Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

An toàn phòng cháy chữa cháy đối với hộ gia đình


       Hiện nay, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức ,hộ gia đình và cá nhân. Thực hiện tốt công tác PCCC, đảm bảo an toàn là việc phải làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở các địa phương, các đô thị lớn, khu đông dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh . . .
       Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tình hình cháy, nổ trên phạm vi cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra. Tính chung trong năm 2019, trên địa bàn cả nước xay ra 2.959 vụ cháy, nổ, làm 76 người chết và 124 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 1.057 tỷ đồng. Tính riêng trên địa bàn huyện Thường Xuân, trong năm 2019 đã xảy ra 06 vụ cháy (trong đó, 04 vụ cháy nhà dân; 01 vụ cháy quán karaoke; 01 vụ cháy bãi mía), ước tính tổng thiệt hại hơn 700 triệu đồng, rất may không có thiệt hại về người. Điển hình là vụ cháy phòng karaoke Núi Lãm ở xã Tân Thành: Vào hồi 21h50 phút, ngày 12/6 /2019, Công an huyện Thường Xuân nhận được tin báo về việc xảy ra cháy tại cơ sở kinh doanh Karaoke Núi Lãm . Công an huyện Thường Xuân lập tức cử 03 cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH đến hiện trường, đồng thời báo cáo Phòng PC07 và đề nghị phối hợp chữa cháy. Phòng PC07 đã cử 02 xe chữa cháy và 12CBCS đến hiện trường tham gia chữa cháy. Với sự nỗ lực chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC cùng chính quyền và người dân địa phương, đến 23h20 phút cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, thiệt hại ước tính khoảng 450 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy, nổ là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện; sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, xăng dầu, khí đốt, hóa chất. Trong đó không ít những vụ cháy, nổ xảy ra là do ý thức chủ quan, sự bất cẩn của con người, không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, dẫn đến bùng phát thành đám cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. 
       Để đảm bảo an toàn về PCCC đối với nhà ở và các thành viên trong gia đình , từng cá nhân phải tuân thủ thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy sau: 
      1. Đối với các nhà ống, nhà liền kề: không tồn chứa xăng, dầu, cồn gas, hóa chất nguy hiểm và các chất dễ cháy, nổ trong nhà; trường hợp cần thiết phải sử dụng thì hạn chế tối đa số lượng và đảm bảo an toàn PCCC. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu. 
      2. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; thiết bị chứa xăng, dầu phải kín.
       3. Việc sử dụng điện phải đảm bảo an toàn, có các thiết bị bảo vệ như: cầu chì, cầu dao, rơ le, phải lắp thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung tòa nhà, từng tầng, từng nhà và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn; không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn neon, bảng điện phải đặt cách xa vật dễ cháy tối thiểu là 0,5m. 
     4. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, . . . phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật sử dụng các thiết bị điện. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
     5. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, đèn, hương, nên phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy , cách xa đồ vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Khi đốt vàng mã phải có người trông coi, có che chắn tránh gây cháy lan, hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
     6. Không sắp xếp đồ dùng, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt lồng sắt, lưới sắt ở ban công, lối ra của nhà, trường hợp đã lắp thì có cửa chốt trong và không được khóa; tầng sân thượng, mái phải bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái đồng thời cần bố trí lôi có thể sang được mái của nhà bên cạnh. Nên chuẩn bị sẵn thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra.
     7. Chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Mỗi gia đình nên dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra. Trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học để biết cách sử dụng các thiết bị chữa cháy đã được trang bị. 
     8. Khi xảy ra cháy cần nhanh chóng ngắt cầu dao điện, sau đó hô hoán cho người xung quanh biết và lập tức gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền địa phương, công an xã, phường gần nhất. Trong khi đó, gia đình cũng phải đồng thời sử dụng các phương tiện PCCC có sẵn tại nhà để hạn chế đám cháy lan rộng. 
    Mỗi người dân tự ý thức, nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác đảm bảo an toàn PCCC tại gia đình và khu dân cư  cũng chính là bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của mỗi cá nhân, hộ gia đình và toàn xã hội .

#minn

Không có nhận xét nào: