Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

ĐẤUTRANH BÁC BỎ XUYÊNTẠC TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY


ĐẤUTRANH BÁC BỎ XUYÊNTẠC TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ  MINH TRONG GIAI ĐOẠN  HIỆN NAY

 Với ý đồ xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta, các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội, bất mãn về chính trị không từ một thủ đoạn nào nhằm xuyên tạc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Cho dù che giấu, ngụy biện, ngụy tạo như thế nào thì ý đồ của họ trước nhất và chủ yếu nhất là phủ nhận giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng và toàn xã hội.

Các thủ đoạn chống phá của họ đã và đang sử dụng vừa công khai trắng trợn, vừa ngấm ngầm, thâm độc, được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau rất tinh vi, song, để phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, luận điệu tuyên truyền của họ tập trung vào những thủ đoạn, nội dung chủ yếu sau:

So sánh, đối lập cực đoan, tách rời giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin nhằm phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta

Luận điệu này được các thế lực thù địch liên tục tuyên truyền để chống phá cách mạng nước ta. Đặc biệt, nó “dồn dập”, được “tiếp sức” từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào những năm cuối thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, các thế lực thù địch chống chủ nghĩa xã hội, các nhà tư tưởng và chính trị tư sản đã lớn tiếng tuyên bố về “sự cáo chung” của chủ nghĩa Mác – Lênin, ngay cả những người hôm qua còn được coi là người mácxít thì nay, cũng công kích và phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin. Ở Việt Nam, với sự kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin trên con đường đi lên của dân tộc, cũng xuất hiện những quan điểm, luận điệu và thái độ tương tự. Trong đó, gắn với âm mưu xuyên tạc Hồ Chí Minh, họ đưa ra thủ đoạn so sánh, đối lập cực đoan giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin, với hàm ý “đề cao” tư tưởng Hồ Chí Minh, rằng: Chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời ở phương Tây, nó chỉ phản ánh lịch sử phương Tây mà không bao quát được lịch sử phương Đông và Việt Nam. Vì vậy, ở Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ. Thực chất, đây không chỉ nhằm làm sai lệch bản chất Hồ Chí Minh, mà trực tiếp công kích, đả phá chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng và chế độ của ta.

So-494--Song-Sai-Gon---TPHCM
Sông Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh – Ảnh: qhkt.hochiminhcity.gov.vn

Thực tế cho thấy, để có được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta luôn khẳng định bài học hàng đầu là: “Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng”(1). Quả thực, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, khi thực tiễn đất nước nảy sinh hàng loạt vấn đề cần được giải đáp về mặt lý luận, Đảng ta đã luôn luôn đứng trên lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn và đưa ra được đường lối, chủ trương, chính sách cùng với bước đi và cách làm cụ thể phù hợp với thực tiễn cách mạng nước ta. Chẳng hạn, Đảng ta đã coi đổi mới tư duy lý luận, tư duy chính trị về chủ nghĩa xã hội là khâu đột phá, coi đổi mới kinh tế là trọng tâm và phải đi trước một bước. Đảng ta cũng khẳng định, đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị phải gắn kết với nhau, nhưng đổi mới chính trị phải trên cơ sở thành tựu của đổi mới kinh tế và phục vụ cho tiếp tục đổi mới kinh tế, ngược lại, đổi mới kinh tế phải đúng định hướng chính trị, phải góp phần tăng cường ổn định chính trị. Điều này chứng minh rằng, chúng ta không thể đưa công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đến thành công nếu xa rời lập trường quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác, việc tìm ra những giải pháp để đưa công cuộc đổi mới đến thành công không thể không gắn liền vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua tổng kết kinh nghiệm thực tiễn theo phương pháp khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Như vậy, đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một quá trình thống nhất. Đó là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, sự thống nhất giữa tính khoa học và tính cách mạng của lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính vì lẽ đó, những luận điệu tách rời, đối lập chủ nghĩa Mác – Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, hay “đề cao” Người đều là phi lịch sử và phản khoa học. Họ quên, không hiểu rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin là nguồn gốc lý luận quyết định hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu tách khỏi chủ nghĩa Mác – Lênin thì cũng không còn tư tưởng Hồ Chí Minh. Một việc làm nhằm ba mục tiêu của họ: phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và phủ nhận Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Vì vậy, chúng ta cần cảnh giác, nhận rõ và đấu tranh vạch trần các thủ đoạn, luận điệu lừa bịp này.

Đối lập Hồ Chí Minh với Đảng, lấy nhân cách, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để phê phán, chỉ trích Đảng ta

Với thủ đoạn tấn công trực diện vào các quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và cương lĩnh, đường lối của Đảng, các thế lực phản động, cơ hội đã vấp phải trở ngại không thể vượt qua là thực tiễn lịch sử trong gần 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa lại những thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa thời đại của cách mạng Việt Nam. Họ chuyển sang dùng các thủ đoạn hèn hạ để bôi xấu Đảng, bôi xấu hình tượng Hồ Chí Minh bằng cách đối lập Người với Đảng, lấy nhân cách, tấm gương đạo đức của Người để ra sức phê phán, chỉ trích Đảng ta.

Chúng ta thừa nhận rằng, từ khi chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, bên cạnh những mặt tích cực, bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Đảng vẫn được phát huy, thì nhiều tiêu cực mới, phức tạp trong Đảng đã xuất hiện và ngày càng phát triển. Mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế đã kích thích sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân. Một bộ phận cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu vén lợi ích cá nhân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của xã hội và nhân dân. Trong Đảng đã có sự phân hóa khá rõ ràng, tình trạng phát triển của nhóm lợi ích tiêu cực gây bức xúc lớn trong xã hội. Thực tế đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Có người đã công khai bày tỏ quan điểm trái với cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng, làm trái với nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Thậm chí có cả một số người trước đây là những cán bộ, đảng viên có vị trí nhất định trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, song bây giờ đã chuyển sang đối lập.

Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch, cơ hội ra sức tuyên truyền, nói xấu và hơn nữa là cổ súy hành động “từ bỏ”  Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ suy diễn một cách vô căn cứ, đồng nhất toàn bộ Đảng Cộng sản với một số đảng viên, cán bộ tham nhũng, thoái hóa, biến chất, rêu rao Đảng không còn là Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, Đảng không còn mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc. Vô liêm sỉ hơn nữa, họ tìm cách thổi phồng, bịa đặt, xuyên tạc đời tư của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và một số bộ, ngành…, gieo rắc sự hoài nghi trong các tầng lớp nhân dân về lòng trung thành, tinh thần tận tụy phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên mà lúc sinh thời của Hồ Chí Minh cũng như Đảng ta luôn quan tâm xây dựng, củng cố. Ngoài ra, núp dưới chiêu bài chống tiêu cực, họ dùng mọi lời lẽ cay độc nhất để phê phán Đảng ta. Nhất là khi cuộc đấu tranh chống tiêu cực của Đảng và nhân dân ta đang vấp phải khó khăn, chưa đạt được những kết quả như mong muốn, họ lại càng ra sức công kích “đánh ai và ai đánh?”, “ta đánh mình, mình đánh ta mà”, “cộng sản chỉ nói chứ không dám làm”, hay “chỉ dám đánh con tôm, con tép thôi”… Đây là những luận điệu hết sức thâm độc, gây mất lòng tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đối với sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta.

Cần thiết phải nhắc lại, từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có một mục tiêu là đấu tranh giành độc lập thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội để mang đến cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, ngoài mục tiêu đó ra Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Hiện nay, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, khi nhiều vấn đề của lý luận và thực tiễn mới nảy sinh, Đảng ta đã không ngừng suy nghĩ tìm tòi phương hướng, giải pháp hữu hiệu đưa đất nước vượt qua khó khăn, đồng thời, Đảng còn kiên quyết đấu tranh chống loại kẻ thù nguy hiểm là chủ nghĩa cá nhân và những kẻ thù mới trên con đường phát triển. Trong quá trình lãnh đạo đó, Đảng ta khó tránh khỏi những vấp váp, sai lầm, khuyết điểm, song, Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, tự chỉnh đốn, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tiếp tục lãnh đạo để đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. Mới đây nhất, trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã thẳng thắn chỉ rõ một số vấn đề tiêu cực, hạn chế trong Đảng hiện nay, đồng thời đề ra một hệ thống các giải pháp cấp bách để tiếp tục đổi mới, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, toàn Đảng đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đã tạo sự chuyển biến bước đầu có tác dụng cảnh báo, răn đe và phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Như vậy là, mỗi khi phạm sai lầm, khuyết điểm, Đảng kiên quyết sửa chữa, thể hiện trách nhiệm cao của mình trước nhân dân, dân tộc. Vì vậy, không thể vin vào một số hiện tượng, khuyết điểm, yếu kém hiện nay trong Đảng mà đánh giá sai bản chất của Đảng, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng. Càng không thể đồng nhất toàn bộ Đảng với một số cán bộ, đảng viên tham nhũng, thoái hóa, biến chất, quy chụp mọi khuyết điểm, sai lầm, tiêu cực trong xã hội về cho Đảng, hay “đổ lỗi” những điều này cho Hồ Chí Minh, cũng như đánh đồng máy móc hoặc đối lập cực đoan Hồ Chí Minh với Đảng. Xuyên tạc công lao Hồ Chí Minh hay phủ nhận vai trò, thành quả lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đều là sự phủ nhận lịch sử, phủ nhận lòng tin của nhân dân với Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Xuyên tạc, cường điệu hóa đi tới khẳng định không thể học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh

Kết tinh những truyền thống tốt đẹp hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại, Hồ Chí Minh là một vĩ nhân của thời đại chúng ta, bởi vai trò thúc đẩy của Người đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam và đóng góp vào tiến trình lịch sử nhân loại. Đối với Việt Nam, Hồ Chí Minh đã làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc, từ thân phận một dân tộc nô lệ, thành một dân tộc độc lập, tự do. Với thế giới, Người đã “góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” (2). Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một tấm gương sáng ngời về sự cống hiến to lớn vào sự nghiệp chung giải phóng xã hội, giải phóng con người trên toàn thế giới.

Những giá trị to lớn trong tư tưởng và tấm gương của Hồ Chí Minh đã được cả dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ thừa nhận. Song những kẻ phản động, cơ hội về chính trị luôn tìm cách bác bỏ. Từ phong cách sống giản dị, khiêm tốn và luôn nghiêm khắc với chính bản thân mình của Người, họ đã suy diễn một cách võ đoán và nhận định rằng “Hồ Chí Minh là người đi theo chủ nghĩa khổ hạnh” sống ép mình, trói buộc mình. Họ lợi dụng những hạn chế về nguồn tư liệu để ra sức tung tin, tạo ra những đồn đoán thất thiệt về cuộc đời, sự nghiệp, nhất là cuộc sống đời thường của Người. Họ hy vọng bằng các thủ đoạn này sẽ gây tâm lý hoài nghi trong các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và xã hội.

Sinh thời, Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: Bác cũng là một con người như tất cả mọi người. Việc cường điệu, thần thánh hóa, thực chất là xuyên tạc và phủ nhận hình ảnh Hồ Chí Minh trên thực tế. Một số người còn nói rằng, ở thế giới này có lẽ chỉ có một mình Hồ Chí Minh, với dụng ý không phải là ca ngợi mà là phủ nhận tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh. Họ đánh giá nhân cách, đạo đức Hồ Chí Minh quá “cao siêu”, chỉ “Bác nói Bác nghe”, không thể “học tập và làm theo” trong thực tế hiện nay được. Rõ ràng đây là một thủ đoạn tinh vi nhằm đi tới phủ nhận hoàn toàn tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh là người nói rất nhiều tới đạo đức, đồng thời cũng là người thực hành đạo đức. Người là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Ở Hồ Chí Minh giữa tư tưởng và tấm gương hoàn toàn thống nhất với nhau, giữa lời nói và việc làm hoàn toàn thống nhất với nhau. Sự thống nhất này là một minh chứng khẳng định tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh hoàn toàn có khả năng học tập và làm theo. Đảng ta, trước yêu cầu tăng cường công tác tư tưởng trong tình hình mới, ngày 7/11/2006, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về Tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đến ngày 14/5/2011, khi nhận thấy hiệu quả tích cực mà cuộc vận động mang lại, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Chỉ thị 03-CT/TW về Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Và đến nay, với nội hàm rộng hơn, yêu cầu cao hơn và thời gian lâu dài hơn, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là chủ trương “ý Đảng hợp lòng dân”. Những thành tựu đạt được trong hơn 10 năm thực hiện các chỉ thị trên của Đảng đã khẳng định giá trị và sự cần thiết của việc học tập và làm theo Người trong toàn Đảng, toàn dân. Điều này, thực tiễn những năm qua đã chứng minh một cách rõ ràng và hoàn toàn có cơ sở bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của những kẻ chống phá, không hiểu biết.

Các quan điểm và luận điệu trên tuy không mới nhưng hết sức thâm độc, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm, mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tác động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Do đó, phải nêu cao cảnh giác và cần phải triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng để phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Phải có phương pháp đấu tranh khoa học, tránh lối áp đặt, giản đơn trong tuyên truyền. Trong phê phán phải lập luận chặt chẽ có đầy đủ cơ sở khoa học; phải thể hiện tính chiến đấu, tính khoa học và tính sắc bén, tính thuyết phục cao. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh trong nội bộ, chấn chỉnh những tư tưởng, quan điểm không đúng, lệch lạc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phải xem lại mình, xem lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sửa chữa kịp thời những hạn chế, khuyết điểm, đặc biệt là phải có chủ trương giải pháp thúc đẩy có hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng, và xây dựng chỉnh đốn Đảng nhằm củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Không có nhận xét nào: