Những luận điệu sai trái trong cái gọi là “Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2021”
Những ngày tháng gần đây, các nhóm dân chủ quốc nội và hải ngoại đang háo hức và hô hào mạnh mẽ để tìm cách thúc đẩy Hạ viện Mỹ thông qua “Dự luật Nhân quyền Việt Nam” (HR 3001).
“Dự luật Nhân quyền Việt Nam” (HR 3001) được Dân biểu Chris Smith, thành viên Đảng Cộng hoà đại diện bang New Jersey, cùng hai đảng viên Dân chủ là bà Zoe Lofgren và ông Alan Lowenthal đồng chủ trì đưa ra Hạ viện Mỹ trình ra Ủy ban đối ngoại Hạ viện và Ủy ban Tư pháp ngày 04/5/2021. Đây là dự luật mà dân biểu Chris Smith cùng tổ chức “Ủy ban cứu người vượt biển” (BPSOS) do Nguyễn Đình Thắng cầm đầu đã từng vận động năm 2018, 2019 nhưng chưa được thông qua.
Dân biểu Chris Smith |
Dự luật HR 3001 bao hàm nhiều lĩnh vực: Cấm viện trợ hoặc tài trợ cho Bộ Công an Việt Nam, yêu cầu Hành Pháp Hoa Kỳ chế tài các giới chức vi phạm nhân quyền, và yêu cầu Bộ Ngoại giao ưu tiên bảo vệ tự do tôn giáo, đưa Việt Nam và danh sách CPC, báo cáo tình trạng đàn áp tự do ngôn luận trên Internet, chống nhóm tin tặc Sen Biển (Ocean Lotus), hỗ trợ các tù nhân lương tâm, theo dõi tình trạng buôn người, tường trình về những bước tiến cụ thể đạt được qua đối thoại nhân quyền hàng năm với Việt Nam, và cập nhật về việc nhà nước Việt Nam bồi thường tài sản đã tịch thu của công dân Hoa Kỳ.
Điển hình như, tại mục 3 của “dự luật” đã có tình xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam khi cho rằng Việt Nam hiện có hơn 170 tù nhân chính trị và tôn giáo đang bị giam giữ và “gần một nửa số này bị bắt giữ do liên quan đến việc thể hiện quan điểm cá nhân “ôn hòa”, “bất bạo động” hoặc hoạt động trực tuyến”.
Trong khi đó, tại mục 5 của của “dự luật” thì xuyên tạc rằng, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia có môi trường Internet hạn chế nhất thế giới, với việc lọc nội dung tràn lan và bắt giữ thường xuyên các blogger và những người bất đồng chính kiến.
Đây rõ ràng là những luận điệu sai trái, cố tình xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân chính trị và tôn giáo” như cách gọi trong “dự luật”, ở Việt Nam chỉ có những kẻ phạm tội bị bắt, bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn nói về tự do Internet ở Việt Nam thì có lẽ không cần phải bàn nhiều, bởi thực tế đã bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc. Tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là gần 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 - 2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số).
Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet và tỉ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày lên tới 94%.
Theo Nguyễn Đình Thắng, để “dự luật” này có cơ hội được biểu quyết bởi Ủy ban Đối ngoại của Hạ Viện Mỹ trong năm 2021 thì phải vận động được tối thiểu 50 dân biểu nhận bảo trợ trước cuối tháng 9/2021. Sau đó, sẽ vận động Thượng viện thông qua trước khi Quốc hội khoá 117 khép lại vào cuối năm 2022. Nếu không đạt được lộ trình này coi như “dự luật” sẽ chết yểu và phải chờ cho hết khóa 2 năm rồi vận động nhiệm kỳ Quốc hội sau.
Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2021, trên trang Hạ viện Mỹ, các tổ chức chống cộng Việt Nam mới vận động được 27 dân biểu Hạ viện ủng hộ, chưa đạt ½ yêu cầu tối thiểu.
Có lẽ một lần nữa, “Dự luật Nhân quyền Việt Nam” (HR 3001) được Dân biểu Chris Smith soạn thảo và được cổ súy bởi Nguyễn Đình Thắng lại tiếp tục chết yểu. Sự chết yểu của dự luật này có lẽ cũng không khiến nhiều người bất ngờ bởi trong dự luật đó có quá nhiều luận điệu sai trái về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét