Thứ Hai, 19 tháng 7, 2021

 Vừa qua, vào ngày 15/7, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ra thông báo kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà báo Phạm Chí Thành ngay lập tức và vô điều kiện, đồng thời chấm dứt việc bỏ tù các nhà báo vì công việc của họ. Trước đó, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) cũng đưa ra lời yêu gọi tương tự. Trong đó, ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao đặc trách khu vực Đông Nam Á của CPJ, cho biết: “Ông Thành nên được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện và được phép tiếp tục công việc của mình với tư cách là một nhà báo mà không sợ bị trả thù”. Đây là phát ngôn hết sức lố bịch, cổ súy cho các hành vi vi phạm pháp luật của nhà báo Phạm Chí Thành.

CPJ LẠI CAN THIỆP VÀO CÔNG VIỆC NỘI BỘ CỦA VIỆT NAM

CPJ và VOA cổ súy cho các hành vi vi phạm pháp luật của nhà báo Phạm Chí Thành

Chúng ta có thể thấy rằng vừa qua, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt bị cáo Phạm Chí Thành (tức Phạm Thành, sinh năm 1952, trú tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) 5 năm 6 tháng tù về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo quy định tại Điều 117, khoản 1 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, khoảng tháng 2/2012, Phạm Chí Thành nhờ người lập blog "Bà Đầm Xòe" để đăng tải bài viết. Sau đó đến giữa năm 2014, Thành tạo lập trang Facebook cá nhân có tên “Phạm Thành" và tiếp tục đăng tải nhiều bài viết trên các trang mạng. Đến tháng 7/2019, Phạm Chí Thành tập hợp các bài viết đã đăng tải và được sao lưu trong máy tính, rồi biên soạn, chỉnh sửa lại thành tập tin (file) tài liệu riêng. Thành tự thiết kế bìa, đặt tên sách là "Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo", ghi thông tin tác giả là “Bà Đầm Xòe Phạm Thành & Các còm si"... sau đó thuê in rồi phát tán quyển sách trên. Nội dung 21 bài viết trong sách “Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo" và bài phỏng vấn Phạm Thành ngày 27/7/2019 chứa đựng nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Phạm Chí Thành còn nhiều lần thực hiện trả lời phỏng vấn các đài, báo ở nước ngoài và một số cá nhân trong nước, được đăng tải trên mạng internet và mạng xã hội Facebook có liên quan đến việc phát tán các quyển sách trên. Ngoài hành vi làm và phát tán tài liệu, thông tin, Thành còn có hành vi tàng trữ 14 quyển cùng 2 bản thảo sách “Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo" và những tập tin có liên quan còn lưu trên các máy tính, hộp thư điện tử mà các cơ quan chức năng đã thu giữ được khi khám xét.

Số lượng sách "Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo" mà Thành đã phát tán khoảng hơn 220 quyển, gồm 194 quyển chuyển phát qua Bưu điện cho những người ở trong và ngoài nước. Thành nhờ chuyển 4 quyển cho 4 người ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan điều tra còn thu giữ được 14 quyển khi khám xét tại nơi ở của Thành. Ngoài ra, Thành còn bán và tặng sách này cho một số cá nhân khác. Tính từ ngày 13/9/2019 đến ngày 21/5/2020, số tiền Phạm Chí Thành thu được từ việc phát tán sách “Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo" là hơn 80 triệu đồng, đa số tiền mua sách được thanh toán vào tài khoản của Thành tại ngân hàng. Trừ các chi phí như thuê in sách, tiền cước gửi sách qua Bưu điện, còn lại Thành được hưởng hơn 18 triệu đồng.

Mặt khác, hành động của ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao đặc trách khu vực Đông Nam Á của CPJ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, được quy định cụ thể trong khoản 7, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, Hiến chương Liên Hiệp quốc đã khẳng định: “Hiến chương này hoàn toàn không cho phép Liên hợp quốc được can thiệp vào các công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào, không đòi hỏi các thành viên của Liên hợp quốc phải đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy định của Hiến chương…”. Trong đó, công việc nội bộ của mỗi quốc gia được hiểu là công việc nằm trong thẩm quyền giải quyết của mỗi quốc gia độc lập xuất phát từ chủ quyền của mình, đó là quyền tối thượng của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình (như: quyền tự do lựa chọn, tự do xây dựng và phát triển chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội phù hợp với nguyện vọng của nhân dân; quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp...) và quyền độc lập trong quan hệ quốc tế (như: quyền độc lập thiết lập mối quan hệ với bất kỳ quốc gia nào, quyền tự do tham gia vào các tổ chức quốc tế khu vực và phổ cập...). Đồng thời, nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước” cũng không cho phép bất kỳ quốc gia nào dù lớn hay nhỏ, dù giàu hay nghèo, dù văn minh hay lạc hậu được quyền can thiệp vào các lĩnh vực thuộc thẩm quyền riêng biệt của mỗi quốc gia, xuất phát từ chủ quyền của mình như: Cấm can thiệp vũ trang và các hình thức can thiệp hoặc đe dọa can thiệp khác nhằm chống lại chủ quyền, nền tảng chính trị, văn hóa-xã hội của quốc gia; Cấm dùng các biện pháp kinh tế, chính trị và các biện pháp khác để bắt buộc quốc gia khác phụ thuộc vào mình; Cấm tổ chức, khuyến khích các phần tử phá hoại hoặc khủng bố nhằm lật đổ chính quyền của quốc gia khác; Cấm can thiệp vào cuộc đấu tranh nội bộ của quốc gia khác; Tôn trọng quyền của mỗi quốc gia tự do lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội không có sự can thiệp từ phía các quốc gia khác.

Có thể thấy rằng, hành động của ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao đặc trách khu vực Đông Nam Á của CPJ kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho Phạm Chí Thành đã thể hiện cái nhìn chủ quan, không đúng với thực trạng vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, tạo điều kiện cho các đối tượng phản động lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Thiết nghĩ, thời gian tới, ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao đặc trách khu vực Đông Nam Á của CPJ cần thận trọng hơn trong phát ngôn của mình, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng để chống phá chính quyền nhân dân, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Không có nhận xét nào: