BẦU CỬ LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN
Vừa qua, trang mạng BBC đã đăng tải bải viết “Bầu cử Quốc hội: Thực chất bỏ phiếu là quyền hay nghĩa vụ?” của tác giả Bùi Thư. Trong đó, Bùi Thư cho rằng: “Hiến pháp 2013 nêu rõ bầu cử là quyền của công dân, nhưng chính quyền Việt Nam trong những ngày này đang ráo riết tuyên truyền rằng bầu cử là quyền và nghĩa vụ công dân”. Đây là những hành động công khai xuyên tạc, chống phá trắng trợn Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đài BBC xuyên tạc, chống phá Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
Chúng ta đều biết rằng tại Điều 27, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”. Như vậy, quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện được thực hiện việc lựa chọn đại biểu vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.
Quyền bầu cử bao gồm việc ứng cử, đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu được quy định rõ trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực Nhà nước. Thông qua bầu cử, Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước và việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đó cũng là những tư tưởng chỉ đạo trong việc tổ chức bầu cử, thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Nguyên tắc bầu cử yêu cầu phải quy định rõ quyền và trách nhiệm của cử tri trong bầu cử, trách nhiệm của Nhà nước phải bảo đảm các quy định về bầu cử. Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mọi công dân, không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử ĐBQH theo quy định của pháp luật. Bình đẳng trong bầu cử là một nguyên tắc nhằm bảo đảm tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có khả năng như nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào. Bầu cử trực tiếp là việc cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu để lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực nhà nước. Điều 6 của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính vì vậy, tham gia bầu cử vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm vẻ vang của công dân. Nhận thức và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình chính là trách nhiệm xã hội lớn lao của mỗi công dân. Thờ ơ với quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình là rất đáng chê trách bởi đó cũng có thể coi là sự thờ ơ với lịch sử và vận mệnh đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét