Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

Vì sao giới chống Cộng ảo tưởng rằng họ đại diện cho đa số người dân?

 

Vì sao giới chống Cộng ảo tưởng rằng họ đại diện cho đa số người dân?


Theo định nghĩa được chấp nhận rộng rãi của Cas Mudde  (2004), thì chủ nghĩa dân túy nhìn thế giới như một cuộc đấu tranh giữa hai phe: một bên là đa số dân chúng trong sạch nhưng yếu thế, còn bên kia là thiểu số tinh hoa mục nát, tham nhũng nhưng nắm đặc quyền đặc lợi. Nhưng dù mọi nhà dân túy trên thế giới đều truyền bá cái nhìn này, nó không nhất thiết phản ánh thực tế. J.W. Muller (2015) cho rằng các phong trào dân túy có thể định nghĩa “dân chúng” theo 3 cách: xem “dân chúng” như toàn bộ dân số của một nước, xem “dân chúng” như một dân tộc có chung văn hóa, hoặc phóng chiếu “dân chúng” từ hình ảnh của các nhóm yếu thế hoặc bị bỏ rơi. Trường hợp cuối cùng – đánh đồng các nhóm yếu thế trong xã hội với “nhân dân” – dường như khớp với cách tuyên truyền của các nhóm chống Cộng người Việt, một lực lượng đã bị nhiều bài viết xem là có bản chất dân túy.


Nếu thường xuyên theo dõi dư luận của giới chống Cộng, bạn sẽ thấy họ là một lực lượng ô hợp chủ yếu gồm 5 bộ phận: các hậu duệ của chế độ Việt Nam Cộng hòa, các Đảng viên ly khai, các thanh niên Tây học bức xúc, các thị dân chống Trung Quốc cực đoan, và các nông dân kiện tụng để đòi đất. Cả 5 nhóm người này đều là bộ phận yếu thế, bị loại trừ khỏi sinh hoạt chính trị chính thống, và không đại diện cho đa số trong xã hội Việt Nam. Dù báo chí chống Cộng vẫn lạm xưng là “báo chí lề dân”, và nhiều tổ chức chống Cộng vẫn tuyên bố rằng họ đại diện cho đa số dân chúng, ngày càng có nhiều bạn trẻ trong hàng ngũ của họ nhận ra tình thế thật của mình. Trong một bài viết trên Luật khoa Tạp chí hồi tháng 11/2020, bút danh Nam Quỳnh rút ra nhận định sau từ kết quả khảo sát của Dự án World Values Survey:

“Những tranh luận chính trị lùm xùm với hàng nghìn lượt like trao qua đổi lại trên mạng xã hội hàng ngày dễ làm chúng ta quên đi một thực tế: cộng đồng những người ủng hộ dân chủ đa nguyên tại Việt Nam vẫn chỉ là một thiểu số.”



Nhưng vì sao đa số giới chống Cộng vẫn ảo tưởng rằng mình đại diện cho đa số người dân trong xã hội, bất chấp những kết quả khảo sát như trên? Có thể tìm thấy ít nhất 2 lý do cho hiện tượng đó.

Thứ nhất, sinh hoạt của giới chống Cộng chủ yếu gói gọn trong 4 không gian – là (1) Cộng đồng người Việt hải ngoại; (2) truyền thông của “thế giới tự do”; (3) phong trào biểu tình chống Trung Quốc; và (4) Mạng xã hội. Tầm quan trọng của 4 không gian này thể hiện rõ qua 3 cột mốc đáng nhớ của giới chống Cộng – là năm 1975 (chiến tranh Việt Nam kết thúc / cộng đồng người Việt tị nạn ra đời), năm 2006 (Việt Nam sắp vào WTO / Khối 8406 được thành lập), và năm 2011 (Mùa xuân Arab / các cuộc biểu tình “chống Trung Quốc” làm phát sinh nhóm No-U). Do các biện pháp ngăn chặn của công an, và do thái độ cực đoan, cục bộ của các nhà chống Cộng, đa số giới chống Cộng cũng bị giới hạn tầm nhìn trong 4 không gian này. Vì chỉ tiếp xúc với những người có cùng quan điểm với mình, các nhà chống Cộng lầm tưởng rằng quan điểm đó đại diện cho đa số trong xã hội, trong khi sự thật hoàn toàn khác. Ảo tưởng này ngày càng trầm trọng hơn, vì trong 4 không gian vừa nêu, mạng xã hội là cầu nối giữa 3 không gian còn lại. Để thúc đẩy người dùng online nhiều hơn, các mạng xã hội như Facebook chỉ hiển thị cho người dùng thấy các thông tin chứa quan điểm chính trị mà họ tán thành; và tính năng này đã nhốt nhiều cộng đồng, bao gồm giới chống Cộng, trong các mối quan tâm nhỏ hẹp của họ.

Thứ hai, nhiều nhân vật dân túy trong giới chống Cộng liên tục tuyên truyền rằng phong trào của họ ngày càng lớn mạnh và sắp thắng, phần để giữ chân người ủng hộ và nhà tài trợ, phần để đạt lượng Like, View lớn hơn. Nhu cầu lôi kéo đám đông của các nhà dân túy chống Cộng đã góp phần khiến dư luận của họ bị ngập trong những “tin vui” sai sự thật – như thông tin rằng biểu tình chống Trung Quốc năm 2018 chuyển thành biểu tình chống chế độ, hoặc thông tin rằng dịch COVID-19 sắp khiến Việt Nam rơi vào khủng hoảng kinh tế, tạo “thời cơ” để họ lật đổ chế độ.

 

Không có nhận xét nào: