Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

Đau đầu với giá thịt “trên trời”

Đau đầu với giá thịt “trên trời”


Riêng người tiêu dùng, biết làm sao được, mua gì, ăn gì cũng là một phần trong quản lý tài chính cá nhân. Ăn ngon, giá cả hợp lý, đâu chỉ có thịt lợn??!

Đau đầu với giá thịt “trên trời” - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Thông tin cập nhật trên Báo Công Thương (Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương) ngày 16/7, bất chấp hàng loạt chính sách khuyến khích từ nhập khẩu thịt đông lạnh đến nhập khẩu lợn sống, giá lợn hơi sau khi giảm ở thời điểm cuối tháng 6 đầu tháng 7 thì nay lại có dấu hiệu tăng trở lại.
Khảo sát giá tại một số địa phương cho thấy, tại miền Bắc, giá lợn hơi tại Thái Bình tăng 1.000 đồng/kg lên mức 89.000 đồng/kg. Tại các địa phương khác, giá lợn hơi dao động quanh mức từ 88.000 đồng đến 92.000 đồng/kg.
Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi tại Quảng Bình và Bình Định đều tăng. Riêng Bình Thuận vẫn là địa phương có giá lợn hơi ở mức cao nhất 93.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi ngày  16/7 phổ biến ở mức 85.000 đồng đến 92.000 đồng/kg…
Giá lợn tăng gây chú ý và tạo ra không ít băn khoăn do vừa qua, có thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, đến nay, đã có khoảng 9.000 con lợn sống được 7 doanh nghiệp trong nước nhập khẩu chính thức từ Thái Lan về Việt Nam.
Trong diễn biến liên quan, tờ Tiền Phong ngày 13/7 có bài viết “9.000 con lợn sống Thái Lan về Việt Nam bán ở đâu?”, trong đó phản ánh, cho tới thời điểm này, người tiêu dùng Hà Nội vẫn không biết mua thịt lợn của Thái Lan ở đâu khi siêu thị, chợ hoàn toàn “vắng bóng” loại thịt này.
Từ những thông tin này có thể thấy một số khía cạnh của thực tế cuộc sống:
Thứ nhất, chúng ta ghi nhận những cố gắng của cơ quan quản lý, mà cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để hạ giá thịt trên thị trường. Việc tăng cung nhằm mục tiêu điều hoà giá, về lý thuyết, là cần thiết.
Thế nhưng, vì sao giá thịt vẫn “không chịu” giảm một cách “ổn định” mà vẫn tăng trở lại? Điều này có nghĩa là “Ngài Thị Trường” vẫn có quyền năng rất lớn, vượt trên cả ý chí của cơ quan quản lý, điều hành. Tóm lại, bổ sung nguồn cung nhưng không đáp ứng được cầu thì giá vẫn khó mà hạ được!
Thứ hai, dù theo quan điểm của người viết (cũng là một người phụ nữ phải đi chợ mỗi ngày), thịt lợn chỉ là một phần của bữa ăn. Ngoài thịt lợn, người tiêu dùng còn những lựa chọn khác như tôm, cá, thịt bò, thịt gà v.v.
Tuy vậy, theo những gì mà người viết tìm hiểu thì thương lái không mặn mà với thịt lợn nhập, cả thịt sống lẫn thịt cấp đông. Điều này nằm ở “thói quen tiêu dùng” của người Việt không thích hàng đông lạnh.
Bên cạnh đó, như Báo Công Thương cũng ghi nhận, việc thị trường thịt lợn trông chờ vào lợn nhập chính thức từ Thái để kéo giá bán xuống là khó. Bởi lẽ, giá lợn hơi chăn nuôi công nghiệp tại Thái Lan hiện nay khoảng 60.000 đồng/kg. Nhập về Việt Nam có giá khoảng 70.000 đồng/kg, nhưng nếu tính thêm chi phí cách ly, hao hụt, xét nghiệm… thì có thể lên tới trên 80.000 đồng/kg – mức giá này sẽ không đủ cạnh tranh với thị trường trong nước. Điều này khiến chính các nhà nhập khẩu lợn sống từ Thái không còn mặn mà nữa.
Đáng chú ý là giá thịt lợn ở Trung Quốc đang tăng mạnh trở lại, hiện gần sát mức cao kỷ lục lịch sử, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng ảnh hưởng tới nguồn cung thịt thế giới và lũ lụt nguy cơ làm bùng phát trở lại dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc.
Thế nên, việc kiểm soát nguồn hàng, chống gian lận, buôn lậu vẫn phải được đặt ra. Chưa kể, mối băn khoăn, nghi vấn có tình trạng thao túng, lũng đoạn giá thịt lợn vẫn chưa được tháo gỡ.
Cơ quan điều hành dường như đang bế tắc trong việc “kéo giá” thịt lợn xuống và khó mà chống lại quy luật thị trường, nhưng họ vẫn có thể bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người chăn nuôi và doanh nghiệp chân chính bằng cách chống gian lận trong môi trường kinh doanh, xử nghiêm tình trạng tiếp tay, bảo kê buôn lậu.
Riêng người tiêu dùng, biết làm sao được, mua gì, ăn gì cũng là một phần trong quản lý tài chính cá nhân. Ăn ngon, giá cả hợp lý, đâu chỉ có thịt lợn??!

Không có nhận xét nào: