Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

Đấu tranh làm thất bại “diễn biến hòa bình” trên mạng xã hội

  Bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích hợp pháp của công dân trên mạng xã hội (MXH), làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Industrie 4.0) đã làm cho thế giới có nhiều biến đổi nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Thực tế diễn biến tình hình chính trị thế giới trong những năm qua cho thấy, khi MXH được sử dụng đúng, vì lợi ích chung của xã hội sẽ đem lại nhiều hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, MXH cũng bộc lộ nhiều bất cập, tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, làm bất ổn về chính trị ở một số quốc gia.

Người dân cần tiếp cận với nguồn thông tin chính xác, chính thống trên mạng Internet. Ảnh: minh họa
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, nước ta có dân số hơn 96 triệu người, trong đó, 64 triệu người sử dụng Internet (năm 2018), đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet. Về MXH, Việt Nam có 55 triệu người dùng đang hoạt động. Ngoài ra, trong số 70 triệu người dân sở hữu điện thoại đi động, có 55 triệu người thường xuyên truy cập Internet bằng điện thoại di động. Điều này chứng tỏ, Internet và các MXH là “mỏ vàng” không chỉ để thu hút khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh, quảng cáo và các hoạt động “lợi nhuận”..., mà còn là mảnh đất “màu mỡ” để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, kích động, chống phá công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. 
Thời gian qua, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị tăng cường kích động dư luận, biến bức xúc thành bạo động, khiến đời sống sinh hoạt xã hội trở nên phức tạp; mặt khác, chúng đang tích cực lợi dụng MXH để hình thành cái gọi là “truyền thông độc lập”, tách khỏi sự quản lý của Nhà nước; thực hiện các thủ đoạn tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động tâm lý hoài nghi với chính quyền, thổi bùng bức xúc trong nhân dân để tạo điều kiện, môi trường thực hiện “cách mạng màu” như một số nước Đông Âu; đồng thời ủng hộ các luận điệu dân chủ, nhân quyền, đòi tự do biểu tình, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí, tự do tôn giáo theo quan điểm phương Tây để phục vụ cho chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ đảng viên, các tầng lớp thanh thiếu niên, đặc biệt là những phần tử công thần, bất mãn, tiêu cực trong xã hội.
Trước thềm đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hằng ngày, các tổ chức phản động, thù địch tung lên mạng hàng trăm tài liệu xuyên tạc về lý luận, vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ, nói xấu cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước với mưu toan chia rẽ khối đại đoàn kết, kích động tâm lý của một bộ phận nhân dân, một số cán bộ tha hóa biến chất... nhằm lật đổ chính quyền. Đấu tranh làm thất bại âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” trên MXH là “cuộc chiến” cam go, phức tạp cần phải có các giải pháp đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cần sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên, bền bỉ của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, trong đó, cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau đây: 
Kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, giáo dục, với công tác nhân sự nhằm nâng cao ý thức tự giác, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội. Quán triệt sâu sắc quan điểm “Con người là trung tâm của mọi hoạt động xã hội”, “Cán bộ là cái gốc của cách mạng, muôn việc thành bại đều do cán bộ quyết định”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao ý thức tự giác, bản lĩnh chính trị để mỗi cá nhân biết cách lựa chọn và tiếp nhận thông tin phù hợp. Từ đó, kịp thời định hướng, nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý.
Phát huy vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan, các lực lượng chuyên trách, lực lượng chuyên môn kỹ thuật trong đấu tranh phòng và chống phát tán thông tin xấu trên MXH. Các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đối với các trang thông tin điện tử và trang MXH của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương cần triển khai thực hiện có chất lượng Kết luận số 23-KL/TW, ngày 22-11-2017 của Ban Bí thư Trung ương khóa XII “Tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; nhanh chóng triển khai Quyết định 1278 của Bộ Thông tin và Truyền thông về thực hiện Đề án “Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet” thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Triệt để khai thác thế mạnh của từng loại hình báo chí xuất bản, đấu tranh có hiệu quả trên báo điện tử và trang MXH; siết chặt quy trình làm báo không để xảy ra sai sót về chính trị, nhất là những tin, bài liên quan những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, các sự kiện chính trị của đất nước, của các địa phương, đơn vị mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để thổi phồng, vu cáo chống phá. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách; những thành tựu kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần cung cấp cái nhìn toàn diện cho công chúng, phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, hành lang pháp lý tạo cơ sở thực hiện có hiệu quả ngăn chặn mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động trên MXH. Tổ chức học tập, quán triệt và phổ biến rộng rãi Luật An ninh mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, ngày 1-3-2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng để giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân có thông tin chính xác, hiểu rõ về văn bản pháp luật này, nhằm tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; chỉ rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, phê phán các tổ chức, cá nhân lợi dụng, nhân danh lòng yêu nước để lôi kéo, kích động người dân vi phạm pháp luật...

“Diễn biến hòa bình” trên mặt trận truyền thông MXH đã và đang diễn ra hết sức phức tạp. Với bản lĩnh và kinh nghiệm tổ chức lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, chúng ta tin chắc rằng, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện để kinh tế, xã hội phát triển.Ngoài ra, tăng cường hợp tác quốc tế, ngăn ngừa có hiệu quả mọi hoạt động chống phá của các thế lực phản động và thù địch trên MXH. Hợp tác quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại cách mạng số. Thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên các MXH. Tham gia các công ước, thỏa thuận quốc tế về bảo vệ không gian mạng, phòng chống tội phạm mạng phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Triển khai có hiệu quả, thiết thực các nghị định thư, thỏa thuận hợp tác về phòng, chống tội phạm mạng đã ký kết với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Không có nhận xét nào: