Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

Cuộc khủng hoảng mới của chủ nghĩa tư bản, qua góc nhìn của TBT Nguyễn Phú Trọng

 

Cuộc khủng hoảng mới của chủ nghĩa tư bản, qua góc nhìn của TBT Nguyễn Phú Trọng


Ngày 16/05/2021, các tờ báo chính thống của Việt Nam đã đồng loạt đăng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mang tên "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Nhân đó, trang BBC tiếng Việt đã đăng một bài phỏng vấn dẫn lời các gương mặt chống Cộng, như Nguyễn Vũ Bình và Lê Công Định, trong đó họ nói rằng phát biểu của ông Trọng “xơ cứng và không có luận điểm mới”.



Chẳng hạn, phát biểu của Nguyễn Vũ Bình có đoạn:

"Bài viết của ông Tổng Bí thư nhu tôi thấy là một sự xào xáo lại hoàn toàn nội dung cũ, đã đăng tải rải rác 20-30 năm qua, điểm mới là có thêm một số dữ kiện mới cả trên thế giới và Việt Nam để minh họa cho những quan điểm, nội dung cũ. Vẫn là sự bế tắc hoàn toàn về khái niệm Chủ nghĩa Xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội."

Tuy nhiên, dường như Nguyễn Vũ Bình đã đánh giá quá thấp cả tính thời sự trong bài viết của ông Trọng lẫn những vấn đề mà bài viết đặt ra cho giai đoạn sắp tới.

Trước tiên, về tính thời sự, bài viết đã mô tả một cách khái quát cuộc khủng hoảng mới nhất của chủ nghĩa tư bản - với những biểu hiện như suy thoái kinh tế, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, và thất bại trong việc xử lý dịch COVID-19. Đồng thời, chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng này xuất phát từ một mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản: một mặt, nó đặt nền tảng trên các quyền của con người cá nhân, mặt khác, nó phát triển theo hướng hy sinh phẩm giá của con người để phục vụ lợi nhuận. Với một mâu thuẫn như vậy, chủ nghĩa tư bản không thể không rơi vào quỹ đạo tự hủy: càng đề cao cá nhân, nó càng dẫn đến cảnh người bóc lột người, qua đó làm tổn hại con người cá nhân. Chủ nghĩa tư bản trở thành trò chơi trong đó mọi người chơi đều thua, chỉ có bản thân trò chơi là thắng.

Về vấn đề này, xin trích một đoạn trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

“…Năm 2008 - 2009 chúng ta đã chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế bắt đầu từ nước Mỹ, nhanh chóng lan rộng ra các trung tâm tư bản chủ nghĩa khác và tác động đến hầu hết các nước trên thế giới. Các nhà nước, các chính phủ tư sản ở Phương Tây đã bơm những lượng tiền khổng lồ để cứu các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, các tổ hợp công nghiệp, tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, nhưng không mấy thành công. Và hôm nay, chúng ta lại chứng kiến cuộc khủng hoảng nhiều mặt, cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế đang diễn ra dưới tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc. Những tình huống "phát triển xấu", những nghịch lý "phản phát triển", từ địa hạt kinh tế - tài chính đã tràn sang lĩnh vực xã hội, làm bùng nổ các xung đột xã hội, và ở không ít nơi từ tình huống kinh tế đã trở thành tình huống chính trị với các làn sóng biểu tình, bãi công, làm rung chuyển cả thể chế.

Sự thật cho thấy, bản thân thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản không thể giúp giải quyết được những khó khăn, và trong nhiều trường hợp còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các nước nghèo; làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lao động và tư bản toàn cầu. Sự thật đó cũng làm phá sản những lý thuyết kinh tế hay mô hình phát triển vốn xưa nay được coi là thời thượng, được không ít các chính khách tư sản ca ngợi, được các chuyên gia của họ coi là tối ưu, hợp lý.

Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái,... đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. Đó cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa. Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó. Theo nhiều nhà khoa học phân tích, các cuộc khủng hoảng hiện nay không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa.

Từ những nhận định trên, bài viết đưa ra một định hướng quan trọng cho giải pháp: cần xây dựng một hệ thống tôn trọng con người hơn. Về điểm này, xin trích vài đoạn trong bài viết:

Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm.

Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.”

Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xoá đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”.

Một biểu hiện của định hướng nhân văn vừa nêu chính là các lựa chọn của Việt Nam khi xử lý dịch COVID-19. Thay vì hy sinh tính mạng người dân để giữ guồng máy kinh tế vận hành (như quyết định của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump), Nhà nước Việt Nam đã đặt tính mạng của người dân lên cao nhất, đồng thời dung hòa nhu cầu phòng dịch với nhu cầu mưu sinh của đa số. Thay vì tự ru ngủ bản thân rằng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không có gì mới, và rằng tương quan lực lượng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản vẫn không đổi từ thập niên 1990; các nhà chống Cộng nên thẳng thắn đối mặt với cuộc khủng hoảng mới nhất của chủ nghĩa tư bản, và thừa nhận rằng chủ nghĩa xã hội cũng có những điểm đáng để họ học hỏi.

Không có nhận xét nào: