CAND là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhân dân, bảo vệ chế độ XHCN. Điều 3, Luật CAND năm 2018 quy định: “CAND là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.  

    Với vai trò, vị trí trên, lực lượng CAND luôn phải đối mặt với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng chống đối. Hiện nay, việc tấn công, chống phá lực lượng CAND được các đối tượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị thực hiện một cách thường xuyên và trên nhiều mặt.

    Trước hết, các đối tượng đẩy mạnh việc rêu rao luận điệu đòi “phi chính trị hoá lực lượng vũ trang”, đòi tách CAND ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Đây là chiêu bài cũ, đã được chúng sử dụng từ lâu nhưng nay vẫn tiếp tục điệp khúc “nhai lại”, nhất là khi lực lượng CAND kỷ niệm các ngày lễ, truyền thống. Các đối tượng đưa ra quan điểm đòi quân đội và công an phải đứng bên ngoài hoạt động của các đảng phái chính trị; kêu gọi hình thành những “đội quân nhà nghề”. Đây là một mưu đồ nguy hiểm.

    Bản chất của CAND Việt Nam là lực lượng vũ trang cách mạng, việc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân gắn liền với bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Không có một lực lượng vũ trang “trung tính”, tách bảo vệ Tổ quốc, đất nước khỏi bảo vệ Đảng, chế độ XHCN. Lực lượng CAND do Đảng, Bác Hồ thành lập, rèn luyện, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng và bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ cũng chính là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân. Thực tiễn đời sống chính trị ở nước ta khẳng định, bản chất chính trị của lực lượng CAND, lực lượng vũ trang cách mạng là một tất yếu khách quan.  

    Các đối tượng chống đối luôn tìm cách thổi phồng những tồn tại, hạn chế trong lực lượng CAND để bôi nhọ, quy chụp sai phạm của cá nhân thành của tập thể, đánh đồng với sai phạm của lực lượng. Thực tiễn, lực lượng CAND hoạt động trong một môi trường kỷ luật, kỷ cương. Chức năng, nhiệm vụ của CAND thể hiện trên nhiều mặt, đi liền với đó đòi hỏi sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, sự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cá nhân để vượt qua những cám dỗ, lợi ích vật chất và tinh thần, ngăn ngừa các hành vi lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiêu cực có thể xảy ra.

    Thời gian qua, với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch nội bộ, một số cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật và phạm tội, trong đó có người giữ hàm cấp tướng đã chịu các hình thức xử lý kỷ luật và xử lý hình sự. Điều này thể hiện sự kiên quyết trong đấu tranh với sai phạm, với quan điểm sai đến đâu, xử đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tuy nhiên, nhiều đối tượng lại lợi dụng vấn đề này để suy diễn, vu khống bản chất lực lượng CAND. Các đối tượng thổi phồng sai phạm, từ đó xuyên tạc bản chất của lực lượng và phủ nhận một cách sạch trơn những giá trị, thành tựu to lớn của lực lượng CAND. 

    Một góc độ khác, các đối tượng không ngừng công kích, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo, tướng lĩnh trong lực lượng CAND. 

    Ngoài ra, các đối tượng cũng tìm cách kích động, cổ suý những hành vi vi phạm, kích động người dân chống lại cán bộ, chiến sĩ CAND đang thi hành nhiệm vụ. Đơn cử như việc xảy ra ngày 9-7-2019 vừa qua, một đối tượng vi phạm Luật Giao thông có hành vi hung hãn, điều khiển xe máy đâm vào chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ tại huyện An Lão, Hải Phòng khiến anh bị thương nặng.

    Đây là hành vi phạm pháp, coi thường pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, cần phải đấu tranh, lên án. Vậy nhưng thay vì phê phán cái sai, nhiều nhà “dân chủ mạng” không tiếc lời dè bỉu, công kích chiến sĩ CSGT và cổ suý cho đối tượng vi phạm! 

    Về phương thức hoạt động, các đối tượng đẩy mạnh việc lợi dụng môi trường mạng để đăng tải các bài nói, bài viết, hình ảnh có nội dung sai lệch, kích động sự chống đối. Cùng với đó, lợi dụng các sự kiện nóng, các vấn đề nhạy cảm, các đối tượng rủ rê, lôi kéo, tiến hành tụ tập đông người tại cổng trụ sở cơ quan chức năng để tiến hành gây rối. Đồng thời, các đối tượng tích cực sử dụng chiêu trò phát trực tiếp (livestream) các hoạt động của lực lượng Công an lên mạng xã hội để làm phức tạp tình hình (như việc Công an cưỡng chế, giải phóng mặt bằng; truy bắt đối tượng phạm tội).

    Mục đích nhằm hướng lái nội dung, đưa thông tin sai lệch về hoạt động của cá nhân, tập thể Công an để người dân hiểu sai, từ đó tìm cách vu cáo, kích động chống đối. Không ít “cư dân mạng”, nhất là lớp trẻ đã chịu ảnh hưởng nhất định của các thông tin, luận điệu sai lệch này.

    Việc đấu tranh với các thông tin, luận điệu sai trái về lực lượng CAND, về lực lượng vũ trang cách mạng là vấn đề thời sự hiện nay. Cùng với việc đấu tranh với các luận điệu chống phá, chúng ta cũng đi đôi với việc tập trung xây dựng lực lượng CAND ngày một trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là “thanh bảo kiếm” của Tổ quốc, Đảng và nhân dân.

    Về mặt “xây” bên trong, lực lượng CAND kiên quyết đấu tranh với những tiêu cực, sai phạm trong nội bộ; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm pháp với quan điểm không có vùng cấm, bất kể người đó đang nắm giữ chức vụ gì. Bên cạnh đó, tăng cường mối liên hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, để cán bộ, chiến sĩ Công an thực sự là “công bộc của dân”, do dân và vì dân.

    Về mặt “chống”, trên cơ sở nhận diện rõ hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, Công an các đơn vị, địa phương cần chủ động làm tốt công tác đấu tranh phản bác các thông tin, luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh người chiến sĩ CAND. Việc đấu tranh phản bác cần thực hiện một cách kịp thời. Khi các đối tượng đưa ra những luận điệu chống phá, xuyên tạc về một vụ việc, hành vi nào đó, chúng ta cần nhanh chóng “giải độc” thông tin, vạch trần bộ mặt sai trái của các đối tượng bằng cách đưa các thông tin chính thống, chuẩn xác đến với người dân. 

    Công tác phòng ngừa những luận điệu sai trái, xuyên tạc cũng phải tiến hành một cách chủ động. Các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, nắm rõ quy luật hoạt động, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng để từ đó xây dựng kế hoạch phản bác chính xác, kịp thời, đảm bảo tính huyết phục. 

    Việc các đối tượng tấn công, chống phá lực lượng CAND là hoạt động nguy hiểm, nhất là trong môi trường mạng hiện nay. Chính vì vậy, công tác đấu tranh phản bác cũng phải thực hiện một cách bài bản, khoa học.