Ngày 11/11 tới, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 6 bị cáo về các tội: “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Thông tin về đối tượng Đỗ Hoàng Điềm - chủ tịch tổ chức khủng bố "Việt Tân" trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Trong vụ án này, 3 bị cáo: Châu Văn Khảm (sinh năm 1949, quốc tịch Việt Nam, Úc; chỗ ở và nơi đăng ký nhân khẩu thường trú tại số 12 Kingsland Rd, Berala, NSW 2141, Úc) , Nguyễn Văn Viễn (sinh năm 1971, trú tại khối 3, phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), Trần Văn Quyền (sinh năm 1999, trú tại xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo quy định tại Điều 113, khoản 2, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015. Ba bị cáo còn lại bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” do đã có hành vi làm giả nhiều chứng minh nhân dân, hồ sơ xin việc làm cho các đối tượng trong vụ án.

Biết bị cấm, vẫn cố tình tham gia

 Tổ chức “Việt Nam canh tân cách mạng đảng” (viết tắt là “Việt Tân”) là tổ chức phản động lưu vong người Việt, do Hoàng Cơ Minh (nguyên chuẩn tướng, Phó Đô đốc Hải quân chính quyền Sài Gòn cũ) thành lập năm 1982 tại Thái Lan, hiện do Đỗ Hoàng Điềm (sinh năm 1963, quốc tịch Mỹ) là Chủ tịch “Việt Tân”. Mục tiêu hoạt động của tổ chức này là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phương thức hành động ban đầu của “Việt Tân” là dùng bạo động, vũ trang, khủng bố, phá hoại ở Việt Nam, sau đó chuyển sang phương thức “đấu tranh bất bạo động hiện đại”, bản chất là kết hợp giữa “đấu tranh bất bạo động” với “bạo lực cục bộ địa phương”. Ngày 4/10/2016, Bộ Công an đã đưa “Việt Tân” vào danh sách các tổ chức khủng bố tại Việt Nam, đồng thời nêu rõ: “Người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của “Việt Tân”; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do “Việt Tân” tổ chức; hoạt động theo sự chỉ đạo của “Việt Tân”… sẽ đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Nhưng, năm 1982, Đỗ Hoàng Điềm đã tham gia vào tổ chức “Việt Tân”. Từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, Đỗ Hoàng Điềm tiếp tục chỉ đạo các thành viên cốt cán, tổ chức móc nối phát triển lực lượng, huấn luyện, đào tạo, xâm nhập về Việt Nam cung cấp tài chính, kích động biểu tình… để chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Còn Châu Văn Khảm tham gia tổ chức khủng bố “Việt Tân” từ năm 2010, là một trong những đối tượng hoạt động tích cực, làm đại diện “cơ sở đảng bộ Sydney” kiêm “Bí thư Đảng bộ Úc Châu”, hoạt động với bí danh Hoàng Liêm.

Theo sự chỉ đạo của Đỗ Hoàng Điềm, đầu tháng 1/2019, Châu Văn Khảm nhập cảnh vào Campuchia, sau đó sử dụng giấy Chứng minh nhân dân mang tên Chung Chính Phi để xâm nhập bất hợp pháp vào Việt Nam qua biên giới đường bộ Campuchia. Hoạt động tại Việt Nam, Châu Văn Khảm đã lôi kéo, kết nạp Nguyễn Văn Viễn (là tài xế xe Grab bike) vào tổ chức khủng bố “Việt Tân”. Sáng 12/1/2019, Khảm gặp Viễn tại một quán cà phê ở Quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh). Tại đây, Khảm tuyên truyền cho Viễn về phương thức hoạt động của “Việt Tân”; nhận định của “Việt Tân” về một số vấn đề quốc tế và quan điểm về Việt Nam. Đồng thời, Khảm đưa cho Viễn 400 USD và sau đó Viễn đã đồng ý tham gia tổ chức. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã kịp thời bắt giữ Khảm và Viễn.

Mở rộng điều tra, Cơ quan Công an bắt giữ thêm Trần Văn Quyền (là thợ lắp camera) và 3 đối tượng khác. Quyền đã từng cùng với Viễn sang Campuchia tham gia lớp huấn luyện của tổ chức khủng bố “Việt Tân”. Đỗ Hoàng Điềm cũng gửi 900 USD cho Quyền đề Quyền bố trí việc làm cho người của tổ chức.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, Châu Văn Khảm đã tham gia các buổi gây quỹ để hỗ trợ các đối tượng hoạt động trong nước, tham gia các cuộc biểu tình chống Việt Nam; tìm chọn đối tượng để phát triển lực lượng; dùng giấy tờ của người khác xâm nhập về Việt Nam cung cấp tài chính, tuyên truyền đường lối cho đảng viên mới của “Việt Tân”. Nguyễn Văn Viễn được Đỗ Hoàng Điềm tác động, lôi kéo tham gia tổ chức “Việt Tân” và giới thiệu với Trần Văn Quyền để bố trí việc làm; xuất cảnh sang Campuchia để tham gia khóa huấn luyện do Đỗ Hoàng Điềm cùng đồng bọn tổ chức.

Trần Văn Quyền tham gia tổ chức khủng bố “Việt Tân” từ tháng 9/2018. Quá trình tìm hiểu và tham gia tổ chức, Quyền đã thuê đối tượng trong nước làm 2 giấy chứng minh nhân dân giả cho các thành viên “Việt Tân”; khảo sát một số tuyến đường có lắp đặt vị trí camera để cung cấp cho Đỗ Hoàng Điềm; khảo sát các tuyến xâm nhập đường bộ khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia; xuất cảnh sang Campuchia tham gia lớp huấn luyện do “Việt Tân” tổ chức; nhận tiền để bố trí việc làm cho người của tổ chức khủng bố “Việt Tân”…

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khẳng định, Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn, Trần Văn Quyền biết rõ “Việt Tân” là tổ chức khủng bố tại Việt Nam theo công bố của Bộ Công an Việt Nam, nhưng vẫn tham gia tổ chức. Đối với Đỗ Hoàng Điềm, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận định đây là đối tượng chủ mưu trong vụ án này. Hiện Đỗ Hoàng Điềm đang ở Mỹ nên Bộ Công an đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Ngăn chặn kịp thời hành vi phá hoại của tổ chức khủng bố “Việt Tân”

 Sau khi thành lập, “Việt Tân” đã tổ chức tuyển dụng, huấn luyện cho thành viên cách thức sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại, bắt cóc, thủ tiêu con tin…; tiến hành các chiến dịch đưa các nhóm vũ trang với hàng trăm đối tượng từ Thái Lan xâm nhập qua Lào, Campuchia về Việt Nam để lập “mật cứ”, tiến hành hoạt động bạo loạn, khủng bố nhưng đã bị các cơ quan chức năng của Việt Nam, Lào ngăn chặn, vô hiệu hóa.

Hiện, “Việt Tân” tiếp tục tuyển dụng, huấn luyện, chỉ đạo thành viên xâm nhập về Việt Nam kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, thủ tiêu, bắt cóc con tin; đưa người ra nước ngoài đào tạo, huấn luyện, tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến về phương thức, hoạt động khủng bố, phá hoại; tán phát lên mạng Internet hướng dẫn cách chế tạo bom xăng để phục vụ hoạt động khủng bố, phá hoại, ám sát…

Tương tự như vụ án Châu Văn Khảm, để thực hiện mục tiêu chống phá, “Việt Tân” đã nhiều lần cho các thành viên xâm nhập trái phép về Việt Nam. Năm 2007, Nguyễn Hải, Nguyễn Ngọc Đức, Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Thị Thanh Vân, Trương Leon là các thành viên của “Việt Tân” đã xâm nhập về Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo “cơ sở nội địa” làm, phát tán truyền đơn có nội dung kích động biểu tình, phá rối án ninh, bạo loạn nhằm gây hoang mang quần chúng nhân dân. Nhóm đối tượng này bị lực lượng chức năng ngăn chặn kịp thời, đưa ra xét xử vào tháng 5/2008.

Một vụ việc khác tinh vi hơn là đối tượng Phạm Minh Hoàng (thành viên của “Việt Tân” tại Pháp) về Việt Nam trà trộn vào làm giảng viên hợp đồng của một trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian tại đây, Hoàng đã viết 33 bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam rồi gửi cho tổ chức khủng bố Việt Tân đăng phát trên mạng internet nhằm mục đích kích động, lôi kéo người dân biểu tình. Năm 2011, Hoàng phải hầu tòa vì những hành vi phạm tội của mình.

Ngoài ra, từ tháng 8/2009 đến tháng 11/2011, tổ chức khủng bố “Việt Tân” đã đưa 17 đối tượng làm cơ sở trong nước nhiều lần sang Thái Lan, Campuchia, Lào, Philippine và Mỹ để được các “lãnh đạo của Việt Tân” huấn luyện. Ngày 2/8/2011, khi các đối tượng nhập cảnh về Việt Nam thì bị Cơ quan An ninh Bộ Công an phát hiện, bắt giữ.

Cần tỉnh táo trước những thủ đoạn kích động trên Internet

Thời gian qua, nhiều vụ việc cho thấy tổ chức khủng bố “Việt Tân” đã lợi dụng triệt để sự phát triển của Internet, nhất là mạng xã hội để tuyên truyền, công kích, lôi kéo người dân tham gia các hội, nhóm trá hình trên không gian mạng. Nhóm này luôn sử dụng danh nghĩa phản biện xã hội, đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền, xây dựng xã hội dân sự, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ... nhưng thực chất là để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng, thái độ thù địch của một bộ phận nhân dân.

Cụ thể trong vụ án trên, Đỗ Hoàng Điềm đã sử dụng facebook mang tên “Hoang Nguyen” rồi kết bạn với Trần Văn Quyền thông qua mạng xã hội này. Điềm đã hướng dẫn Quyền sử dụng các ứng dụng mạng xã hội khác và chỉ cho Quyền tìm đọc các vấn đề chính trị xã hội ở Việt Nam, gợi sự bất mãn với chính quyền để lôi kéo Quyền tham gia tổ chức khủng bố “Việt Tân”.

Còn Châu Văn Khảm sử dụng mạng xã hội facebook với tên “Khảm Châu” để giải đáp các thắc mắc về tổ chức “Việt Tân” trên trang facebook “Việt Tân”. Sau khi Châu Văn Khảm bị bắt, trang facebook “Việt Tân” tán phát nhiều tài liệu, có nội dung phản ánh sai lệch sự việc, vu cáo, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đồng thời, tán phát nhiều “thư ngỏ” có nội dung kêu gọi các tổ chức được cho là vì tự do, dân chủ, nhân quyền lên tiếng, can thiệp buộc Chính phủ Việt Nam trả tự do cho Châu Văn Khảm. Đây là những chiêu trò xuyên tạc nhằm chống phá cách mạng Việt Nam của tổ chức khủng bố “Việt Tân”, người dân cần hết sức cảnh giác trước sự bịa đặt của các đối tượng này.

Mới đây, tháng 8/2019, trên cơ sở khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Bộ Công an đã công bố danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố. Ngoài “Tổ chức khủng bố Việt Tân” và “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” (là tổ chức liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố), Bộ Công an còn bổ sung thêm danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố và tài trợ khủng bố do Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc chỉ định./.