Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

“Chủ nghĩa Tư bản Giám sát” đang thao túng người dùng Internet như thế nào?

 

“Chủ nghĩa Tư bản Giám sát” đang thao túng người dùng Internet như thế nào?


Trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 04/2021, giáo sư Shoshana Zuboff – tác giả cuốn sách “Thời đại của Chủ nghĩa Tư bản Giám sát” – đã tiếp tục cảnh báo rằng chủ nghĩa tư bản đang khiến nền dân chủ đa đảng ở phương Tây lâm nguy. Bởi từ khi các tập đoàn lớn chiếm đoạt dữ liệu của người dùng Internet và biến nó thành tài sản của người giàu, thì người giàu đã có thể điều khiển các cử tri và thao túng kết quả bỏ phiếu, khiến quyền tự do bầu cử không còn tồn tại trong thực tế.



Zuboff cho rằng quá trình này đã bắt đầu từ năm 2001, khi bong bóng tài chính ở thung lũng Silicon phát nổ, khiến nhiều doanh nghiệp công nghệ đứng trước nguy cơ phá sản. Để cứu sự nghiệp kinh doanh của mình, hai ông chủ của tập đoàn Google là Larry Page và Sergey Brin đã quyết định biến dữ liệu cá nhân của người dùng thành hàng hóa. Cụ thể, bằng cách xây dựng các thuật toán để phân tích những dấu vết mà người dùng để lại trên Internet – như lịch sử tìm kiếm của người dùng hoặc cookies của họ trên các trang web – Google có thể xác định rất chính xác các đặc điểm tâm lý và mối quan tâm của người dùng, nhằm gửi đến họ những quảng cáo mà họ chắc chắn sẽ click vào. Và khi mọi tập đoàn cung cấp các dịch vụ thiết yếu trên Internet đều làm theo cách này, thì mọi thứ người dùng nhìn thấy trên Internet sẽ chỉ phục vụ một mục đích duy nhất, là biến họ thành người mua hàng của các doanh nghiệp. Giờ đây, cả hiện thực, quyền tự do lựa chọn lẫn tương lai của con người đều bị Google biến thành hàng hóa để bán cho người thuê quảng cáo.

Để hình dung rõ hơn, bạn có thể nhìn vào cách vận hành của phần mềm Pokemon Go – một trò chơi được phát triển bởi một công ty con của Google, và chạy trên nền dữ liệu của Google Earth. Khi người dùng Internet chơi Pokemon Go, họ không hề biết rằng họ bị trò chơi này kéo đến các cơ sở kinh doanh của nhiều doanh nghiệp như Starbucks hoặc McDonald, do những doanh nghiệp này đã trả tiền cho Google để thuê quảng cáo. Như vậy, các ứng dụng của Google chẳng khác gì gián điệp thâm nhập tâm trí người dùng Internet, đọc suy nghĩ của họ, rồi thôi miên họ mua những món hàng mà họ không hề muốn mua.



Nghiêm trọng hơn, các tập đoàn công nghệ còn có thể thôi miên cử tri khi họ đi bỏ phiếu. Ví dụ quen thuộc nhất là vụ bê bối Cambridge Analytica, trong đó những người điều hành chiến dịch vận động bỏ phiếu cho Donald Trump vào năm 2016 đã điều khiển cử tri thông qua việc khai thác dữ liệu của họ trên Facebook. Cuộc phòng vấn Zuboff có đoạn:

“Những người phụ trách chiến dịch tranh cử của Trump đã yêu cầu Facebook nhắm một cách chi tiết tới các công dân da đen của các bang dễ dao động, là Michigan, Ohio và Wisconsin, để thúc giục họ không bỏ phiếu. Sau khi xác định được dân số này bằng những dữ liệu Facebook, họ chỉ cần gửi cho những người này video Hillary Clinton chỉ trích giới trẻ da đen, hoặc những người da đen sang trọng cho rằng cách tốt nhất để phản đối hệ thống là không bỏ phiếu, v.v.. Và điều này đã có tác động. Nhờ các dịch vụ của Facebook, Trump đã có khả năng xóa bỏ những lá phiếu của các công dân của nền dân chủ lâu đời nhất trên hành tinh bằng cách thúc đẩy họ từ bỏ quyền dân chủ cơ bản nhất của họ mà không cần đến bạo lực hoặc sự đe dọa dù là nhỏ nhất. Xã hội dân chủ ra đời vào thế kỷ 18, vốn coi trọng chủ quyền cá nhân, ý chí tự do và quyền tự chủ, bất ngờ bị đánh bại.”

Làm thế nào để cứu nền dân chủ khỏi “Chủ nghĩa Tự bản Giám sát”? Zuboff cho rằng cần sửa luật để bảo vệ quyền riêng tư, sao cho các tập đoàn công nghệ không thể chiếm dụng dữ liệu cá nhân của người dùng rồi biến chúng thành tài sản và hàng hóa. Một số tác giả khác chỉ ra rằng người dùng Internet phải có quyền tùy chỉnh các thông tin hiển thị trên Newsfeed của Facebook hoặc kết quả tìm kiếm của Google, sao cho hiện thực hiện ra trước mắt họ không hoàn toàn bị thao túng bởi các tập đoàn công nghệ. Đây là những ý kiến mà người Việt Nam cần tham khảo trong quá trình đấu tranh với các thế lực lợi dụng công nghệ để thao túng con người, lũng đoạn chính trị.

 

Không có nhận xét nào: