Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG HOẠT ĐỘNG PHÁT TÁN CÁC ẤN PHẨM,TÀI LIỆU CHỐNG PHÁ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA


Vũ Nhã Hân @

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG HOẠT ĐỘNG PHÁT TÁN CÁC ẤN PHẨM,TÀI LIỆU CHỐNG PHÁ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA


Trong những năm qua, nhằm đẩy mạnh các chiến dịch phá hoại tư tưởng đối với nước ta, các thế lực thù địch đã triệt để thông qua xuất bản, phát tán các ấn phẩm, tài liệu có nội dung xuyên tạc, bóp méo tình hình trong nước, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo. Coi đó là một mũi tấn công quan trọng nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, từng bước đưa Việt Nam theo quỹ đạo của Mỹ và phương Tây.
Những năm tới, nhằm “diễn biến hòa bình” với nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch phá hoại tư tưởng với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động tán phát ấn phẩm, tài liệu chống phá Việt Nam, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, nghiên cứu dự báo, phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn, đặc biệt là phương thức hoạt động mới của các thế lực thù địch để tán phát các loại văn bản, tài liệu, ấn phẩm… và thời điểm đẩy mạnh các chiến dịch tán phát tài liệu phản động để kịp thời triển khai biện pháp đấu tranh, ngăn chặn. Trong đó, đặc biệt chú trọng nắm tình hình từ xa, nắm tình hình ngay từ trung tâm phá hoại tư tưởng ở bên ngoài để chủ động triển khai công tác phòng, ngừa, đấu tranh, ngăn chặn.
Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, báo chí, quản lý internet… cần chủ động rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, cần xác định những quan hệ xã hội nảy sinh trong lĩnh vực này chưa được pháp luật điều chỉnh để kiến nghị Đảng, Nhà nước xây dựng, ban hành mới văn bản pháp luật, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động xuất bản, tán phát tài liệu, ấn phẩm nhằm chống phá nước ta.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, tính chất công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng việc xuất bản, tán phát tài liệu, ấn phẩm phản động nhằm chống phá nước ta; vai trò, tầm quan trọng của công tác phối kết hợp để giải quyết các yêu cầu và nhiệm vụ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh. Làm cho cán bộ, đảng viên và người dân đặc biệt là thanh, thiếu niên thấy rõ tác hại của các tài liệu, thông tin phản động; có khả năng nhận diện và “miễn dịch” các nội dung thông tin xấu, độc, nguy hại đối với xã hội; kịp thời tố giác với các cơ quan chức năng các tài liệu, ấn phẩm phản động để xử lý kịp thời. Xây dựng ý thức và phong cách văn hóa khi tham gia mạng xã hội, internet.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, thành tựu đảm bảo quyền con người ở Việt Nam. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền đối nội và tuyên truyền đối ngoại; tận dụng thế mạnh của các kênh ngoại giao, đối thoại, hợp tác làm cho cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo hòng can thiệp nội bộ nước ta.
Năm là, thường xuyên ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, trang bị các phương tiện thiết bị hiện đại nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, kiểm duyệt, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý báo chí, xuất bản, quản lý internet… đáp ứng kịp thời yêu cầu trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng khoa học công nghệ để xuất bản, tán phát các tài liệu, ấn phẩm chống phá Việt Nam. Cần thường xuyên bổ sung, củng cố tổ chức nhân sự, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu do tình hình công tác đặt ra. Tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động kinh doanh, kiểm tra phát hiện các trang web, blog… có nội dung xấu, độc hại để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Sáu là, các địa phương cần tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, Đề án của Chính phủ đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Chủ động nắm tình hình, giải quyết kịp thời và dứt điểm các vụ việc tranh chấp đất đai, các vụ đình công, lãn công, đòi cơ sở thờ tự, tôn giáo… ngay từ cơ sở, không để hình thành điểm nóng, không để các thế lực bên ngoài, các đối tượng trong nước lợi dụng, thổi phồng, xuyên tạc tình hình, không để các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao lợi dụng can thiệp, đưa yêu sách hoặc tác động làm phức tạp tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tại địa phương.


Không có nhận xét nào: