THÔNG QUA LUẬT HẢI CẢNH - TRUNG QUỐC ĐE DỌA SỬ DỤNG VŨ LỰC TRÊN BIỂN ĐÔNG
Ngày 22/1/2021, Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã thông qua Luật Hải cảnh. Theo đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng "mọi phương tiện cần thiết" để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài. Luật Hải cảnh Trung Quốc nêu các trường hợp lực lượng này sử dụng những loại vũ khí khác nhau gồm vũ khí cầm tay, phóng từ tàu hoặc từ trên không.
Cùng với đó, Luật Hải cảnh Trung Quốc cho phép thành viên lực lượng được phá công trình nước khác xây dựng trên các thực thể và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền. Đạo luật này cũng trao cho hải cảnh Trung Quốc quyền thiết lập các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn các tàu thuyền và người đi vào.
Có thể nói, hoạt động xây dựng pháp luật là hoạt động thuộc công việc nội bộ của mỗi quốc gia, tuy nhiên việc thông qua Luật Hải cảnh đã dấy lên sự lo ngại và phản đối của cộng đồng quốc tế, nhất là trước nguy cơ Trung Quốc có thể áp dụng trong các vùng biển có tranh chấp - Biển Đông.
Luật Hải cảnh thông qua, đồng nghĩa với việc là căn cứ cơ sở pháp lý cho các hành vi ngang ngược hơn của Trung Quốc trên các vùng biển mà họ yêu sách, và là cái cớ Trung Quốc có thể dùng để biện minh cho các hành vi sử dụng vũ lực của mình.
Tuy nhiên, dù việc xây dựng luật là công việc nội bộ của quốc gia, nhưng việc áp dụng nó lại hoàn toàn khác, nếu như Trung Quốc áp dụng trên các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia và không có tranh chấp với các quốc gia khác thì nguy cơ gia tăng căng thẳng sẽ ít. Nếu áp dụng luật Hải cảnh trên biển Đông - nơi đang tồn tại các tranh chấp dai dẳng lại hoàn toàn khác. Việc trao cho lực lượng hải cảnh quyền được sử dụng vũ lực trong nhiều trường hợp hơn đi kèm với mức độ bạo lực cao hơn chắc chắn sẽ tiềm ẩn rủi ro gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, thậm chí có thể dẫn tới xung đột vũ trang. Hơn nữa, khi còn là vùng tranh chấp, việc áp dụng luật Hải cảnh có thể dẫn Trung Quốc tới sự vi phạm về nguyên tắc “cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” hoặc “giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình”.
Bên cạnh đó, cho dù Trung Quốc đưa ra yêu sách trên biển Đông nhưng không có bất kì quốc gia nào trên thế giới công nhận và hiện tại theo quy định luật pháp quốc tế, nhất là phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu sách các vùng biển này. Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại tàu thuyền các nước khác trong các vùng biển này thì đó sẽ là những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, ngăn cản tự do hàng hải và tạo ra sự đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Vậy nên, thông qua Luật để tạo uy, để hù dọa - đó là quyền của Trung Quốc, nhưng áp dụng được trên biển hay không - không phụ thuộc vào họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét