Tết Cổ Truyền Trong Suy Nghĩ Của Thế Hệ Trẻ
Năm cũ đã đi qua và năm mới lại đến . Đất nước ta đang chuyển mình mạnh
mẽ vươn lên một tầm cao mới sau những năm tháng hội nhập quốc tế , sự phát
triển vượt bậc mọi mặt đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội trong
những năm qua đã đem đến cho chúng ta những vị thế mới . Việt Nam hôm nay
có thêm nhiều cơ hội để tham gia các diễn đàn những sụ kiện chính trị , văn hóa
mang tầm cỡ khu vực và trên thế giới tạo nên những ấn tượng khó phai trong
lòng bạn bè quốc tế .
Những thành công hôm nay đã và đang trải qua bao khó khăn trên bước
đường xây dựng , cùng với sự hiện đại hóa kinh tế đất nước , những nét văn hóa
truyền thống của Việt Nam cũng đang dần bị ảnh hưởng và mai một bởi yếu tố
ngoại lai . Làn sóng văn hóa phương Tây đang du nhập làm thay đổi ít nhiều
những giá trị văn hóa truyền thống bản địa . Đây là vấn đề mà hầu hết các quốc
gia đang phát triển nào cũng gặp phải đặc biệt là trong việc bảo tồn và phát huy
các giá trị văn hóa truyền thống trong thời đại mới .
Đời sống kinh tế nâng cao đi kèm với những giá trị hưởng thụ về tinh thần ,
văn hóa , vật chất . Ngày nay nhu cầu ăn ngon mặc đẹp là tự nhiên , có thể đáp
ứng ngay không cấn phải đợi đến ngày Tết , hơn nữa những ngày lễ Quốc tế
đang dần đi vào cuộc sống của mỗi người dân , đặc biệt là giới trẻ , các ngày
nghỉ lễ hằng năm như Valentine , 1/5 , 8/3 , Noel , Tết Dương Lịch và các lễ hội
hàng năm như Halloween ,… đã ảnh hưởng làm phai mờ dần tầm quan trọng
của ngày Tết Cổ Truyền . Giới trẻ bây giờ dường như ngày càng thích thú hơn
với các ngày Tết Dương Lịch , lễ Giáng Sinh , Valentine hơn là những ngày
Tết Truyền Thống.
Trải qua bao biến thiên của thời đại , đặc biệt là trong những năm gần đây ,
quan niệm về Tết đã có nhiều thay đổi , hương vị của Tết xưa :
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu , tràng pháo , bánh trưng xanh
Đã không còn hiện hữu rõ nét trong tâm trí các bạn trẻ , đối với các bạn trẻ quan
niệm về ngày Tết giờ đây đã thay đổi cả về khái niệm lẫn hành vi , các bạn chỉ
nói Nghỉ Tết chứ không nói Ăn Tết . Tết hiện đại , đa số các bạn trẻ thích dành
thời gian để nghỉ ngơi thoải mái , hoặc có một số bạn trẻ theo chủ nghĩ xê dịch
lại thích đi du lịch và đón Tết ở một nơi nào đó mà mình yêu thích nhất . Và
hơn thế nữa Tết nay việc cỗ bàn , ăn uống cũng không còn trở nên quan trọng ,
việc chuẩn bị Tết của các bạn trẻ cùng gia đình cũng không còn như xưa ,
đặc biệt là ở các thành phố , việc sắm Tết trở nên đơn giản và gọn nhẹ hơn rất
nhiều , cái gì cũng làm sẵn , cũng bán sẵn , cũng có sẵn để mua rất thuận tiện .
Chỉ cần ngày 28 , 29 Tết , các bạn trẻ cùng gia đình chỉ cần đi 1 vòng quanh chợ
hay siêu thị là có thể sắm được đủ thứ cần thiết , từ bánh trưng xanh , thịt gà ,
thịt lợn , xôi , cành đào , hoa quả , mứt Tết . . .
Giờ đây , nhiều gia đình tự bỏ tiền mua bánh trưng hơn là tự tay gói , vì thế
mà nhiều bạn trẻ không còn biết cách gói bánh trưng , không được hưởng cái
không khí đầm ấm đêm luộc bánh , nhiều phong tục cũng bị lãng quên như :
làm thịt lợn dưa hành , treo câu đối và xin chữ Thầy đồ , hình ảnh của Thầy đồ
ngồi viết chữ ngày Tết trên các con phố ở Hà Nội cũng không còn phổ biến như
xưa :
Năm nay đào lại nở
Không thấy Ông Đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?
( trích thơ Vũ Đình Liên )
Rất nhiều những phong tuc cổ truyền của Tết dân tộc đã bị phai mờ và thế
hệ trẻ chúng ta cũng đang lãng quên dần những truyền thống tốt đẹp ấy .
Tuy nhiên , không thể phủ nhận mặt tích cực của hội nhập văn hoá . Nếu
chúng ta chỉ khép cửa ăn Tết với nhau , thì Tết Việt đương nhiên chỉ là một
sản phẩm của văn hoá thuần tuý đơn lẻ , nó sẽ không thể trở thành một sản
phẩm văn hoá đặc trưng của Quốc gia trong mối quan tâm của bạn bè quốc
tế . Chính sự mở cửa , giao lưu lại chính là những phương thức tốt nhất giúp
chúng ta giới thiệu đến bạn bè Quốc tế về Tết cổ truyền của người Việt Nam .
Vấn đề ở đây là phải biết cách giới thiệu những gì toát lên được hương vị
truyền thống của Tết quê hương , nét đặc trưng văn hoá Việt Nam thể hiện
qua Tết . Và một điều đặc biệt quan trọng là làm thế nào để gìn giữ và phát
huy giá trị văn hoá của Tết để không chỉ mỗi chúng ta cảm nhận thấy được
những giá trị văn hoá trường tồn vĩnh cửu mà đó còn là hình ảnh văn hoá Việt
nam đến với Thế Giới . Với tính văn hoá nổi bật của ngày Tết là không khí
đầm ấm , thân thuộc trong gia đình , dòng tộc . Là thời gian nghỉ ngơi rảnh
rỗi đến thăm hỏi nhau , gửi đến cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho một
năm mới sắp đến , được hoà mình tham gia vào các sinh hoạt văn hoá cộng
đồng , là dịp để mọi người xích lại gần nhau , được cùng nhau ôn lại những
truyền thống văn hoá quý báu của nguồn cội , tổ tiên .
Với truyền thống quý báu của Dân tộc , chúng ta thế hệ trẻ hôm nay hãy
nên giữ trong mình một nét đẹp văn hoá truyền thống của Tết , dù có đi đến
bất cứ nơi đâu nét văn hoá truyền thống ấy vẫn mãi được gìn giữ và phát huy.
Đó là:
Bảo tồn các phong tục cũ phù hợp với xu thế phát triển mới để gìn giữ ý
nghĩa thiêng liêng , nét đẹp văn hoá của Tết cổ truyền trong trái tim thế hệ trẻ
Việt Nam : Tết là dịp để chúng ta quay về với gốc rễ , với cội nguồn , với quê
hương với ông bà cha mẹ. Dù cho cuộc sống có thay đổi đến bao nhiêu , nhịp
sống có náo nức khẩn trương như thế nào thì cứ Tết đến xuân về , chúng ta
hãy dành cho mình những thời khắc hoài cổ , thả hồn mình về một chốn xa
xưa của nguồn cội . Chỉ cần một mùi thơm của khói hương trầm lan toả trong
gió , đôi câu đối trên tấm lụa hồng , một ông đồ áo the khăn xếp trầm mặc bên
nghiên mực , một vài nhịp phách tom , chát tung tẩy cùng câu hát lới lơ của
làn điệu ca trù đã khiến cho Tết xưa ùa về và dù bạn có là người sinh sau , bạn
vẫn có thể cảm nhận được điều đặc biệt đó trong không khí Tết nay.
Và không thể không nhắc đến nét đẹp văn hoá của Tết cổ truyền dân tộc
với sự bảo tồn và phát triển bởi những người Việt ở nước ngoài . Nếu có điều
kiện, họ sẽ về quê hương để hưởng cái không khí Tết , thế hệ trẻ chúng ta hãy
giới thiệu cho họ những truyền thống quý báu trong ngày Tết Cổ Truyền Dân
Tộc . Còn những người không có điều kiện , dẫu không về được quê nhà ăn
Tết nhưng những cái Tết rất Việt , những buổi gặp mặt vẫn được tổ chức tại
các nước có kiều bào sinh sống , nó làm ấm áp thêm tình quê hương , vơi đi
phần nào nỗi nhớ nhà da diết của những người con xa xứ luôn hướng về đất
mẹ thân yêu . Các bạn trẻ trong nước hãy sử dụng các trang Faebook , Blog ,
các trang mạng xã hội kết nối với các bạn trẻ ở nước ngoài để đăng tải các
thông tin hình ảnh về Tết Cổ Truyền để giới thiệu với bạn bè trên khắp năm
châu về nét đẹp truyền thống của Tết Việt , hãy chia sẻ những gì đẹp nhất về
Tổ Quốc thay vì đàm tiếu những điều vô vị chỉ để thỏa mãn nhu cầu giải trí
các bạn à.
Là thanh niên trong thời đại mới , thời đại đất nước ta đang hòa mình vào
xu thế phát triển chung của thế giới , thế hệ trẻ chúng ta vừa phải giữ vững
những giá trị truyền thống , vừa phải thích nghi được với nhịp sống hiện đại
cùng hoà nhập với xu thế toàn cầu , hãy hòa nhập nhưng không hòa tan . Hội
nhập để phát triển những gì đã làm nên truyền thống văn hoá Việt Nam , chúng
ta những người con của thế hệ hôm nay và mai sau hãy gìn giữ và phát huy
những truyền thống vẻ vang đó của dân tộc , hãy đem ngày Tết Cổ Truyền của
dân tộc ta đến với thế giới vì đó không chỉ là di sản văn hóa của dân tộc ta mà
còn là di sản tinh hoa văn hóa nhân loại cần được bảo tồn và giữ vững .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét