Hạnh phúc giản dị của những chiến sĩ áo trắng trong khu cách ly tập trung
Bác sĩ Đặng Thanh Hào đọc lá thư của những người đã hoàn thành việc cách ly tập trung gửi lại. (Ảnh: Đan Như)
Khu cách ly tập trung Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM là nơi có số lượng người được cách ly tập trung đông nhất tại TPHCM. Thời gian qua, cùng với các lực lượng khác, hơn 250 nhân viên y tế tại đây đã làm việc tận tâm giúp hàng ngàn người hoàn thành việc cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID – 19.
Người cách ly thấu hiểu và hợp tác
Bệnh viện Ung bướu TPHCM có 23 nhân viên y tế phụ trách tòa nhà H1, H2 khu A, Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM. Chia sẻ về công tác của các nhân viên y tế tại khu cách ly, Bác sĩ Đặng Thanh Hào kể, lúc đầu bệnh viện làm danh sách 23 nhân viên y tế dự kiến chia làm 3 kíp thay nhau trực. Nhưng ngay trong ngày đầu tiên tòa nhà này đã tiếp nhận khoảng 1.000 người nên quyết định cả 23 nhân viên đến làm nhiệm vụ. Sau đó số người cách ly ở tại tòa nhà này là hơn 1.700 người.
“Ngay từ ngày đầu tiên triển khai cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học quốc gia TPHCM quá nhiều người về tòa nhà này nên các nhân viên y tế có phần bối rối. Do số lượng người cách ly lớn nên các nhân viên y tế đã phải căng mình xoay sở để đáp ứng được yêu cầu. Riêng đối với việc đo thân nhiệt, hàng ngày tất cả các nhân viên y tế thực hiện 2 lần, sáng từ 6 đến 8 giờ mới xong và buổi chiều từ 4 giờ đến 6 giờ mới xong” – Bác sĩ Hào kể.
Bác sĩ Hào nhớ lại, ngày chuẩn bị cho những người hoàn thành cách ly tập trung trở về nhà, đến 11 giờ 30 đêm khu nhà H1, H2 bắt đầu mới có được khoảng 200 người có kết quả (âm tính lần 2) và kết quả vẫn tiếp tục được gửi về. Khi đó nhiều anh em nhân y tế đã nghỉ và bác sĩ Hào đã huy động anh em trở dậy chuẩn bị các loại giấy tờ, phối hợp các lực lượng chuẩn bị xe để kịp 6 giờ sáng hôm sau hơn 1.500 người được trở về nhà. Đêm hôm đó các nhân y tế phải làm việc đến 4 giờ sáng mới xong việc.
Bác sĩ Đặng Thanh Hào chia sẻ, những ngày đầu, có những người vào cách ly nhưng chưa chịu hợp tác. Khu cách ly cố gắng để mọi người được chăm lo ở mức độ tương đối nhưng không thể như ở nhà được nên một số người khá khó chịu. Tuy nhiên, với sự cố gắng của nhân viên y tế và các bộ phận khác, những người được cách ly cũng hiểu hơn, hợp tác nhiều hơn, làm đúng việc cần thực hiện trong thời gian cách ly tập trung.
Để tạo thêm niềm vui cho những người được cách ly, bàn tư vấn của nhân viên y tế tại tòa nhà có thêm những món hàng như tiệm tạp hóa với cà phê, một vài đồ dùng cần thiết để ai cần thêm có thể lấy miễn phí. Khi các nhân viên y tế được nhận đồ uống của các nhà tài trợ cũng chia lại cho người cách ly. Có khi là những ly trà sữa hay chút trái cây (cho những những phụ nữ mang thai). Những việc làm đó giúp cho những người được cách ly cảm nhận rõ hơn sự quan tâm, chia sẻ từ các nhân viên y tế.
“Mình hãy coi những người được cách ly như người thân của mình thì họ sẽ thấu hiểu và hợp tác với mình. Có những bạn trẻ lúc đầu mới vào khu cách ly thái độ có phần trịch thượng, không chịu hợp tác. Sau thời gian ở đây đã hiểu được sự quan tâm của mọi người nên đã thay đổi thái độ. Có khi thấy các nhân viên làm vệ sinh, các bạn cũng tham gia dọn dẹp cùng. Ngày về còn xuống chụp hình lưu niệm cùng các nhân viên y tế. Điều đó là chúng tôi cảm thấy rất vui” - Bác sĩ Đặng Thanh Hào bộc bạch.
Niềm vui của những người hoàn thành cách ly tập trung được trở về nơi cư trú. (Ảnh: Đan Như)
Những lá thư viết tay đầy xúc động
Khi nói về những tình cảm của những người cách ly dành cho người làm nhiệm vụ tại khu cách ly, Bác sĩ Đặng Thanh Hào đã chia sẻ cho chúng tôi một trong những lá thư viết tay hơn hai mặt giấy của tập thể phòng 402 gửi các nhân viên y tế trước khi hoàn thành việc cách ly trở về nhà. “Nhờ chính sách của Nhà nước mà chúng tôi được bảo vệ cho bản thân và cộng đồng. Chúng tôi được hưởng mọi cái tốt nhất có thể cho đến nay... Chúng tôi được quan tâm đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Đặc biệt là thái độ của bác sĩ và điều dưỡng luôn vui vẻ, hòa đồng, luôn động viên chúng tôi giữ gìn sức khỏe... Chúng tôi chỉ có thể nói với mọi người rằng chúng tôi luôn cảm ơn và tri ân các bạn, các anh chị”.
Một trong số nhiều lá thư khác được viết ngắn gọn với những lời mộc mạc, chân thành dành cho những nhân viên y tế cũng được Bác sĩ Lê Văn Phương, Phó giám đốc điều hành khu cách ly tập trung Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM cất giữ. “Tòa nhà A12 rất vui và chân thành cảm ơn đội ngũ y tá, bác sĩ đã tận tụy, hết lòng vì sức khỏe cộng đồng A12 trong 14 ngày qua. Cảm ơn mấy anh chị rất nhiều. Nhân đây A12 xin gửi chút tấm lòng biết ơn và quà kỷ niệm đến đội ngũ y tá, bác sĩ. Mong anh chị luôn khỏe mạnh để có thể tiếp tục cống hiến cho xã hội”.
Bác sĩ Lê Văn Phương cho biết, tại Khu cách ly tập trung Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM có 250 cán bộ y tế là bác sĩ, y tá, điều dưỡng trực tiếp theo dõi sức khỏe cho hơn 6.500 người được cách ly trong đợt vừa qua.
Hàng ngày các nhân viên đo nhiệt độ, ghi nhận các triệu chứng bất thường ở người cách ly. Trường hợp có biểu hiện của bệnh hô hấp sẽ được cách ly riêng, người được xác định nhiễm bệnh sẽ chuyển tuyến đến bệnh viện để được điều trị. Song song đó, các y bác sĩ cũng tuyên truyền, hướng dẫn mọi người thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trong khu cách ly, nhắc nhở mọi người không ra khỏi phòng để tránh lây nhiễm chéo.
“Các bác sĩ ở đây phải trực đêm là chuyện bình thường. Với số lượng người cách ly lớn, phát sinh nhiều nhu cầu về chăm sóc y tế. Để làm tốt công việc này, chúng tôi đặt mình vào người cách ly để phục vụ; phối hợp với các lực lượng khác để phục vụ những người cách ly một cách tốt nhất có thể. Từ đó, mọi người cùng hợp tác, tuân thủ các quy định về cách ly. Tới thời điểm này, phần lớn người cách ly tập trung đợt 1 đã hoàn thành thời gian cách ly và trở về nơi cư trú. Khi chia tay nhiều người đã để lại những lá thư cảm ơn. Đó là niềm vui của mọi người và cũng là hạnh phúc giản dị của đội ngũ y bác sĩ tham gia công tác phòng chống dịch tại đây” - Bác sĩ Lê Văn Phương chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét