Thứ Hai, 10 tháng 2, 2020

Tỉnh táo trước âm mưu xuyên tạc tình hình biển Đông



                                                                        Vũ Nhã Hân @
            Trên internet và mạng xã hội vẫn xuất hiện những luận điệu xuyên tạc về tình hình biển Đông với các bài viết, bình luận có chủ ý như: “Việt Nam nhu nhược”, “Việt Nam bán biển Đông”, “Cộng sản Việt Nam làm ngơ về biển Đông”… Một số phần tử ở ngoài nước còn bày tỏ “quan điểm cá nhân” về biển Đông khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài với những lời lẽ lạc lõng, bóp méo sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Điều nguy hại là một số người dân đã tin theo những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, rồi hô hào mọi người không nên làm việc cho các công ty Trung Quốc. Thậm chí, một số ít cán bộ, đảng viên đã hoài nghi, cho rằng những đối sách của Đảng, Nhà nước ta không phù hợp, chưa kiên quyết hay né tránh vần đề biển Đông...
Trước hết, cần khẳng định rằng, hành động của Trung Quốc trên biển Đông thời gian qua là nằm trong toan tính, mưu đồ của họ. Đảng, Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương là kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng trên biển của Việt Nam, đồng thời giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Điều này được thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Thực tế nhiều năm qua, chúng ta đã kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng-an ninh để đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Trong các diễn đàn khu vực, thế giới, các cuộc tiếp xúc song phương, đa phương, Việt Nam đều tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đều thẳng thắn đấu tranh trực diện về tình hình biển Đông.
        
Ngay trong khoảng thời gian từ ngày 04-7-2019 đến ngày 07-8-2019, khi nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, chúng ta đã nhiều lần phê phán, lên án hành động sai trái của Trung Quốc. Cụ thể là, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25-07-2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như được xác lập tại Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Với mục tiêu trên, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật…”

Đặc biệt, trước đó vào ngày 12-7-2019, tại cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhấn mạnh: “Việt Nam mong muốn cùng Trung Quốc kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng vấn đề biển Đông để tạo cơ sở cho sự phát triển ổn định, vững bền của quan hệ hai nước. Hai bên cần tuân thủ nghiêm thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản, chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được; kiên trì giải quyết vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình, có sự tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982…”.

Ngoài ra, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm, đầu tư về mọi mặt đối với các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, như: Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư… Nhiều ngư dân đã được hỗ trợ để vươn khơi bám biển, nhằm khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên các vùng biển của Việt Nam… Vì vậy, những luận điệu cho rằng Đảng, Nhà nước ta “bán biển Đông” hay không kiên quyết bảo vệ chủ quyền là suy diễn, bịa đặt, nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước; làm giảm sút lòng tin của nhân dân; gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và quân đội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; tạo cơ hội để những kẻ phản động, “cơ hội chính trị” thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, hòng chuyển hóa, thay đổi đổi chế độ ở Việt Nam.
           
Để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trước hết chúng ta phải phát huy sức mạnh của cả nước, cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp nguồn lực trong nước với nguồn lực từ bên ngoài thông qua hợp tác, hội nhập quốc tế. Trong đó nguồn lực trong nước là nhân tố quyết định, thực hiện vừa hợp tác vừa đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình để phát triển kinh tế.

Đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang phải luôn luôn cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; có nhận thức đúng đắn về tình hình biển Đông và chủ trương, đường lối đối ngoại, cũng như các đối sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề tranh chấp chủ quyền; không để các thế lực phản động lôi kéo, chuyển hóa, tạo sức “đề kháng” và khả năng “miễn dịch” trước các thông tin xấu độc.

Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng, nắm chắc tình hình dư luận để có định hướng kịp thời, nâng cao tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; không để bị động, bất ngờ trong với mọi tình huống; tránh bị lợi dụng, kích động gây mất ổn định. Tận dụng tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh của biển đảo; động viên thu hút với mọi nguồn lực để phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng- an ninh trên biển và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
         


Không có nhận xét nào: