Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

Tập Pháp Luân Công chữa bệnh hiểm nghèo: Phản khoa học, phi thực tế


VŨ NHÃ HÂN@
Tập Pháp Luân Công chữa bệnh hiểm nghèo: Phản khoa học, phi thực tế
Thời gian gần đây, hoạt động liên quan đến Pháp Luân Công (PLC) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng phức tạp, các đối tượng cầm đầu, cốt cán tích cực tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia. Luận điệu của họ là tập luyện PLC để tăng cường sức khỏe, chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo mà bệnh viện không chữa được,... Song thực tế đó là những luận điệu phản khoa học, phi thực tế, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT.

Pháp Luân Công là gì?
PLC hay Pháp luân đại pháp, do Lý Hồng Chí (SN 1952, Trung Quốc) sáng lập và bắt đầu phổ biến ra công chúng Trung Quốc vào năm 1992, sau đó lan truyền ra nhiều nước trên thế giới. PLC không phải là một tôn giáo, không có giáo lý, giáo luật, cấu trúc tổ chức, nhà cầu nguyện, không có đối tượng và hoạt động thờ cúng. Sau khi ra đời, PLC đã phát triển và thu hút một số lượng lớn người tham gia. Tuy nhiên, tháng 7/1999, PLC đã bị cấm phổ biến ở Trung Quốc.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, PLC có mặt từ đầu năm 2016 và đang có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng hoạt động PLC thường xâm nhập vào các khu dân cư, cơ quan, trường học, tìm cách lôi kéo, dụ dỗ người đang điều trị bệnh, học sinh - sinh viên, những người hạn chế hiểu biết; thành lập “Hội chống lưng” trên danh nghĩa biểu diễn miễn phí sau đó tuyên truyền PLC; hướng dẫn, truyền đạt cách thức chống đối khi bị cơ quan chức năng xử lý...
Xét thấy mức độ nguy hiểm của các nhóm tập luyện PLC, ngày 12/5/2018, Khách sạn Mường Thanh (TP Thanh Hóa) đã từ chối cho thuê hội trường với một nhóm tập luyện PLC thuê để tổ chức kỷ niệm “Ngày Pháp Luân Đại Pháp” (sinh nhật Lý Hồng Chí - là người sáng lập ra Pháp Luân Công) vào chiều ngày 13/5, với số lượng 1.000 người. Sau đó, nhóm này đã tự ý đến Công viên Hội An để tụ tập với số lượng người giảm còn 500 người, chủ yếu đến từ các thành phố Sầm Sơn, TX Bỉm Sơn, các huyện: Hậu Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa... 
Hệ lụy khó lường
Thực tế thấy rằng, nhiều người quá đam mê PLC đã bỏ bê việc làm, gia đình; nhiều người có bệnh chỉ tin và tham gia PLC mà không đi chữa trị tại các cơ sở y tế, dẫn đến những hậu quả hết sức đáng tiếc. Tại Thanh Hóa đã có nhiều trường hợp theo tu luyện PLC nhưng không qua được bệnh tật và dẫn đến những cái chết đầy thương tâm.
Điển hình là trường hợp bà Nguyễn Thị D, (khu phố Ái Sơn, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa), bị suy thận. Thay vì đến bệnh viện cứu chữa nhưng bà D., lại một mực nghe theo người hàng xóm tham gia PLC. Và trường hợp của anh Lê Xuân Mậu (Hậu Lộc), bị viêm gan B, anh Mậu bỏ nhà cửa, vợ con đi tận vào Quảng Bình theo tập PLC. Cả bà D. và anh Mậu đều đã chết chỉ sau một thời gian ngắn theo PLC.
Theo phản ánh của nhiều người tham gia tập luyện nhưng đã từ bỏ PLC, nguyên do là ban đầu chưa nhận thức rõ bản chất của PLC, chỉ mơ hồ nhận thức đây là phương pháp tập luyện thuần túy có lợi cho sức khỏe, không vi phạm pháp luật; nhất là những trường hợp đang bị bệnh, đau ốm dài ngày, thường có tư tưởng "có bệnh thì vái tứ phương" nên đã bị các đối tượng tuyên truyền, lôi kéo tham gia. Đặc biệt, chính bản thân họ thừa nhận đã không thấy được tính chất nguy hiểm của việc các thế lực thù địch và các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động PLC để chống phá cách mạng Việt Nam.
Một hệ quả khác cũng rất đáng lo ngại, đó là việc nhận thức, đây là môn rèn luyện sức khỏe và tinh thần, có tác dụng như phương thuốc chữa đặc trị được bách bệnh nên đã lôi kéo một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức đang công tác hoặc nghỉ hưu tham gia.
Đáng chú ý hơn là việc những người theo PLC còn động viên nhau rằng, đã theo PLC thì nên thực hiện "Tam thoái" (thoái đảng, thoái đoàn, thoái tổ chức chính trị xã hội) để khỏi bị cản trở và có điều kiện để theo tu luyện.
Những người tham gia hoạt động PLC đã thần thánh hóa "sư phụ" hơn bố mẹ, con cái; đặt niềm tin tuyệt đối vào người sáng lập là Lý Hồng Chí, coi đó là đấng cứu thế và thờ phụng bên cạnh bàn thờ tổ tiên. Họ bỏ bê lao động, sản xuất, tạo ra nguy cơ xung đột với văn hóa truyền thống, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều gia đình.
Để đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động của PLC gây mất ANTT, vi phạm pháp luật, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tập trung tăng cường công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đề cao cảnh giác; tuyên truyền, giải thích ảnh hưởng xấu của PLC cho người tham gia PLC; răn đe đối với số đối tượng cầm đầu; đồng thời kiên quyết xử lý các hoạt động lợi dụng PLC để tuyên truyền chống phá Nhà nước.

Không có nhận xét nào: