Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

Hiện thực hóa quyền con người bằng những chính sách thiết thực, việc làm nhân văn

 

Hiện thực hóa quyền con người bằng những chính sách thiết thực, việc làm nhân văn


Mỗi khi đến dịp Ngày Nhân quyền thế giới (10/12) hằng năm, các thế lực thù địch, phản động và đối tượng cơ hội chính trị lại tung ra những luận điệu cũ rích nhằm xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người.

Những luận điệu bịa đặt đó hoàn toàn vô căn cứ bởi từ khi lập quốc theo chế độ mới đến nay, Việt Nam luôn thực hiện mục tiêu, chính sách nhất quán là tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tất cả những giá trị tốt đẹp thuộc về quyền lợi cơ bản của con người.

1. Quyền con người là giá trị phổ quát của nhân loại và được hầu hết các quốc gia trên thế giới thừa nhận, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, khi nhìn nhận vấn đề quyền con người, quyền công dân cần phải có quan điểm khách quan, toàn diện gắn với thể chế chính trị, lịch sử, văn hóa truyền thống và điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia dân tộc. Không nên xem xét, nhận định quyền con người, quyền công dân theo con mắt “thầy bói xem voi”, chỉ nhìn thấy vài ba hiện tượng bên ngoài rồi đánh giá thành bản chất. Vì cách nhìn nhận hẹp hòi, thiên kiến như vậy có thể tạo ra mâu thuẫn, xung khắc giữa chủ thể nhận định, đánh giá và đối tượng bị nhận định, đánh giá, từ đó gây bất lợi cho việc củng cố mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển giữa các quốc gia trên thế giới.

Là một nước đang phát triển, Việt Nam luôn thiện chí hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế nhằm không ngừng cải thiện, bảo đảm những quyền cơ bản, chính đáng của con người. Nhưng chúng ta không chấp nhận một số tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài như: Theo dõi nhân quyền thế giới (HRW), Phóng viên không biên giới (RSF) thường xuyên có cái nhìn sai trái, nhận định rất thiếu khách quan về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Mặt khác, chúng ta cũng đề cao cảnh giác, kiên quyết vạch trần, lên án những phần tử có tư tưởng thâm thù với chế độ, cũng như các đối tượng đội lốt “đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền” nhưng lại có lời lẽ đơm đặt, bôi nhọ những giá trị cơ bản của quyền con người chân chính và rêu rao xuyên tạc Đảng, Nhà nước Việt Nam không tôn trọng, bảo đảm quyền con người nhằm mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam.

2. Khi nói đến một thể chế chính trị tiến bộ, một quốc gia văn minh, thì không thể không nói đến thể chế chính trị, quốc gia đó có quan tâm đến việc bảo đảm những quyền cơ bản của con người hay không. Chế độ chính trị XHCN mà Việt Nam đang nỗ lực xây dựng, thực hiện là một chế độ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, từ khi lập quốc theo thể chế dân chủ XHCN đến nay, Việt Nam đã kiên trì theo đuổi mục tiêu không ngừng thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm quyền con người cho mọi người dân.

Tuy không phải là quốc gia đầu tiên đề ra các vấn đề về quyền cơ bản của con người, nhưng Việt Nam là một trong số ít quốc gia sớm tiếp cận về quyền con người. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Như vậy, thông qua khẳng định các giá trị của một dân tộc là quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh quyền con người chỉ thực sự được bảo đảm khi gắn liền với quyền độc lập, tự do của dân tộc.

Quốc hiệu Việt Nam từ khi thành lập chính quyền cách mạng đến nay cũng nhất quán một khẩu hiệu: “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”. Điều đó có nghĩa là, mục tiêu trước sau như một mà cả dân tộc Việt Nam kiên trì thực hiện là bảo đảm dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc.

Nếu bản “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” mà Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10-12-1948, trong đó vấn đề hàng đầu mà tuyên ngôn này khuyến nghị cộng đồng quốc tế và các quốc gia dân tộc phải thực hiện là bảo đảm “Tự do, công lý và hòa bình”; thì vấn đề quyền tự do trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nêu ra trước 3 năm so với bản “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”. Nhắc lại điều đó để thấy, với tầm nhìn vượt thời đại của mình, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thay mặt nhân dân và dân tộc Việt Nam khẳng định Việt Nam luôn tôn trọng các giá trị quyền con người và cam kết thực hiện quyền con người trước cộng đồng quốc tế ngay từ khi thành lập chính quyền cách mạng công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Qua nhiều lần xây dựng, sửa đổi Hiến pháp, từ các bản Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 đến Hiến pháp năm 2013 luôn giữ một vấn đề căn cốt là hiến định các quyền con người và quyền công dân. Trong đó, Hiến pháp năm 2013 đã thiết kế một chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ngay sau Điều 1 hiến định về chủ quyền địa lý, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định nguyên tắc chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân, đó là: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Cũng lần đầu tiên, chữ “Nhân Dân” được viết hoa trong bản Hiến pháp để nhấn mạnh đến vị trí, vai trò quyết định của nhân dân trong tiến trình lịch sử và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn 2014-2019, Nhà nước Việt Nam đã ban hành hơn 100 văn bản luật và pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

3. Do trải qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân đế quốc kéo dài suốt ba thập niên (1945-1975) và chịu ảnh hưởng, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội khoảng chục năm sau khi đất nước thống nhất, dù rất quan tâm, song Việt Nam chưa có nhiều điều kiện thuận lợi để bảo đảm thực sự đầy đủ các quyền con người.

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc và bảo đảm tốt hơn quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thành tựu về quyền con người ở Việt Nam trong hơn 70 năm qua thể hiện trên mọi lĩnh vực, nhất là những bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế trong gần 35 năm đổi mới (1986-2020). Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô nền kinh tế năm 1985 mới có 14 tỷ USD, thì đến năm 2019 đạt 262 tỷ USD, tăng gấp hơn 18,7 lần. Mới đây, Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, trong khi phần lớn các nền kinh tế trên thế giới rơi vào suy thoái, nhưng nhờ sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, năm 2020, Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng dương ở mức khá. Nhìn theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB) so sánh mức sống với các nước trên thế giới, thu nhập của người dân Việt Nam năm 2020 tương đương gần 9.000USD (tính theo ngang bằng sức mua).

Sự tăng trưởng kinh tế là cơ sở, tiền đề để Nhà nước chăm lo thực hiện tốt các chính sách an sinh, văn hóa xã hội. Điều đó được thể hiện ở “Chỉ số phát triển con người” (HDI). Theo Báo cáo “Phát triển con người năm 2019” được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 9/12/2019, với chỉ số HDI là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng 4,8 năm, số năm đi học trung bình tăng 4,3 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng trên 354%. Điều này giúp Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới. Theo nhận định của bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP ở Việt Nam: “Việt Nam đã đạt được tăng trưởng đáng kể trong phát triển con người kể từ năm 1990 đến nay. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đã có những bước tiến bộ trong thực hiện chính sách chăm lo phát triển con người toàn diện”.

Một trong những thành tựu về nhân quyền đáng kể là Việt Nam đã quan tâm thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm các quyền cơ bản cho nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội. Đến nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành 118 chính sách liên quan đến việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống và bảo đảm an sinh cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách đó, tỷ lệ nghèo đa chiều ở Việt Nam giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 3,73% (năm 2019). Cả nước hiện có gần 3 triệu người nghèo, người yếu thế được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Đặc biệt, Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong những năm qua đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng, hiệu quả của toàn xã hội. Chỉ tính trong dịp “Ngày vì người nghèo” 17/10/2020 vừa qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kêu gọi, huy động được gần 2.400 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội.

Từ một nước lạc hậu, không có tên trên bản đồ thế giới, sau hơn 70 năm huy động sức dân, đồng lòng thực hiện sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã trở thành một quốc gia hòa bình, độc lập, được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những nước tiên phong và là điểm sáng về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội. Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều cơ quan truyền thông uy tín của quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia đã kiểm soát, khống chế thành công đại dịch Covid-19, do vậy, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ người bị lây nhiễm và tử vong vì dịch Covid-19 thấp nhất trên thế giới. Kết quả này thêm một lần chứng tỏ Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn ưu tiên cao nhất để bảo đảm quyền được sống an toàn, khỏe mạnh cho mọi người dân-một trong những giá trị cao cả của quyền con người.

Là một quốc gia đang phát triển, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, hiện nay Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Nhưng với bản chất của một chế độ xã hội ưu việt mà cả dân tộc đã tự nguyện lựa chọn và kiên trì thực hiện, thông qua chủ trương, đường lối phát triển kinh tế-xã hội đúng đắn và hợp xu hướng thời đại, Việt Nam ngày càng có điều kiện tạo ra những tiền đề cơ sở vật chất, văn hóa để bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của con người.

Việc Đảng Cộng sản Việt Nam xác định mục tiêu xây dựng đất nước theo định hướng XHCN “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với hàm ý nhấn mạnh Việt Nam luôn kiên trì, nỗ lực bảo đảm “quyền sung sướng” (dân giàu) và “quyền tự do” (dân chủ) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu ra trong bản Tuyên ngôn Độc lập. Khi quốc gia giàu có về vật chất, văn hóa, tinh thần và bảo đảm tự do, dân chủ về mọi mặt, đó chính là cam kết chính trị của Việt Nam cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế thực hiện hiệu quả những giá trị phổ quát về nhân quyền đã được xác định trong “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”.

Không có nhận xét nào: