết hàng đầu trong nhận thức cũng như trong
hoạt động thực tiễn của mọi cán bộ, đảng viên.
Sự khuyết
thiếu các khả năng này ở mỗi người dễ tạo ra cơ hội để nhận thức lệch lạc, quan
điểm sai trái lây lan, và mỗi người rất dễ tự biến mình thành "cột thu
phát" vừa tiếp nhận thiếu chọn lọc, vừa truyền bá một cách vô ý thức; bởi
trong sinh hoạt hằng ngày lâu nay đã có không ít hiện tượng cán bộ, đảng viên
đưa ra ý kiến đại loại: "thấy trên mạng nói thế này, thấy trên mạng nói
thế kia", hoặc rỉ tai "hình như ông A, bà B có vấn đề", mà cái
gọi "vấn đề" đó vốn mới xuất hiện trên mạng.
Tham gia
mạng xã hội cũng vậy, nếu mỗi cán bộ, đảng viên không chú ý và thiếu cẩn trọng,
cũng có thể biến tâm sự, suy nghĩ, phản ánh, nhận xét thuần túy của cá nhân
thành "nguồn tin" cho kẻ xấu lợi dụng. Vì thế, để cuộc đấu tranh,
phản bác quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản
động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị chống phá Ðảng, Nhà nước và khối đại
đoàn kết toàn dân tộc,… ngày càng nâng cao hiệu quả xã hội, để việc không ngừng
xây dựng khả năng tự vệ về tinh thần không tạo cơ hội cho quan điểm sai trái lây
nhiễm vào nhận thức của mỗi người, thì trước hết cần nâng cao ý thức tự giác
của mỗi cán bộ, đảng viên. Ý thức tự giác đó cần kết hợp với yêu cầu siết chặt
kỷ luật, kỷ cương trong Ðảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Ðảng;
phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công
bằng đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét