Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

Nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng cho đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở hiện nay

Vũ Nhã Hân@

Nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng cho đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở hiện nay

          Sự phát triển của công nghệ thông tin và các ứng dụng trên không gian mạng, với khả năng kết nối vô hạn, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, đã và đang ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực đến người dân Việt Nam, trong đó có quân đội.
Tuyên truyền quan điểm sai trái là một trong nhiều âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với Việt Nam, mà bản chất là nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước, xã hội; đòi xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện mưu đồ đó, các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị, các phương tiện thông tin, truyền thông, triệt để sử dụng internet và địa chỉ truyền thông nước ngoài để phát tán tài liệu, tuyên truyền quan điểm xuyên tạc, vu cáo, gieo rắc thông tin xấu, độc hại hòng làm nhiễu loạn đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội, làm nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng suy đến cùng là cuộc đấu tranh ý thức hệ nhằm bảo vệ các giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và sự nghiệp cách mạng. Nắm chắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, các qui định của Quân đội để có thế giới quan, phương pháp luận khoa học, đồng thời là cơ sở pháp lý vững chắc nhất phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng là trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi lực lượng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đơn vị, trong đó đội ngũ cán bộ các cấp là nòng cốt. Do vậy, nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng cho đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở hiện nay là rất cần thiết.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là lực lượng đấu tranh trên không gian mạng của đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở kinh nghiệm còn ít, công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực đấu tranh trên không gian mạng còn có những bất cập, hạn chế nhất định cả về nhận thức, trách nhiệm, nội dung, hình thức, biện pháp bồi dưỡng. Một số còn có những biểu hiện hạn chế về năng lực đấu tranh trên không gian mạng như: kỹ năng sử dụng máy tính chưa thành thạo; khả năng phát hiện, nắm bắt các thông tin thất thiệt trên mạng còn chậm; chất lượng bài viết đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng sai trái còn thấp; chưa biết cách vào các trang blog để bình luận, phản bác những luận điệu xuyên tạc; nắm những thông tin sai trái để định hướng tư tưởng, tâm lý cho bộ đội còn chưa nhanh nhạy; dự báo những vấn đề tư tưởng, tâm lý nảy sinh chưa kịp thời; giải quyết các vướng mắc về tư tưởng, tâm lý của bộ đội còn lúng túng. Chưa phát huy hết vai trò của các lực lượng, phương tiện trong nhận diện và đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên internet, mạng xã hội. Việc cung cấp, cập nhật thông tin tích cực của Đảng, Nhà nước và quân đội trên internet, mạng xã hội chưa thường xuyên. Vì thế, đã làm giảm chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng ở đơn vị.
Mục đích nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng cho đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở hiện nay, nhằm nâng cao khả năng nhận dạng kịp thời, đúng đắn, chính xác các tư tưởng sai trái, thù địch và những nhận thức mơ hồ, lệch lạc, sai lầm, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cho đội ngũ cán bộ, để đấu tranh phê phán, bác bỏ và khắc phục; đồng thời, bảo vệ và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống, bản chất và nhiệm vụ quân đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu ở đơn vị hiện nay.
Nội dung nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng là nâng cao toàn diện cả về tri thức, tư duy khoa học, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp, kỹ năng sử dụng phương tiện công nghệ thông tin, khả năng tổ chức đấu tranh tư tưởng trong thực tiễn công tác ở đơn vị.
Phương thức nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng cho đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở là một quá trình tác động nâng cao các yếu tố tri thức, tư duy khoa học, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp, khả năng nhận dạng các tư tưởng sai trái, thù địch và những nhận thức mơ hồ, lệch lạc, sai lầm, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Để nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng cho đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở hiện này cần tập trung vào những nội dung sau:
Thứ nhất, bồi dưỡng cách nhận diện các quan điểm sai trái và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng.
Thủ đoạn cơ bản mà các thế lực thù địch sử dụng để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và quân đội trên internet, mạng xã hội là tuyên truyền các nội dung trá hình, bới móc, thổi phồng, xuyên tạc những sai lầm, khuyết điểm hoặc lợi dụng những hạn chế, sơ hở trong quản lý để vu khống, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò của quân đội. Thường xuyên theo dõi các hoạt động, diễn biến của quân đội để xuyên tạc đường lối chính trị, quân sự quốc phòng của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, chúng còn thiết lập các trang web, các blog, mở các “diễn đàn”, “câu lạc bộ” trên mạng nhằm phát tán tài liệu phản động và truyên truyền, nhào nặn, trộn lẫn thật - giả, tốt - xấu; phát tán các thông tin, tài liệu, hình ảnh, video clip có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và quân đội để vu cáo; tăng cường lôi kéo các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị để chống phá quân đội. Ngoài ra, chúng còn xuyên tạc các thông tin mới, làm mới các thông tin cũ, triệt để lợi dụng các thông tin về mặt trái, tiêu cực trong quân đội; những ý kiến, quan điểm sai lệch từ các nguồn tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng gắn với những bình luận chủ quan, bóp méo, xuyên tạc sự thật, thổi phồng gây “nhũng nhiễu” thông tin, kích động tâm lý đám đông nhằm tập hợp lực lượng, lôi kéo các thành phần chống đối tham gia. Đẩy mạnh hoạt động mua chuộc, móc nối, lôi kéo các phần tử suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bất mãn. Tạo dựng ra cái gọi là “sự đấu đá giữa các phe, cánh” tranh giành quyền lực để gây sự nghi kỵ, ngờ vực, gây chia rẽ, phá hoại lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, Nhà nước và quân đội. Sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, kích động, kêu gọi khủng bố, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Thứ hai, chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để đấu tranh ngăn chặn.
Công tác nắm tình hình cần tập trung vào những vấn đề cụ thể như: Phát hiện các trang web, blog, “diễn đàn” thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội trên không gian mạng. Phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan điều tra, bảo vệ chính trị nội bộ của quân đội và công an để kịp thời nhận diện rõ những phương thức, thủ đoạn mới; phát hiện cá nhân, tổ chức sở hữu, quản lý, điều hành các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền phá chống phá Đảng, Nhà nước và quân đội. Sử dụng tổng hợp các lực lượng, phương tiện, biện pháp công tác, thường xuyên rà soát, lên danh sách các trang web, blog, diễn đàn có nội dung chống phá, các đối tượng viết bài (có tên thật hoặc nickname, bút danh); khai thác thông tin trên các trang web, blog, diễn đàn để xác định đối tượng sở hữu, quản lý, viết bài và đề xuất biện pháp đấu tranh, xử lý.
Thứ ba, bồi dưỡng về các qui định, nguyên tắc giữ bí mật quân sự và bí mật quốc gia; những hiểu biết nhất định về internet và cách thiết lập, sử dụng mạng xã hội, blog.
Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, định hướng của Đảng, Nhà nước về chống âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia; đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-BQP ngày 23/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin và một số vấn đề về tổ chức hoạt động tác chiến không gian mạng; Chỉ thị số 47/CT-CT ngày 08/01/2016 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về tổ chức lực lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng trong Quân đội. Cần nhắc nhở cán bộ các cấp khi thiết lập facebook hoặc blog, phải dùng địa chỉ email mới, tuyệt đối không được dùng địa chỉ email cũ hoặc số điện thoại cá nhân để tránh lộ lọt thông tin. Khi đặt tên của facebook, blog không được liên quan đến phiên hiệu của cơ quan, đơn vị; không chia sẻ các thông tin liên quan đến cá nhân và Quân đội… Tất cả các yếu tố trên là điều kiện cần thiết song, yếu tố quyết định đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có bản lĩnh vững vàng, sự nhạy cảm về chính trị, luôn đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước và Quân đội lên trên hết; trong đấu tranh phải kiên quyết, triệt để, trong tuyên truyền phải mềm dẻo, linh hoạt.
Thứ tư, phải nắm chắc đặc điểm, âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, chống phá của địch trên không gian mạng để tổ chức đấu tranh hiệu quả.
Muốn chiến thắng địch thì phải hiểu và nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch. Đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên không gian mạng diễn ra rất phức tạp, khó lường, dưới nhiều màu sắc khác nhau. Các thế lực thù địch sử dụng internet làm phương tiện tuyên truyền thông qua các hình thức: lập ra các website, dịch vụ thư điện tử (email), trang mạng xã hội (facebook), Zalo; các dịch vụ hội thoại (chat), điện thoại (VoIP), diễn đàn (forum), Twitter, Youtube, MySpace. Đặc biệt, chúng sử dụng kỹ thuật sao chép, cắt dán hình ảnh để tạo dựng sự kiện “giả như thật”; mở diễn đàn với nhiều tên gọi khác nhau, như: “chống tham nhũng”, “liêm chính”, “cứu quốc”, “hội những người Việt Nam yêu nước”, “hãy vì tự do, dân chủ”… sau đó cho đăng các bài viết, bình luận mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các lão thành cách mạng, các trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng gây nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng nhằm kích động, lôi kéo, gây sự chú ý của dư luận. Tính chất, cường độ chống phá thường tập trung vào thời điểm đất nước chuẩn bị tổ chức các sự kiện quan trọng, như đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, kỷ niệm các ngày lễ, tết…
Theo đó, đội ngũ cán bộ các cấp phải tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp có biện pháp tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Mỗi quân nhân phải đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được truy cập những trang mạng, blog… các diễn đàn có nội dung phản động, độc hại có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng. Lực lượng đấu tranh của các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi, kịp thời có những bài viết, bình luận, chia sẻ có nội dung, tính đấu tranh, tuyên truyền tốt để phản bác làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của địch; chủ động phối hợp các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp ngăn chặn, bóc gỡ những thông tin nhạy cảm, phức tạp liên quan đến hoạt động quân sự, quốc phòng. 
Có thể thấy, nhận diện và đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên internet, mạng xã hội là cuộc chiến đầy khó khăn, thách thức đối với quân đội ta cả trong hiện tại và tương lai. Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động sẽ coi không gian mạng là phương tiện chủ yếu để thực hiện âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, “phi chính trị hóa” quân đội. Mặt khác, từ kết quả hoạt động trong thời gian vừa qua đặt ra vấn đề quan tâm xây dựng lực lượng cán bộ các cấp đủ mạnh để đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng ở đơn vị cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết trong giai đoạn hiện nay.


Không có nhận xét nào: