Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Một số giải pháp góp phần tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn âm mưu chống phá, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, nhất là trên không gian mạng

 

Một số giải pháp góp phần tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn âm mưu chống phá, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, nhất là trên không gian mạng


Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội chính trị đang gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, tổ chức đảng, cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên…

Trước thềm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch ở trong nước và ngoài nước ngày càng gia tăng các hoạt động quyết liệt và thâm hiểm nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Trọng tâm của sự chống phá là xuyên tạc về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự lãnh đạo của Đảng và công tác nhân sự đại hội đảng các cấp... nhằm hạ thấp uy tín và thành quả cách mạng của Đảng và Nhà nước ta.

Thủ đoạn chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch tập trung chủ yếu chống phá nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phê phán, đả kích, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, bóp méo sự thật về đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; cổ xúy “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang...; lợi dụng vấn đề chống tham nhũng, nhất là sau một số vụ án tham nhũng kinh tế, các đối tượng thù địch thông qua các trang mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo sự thật về cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam; tuyên truyền những nội dung xấu, độc, trá hình, bới móc, thổi phồng, xuyên tạc những sai lầm, khuyết điểm hoặc lợi dụng những hạn chế, thiếu sót trong quản lý nhà nước để vu khống, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò của các cấp ủy, chính quyền địa phương…. 
Trước tình hình trên, các cơ quan báo chí cách mạng của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều biện pháp đấu tranh ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh vẫn còn những hạn chế, chưa ngăn chặn được triệt để các thông tin xấu, độc, dẫn đến có những tác động tiêu cực tới nhận thức, niềm tin của các tầng lớp nhân dân, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và con đường phát triển đất nước.

Để nâng cao hiệu quả, góp phần tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, nhất là trên không gian mạng, cần thực hiện tốt một vài giải pháp chủ yếu sau:

Một là, bổ sung, hoàn thiện nội dung, phương thức đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái trên không gian mạng trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, không gian mạng phát triển như “vũ bão”, thông qua “thế giới ảo”, các thế lực thù địch không đơn thuần sử dụng các phương pháp truyền thống mà các hình thức chống phá của chúng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, do vậy đòi hỏi nội dung, phương thức đấu tranh của chúng ta cũng phải từng bước hoàn thiện cho phù hợp. Nội dung, phương pháp giữ vai trò rất quan trọng trong đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái trên không gian mạng; nội dung đấu tranh phong phú, hình thức đa dạng, biện pháp cụ thể, sáng tạo, phù hợp thì hoạt động này mới có hiệu quả cao.

Hai là, thực hiện có hiệu quả các giải pháp công nghệ, tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài, xử lý nghiêm các vi phạm trên không gian mạng…

Bên cạnh những giá trị đích thực, thì những mặt trái, tiêu cực của không gian mạng cũng đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho công tác quản lý. Một số quốc gia đã dựng lên các “biên giới ảo” trên nền Internet để kiểm soát “lãnh thổ” của mình. Với chúng ta, song hành cùng các giải pháp tăng cường đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch trên không gian mạng, thì cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp công nghệ, như: bảo vệ tốt thông tin cá nhân; kỹ thuật phát tán thông tin trên không gian mạng; kỹ thuật phân tích điều tra, ngăn chặn, bóc gỡ, khóa tài khoản của đối phương... có vị trí vô cùng quan trọng, góp phần quyết định đến thắng lợi trong đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái trên không gian mạng hiện nay.

Ba là, giáo dục các quy định của pháp luật về quản lý không gian mạng. Phổ biến các điều khoản của Bộ luật Hình sự 2015 (Mục 2, Điều 285-294) liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT ngày 19/8/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật An ninh mạng năm 2018. Luật An ninh mạng được xây dựng nhằm bảo vệ người dùng hợp pháp trên không gian mạng; phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống Nhà nước, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên mạng của các thế lực phản động. Phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các đợt tấn công mạng, khủng bố mạng và phòng, chống nguy cơ chiến tranh mạng. Tuyên truyền sâu rộng về những hành vi bị cấm trong Luật An ninh mạng, nhất là các hành vi sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống Nhà nước; tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội; phá hoại thuần phong, mỹ tục; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi. Các hình thức giáo dục cần được vận dụng đa dạng, phong phú và linh hoạt như: phối hợp giữa cơ quan chức năng với các cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục tổ chức nói chuyện chuyên đề, phổ biến pháp luật; tuyên tuyền Luật An ninh mạng; các cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin; góp ý xây dựng chương trình giáo dục an toàn thông tin mạng của các cơ sở giáo dục hoặc tham gia biên soạn các tài liệu liên quan đến an toàn thông tin mạng.

Không có nhận xét nào: