Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

Cuộc chiến chống tham nhũng là biểu hiện đấu đá bè phái trong nội bộ?

 

Cuộc chiến chống tham nhũng là biểu hiện đấu đá bè phái trong nội bộ?

Một trong những căn cứ Freedom House (tổ chức NGO “Ngôi nhà tự do” xếp hạng Việt Nam là nước “không có tự do chính trị và dân sự năm 2021” vì cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng là biểu hiện “đấu đá bè phái” trong nội bộ. Những tưởng đây chỉ là lập luận võ đoán, thiếu khách quan, nặng hận thù của những cá nhân, tổ chức chống cộng nhưng nay nó lại được “khẳng định” trong Báo cáo về tự do chính trị và dân sự toàn cầu năm 2021 đối với 195 quốc gia và lãnh thổ của Freedom House.

Bàn về cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, phải có cái nhìn toàn cảnh, lịch sử về một đảng cầm quyền:

Thứ nhất, nhà lãnh tụ mà tư tưởng, quan điểm điều hành đất nước vẫn đang là “kim chỉ nam” của Đảng CSVN là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn xem những căn bệnh quan liệu, tham ô, lãng phí là tội ác và là tấm gương đi đầu trong việc kiên quyết xử lý tội phạm tham nhũng qua vụ án Trần Dụ Châu- nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu đã bị tử hình nổi tiếng trong lịch sử năm 1950. Trong văn kiện của Đảng liên tiếp mấy nhiệm kỳ qua đều xem tham nhũng là “quốc nạn”, là nguy cơ đe dọa tồn vong của chế độ. Một Đảng có tư tưởng, đường lối và quyết tâm chống tham nhũng vì nhìn thấy rõ mối liên hệ giữa chống tham nhũng gắn liền, đi đôi với khả năng giữ ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chế độ thì không có lý do gì không thấy rõ nhận thức và quyết tâm “xây dựng Đảng” của nó.

Thứ hai, nhìn vào số lượng và độ đa dạng của những quan chức đã bị xử lý từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay cho thấy, lập luận cuộc đấu đá nội bộ là võ đoán đến mức nào.

Với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Uỷ viên Bộ Chính trị, 7 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...). Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, 93% người dân được hỏi bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Dẫn chứng khác Chỉ số hạnh phúc năm 2020 của Liên hợp quốc cho thấy Việt Nam đã chiếm vị trí thứ 83/156 quốc gia, tăng lên đáng kể so với năm 2019 và năm 2018. Báo cáo Hạnh phúc Thế giới được biên soạn hàng năm bởi bởi cơ quan Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc dựa vào 6 chỉ số: thu nhập, tự do, tin tưởng, tuổi thọ, hỗ trợ xã hội và sự hào phóng.

Thứ ba, xét về độ tổng thể của thay đổi: chiến dịch chống tham nhũng đã được tiến hành song song với một loạt các nỗ lực cải cách hành chính và tinh giản biên chế, giúp bộ máy chính trị của Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn trước. Điều này cho thấy động cơ và nỗ lực của Đảng CSVN trong làm tăng tín nhiệm với dân chúng.

Được biết, Freedom House tài trợ tiền cho một số cá nhân, tổ chức chống đối đội lốt xã hội dân sự như VOICE, BPSOS…viết báo cáo đánh giá về nhân quyền Việt Nam, dùng dữ liệu những kẻ này cung cấp để “chấm điểm” nhân quyền Việt Nam. Nếu đúng như thông tin báo chí Công an vạch mặt, thì nguồn thông tin của những kẻ này chuyên bịa đặt, thêu dệt cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc thanh trừng phe phái những dẫn chứng của họ, chỉ cần chịu khó theo dõi sẽ thấy các “bè phái” thay như thay áo. Chẳng hạn, trước đây các nhóm chống Nhà nước từng viết rằng ông Trương Minh Tuấn “thuộc phe Nguyễn Phú Trọng” nên sẽ không bị truy tố, thì hiện ông Tuấn đã “vào lò”.

Không chỉ lập luận, dẫn chứng trước đá chéo lập luận, dẫn chứng sau. Ngay trong 1 bài viết, họ cũng từng phơi bày sự mâu thuẫn trong “phe phái”. Chẳng hạn, trong bài này, ông Đinh La Thăng khi thì được xem là nhân sự “do đích thân Nguyễn Phú Trọng chọn lựa”, khi thì được xem là “phe phái đối thủ”:



Cách viết báo cáo kiểu “cảm tính”, “võ đoán” của Freedom House cho thấy độ khả tín và cách làm thiếu khoa học thê thảm của một cơ quan quốc tế. Bất bình với cách chấm điểm, xếp hạng này của Freedom House, dân mạng Việt Nam đã bình phẩm, sao mấy tổ chức này không hỏi ý kiến đánh giá về Đảng, Chính phủ mình của chính người dân Việt Nam?

Không có nhận xét nào: