Thứ Hai, 6 tháng 9, 2021

HÀ NỘI: THIẾT LẬP 3 VÙNG THEO MỨC ĐỘ NGUY CƠ CỦA DỊCH COVID-19 Ở SAU NGÀY 6-9

 

HÀ NỘI: THIẾT LẬP 3 VÙNG THEO MỨC ĐỘ NGUY CƠ CỦA DỊCH COVID-19 Ở SAU NGÀY 6-9

UBND thành phố Hà Nội vừa có thông tin về việc phân vùng phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố theo 3 vùng sau ngày 6/9: vùng 1, vùng 2, vùng 3, tương ứng với 3 màu “đỏ - cam - xanh” theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch, để áp dụng chống dịch tại Hà Nội sau ngày 6/9 và tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất. Việc thiết lập 3 vùng dựa trên nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất. 

Bản đồ phân vùng chống dịch ở Hà Nội

“Vùng đỏ” là vùng có nguy cơ rất cao, gồm địa bàn ở nội đô thành phố, là nơi có mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ., sẽ tiếp tục áp dụng chỉ thị 16 (16+) của Thủ tướng, siết chặt hơn các nguyên tắc phòng COVID-19 với nguyên tắc “ai đâu ở đó”. Đồng thời, không cho người dân tự do di chuyển trong “vùng đỏ” nếu không có lý do chính đáng. Việc cấp giấy đi đường của các cơ quan Đảng, Nhà nước do thủ trưởng cơ quan cấp theo yêu cầu công việc nhưng ở mức hạn chế nhất như: trực, xử lý tài liệu mật. Các đối tượng còn lại sẽ là Công an thành phố cấp và sẽ kết hợp áp dụng công nghệ thông tin để quét QR code trong việc kiểm soát người đi lại trên địa bàn thành phố.

Tại các khu vực nguy cơ cao “vùng cam” (vùng phía Bắc của Hà Nội, bên kia sông Hồng, bao gồm Gia lâm, Long Biên, Đông Anh, Sóc Sơn) và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh” (các huyện thuộc Hà Tây cũ) sẽ điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg (15+) của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực “vùng đỏ” bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương. 

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 ngày 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên. Đây là quan điểm khoa học, tin cậy mà nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng. Bởi chúng ta không thể nằm im mãi được, điều quan trọng là chúng ta phải bóc tách, phân loại được đâu là vùng có nguy cơ cao, nguy cơ và vùng an toàn để thực hiện các biện pháp giãn cách và tiến hành sản xuất cho phù hợp.

Sự phân tách vùng vừa giúp cho công tác khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch được triệt để và đúng trọng tâm, trọng điểm tại các “vùng đỏ”, vừa thúc đẩy hoạt động sản xuất tại các “vùng cam”, “vùng xanh” để hỗ trợ cho người dân ở các “vùng đỏ”. 

Việc phân vùng được nhiều người dân đánh giá là tương đối hợp lý bởi những “vùng xanh” mà thực hiện các hoạt động sản xuất thì rất lãng phí về lực lượng lao động, nhất là khi kinh tế có sự ngưng trệ do dịch thời gian qua. Tuy nhiên, việc thực hiện các hoạt động sản xuất ở các vùng này vẫn phải tuân thủ 5K, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác, tránh để “vùng xanh” trở thành “vùng đỏ”, “vùng cam”. Bên cạnh đó, đối với những người sinh sống ở các khu vực “vùng đỏ”, “vùng cam” cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa trong việc thực hiện quy định của Chính phủ, nhất là không ra đường khi không thực sự cần thiết, đồng thời, hợp tác với địa phương trong công tác chống dịch.

Không có nhận xét nào: