“Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên”!
Vừa qua, vụ việc ẩu đả giữa người nhà bệnh nhân và đội bảo vệ tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang đang là một chủ đề được nhiều người quan tâm chia sẻ. Theo đó, khoảng 14 giờ ngày 9-3, Bùi Thanh Lượng (42 tuổi) và Bùi Trí Linh (39 tuổi) là anh em ruột ở xã Tứ Quận (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đưa mẹ đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Khi đến bệnh viện, do Linh không đeo khẩu trang nên nhân viên bảo vệ Ngô Quốc Huy (Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Phương Đông STC) nhắc nhở nhưng Linh không chấp hành nên 2 người xảy ra cãi cọ, ẩu đả.
Các bảo vệ khác là Nguyễn Kim Thưởng, Phan Tiến Mạnh, Trịnh Minh Trung đã dùng gậy cao su, gậy kim loại đánh Linh và Lượng. Sau vụ ẩu đả trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Phương Đông STC từ ngày 10-3.
Liên quan đến vụ việc này đã nhiều ý kiến trái chiều, bản thân blog Tiếng Nói Trẻ chúng tôi có một đôi điều muốn chia sẻ với mọi người như sau.
Thứ nhất, chưa biết đúng sai như thế nào nhưng hành động trên gây nên sự phản cảm nhất định. Một xã hội văn minh, một quốc gia thượng tôn pháp luật thì những người công dân của họ không tuỳ tiện dùng nắm đấm như vậy!
Thứ hai, theo chúng tôi, vụ việc trên là lỗi của cả hai bên theo kiểu “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên”. Người nhà bệnh nhân không những không chịu tuân thủ quy tắc 5k của Bộ Y tế, lại còn thể hiện “thái độ”, chống đối không chấp hành. Ban bảo vệ của bệnh viện thì do thiếu nghiệp vụ, “kỹ năng nghề” mà có cách “khống chế” thiếu chuyên nghiệp và cách “hành xử” không đẹp dẫn đến việc bị cộng đồng mạng ném đá dữ dội trên các trang mạng xã hội.
Từ vụ việc này chúng ta nên nhìn nhận lại một số vấn đề, nên chăng đã đến lúc Việt Nam nên chú trọng giáo dục kỹ năng mềm cho người lao động. Cách thức giao tiếp ứng xử, hay nói đúng hơn là văn hoá ứng xử nên được coi trọng, chú trọng hơn với mỗi người công dân và nên được phổ biến trong toàn xã hội.
Đất nước chỉ thực sự giàu đẹp, phát triển bền vững nếu những giá trị về văn hoá, đạo đức, tính nhân văn được đề cao, mọi người công dân đều tuân thủ pháp luật. Xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi người giao tiếp, ứng xử với nhau một cách văn minh, lịch sự. Mong rằng trước những va chạm trong cuộc sống hàng ngày chúng ta biết dĩ hoà vi quý, nhường nhịn nhau, biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, biến chuyện nhỏ thành không có gì... Có như vậy những sự việc phản cảm tương tự như sự việc trên sẽ không còn xuất hiện trong xã hội nữa!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét