Thứ Hai, 6 tháng 9, 2021

Kiên quyết đấu tranh trước các luận điệu lợi dụng vấn đề biển đông để xuyên tạc, kích động chống phá cách mạng Việt Nam

 

Kiên quyết đấu tranh trước các luận điệu lợi dụng vấn đề biển đông để xuyên tạc, kích động chống phá cách mạng Việt Nam

Gần như lặp đi, lặp lại như một quy luật, mỗi khi Đảng, nhà nước ta tiến hành các sự kiện trọng đại của đất nước thì các thế lực thù địch và cơ hội chính trị, thoái hóa biến chất, bất mãn ngày càng gia tăng các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, lợi dụng vấn đề Biển Đông trong thời gian gần đây để tăng cường các hoạt động chống phá cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là thủ đoạn rất nguy hiểm và thâm độc.

Chúng lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội để đẩy mạnh xuyên tạc, dựng chuyện, bịa đặt, tác động mạnh vào tâm lý, nhận thức của công chúng và xã hội. Trong những ngày toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang phấn khởi chào mừng sự thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, dư luận tiến bộ trong nước và quốc tế không khỏi bức xúc khi trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin xuyên tạc vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Chỉ cần suy ngẫm, đối chiếu và nhìn nhận một cách thấu đáo, có thể kết luận đây là luận điệu của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động đang ra sức lợi dụng vấn đề Biển Đông để chống phá Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam. Trên một vài trang mạng xã hội xuất hiện các diễn đàn tập hợp nhiều phần tử bất mãn, cho rằng: “Đảng, Nhà nước Việt Nam coi trọng việc tổ chức đại hội Đảng hơn vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo”; hoặc cố tình xuyên tạc đường lối, chủ trương, quan điểm đấu tranh giữ vững chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc thông qua những “thuyết âm mưu” nhuốm màu kích động như: "Việt Nam lôi bè kéo cánh, đi với nước này, chống nước kia; và rằng, không đánh nhau thì mất biển, mất đảo... ". Chúng quy chụp lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước ta "phản ứng chậm" hoặc "né tránh, không dám đối đầu, đang tâm để chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị đe dọa”. Mưu đồ của những luận điệu này là khiến nhân dân mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở nước ta. Càng nguy hiểm hơn chúng còn lợi dụng vấn đề chủ quyền lãnh thổ, trong đó có chủ quyền biển, đảo để kích động, kêu gọi người dân "xuống đường biểu tình" thể hiện lòng yêu nước như năm 2015 ở Hà Nội và Bình Dương. Từ đó, gây mất an ninh, trật tự xã hội và kiếm cớ để tiếp tục chống phá.

Để kiên quyết đấu tranh và làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển Đông chống phá cách mạng Việt Nam, nhất là trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cần khẳng định những vấn đề có tính nguyên tắc sau:

Một là: Đường lối, chủ trương chính sách giải quyết bất đồng trên Biển Đông của Đảng, Nhà nước ta hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tình hình thế giới, khu vực và trong nước

Hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, cạnh tranh giữa các nước lớn, xung đột, tranh chấp chủ quyền biển, đảo xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có khu vực Biển Đông. Những điểm bất đồng giữa các quốc gia, dân tộc đều có xu hướng giải quyết trên nền tảng hòa bình, đối thoại, cùng nhau tìm giải pháp chung và trên nền tảng nguyên tắc nhất định của luật pháp quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc có các hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta luôn giữ được chủ trương: "Giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên, tiến tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển". Đảm bảo sự linh hoạt, mềm dẻo và giữ vững nguyên tắc không thể bác bỏ – chủ quyền quốc gia.

Chúng ta luôn kiên trì đấu tranh trên các mặt trận, mọi cấp độ, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các quốc gia trên thế giới, thẳng thắn đấu tranh kiên quyết, trao công hàm, tiếp xúc đại diện, lên tiếng phản đối Trung Quốc, yêu cầu tôn trọng chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Đồng thời, duy trì thường xuyên lực lượng chuyên trách, sử dụng biện pháp đấu tranh “hòa bình” không để xảy ra xung đột vũ trang. Bên cạnh đó, thường xuyên thông tin kịp thời tình hình diễn biến đến nhân dân, quản lý chặt chẽ tình hình an ninh trật tự và làm tốt công tác định hướng tư tưởng cho nhân dân.

Trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông, thông qua đường lối đúng đắn, chúng ta vẫn bảo đảm và bảo vệ được lợi ích quốc gia dân tộc. Điều này cho thấy, chủ trương, đường lối, chính sách giải quyết bất đồng trên Biển Đông của Đảng, Nhà nước ta hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại.

Hai là: Đảng và Nhà nước ta nhất quán với chính sách “3 không” trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

Trước sự kiện vi phạm của tàu Trung Quốc, các thế lực thù địch đã công kích, đòi Việt Nam phải thay đổi chính sách “3 không”, tiến đến hợp tác toàn diện, là đồng minh của Mỹ, Nhật Bản… để chống lại hành động xâm phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc. Với chính sách “3 không: không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của Đảng, Nhà nước ta về quốc phòng nói chung, công tác đối ngoại quốc phòng nói riêng, mang bản chất chế độ XHCN mà Việt Nam đang xây dựng, hướng đến sự hòa bình, thịnh vượng cho đất nước, khu vực và thế giới.

 Đảng ta luôn nhất quán với chính sách “3 không” đã được quy định trong hiến chương Liên hiệp quốc và có quan điểm biện chứng trong xác định đối tượng và đối tác, có hợp tác và có đấu tranh; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên. Điều đó càng thể hiện quan điểm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế nói chung, trong giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông nói riêng. Đồng thời, qua đó thể hiện sự nhất quán chính sách “3 không” trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Ba là: Quân đội nhân dân Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Trước những hành động vi phạm chủ quyền biển, đảo của một số quốc gia đối với nước ta, các thế lực thù địch vẫn rêu rao rằng: “Khi đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông, tại các vùng tranh chấp, Quân đội Việt Nam không dám nổ súng, không dám đấu tranh, để mặc Trung Quốc muốn làm gì thì làm…”. Đó là những luận điệu xuyên tạc sự thật, cố tình kích động gây căng thẳng tình hình với mục đích đẩy chúng ta vào cuộc đối đầu quân sự có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

Thực tiễn cho thấy, trong suốt thời gian Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển, các lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển của Quân đội Việt Nam đã phối hợp với kiểm ngư và ngư dân, luôn luôn có mặt 24/24h, thực hiện các hoạt động kiên quyết, kiên trì đấu tranh nhằm giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Với tinh thần dân tộc, lòng yêu nước luôn cháy bỏng trong mỗi công dân Việt Nam, hãy đưa đất nước ta ngày càng phát triển, giàu mạnh, tăng cường mọi tiềm lực, sánh vai được với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, đấu tranh, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc tình hình Biển Đông của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước. Mỗi người dân yêu nước cần tỉnh táo, bình tĩnh, kiên quyết, kiên trì, nhận thức rõ và kiên quyết đấu tranh làm thất bại các luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch để có hành động đúng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Không có nhận xét nào: