Ngày 2/4, thương hiệu thời trang H&M của Thụy Điển đã đồng ý với yêu cầu của nhà chức trách Trung Quốc thay đổi bản đồ trên mạng internet của hãng này thành bản đồ xuất hiện đường lưỡi bò phi pháp. Ngay sau khi H&M cập nhật tấm bản đồ phi pháp trên đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ cộng đồng mạng cũng như người dân Việt Nam.

 

VỀ VIỆC H&M ỦNG HỘ CÁI GỌI LÀ “BẢN ĐỒ ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” CỦA TRUNG QUỐC

Dưới sức ép từ chính quyền Trung Quốc, thương hiệu thời trang nổi tiếng này đã phải cúi đầu chấp nhận yêu sách của Trung Quốc bằng việc đăng tải tấm bán đồ có hình đường lưỡi bò. Đây có thể là bước đi sai lầm lớn nhất từ trước đến nay của H&M bởi nó đã đụng chạm đến giới hạn của một dân tộc và toàn bộ người dân Việt Nam. Kiếm tiền trên mảnh đất hình chữ S nhưng lại bán rẻ chữ tín cho Trung Quốc.

Tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện làn sóng tẩy chay thương hiệu H&M bởi tất cả đều cho rằng H&M đồng ý sửa bản đồ có đường lưỡi bò chính là một trong những hành vi không đúng với pháp luật quốc tế. Không chỉ bày tỏ thái độ gay gắt, quyết liệt trên các diễn đàn trực tuyến, nhiều người còn vào trang Facebook chính thức có gần 40 triệu lượt like của thương hiệu thời trang nổi tiếng này để thể hiện quan điểm. Dân mạng đồng loạt thả “phẫn nộ” trong các bài viết được H&M đăng tải đồng thời để lại những bình luận lên án thương hiệu thời trang Thụy Điển, kêu gọi mọi người tẩy chay các sản phẩm của hãng và yêu cầu đơn vị này rời khỏi thị trường Việt Nam vì không tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Một số hãng thông tấn lớn của thế giới như Reuters, AP, ABC News... thông tin phía Trung Quốc sau khi phát hiện "bản đồ Trung Quốc có vấn đề" trên trang web của H&M đã yêu cầu công ty Thụy Điển này chỉnh sửa ngay. Tất nhiên, các học giả trên thế giới cũng không nằm ngoài cuộc chiến này bởi việc tiếp tay cho Trung Quốc phát tán tấm bản đồ trái pháp luật quốc tế là điều không thể chấp nhận được.

Cái gọi là “bản đồ đường lưỡi bò” là loại bản đồ không hợp pháp, không phù hợp với bất cứ quy định nào của pháp luật quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam luôn khẳng định và đưa ra mọi bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các khu vực thuộc vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền.

Việt Nam là thị trường thứ 68 trên toàn cầu và là thị trường thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á của H&M. Cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam khai trương ngày 9 tháng 9 năm 2017 tại Trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Cửa hàng thứ 2 tại Việt Nam và đầu tiên tại thủ đô Hà Nội được đặt tại Trung Tâm thương mại Vincom Mega Mall Royal City (quận Thanh Xuân) khai trương ngày 11 tháng 11 năm 2017. Đến nay, thương hiệu thời trang Thuỵ Điển H&M có 11 cửa hàng trên cả nước.

Thương hiệu H&M sẽ còn gặp sự phản đối dữ dội hơn từ cộng đồng Việt Nam cho đến khi công ty này hủy bỏ “bản đồ có đường lưỡi bò” phi pháp và đưa ra lời giải thích cho Việt Nam.  Hy vọng H&M sẽ tôn trọng sự thật!