Thanh niên, sinh viên và trách nhiệm với tổ quốc
“Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà tự hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay?” Câu hát đó như một lần nữa nhắc nhở mỗi người trong chúng ta về trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Sinh viên tình nguyện và những việc làm thiết thực
Lịch sử qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, biết bao kẻ thù lớn mạnh xâm lược đất nước ta nhưng đều chịu chung một kết cục thất bại. Một dân tộc “nhỏ bé” có thể đánh đuổi hai “cường quốc” là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Làm được điều đó, có biết bao người con của dân tộc đã ngã xuống, bao người phải hi sinh xương máu để có một đất nước Việt Nam tươi đẹp như ngày nay.
Là lực lượng tri thức trẻ, năng động, sáng tạo, là trụ cột của nước nhà, thanh niên, sinh viên có vai trò to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Thế nhưng hiện nay, nhiều người không nhận thức được điều đó. Và thực tế chúng dễ dàng nhận thấy, vì thiếu chín chắn, bồng bột trong suy nghĩ và hành động, đặc biệt trong tiếp thu, học hỏi cái mới nên dễ dàng tiếp nhận thiếu chọn lọc văn hóa không phù hợp với chuẩn mực xã hội, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đi ra đường thấy lũ càn quét, côn đồ ít ai dám ngăn cản, thấy bạn bị đánh đập thì đứng ngoài cỗ vũ, quay phim,... Lối sống thực dụng, ích kỉ, thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm, thiếu nhiệt tình, thiếu niềm tin đang là một căn bệnh của thế giới hiện đại.
Nguy hiểm hơn, là một số sinh viên mới ra trường, chưa có việc làm dễ bị lôi kéo, lợi dụng tham gia các tổ chức phản động, tuyên truyền chống phá Nhà nước. Một số do yếu kém về nhận thức chính trị hoặc lập trường tư tưởng không vững vàng nên dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động, mua chuộc, dụ dỗ tham gia biểu tình, gây rối trật tự công cộng. Bề ngoài các cuộc biểu tình có hình thức ủng hộ những vấn đề chính trị của Đất nước như vấn đề biển Đông, vấn đề Dân tộc, tôn giáo,... nhưng thực chất các thế lực thù địch lợi dụng để kích động gây rối trật tự, chống phá chính quyền.
Ví dụ tiêu biểu là hành vi của Nguyễn Phương Uyên hay Đinh Nguyên Kha, những con người được đào tạo, có trình độ và luôn tự cho mình là những nhà “dân chủ” đấu tranh cho nhân dân. Không rõ mục đích của họ là gì khi tham gia rải truyền đơn nói xấu chế độ, nói xấu Đảng và Nhà nước trong khi họ và người thân vẫn đang được sống trong một đất nước hòa bình. Có thể họ cho rằng đó là “yêu nước” bằng cách đi tuyên truyền chống lại Nhà nước, chống lại lợi ích nhân dân. Cũng có thể những sinh viên này biết rõ hành vi đó là sai trái nhưng vẫn quyết tâm thực hiện chỉ vì lợi ích cá nhân, vì sự dụ dỗ ngon ngọt của các đối tượng khác về một cuộc sống giàu sang ở nước ngoài. Nhưng dù có thế nào thì những hành vi sai trái đó đã bị xử lý công minh theo pháp luật, để lại bài học lớn đối với thế hệ trẻ ngày nay.
Hiện nay, một số đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội, kêu gọi tham gia vào các hội, nhóm như “Hội những người yêu nước yêu dân tộc Việt Nam chứ không yêu Đảng Cộng sản”, “Hội No U FC-SG”… Thực chất những hội nhóm này là nơi tập hợp các thành viên có tư tưởng cổ súy cho cái gọi là giá trị phương tây, được sự ủng hộ về vật chất của các tổ chức phản động lưu vong để viết bài, tán phát các tài liệu xuyên tạc, bóp méo sự thật hòng chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bản chất của các nhóm này đã bị lật tẩy khi tòa án xét xử Đinh Nhật Uy hay Trương Duy Nhất gần đây.
Bước vào thời kỳ chiến lược mới trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường, Đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức thể hiện những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen, phức tạp. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ đã làm gia tăng các tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao và làm phát sinh một số phương thức, thủ đoạn mới. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch không ngừng tiến hành các hoạt động chống phá đất nước ta, đặc biệt là chúng tấn công phá hoại tư tưởng của tầng lớp thanh niên, sinh viên, những tương lai của đất nước, làm cho họ mất lòng tin vào Đảng, vào chế độ, mất đi ý chí phấn đấu mà thay vào đó là lối sống thực dụng, hưởng thủ của phương tây. Những vấn đề trên đặt ra nhiều yêu cầu mới trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi mỗi người dân đặc biệt là thanh niên, sinh viên cần nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét