Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020


Các đối tượng phản động xuyên tạc về corona ở Việt Nam
- Lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước đăng tải, phát tán các thông tin không đúng sự thật.
Một số đối tượng xuyên tạc tình hình dịch virus corona ở Việt Nam
Ngay từ khi tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan tại Trung Quốc, lãnh đạo Bộ đã có điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng các phương án, kế hoạch để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Ngày 29/1, Bộ Công an tiếp tục có Điện gửi Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra.

Nội dung Điện nêu rõ: Tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Đến nay dịch bệnh đã lan rộng ra 30/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc và đã lây lan ra 18 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu.
Việt Nam có đường biên giới dài, lưu lượng người qua lại, giao thương lớn với Trung Quốc nên nguy cơ dịch bệnh này lây lan, có thể bùng phát là rất lớn.
Bên cạnh đó, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước đã đăng tải, tán phát lên không gian mạng các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến dịch bệnh tại Việt Nam, gây hoang mang trong dư luận người dân; tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự.
Để bảo đảm tình hình an ninh, trật tự và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc điện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và hướng dẫn của Cục Y tế ngày 24/1 về phòng, chống dịch bệnh.
Cùng với đó, công an các đơn vị, địa phương phối hợp các bộ, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu đường bộ, đường không, đường biển (cả người và hàng hóa, đặc biệt là nghiêm cấm việc nhập, vận chuyển động vật hoang dã vào Việt Nam), có biện pháp soi chiếu, sàng lọc, kiểm dịch y tế nghiêm ngặt tại các cửa khẩu; tham mưu chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không qua lại đường mòn, lối mở biên giới tới các vùng dịch bệnh tại Trung Quốc để phòng ngừa bị lây nhiễm bệnh.
Công an các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh; chủ động kế hoạch, phương án phòng, chống, tham gia dập tắt dịch bệnh và bảo đảm an ninh, trật tự trong tình huống có dịch bệnh bùng phát tại nước ta.
Lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh tạm thời không giải quyết cấp thị thực du lịch vào Việt Nam đối với những người đến từ vùng dịch bệnh.
Cục Y tế chủ trì, các cơ sở y tế lâm sàng Công an nhân dân phối hợp thành lập một số Đội cơ động Thường trực phòng, chống dịch; các Bệnh viện: 19/8, 19/9, 30/4, Y học cổ truyền chủ động phương án ứng phó, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi có chỉ đạo của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngừng tất cả chuyến bay từ vùng có dịch virus corona đến Việt Nam
Ở một diễn biến khác, Bộ GTVT đã ban hành chỉ thị hỏa tốc êu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các cơ quan liên quan chỉ đạo các đơn vị vận tải hành khách triển khai thực hiện tốt các khuyến cáo phòng, chống dịch cho các hành khách trên các phương tiện vận tải.
Các đơn vị này tổ chức kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu (đường bộ, đường thủy, đường hàng không), nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (sốt, ho, khó thở) tổ chức cách ly, quản lý kịp thời, có các phương án đáp ứng hiệu quả phù hợp với tình hình dịch,…
Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc và ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt Nam; triển khai thực hiện tốt các khuyến cáo phòng, chống dịch cho các hành khách trên các phương tiện vận tải, xem xét thực hiện phòng bệnh trên các chuyến bay; khuyến cáo hạn chế các chuyến bay đi, đến các khu vực đang có dịch tại Trung Quốc; thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh và báo cáo Bộ về tình hình hủy và ngừng cấp phép các chuyến bay đến Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng có công điện đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu doanh nghiệp lữ  hành quốc tế tạm dừng tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người nhiễm bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch của Trung Quốc vào Việt Nam.
Đối với khách du lịch Trung Quốc đang thực hiện chương trình du lịch tại Việt Nam phải thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, theo dõi chặt lịch trình, tình hình sức khỏe và khuyến nghị hạn chế di chuyển.
Trước đó, tính đến tối 28/1, đã có 3 địa phương của Việt Nam là Khánh Hòa, Đà Nẵng, Lào Cai thông báo dừng đón khách Trung Quốc.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 16h ngày 29/1, đã có 6.061 trường hợp mắc viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona trên thế giới, trong đó tại Trung Quốc 5.974 trường hợp; tổng số trường hợp tử vong là 132 (tại Trung Quốc); tổng số trường hợp mắc bên ngoài Trung Quốc là 87.
Tại Việt Nam có 2 trường hợp dương tính với virus corona, đã điều trị thành công 1 trường hợp. Số trường hợp nghi ngờ (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng có dịch) là 64, trong đó 25 trường hợp đã xét nghiệm âm tính với virus corona.
Có 39 trường hợp tiếp tục được cách ly, theo dõi chặt chẽ để ngăn ngừa lây lan ra cộng đồng. Số trường hợp tiếp xúc với người bệnh nghi ngờ nhiễm virus corona là 56, hiện đang được cách ly, theo dõi chặt chẽ.
Minh Thái


Không có nhận xét nào: