Nếu được bầu là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh A, huyện B tôi sẽ... Đó là lời hứa trong chương trình hành động đã được các ứng viên trình bày trước cử tri.
"Khát vọng hùng cường" được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây, đó không phải là cụm từ được thể hiện trong các văn kiện của Đảng hay các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhưng là nội dung bao trùm, khái quát cao thể hiện ý chí của Đảng, tinh thần của Chính phủ sau Đại hội Đảng 13. Đó là "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”...
Nữ sinh viên ngành y tình nguyện chống dịch ở Bắc Giang đi bỏ phiếu ngày 23/5. Ảnh: Kiên Trung |
Với khát vọng Việt Nam hùng cường và các mục tiêu cụ thể được nêu trong nghị quyết Đại hội 13 bằng các cột mốc cụ thể vào năm 2030, 2045, chúng ta đã có những tiền đề quan trọng để đi xa! Nhưng để đi đến đích, cần sự nỗ lực, chung sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong vai trò, vị trí cụ thể của mình.
Niềm tin của cử tri
Với vai trò là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp tương lai, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, các ứng cử viên "tuyên ngôn" lời hứa trước cử tri thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Mỗi lời hứa, mỗi chương trình hành động vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ nhưng cũng là mục tiêu phấn đấu của mỗi ứng viên.
Lời hứa là niềm tin mà mỗi ứng viên gieo vào lòng các cử tri, gieo vào đó niềm hy vọng, sự kỳ vọng lớn lao. Đó có thể là cam kết thay đổi những diện mạo mới về cơ sở hạ tầng, hay những thứ lớn lao hơn về cơ chế, chính sách ở thượng tầng kiến trúc.
Những lời hứa đó ít nhiều đều chứa đựng những hàm ý tốt đẹp, những điều tươi mới, đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của cử tri nơi đại biểu ứng cử. Rộng hơn, đó là những điều "cần nghĩ", "cần làm" trong tương lai để mang lại những điều tốt đẹp hơn cho dân, cho nước.
Song, hứa và giữ lời hứa, thực hiện lời hứa trước cử tri lại là một vấn đề mà cử tri rất quan tâm và trông đợi. Họ muốn nghe xem các ứng viên hứa thế nào và họ càng trông chờ xem các đại biểu mà họ tin tưởng, bỏ lá phiếu của mình thực hiện lời hứa đến đâu.
Hứa là việc bắt buộc, là trách nhiệm của mỗi ứng cử viên trong phần trình bày chương trình hành động của mình, nhưng thực hiện được đến đâu lại cần cả "cái tâm", "cái tầm" của mỗi đại biểu.
Đo thân nhiệt cho cử tri xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị khi đi bầu. Ảnh: Phan Vĩnh |
Đành rằng, chưa có một chế tài hay một quy định cụ thể nào về việc đánh giá, kết luận việc thực hiện lời hứa, chương trình hành động và chế tài mà đại biểu phải chịu nếu không thực hiện lời hứa của mình. Tuy nhiên, lời hứa là uy tín, là danh dự, chỉ khi nào các đại biểu cảm thấy bị ảnh hưởng đến uy tín, danh dự hoặc bị các chế tài ràng buộc thì lúc đó, việc hứa và giữ lời hứa mới trở thành mục tiêu và động lực cho họ.
Đánh giá việc thực hiện lời hứa
Đã đến lúc cần xây dựng một cơ chế đánh giá và tổng kết việc thực hiện lời hứa trước cử tri, song song với việc xây dựng các chế tài áp dụng.
Trong mỗi cuộc tiếp xúc cử tri, các đại biểu phải công bố kết quả, tiến độ thực hiện chương trình hành động của mình.
Đại biểu phải được đánh giá thông qua các thang điểm, làm căn cứ để miễn nhiệm, từ nhiệm tư cách đại biểu nếu không thực hiện được lời hứa khi vận động bầu cử. Bên cạnh đó, nếu không thực hiện được lời hứa phải công khai xin lỗi trong các cuộc tiếp xúc cử tri, trên phương tiện thông tin đại chúng...
Lời hứa, trách nhiệm, chế tài và lòng tự tôn, tự trọng sẽ mang lại những động lực và mục tiêu phấn đấu cho các đại biểu và là nhân tố quan trọng để nuôi dưỡng niềm tin của cử tri trước và sau mỗi kỳ bầu cử.
Tinh thần "khát vọng hùng cường dân tộc" phải gắn với khát vọng của từng tổ chức, từng cấp, từng ngành, khát vọng của từng đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Khi mỗi cử tri bỏ lá phiếu của mình, họ cũng đặt vào đó khát vọng về những điều tốt đẹp.
Và mỗi đại biểu, nếu có khát vọng thực hiện lời hứa của mình trước cử tri, đau đáu trong cách nghĩ, trong phương pháp hành động, tự trọng trước cử tri thì những chương trình hành động trong tương lai kia mới có khả năng thành hiện thực. Những đại biểu có khát vọng đó là những nhân tố không thể thiếu trên bước đường thực hiện "khát vọng hùng cường" dân tộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét