Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020

Những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Cương lĩnh, đường lối của Đảng hiện nay ​

 Những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Cương lĩnh, đường lối của Đảng hiện nay ​


Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (2-1930) và trải qua các thời kỳ lãnh đạo cách mạng, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng thường bị các thế lực thù địch về chính trị và ý thức hệ chống phá, xuyên tạc, phủ định. Điều đó không có gì lạ trong cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc mà Đảng là lãnh tụ chính trị, luôn luôn trung thành và nêu cao mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã từng phải chống lại nhiều kẻ thù về chính trị, tư tưởng và cả về tổ chức.

Cần thiết phải nhắc lại những thế lực thù địch đã chống phá Đảng và cách mạng Việt Nam. Vào những năm 30, ở Việt Nam xuất hiện thế lực tơrốtxkít (những người theo chủ nghĩa Tờrốtxky) gồm Hồ Hữu Tường, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm,v.v. Nhóm đó đã đưa ra khẩu hiệu “tả” để lừa bịp, lôi kéo quần chúng chống lại đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản lập Mặt trận dân chủ, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Họ phản đối Đảng Cộng sản lập Mặt trận dân chủ với luận điệu giai cấp vô sản không cần lo cho các giai cấp khác. Họ còn chủ trương ở nước thuộc địa phải làm ngay cách mạng vô sản, không cần phải làm cách mạng tư sản dân quyền (cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân). Để phê phán tơrốtxkít, năm 1937, Tổng Bí thư Hà Huy Tập viết tác phẩm Tơrốtxky và phản cách mạng. Năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm Tự chỉ trích. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, năm 1939, trong ý kiến gửi các đồng chí ở trong nước đã nhấn mạnh: “Đối với bọn tờrốtxkít, không thể có thoả hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”[1]. Đó là kinh nghiệm thành công trong đấu tranh chống thế lực thù địch về tư tưởng và chính trị.

Đầu những năm 40, Đảng phải chống lại những phần tử A.B. “A.B là bọn khiêu khích làm tay sai cho giặc đế quốc, đội lốt cộng sản chui vào Đảng để dò xét và phá hoại Đảng. A.B tức là chữ Anti-bolchévik viết tắt, nghĩa đen của nó là phản Bônsêvich, phản cộng”[2]. Ngày 25-12-1944, trên báo Cờ giải phóng, Tổng Bí thư Trường Chinh viết bài Kinh nghiệm công tác, làm thế nào nhận biết một phần tử A.B?.

Sau Cach mạng Tháng Tám, đường lối chiến lược của Đảng là xây dựng chính quyền nhân dân, củng cố nền độc lập thống nhất. Trong hoàn cảnh phải chống thù trong, giặc ngoài, Đảng phải lựa chọn sách lược thích hợp, lúc thì tạm hòa hoãn với quân Tưởng (của chính quyền Trung Hoa dân quốc) ở miền Bắc để tập trung kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, lúc lại hòa hoãn, nhân nhượng với Pháp để thúc đẩy quân Tưởng về nước. Chính sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hòa để tiến và đã ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 với Pháp. Các thế lực thù địch gồm tơrốtxkít và phản động khác đã kích động dân chúng, vu cáo Nhà nước cách mạng và Hồ Chí Minh là bán nước cho Pháp. Đảng phải tiến hành công tác tư tưởng giải thích cho nhân dân hiểu rõ chính sách đúng đắn, đồng thời phê phán luận điệu và hành vi kích động, phản động. Thực dân Pháp mưu mô tách Nam Bộ khỏi nước Việt Nam. Đồng bào Nam Bộ thật sự  lo lắng về số phận của Nam Bộ. Trước khi lên đường thăm nước Pháp (31-5-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”, “Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”[3].

Những năm 60 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội “tả” và hữu khuynh tác động tiêu cực tới các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bất đồng và mâu thuẫn nghiêm trọng giữa một số nước xã hội chủ nghĩa. Đảng, Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao chủ nghĩa quốc tế, chân thành đoàn kết, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin. Một số người thiếu bản lĩnh đã làm trái đường lối của Đảng, gây chia rẽ, lôi kéo phe nhóm theo nước này để chống nước kia. Quan điểm sai trái đó đã bị phê phán và khắc phục tại Hội nghị Trung ương 9 khóa III (12-1963), bảo đảm sự thống nhất trong đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành chiến tranh cách mạng chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có những người trên thế giới đã hiểu sai, xuyên tạc hoặc xét lại chủ nghĩa Mác dẫn tới lộn xộn, sai lầm trong quan điểm, đường lối gây hậu quả tiêu cực. Trong bối cảnh đó, năm 1968, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Các Mác, đồng chí Trường Chinh viết tác phẩm nổi tiếng Đời đời nhớ ơn Các Mác và đi theo con đường Các Mác đã vạch ra. Tác phẩm đã góp phần quan trọng phê phán đấu tranh chống những luận điệu sai trái về tư tưởng và lý luận, bảo vệ đường lối của Đảng và con đường đúng đắn của cách mạng Việt Nam.

Năm 1989-1991, chủ nghĩa xã hội trên thế giới lâm vào khủng hoảng toàn diện, sâu sắc dẫn tới sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Nguyên nhân cơ bản là sự phá hoại của chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội chính trị, của các thế lực chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội; âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc; đặc biệt là sai lầm về đường lối của các Đảng Cộng sản cầm quyền, sự rút lui, đầu hàng của các Đảng trước sự lấn tới, tiến công của các thế lực thù địch. Đó là tổn thất nặng nề và đau đớn của chủ nghĩa xã hội, mà những Đảng, những người cộng sản chân chính phải rút ra bài học cho đến ngày nay.

Ở thời điểm 30 năm trước, Việt Nam đang thực hiện những bước đi khởi đầu của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo và đã có được những thành công. Lợi dụng sự biến động của tình hình các nước xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch đã lớn tiếng nói rằng chủ nghĩa xã hội đã hết thời, đòi từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa; đòi chấm dứt vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện đa nguyên chính trị (Political Pluralism) và đa đảng (Multi Party regime). Đảng đã kiên quyết, dứt khoát bác bỏ những quan điểm sai trái đó, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, phát triển đường lối đổi mới và hoạch định Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng nhận thức rõ rằng bảo đảm tính đúng đắn của Cương lĩnh, đường lối và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước có ý nghĩa quyết định để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, khi đó, đã nêu: “Cuộc khủng hoảng toàn diện, sâu sắc của các nước xã hội chủ nghĩa đặt chủ nghĩa xã hội trước sự phê phán gay gắt chưa từng thấy, từ nhiều hướng. Đáng tiếc là ngay trong hàng ngũ những người cộng sản cũng có hiện tượng dao động về lập trường, những khuynh hướng phủ định các thành tựu, từ đó dẫn đến phủ định con đường xã hội chủ nghĩa”. Tổng Bí thư khẳng định ý chí của toàn Đảng, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn. Đối với Việt Nam “không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thực sự và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng, đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta”[4]. Cách mạng Việt Nam đang phát triển trên con đường đúng đắn đã lựa chọn với những thành tựu to lớn, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với nền độc lập, thống nhất trọn vẹn, đang quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, không có lý do gì rẽ sang con đường tư bản chủ nghĩa hay lùi lại thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, trao quyền quản lý đất nước cho những thế lực cơ hội, phản động.

Hiện nay, việc phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về cơ bản vẫn phải nhận diện đúng bản chất và ý đồ của các thế lực đó như 30 năm trước đây. Điều cần lưu ý là thủ đoạn của họ tinh vi, phức tạp, xảo quyệt hơn và triệt để sử dụng công nghệ thông tin để đạt được ý đồ nhanh nhất, quy mô và điện phá hoại rộng lớn và do đó mức độ nguy hại không thể xem thường.

Quan điểm sai trái, thù địch về chính trị hiện nay vẫn là phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, đòi Việt Nam từ bỏ con đường đó; đòi Đảng Cộng sản Việt nam từ bỏ vai trò lãnh đạo và cầm quyền, thực hiện đa nguyên chính trị và chế độ đa đảng đối lập. Đó là hai vấn đề căn cốt để họ lấn tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Họ cố chứng minh rằng chế độ xã hội chủ nghĩa mà những người cộng sản, các Đảng Cộng sản cố công xây dựng nhiều chục năm đã không thành hiện thực, phải chấp nhận sự thất bại như ở Đông Âu, Liên Xô. Cố đi theo con đường không có tương lai đó là sai lầm, ảo tưởng. Họ vẫn coi chủ nghĩa tư bản là đỉnh cao của sự phát triển của xã hội loài người không có gì có thể thay thế, chủ nghĩa tư bản đang tự điều chỉnh và hoàn thiện. Có người cho rằng, một số nước theo con đường xã hội chủ nghĩa hiện nay, trong đó có Việt Nam, chỉ là hình thức, trên thực tế là đang phát triển chủ nghĩa tư bản, “đỏ vỏ xanh lòng”. Những năm 60 của thế kỷ trước có người nêu câu hỏi: Nam Tư có phải là nước xã hội chủ nghĩa không? Từ đó đến nay đã có nước nào là nước xã hội chủ nghĩa?

Để phê phán, phản bác những quan điểm sai trái, điều quan trọng hàng đầu là phải trở lại đúng bản chất của chủ nghĩa xã hội trong học thuyết Mác-Lênin, hiểu rõ giá trị khoa học và tính hiện thực của lý luận ấy. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (2-1848), C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng phê phán những quan điểm không đúng về chủ nghĩa xã hội khi các ông đề cập tới các loại của Chủ nghĩa xã hội phản động, đó là Chủ nghĩa xã hội phong kiến, Chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản, Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không tương-phê phán[5].

Phản bác việc phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa cần thiết phải hướng tới chứng minh cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn-hiện thực của chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng và có vai trò không thể phủ nhận trong thế kỷ XX và đang được nhận thức rõ hơn và từng bước hiện thực hóa. Cần phải tổng kết sâu sắc thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội cả trước và từ khi tiến hành đổi mới, làm rõ những nhận thức mới và thực tiễn đã và đang diễn ra. Hơn ba mươi năm qua, Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đường lối đổi mới do Đại hội VI của Đảng (12-1986) đề ra và thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991 và bổ sung, phát triển năm 2011). Đó là quá trình đổi mới tư duy lý luận, từ thực tiễn mà sửa chữa những sai lầm nhận thức không đầy đủ, không đúng về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn đổi mới đã khẳng định quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa là đúng đắn với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có thành tựu về phát triển lý luận. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn. Sáng tỏ hơn về mục tiêu, mô hình của xã hội xã hội chủ nghĩa: về những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, con người của thời kỳ quá độ; về những vấn đề điều kiện, khả năng bỏ qua chủ nghĩa tư bản để tiến lên chủ nghĩa xã hội; về sự cần thiết phải kế thừa, phát triển những thành tựu mà loài người đã đạt được dưới chế độ tư bản, nhất là khoa học, công nghệ và tổ chức quản lý kinh tế, xã hội.

Đối với các thế lực thù địch về chính trị, chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội từ trước tới nay, dù có trao đổi, tranh luận như thế nào họ cũng không từ bỏ lập trường, quan điểm của họ. Cần chú ý rằng, phê phán, phản bác quan điểm sai trái để đi tới nhận thức đúng đắn. Từ cái đúng được khẳng định, được thừa nhận mà đẩy lùi cái sai. Để đi tới nhận thức đúng đắn là vấn đề lớn đặt ra cả về phương diện tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, tổng kết lý luận. Nhận thức đúng về chủ nghĩa xã hội và con đường xã hội chủ nghĩa là vô cùng quan trọng đối với Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.

Nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch về Cương lĩnh và con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là cần thiết để phản bác có tính thuyết phục. Mặt khác cũng phải thấy rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (10-2016) đã nêu rõ những biểu hiện “Phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; Không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái”[6].

Quan điểm sai trái, thù địch là nằm trong âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của kẻ địch. Thủ đoạn đó tác động đến cán bộ, đảng viên dẫn tới phai nhạt lý tưởng cách mạng, xa rời tôn chỉ mục đích của Đảng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, làm trái đường lối, Cương lĩnh của Đảng. Đó chính là sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Cần phải nhận diện những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra.

Điều cần nhấn mạnh là 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lại chính là quan điểm của các thế lực thù địch, được một bộ phận cán bộ, đảng viên phụ họa, làm theo. Trong 9 biểu hiện đó, cần chú ý biểu hiện thứ 6: “Móc nối, câu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước”[7]. Đó là điều “nguy hiểm khôn lường” và là một “nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Vì vậy, nhận diện những phần tử thoái hóa, biến chất, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị là công việc bức thiết hiện nay để có giải pháp xử lý thích hợp, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Những công trình, bài viết phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng để góp phần giáo dục nhận thức trong Đảng, ngăn chặn sự suy thoái và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Một quan điểm sai trái mà các thế lực thù địch nêu ra từ nhiều năm nay là: Việt Nam chỉ đổi mới kinh tế mà không hề đổi mới chính trị, vẫn giữ nguyên bộ máy lãnh đạo chuyên quyền của Đảng Cộng sản. Họ đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”. Họ phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phủ nhận Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đòi thực hiện “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”. Thực chất là phủ nhận và đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự thật là, khi tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng đã chủ trương kết hợp ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Xác định nhiệm vụ đổi mới, phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Từ thành tựu đổi mới kinh tế mà từng bước đổi mới hệ thống chính trị. Nhận thức rõ rằng, chính trị là lĩnh vực rất quan trọng đối với một quốc gia, một chế độ, lại là vấn đề rất nhạy cảm; vì vậy, đổi mới chính trị, phải tiến hành từng bước vững chắc, thận trọng, không thể hấp tấp, vội vàng. Vấn đề nào đã rõ thì quyết tâm đổi mới, vấn đề chưa rõ phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết. Đó chính là bài học thành công trong đổi mới chính trị ở Việt Nam, bảo đảm giữ vững sự ổn định chính trị trong mọi hoàn cảnh. Ổn định chính trị là vấn đề hệ trọng của đất nước, là cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân.

Sự nghiệp đổi mới càng phát triển, mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị trở thành mối quan hệ lớn phải được nhận thức và xử lý đúng đắn tạo động lực cho sự phát triển. Từ năm 1989, xây dựng hệ thống chính trị được đặt ra rất cơ bản thay cho quan niệm trước đó về hệ thống chuyên chính vô sản. Từ những năm 90, việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trở thành vấn đề rất quan trọng của hệ thống chính trị. Việc sửa đổi Hiến pháp 1980 và ban hành Hiến pháp 1992 và gần đây sửa đổi Hiến pháp 1992 và ban hành Hiến pháp 2013 là sự phát triển quan trọng lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đó là đổi mới rất cơ bản hệ thống chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương tiếp tục đổi mới căn bản, đồng bộ hệ thống chính trị cả về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và phương thức lãnh đạo, quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức. Cải cách hành chính và cải cách tư pháp ngày càng làm rõ hơn mô hình và phương thức vận hành của Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Quan điểm được xác định: quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan làm chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp, là phù hợp với thực tiễn Việt Nam chứ không phải “tam quyền phân lập” diễn ra ở các nước khác, không thể áp đặt mô hình, cơ chế vận hành của nước này vào nước khác.

Các thế lực thù địch cho rằng ở Việt Nam không có dân chủ, quyền con người bị vi phạm. Họ luôn luôn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để đả kích sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Sự thật là, khi xây dựng Nhà nước pháp quyền trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền, cần phải nhận thức và xử lý mỗi quan hệ giữa Đảng cầm quyền, Nhà nước pháp quyền và quyền làm chủ của nhân dân, tức là quan hệ: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đây là vấn đề lớn về lý luận về thực tiễn trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị trong xã hội văn minh, hiện đại mà con người và nhân dân là trung tâm.

Những thế lực phản động, thù địch đã từng công khai phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện “đa nguyên, đa đảng”. Thực tế là sự lãnh đạo của Đảng không ngừng được đổi mới, nhất là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng không những được nhân dân, toàn xã hội khẳng định mà còn được cộng đồng thế giới và khu vực, các đối tác thừa nhận, củng cố mối quan hệ giữa các đảng cầm quyền trên thế giới. Các đảng chính trị cầm quyền trên thế giới kể cả không cùng ý thức hệ và chế độ chính trị đều có quan hệ tốt với Đảng Cộng sản Việt Nam. Thước đo sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là kinh tế phát triển, chính trị, xã hội ổn định, văn hóa, giáo dục, khoa học phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao về mọi mặt, quốc phòng-an ninh được giữ vững, ngoại giao rộng mở, vị thế uy tín Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Đó là sự thật mà bất kỳ thế lực đen tối nào cũng không thể phủ nhận.

Việc phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch chống lại Cương lĩnh, đường lối của Đảng luôn luôn được đặt ra trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng từ năm 1930 đến nay. Đảng đã có được những kinh nghiệm quý báu trong cuộc đấu tranh đó. Một là, trong mọi hoàn cảnh, cần phải công khai làm rõ quan điểm, đường lối đúng đắn của Đảng, giải thích rõ để đồng chí trong Đảng thống nhất nhận thức, hành động, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ, ủng hộ, đồng thuận với Đảng, không bị kẻ xấu lôi kéo, thao túng. Hai là, không bao giờ được rút lui, rời bỏ mặt trận tư tưởng lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, và về chính trị thì không có bất cứ sự nhân nhượng, thỏa hiệp nào, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định. Phản bác quan điểm sai trái, thù địch dựa trên cơ sở khoa học, hiện thực từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, bảo đảm tính thuyết phục. Ba là, thẳng thắn tự phê bình để thấy rõ những sai lầm, khuyết điểm, tự sửa chữa, hoàn thiện đường lối và sự lãnh đạo là chủ động làm thất bại ý đồ của địch lợi dụng khuyết điểm của Đảng, của cán bộ, đảng viên để xuyên tác, phá hoại. Từ sự Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (1939), tự phê bình của Trung ương tại Đại hội VI (1986) đến tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII chính là theo tinh thần ấy. Không bao giờ được ngủ quên trên vòng nguyệt quế như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở. Đó cũng là cách nâng cao khả năng “miễn dịch” chống lại mọi sự xâm nhập phá hoại từ bên ngoài./.  

Không có nhận xét nào: