ĐÊM NAY CƠN BÃO KHỦNG (SỐ 9) SẼ ĐỔ BỘ MIỀN TRUNG- ĐĂNG LẠI VIỆC PHÂN CẤP BÃO Ở VN.
Ngày và đêm nay, bão số 9 đi theo hướng tây tây bắc với vận tốc 20-25 km/h. 7h sáng 28/10, tâm bão nằm ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất đạt cấp 13, giật cấp 16.
Dự báo đường đi của bão số 9 - Molave sáng 27/10/2020. |
VIỆT NAM PHÂN CẤP BÃO NHƯ THẾ NÀO?
Lời dẫn: Nhằm giải đáp băn khoăn cho bạn đọc của Google.tienlang ở Đây, một bạn đọc khác của Google.tienlang là Trần Văn Thắng- Hà Nội vừa gửi cho chúng tôi bài VIỆT NAM PHÂN CẤP BÃO NHƯ THẾ NÀO? Xin cảm ơn tác giả Trần Văn Thắng- Hà Nội và xin trân trọng giới thiệu.
====================
Trên thế giới hiện phổ biến hai thang phân cấp bão (phân theo tốc độ gió) là thang Beaufort và thang Saffir - Simpson.
Thang bão Saffir-Simpson là thang phân loại bão được sử dụng nhiều nhất cho các xoáy nhiệt đới ở Tây bán cầu có cường độ vượt quá cường độ của các áp thấp nhiệt đới và các trận bão nhiệt đới. Thang này chia các cơn bão thành 5 cấp được phân biệt theo cường độ sức gió kéo dài của nó. Để phân loại như là một cơn bão, một xoáy thuận nhiệt đới phải có sức gió kéo dài tối đa ít nhất là 33 m/s; hay 119 km/h. Cao nhất trong thang bão này là cấp 5 là các cơn bão có sức gió trên 249 km/h.
Thang Beaufort là thang Việt Nam đang áp dụng nên chúng ta tìm hiểu sâu hơn một chút. Thang Beaufort được Francis Beaufort, một đô đốc hải quân và đồng thời là một nhà thủy văn học người Ireland, tạo ra năm 1805. Thang mang tên Beaufort có sự phát triển lâu dài và phức tạp, từ công trình trước đó của những người khác cho tới khi Beaufort trở thành người quản lý cao cấp trong Hải quân Hoàng gia Anh trong thập niên 1830.
Thang ban đầu có 13 cấp (từ 0 tới 12) đã không dẫn chiếu tới các con số về vận tốc gió mà liên quan tới các điều kiện gió định tính có tác động lên các buồm của man of war, khi đó là các loại tàu chủ yếu của Hải quân Hoàng gia Anh, từ "vừa đủ để chịu lái" tới "không vải nào của buồm có thể chịu được". Ở cấp 0, tất cả các buồm có thể giương lên; ở cấp 6 thì một nửa số buồm có thể phải hạ xuống; ở cấp 12 thì tất cả các buồm phải xếp gọn lại
Thang sức gió này đã là tiêu chuẩn cho mọi nhật trình hàng hải trên các tàu thuyền của Hải quân Hoàng gia Anh vào cuối thập niên 1830, và đã được thích ứng để ứng dụng phi-hải quân kể từ thập niên 1850, với các số của thang tương ứng với sự xoay vòng của máy đo gió hình chén. Năm 1906, để phù hợp với sự phát triển của tàu hơi nước, các miêu tả đã được thay đổi để miêu tả biển như thế nào chứ không phải là buồm như thế nào, được vận hành và mở rộng cho các quan sát trên đất liền. Sự xoay vòng của các con số trên thang chỉ được chuẩn hóa vào năm 1923. George Simpson, Giám đốc Cục Khí tượng Vương quốc Anh, là người chịu trách nhiệm về điều này và về bổ sung các miêu tả trên cơ sở đất liền. Sự đo đạc đã được thay đổi một chút vào vài thập niên sau để hoàn thiện sự thuận tiện trong sử dụng cho các nhà khí tượng học.
Thang Beaufort được mở rộng năm 1946, khi các cấp từ 13 tới 17 được thêm vào. Tuy nhiên, các cấp từ 13 tới 17 chỉ nhằm áp dụng cho các trường hợp đặc biệt, chẳng hạn khi có bão nhiệt đới mạnh.
Một số bạn đọc của Google.tienlang phát hiện và nêu băn khoăn, tại sao trước đây nghe báo bão chỉ có cấp 12 là mạnh nhất nhưng bây giờ lại có cả cấp 17? Băn khoăn này là chính đáng vì VN mới áp dụng phần mở rộng của Thang Beaufort cách đây chưa lâu. Sở dĩ trước đây VN không áp dụng phần mở rộng, có cấp bão mạnh trên cấp 12 là bởi thông thường các cơn bão vào VN có sức gió không lớn lắm. Những cơn bão xuất hiện từ tây bắc Thái Bình Dương vào VN có đời sống ít nhất là bảy ngày, nhiều nhất kéo dài nửa tháng nên khi vào đến biển Đông và đổ bộ lên đất liền VN thì bão đã “mệt”, rơi vào thời kỳ suy yếu nên rất hiếm khi bão ở tây bắc Thái Bình Dương vào đến VN vẫn còn sức gió mạnh trên cấp 12. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến bão vào đến VN không còn mạnh bởi khi qua Philippines bão đã bị cản trở làm giảm sức mạnh. Quần đảo Philippines được xem là tấm lá chắn tự nhiên ngăn VN với ổ bão lớn nhất thế giới là tây bắc Thái Bình Dương. Tiếp nữa, do nhiệt độ ở biển Đông không lớn nên không đủ năng lượng cung cấp cho bão trên đường di chuyển. Đối với bão hình thành trên biển Đông, khi đổ bộ vào VN cũng không thể mạnh được vì lúc đó bão mới chỉ ở thời kỳ đang hình thành.
Tuy nhiên, điều này đã không còn đúng trong thời gian gần đây, điển hình là các cơn bão Chanchu và bão Xangsane trong năm 2006. Mặc dù bão Chanchu không đi vào vùng bờ biển Việt Nam, nhưng với cấp 4 theo thang bão Saffir-Simpson nó đã làm nhiều tàu thuyền bị đánh chìm và nhiều ngư dân Việt Nam bị chết trên biển Đông. Trong dự báo bão cho cơn bão Xangsane, lần đầu tiên Việt Nam đã sử dụng cấp 13 và trên cấp 13.
Đến năm 2008 khi cơn bão số 6 mang tên quốc tế Hagupit (dùi cui) đi vào khu vực Bắc Biển Đông Việt Nam với sức gió của nó đạt 120 hải lý (knot)... tương đương với cấp 4 của thang bão Saffir-Simpson thì Việt Nam bắt đầu sử dụng cấp 13 - 17 khi đã nâng nó lên cấp ngưỡng đầu tiên của siêu bão là cấp 15.
Như vậy, hiện nay Việt Nam đã chính thức sử dụng toàn bộ Thang Beaufort gồm 17 cấp gió khác nhau sau đây:
Cấp Beaufort | Vận tốc gió ở 10 m trên mực nước biển (Km/h) | Mô tả | Độ cao sóng (m) | Tình trạng mặt biển | Tình trạng đất liền |
0 | nhỏ hơn 1 | Êm đềm | 0 | Phẳng lặng | Êm đềm |
1 | 1-5 | Gió rất nhẹ | 0,1 | Sóng lăn tăn, không có ngọn. | Chuyển động của gió thấy được trong khói. |
2 | 6-11 | Gió thổi nhẹ vừa phải | 0,2 | Sóng lăn tăn. | Cảm thấy gió trên da trần. Tiếng lá xào xạc. |
3 | 12-19 | Gió nhẹ nhàng | 0,6 | Sóng lăn tăn lớn. | Lá và cọng nhỏ chuyển động theo gió. |
4 | 20-28 | Gió vừa phải | 1 | Sóng nhỏ. | Bụi và giấy rời bay lên. Những cành cây nhỏ chuyển động. |
5 | 29-38 | Gió mạnh vừa phải | 2 | Sóng dài vừa phải (1,2 m). Có một chút bọt và bụi nước. | Cây nhỏ đu đưa. |
6 | 39-49 | Gió mạnh | 3 | Sóng lớn với chỏm bọt và bụi nước. | Cành lớn chuyển động. Sử dụng ô khó khăn. |
7 | 50-61 | Gió mạnh | 4 | Biển cuộn sóng và bọt bắt đầu có vệt. | Cây to chuyển động. Phải có sự gắng sức khi đi ngược gió. |
8 | 62-74 | Gió mạnh hơn | 5,5 | Sóng cao vừa phải với ngọn sóng gãy tạo ra nhiều bụi. Các vệt bọt nước. | Cành nhỏ gãy khỏi cây. |
9 | 75-88 | Gió rất mạnh | 7 | Sóng cao (2,75 m) với nhiều bọt hơn. Ngọn sóng bắt đầu cuộn lại. Nhiều bụi nước. | Một số công trình xây dựng bị hư hại nhỏ. |
10 | 89-102 | Gió bão | 9 | Sóng rất cao. Mặt biển trắng xóa và xô mạnh vào bờ. Tầm nhìn bị giảm. | Cây bật gốc. Một số công trình xây dựng hư hại vừa phải. |
11 | 103-117 | Gió bão dữ dội | 11,5 | Sóng cực cao. | Nhiều công trình xây dựng hư hỏng. |
12 | 118-133 | Gió bão cực mạnh | 14+ | Các con sóng khổng lồ. Không gian bị bao phủ bởi bọt và bụi nước. Biển hoàn toàn trắng với các bụi nước. Nhìn gần cũng không rõ. | Nhiều công trình hư hỏng nặng. |
13 | 134-149 | Gió bão cực mạnh | 14+ | Sóng biển cực kỳ mạnh. Đánh đắm tàu biển có trọng tải lớn. | Sức phá hoại cực kỳ lớn. |
14 | 150-166 | Gió bão cực mạnh | 14+ | Sóng biển cực kỳ mạnh. Đánh đắm tàu biển có trọng tải lớn. | Sức phá hoại cực kỳ lớn. |
15 | 167-183 | Gió bão cực mạnh | 14+ | Sóng biển cực kỳ mạnh. Đánh đắm tàu biển có trọng tải lớn. | Sức phá hoại cực kỳ lớn. |
16 | 184-201 | Gió bão cực mạnh | 14+ | Sóng biển cực kỳ mạnh. Đánh đắm tàu biển có trọng tải lớn. | Sức phá hoại cực kỳ lớn. |
17 | 202-220 | Gió bão cực mạnh | 14+ | Sóng biển cực kỳ mạnh. Đánh đắm tàu biển có trọng tải lớn. | Sức phá hoại cực kỳ lớn. |
Để cho dễ nhớ vận tốc gần đúng theo km/h của gió ở thang sức gió Beaufort, có thể lấy bình phương của cấp gió (ví dụ cấp 10, vận tốc gió 100 km/h, cấp 8 vận tốc gió 64 km/h, cấp 1 đến cấp 5, vận tốc gió từ 4 đến 36 km/h (số cấp cộng 1 rồi bình phương).
Qua thang sức gió này, chúng ta thấy gió cấp 10 mới được gọi là gió bão. Tuy vậy, theo cách phân loại của Việt Nam thì cấp gió từ một áp thấp nhiệt đới đạt tới cấp 7 đã là bão. Trong đó bão được phân ra 4 loại: Bão, bão mạnh, bão rất mạnh và siêu bão. Cụ thể: Cấp gió từ 7 đến 10 gọi là bão; cấp 11, 12 là bão mạnh; cấp 13, 14 là bão rất mạnh; những cơn bão từ cấp 15 trở lên được gọi là siêu bão. Siêu bão có đặc điểm là hiếm khi hình thành ở biển Đông mà thường ở Tây Thái Bình Dương, đi qua Philippines sau đó mới vào biển Đông. Trong một năm, khả năng xuất hiện siêu bão là khoảng 20% tổng số cơn bão xuất hiện.
Tháp ăng-ten cao 150m của Trạm phát sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đồng Hới bị Bão số 10/2013 quật gãy và đè chết hai nhân viên của trạm
Đối với quy định của việc phát tin báo bão của nước ta, Trung tâm Khí tượng – Thủy văn Trung ương đã thực hiện như sau:
- Tin bão xa:
Khi tâm bão vượt qua kinh tuyến 120 độ kinh đông vào biển Đông, tức là cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta trên 1.000km hoặc khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta 500-1.000km nhưng chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền.
- Tin bão gần:
Là khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất bờ biển nước ta 500-1.000km và có hướng di chuyển về phía đất liền hoặc khi tâm bão cách bờ biển 300-500km nhưng chưa có khả năng di chuyển về đất liền.
- Tin bão khẩn cấp
Sẽ được phát khi tâm bão cách bờ biển 300-500km và có khả năng di chuyển về đất liền trong 1-2 ngày tiếp theo hoặc khi vị trí tâm bão cách bờ biển dưới 300km.
Năm 2014 này, theo ông nguyễn Đức Hòa, phó Trưởng phòng Dự báo hạn vừa, hạn dài thuộc Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn Trung ương, cho biết: Số lượng bão hoạt động trên biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta năm nay ít hơn trung bình nhiều năm (có thể xuất hiện 4 đến 5 cơn). Như vậy, tính đến nay mới có cơn bão số 2, tên Quốc tế là Thần Sấm (Rammasun) đã ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, làm cho 29 người chết và mất tích (chủ yếu do sét đánh, lũ quét và sạt lở đất). Cơn bão số 3 có tên quốc tế là Kalmaegi – Chim mòng biển đang đến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét