Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: 'Nếu mất Biển Đông là có tội'
"Không lãnh đạo Việt Nam nào có ý định nhượng bộ Trung Quốc về chủ quyền. Nếu để mất Biển Đông, tất cả chiến sĩ quân đội, lãnh đạo đều có tội với dân", Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định trong cuộc phỏng vấn với VnExpress.
- Phụ trách đối ngoại quốc phòng hơn 10 năm, ông đối diện và ứng xử thế nào với định kiến về sự lép vế của một nước nhỏ với các nước lớn?
- Với tôi, trong quan hệ quốc tế cần khiêm tốn, nhưng quan trọng hơn là tự tin. Điều gì có thể nhịn thì nhịn, nhưng nếu động vào điểm mấu chốt: độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì không bao giờ tôi nhịn. Khi tiếp xúc với bạn bè thế giới, chưa bao giờ tôi có cảm giác tự ti Việt Nam là một nước nhỏ, chưa bao giờ tôi nghĩ chúng ta phải ngước lên nhìn ai cả. Và trong thực tế tôi cũng cảm nhận được sự tôn trọng của quốc tế với đất nước ta.
Có nhiều lý do để tự hào, tự tin về đất nước mình, nhưng lý do quan trọng nhất là dân tộc ta có lịch sử hào hùng, phải trả bằng bao nhiêu xương máu của các thế hệ đi trước. Cơ đồ hôm nay được xây đắp trên quá khứ hào hùng ấy. Đừng bao giờ nghĩ rằng ngồi với người Mỹ thì không nên nhắc tới chiến tranh Việt Nam, không nhắc tới chiến thắng của dân tộc ta. Mỗi khi gặp mặt, tôi hay kể cho các tướng lĩnh Mỹ nghe về chiến tranh Việt Nam, về những người lãnh đạo, tướng lĩnh của Việt Nam, về những hy sinh của nhân dân, bộ đội Việt Nam. Họ yên lặng lắng nghe và nhiều lần đề nghị: "Ông hãy nói tiếp nữa đi - về những gì các ông đã trải qua, và nhờ những gì mà các ông thắng chúng tôi?". Trong tiếp xúc đối ngoại, những vấn đề của hôm nay luôn phải gắn với bài học lịch sử, đặc biệt là với những quốc gia đã có "duyên nợ" với Việt Nam trong quá khứ. Trong những lần nói chuyện như thế, tôi thấy rằng sức thuyết phục, lý lẽ của Việt Nam đều được thừa nhận, mặc dù trong thâm tâm họ có thể không hài lòng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
"Đừng tưởng đóng cửa với Mỹ thì Trung Quốc sẽ nhẹ giọng"
- Ông vừa nhắc đến các "quốc gia duyên nợ" với Việt Nam. Nguyên tắc ứng xử của ông với các quốc gia này là gì?
Chúng ta đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt và đã giành những chiến thắng vĩ đại. Nhưng vĩ đại hơn nữa là cách chúng ta ứng xử sau chiến tranh. Điều ấy sẽ định vị hình ảnh một Việt Nam chiến thắng văn minh và yêu hòa bình.
Người Mỹ thường hỏi tôi sao quan hệ Việt Nam - Cuba tốt đến như thế? Tôi trả lời: "Chúng tôi quan hệ máu thịt với Cuba. Ngoài tình cảm truyền thống giữa hai nước, Việt Nam còn muốn thế giới thấy chúng tôi không bao giờ bỏ bạn. Các ông có thể không thích, nhưng chắc các ông cũng mong có được những người bạn thủy chung như thế".
Bạn biết đấy, đừng tưởng lờ Cuba đi mà người Mỹ sẽ tốt với chúng ta. Đừng tưởng căng với Trung Quốc sẽ lấy được lòng người Mỹ. Cũng đừng tưởng đóng cửa với Mỹ thì Trung Quốc sẽ nhẹ giọng với mình.
Dùng chính những bài học lịch sử trong mối quan hệ với các quốc gia khác để làm Đối ngoại là cách mà Việt Nam lựa chọn. Có lần ông Thượng nghị sĩ Leahy, Chủ tịch Thượng viện Mỹ nói với tôi: "Trong quan hệ Việt Mỹ, khó nhất và nhạy cảm nhất là việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhưng kỳ diệu thay, đến bây giờ lại trở thành một trong những lĩnh vực hiệu quả nhất và đem lại nhiều cảm hứng nhất để thúc đẩy quan hệ Việt Mỹ".
Trong quan hệ với Trung Quốc cũng vậy, chưa bao giờ ta né tránh nói về cuộc chiến tranh biên giới, hay những điểm đen trong lịch sử quan hệ hai nước. Có điều là chúng ta nói để những điều đó đừng lặp lại, thì sẽ tốt cho cả hai phía. Và ngay vấn đề ngày hôm nay là Biển Đông, chúng ta cũng phải lấy bài học lịch sử ấy để xem xét mà xử lý. Mọi vấn đề dù khó khăn nhất, nếu chúng ta biết nhận thức đâu là lợi ích chính đáng, đích thực, thì cả hai phía sẽ tìm được con đường giải quyết mà không phải động binh đao.
Thách thức trên Biển Đông và sự tự tin của Việt Nam
- Dù là thời chiến hay thời bình, nhiệm vụ tối cao của người lính là bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền đất nước. Biên giới đất liền đã coi là tạm yên, nhưng bao giờ người Việt Nam có thể yên lòng khi nghĩ về Biển Đông?
- Chúng ta luôn nhận thức đầy đủ thách thức về an ninh của mình trên Biển Đông. Nó có thể xâm hại chủ quyền lãnh thổ và dẫn đến xung đột. Đây là những nguy cơ lớn nhất và đang hiện hữu. Cho nên người Việt Nam từ trẻ đến già, ai cũng lo lắng về Biển Đông. Đó là điều dễ hiểu.
Nhìn một cách hình thức, có thể thấy Trung Quốc rất mạnh và đã làm nhiều việc trên Biển Đông. Quyết tâm, tham vọng của họ ngày càng lớn. Chưa kể, họ vô cùng kiên trì để dần dần đạt được tham vọng chủ quyền của mình. Họ không e ngại dư luận nên khó có thể nói không lo lắng. Cả thế giới lo chứ không riêng chúng ta.
Có hai việc cơ bản, quan trọng nhất, để hình thành cách ứng xử trên Biển Đông. Một là, chúng ta phải khẳng định chủ quyền. Không bao giờ chúng ta được mơ hồ về điều đó, không bao giờ được quên điều đó, không bao giờ được buông điều đó. Hai là, phải tin rằng chúng ta sẽ bảo vệ được chủ quyền đất nước. Trong đó quan trọng nhất là tự tin - tin vào lòng dân, tin vào đường lối, cách ứng xử của Đảng và nhà nước, trên cơ sở hội tụ ý chí của người dân.
- Ngoài niềm tin, chúng ta phải làm gì để giữ được quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trên Biển Đông?
- Trong cuộc đấu tranh này, việc xác định đầy đủ phạm vi chủ quyền của mình là vô cùng quan trọng. Chúng ta phải pháp lý hóa những gì chúng ta tuyên bố, những đảo, đá nào chúng ta có chủ quyền, thềm lục địa của chúng ta đến đâu... Dựa trên cơ sở đó, chúng ta phải giữ cho bằng được 21 điểm đảo, 33 điểm đóng quân và các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam tại Trường Sa. Chúng ta cũng kiên trì đấu tranh cho chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, mặc dù đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, nhưng Việt Nam không bao giờ từ bỏ, và không được phép từ bỏ.
Chúng ta phải giữ bằng được quyền chủ quyền trên thềm lục địa 200 hải lý và làm cho tất cả các nước hiểu và tôn trọng quyết tâm sắt đá ấy. Chúng ta phải làm cho Trung Quốc và các nước khác tôn trọng, thực hiện luật pháp quốc tế khi hoạt động trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Duy trì và phát triển lao động hợp pháp của ngư dân, dầu khí, nghiên cứu biển, vận tải, du lịch...
Nếu xác định rõ ràng và quyết tâm như thế, thì tôi có thể trả lời câu hỏi của bạn: Thách thức là có thật, nhưng chúng ta sẽ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền trên Biển Đông. Và trên thực tế, hiện nay chúng ta vẫn đang giữ toàn vẹn chủ quyền trên biển đó chứ.
- Nhưng chiến thuật của Trung Quốc ở biển Đông là lấn từng bước mà không cần đến các biện pháp quân sự. Họ áp dụng cách này không chỉ một lần trong lịch sử, và thực tế là nó đã hiệu quả. Ông đánh giá thế nào về thực tế này?
- Sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông có thể ngày càng nhiều, nhưng bạn có thấy lá cờ đỏ sao vàng cũng đang hiện diện ngày càng dày đặc, thường xuyên, đa dạng trên Biển Đông không? Các đảo ở Trường Sa của chúng ta ngày càng thêm xanh, thêm đông vui, thêm điện sáng suốt đêm như những ngọn hải đăng Việt Nam ở biển xa, với cuộc sống lao động ngày càng sôi động hơn. Các giàn khoan dầu khí, hoạt động thăm dò, nghiên cứu, bảo vệ môi trường biển, các đoàn tàu du lịch, vận tải biển của thế giới bình yên đi qua Biển Đông. Các chuyến tàu dân sự, quân sự, khoa học của các nước tấp nập đến với Việt Nam... Các ngư trường đánh cá của chúng ta ngày càng xa, ngày càng nhiều. Tất cả đều hợp pháp, phù hợp luật pháp quốc tế. Chúng ta không tranh giành, xâm lấn thêm của ai cả.
Hải quân Việt Nam cũng hiện diện rất chững chạc, tự tin, đàng hoàng và ngày càng nhiều hơn trên Biển Đông. Năm nay chúng ta diễn tập bắn đạn thật ở các đảo Trường Sa. Trong toàn bộ vùng biển Đông Nam Á, vùng biển Việt Nam là an toàn nhất, không có cướp biển, không có buôn người và đang được Cảnh sát Biển bảo vệ rất tốt. Đó là những cái mình làm mà chưa nói, bây giờ tôi nói. Lẽ nào đó không phải là lời khẳng định hùng hồn về chủ quyền của chúng ta.
Vừa qua chúng ta bàn luận nhiều đến sự hiện diện của tàu dân quân biển Trung Quốc trên Biển Đông. Sự quan tâm đó là hợp lý, vì hàng trăm con "tàu lạ" cứ đứng lỳ ra đó mà không làm gì thì cũng thật khó coi. Nhưng đánh giá việc đó như thế nào, bực tức ra sao là một chuyện, còn xử lý như thế nào lại là việc khác. Bộ Ngoại giao ta đã tuyên bố mạnh mẽ, rõ ràng, hải quân, cảnh sát biển nắm chắc tình hình, hiện diện ngay tại đó để bảo đảm rằng luật pháp Việt Nam và quốc tế sẽ được tuân thủ - nếu anh vi phạm luật pháp, tôi sẽ xử lý theo luật. Trong khi đó, các hoạt động lao động của ta trên biển vẫn tiến hành bình thường.
- Vậy nguyên tắc giải quyết của Việt Nam trong tình huống này là gì?
- Kiên quyết, kiên trì nhưng không manh động, không khiêu khích - đó là cách chúng ta đã làm, đang làm và sẽ làm. Có lần tôi gặp Thượng tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Ông ta nói: "Cái quan trọng nhất của cả Việt Nam và Trung Quốc, là hai bên đừng hành động quá tay hay tuyên bố quá lời". Tôi trả lời: "Tôi rất đồng tình với đồng chí, vì chúng tôi chưa bao giờ nói và làm quá giới hạn chính đáng cả".
Quan điểm các quốc gia có thể khác nhau, lợi ích cũng khác nhau và đôi khi mâu thuẫn. Năm 2011, sau vụ tàu Bình Minh bị cắt cáp, tôi sang gặp lãnh đạo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, khi hai bên đang tranh luận, ông ta nói: "Nếu tôi nói Trường Sa, Hoàng Sa không phải của Trung Quốc thì tôi không còn là người Trung Quốc. Nhưng tôi hiểu nếu đồng chí nói Trường Sa, Hoàng Sa là của Trung Quốc thì đồng chí cũng không phải là người Việt Nam nữa. Chúng ta khác nhau và đó là lý do phải ngồi lại với nhau". Rõ ràng họ cũng thấy vấn đề, có điều mình phải kiên trì đấu tranh, thẳng thắn nhưng rất chân thành. Bên cạnh đó, phải luôn duy trì vấn đề này trên các diễn đàn quốc tế, không bao giờ để bất cứ ai bịt miệng. Ở Biển Đông, Việt Nam tự tin có cả chính nghĩa lẫn luật pháp. Đó là điểm mấu chốt, toàn cầu hóa, không phải quốc gia nào muốn làm gì thì làm, bất chấp cả đạo lý lẫn pháp lý được.
"Thóa mạ giúp chúng ta sướng miệng chứ không giữ được nhà"
- Có lo ngại rằng, một số lãnh đạo có tâm lý ngại Trung Quốc, muốn dĩ hòa vi quý với họ, ông nghĩ sao?
- Thật ra khi có một kẻ đe dọa chủ quyền nước mình thì không ai có thể yên tâm và vui lòng được. Tâm lý nghi ngờ của nhiều người Việt Nam, tôi hiểu, nó rất bình thường. Nhưng điều tôi thấy không bình thường là nhiều người không phân biệt được giữa làm thế nào để giữ chủ quyền với làm gì cho bõ ghét. Việc chúng ta phải làm là giữ nhà, và quan hệ thuận hòa với láng giềng, chứ không phải thoá mạ làm mất mặt họ. Thoá mạ giúp chúng ta sướng miệng, chứ không giữ được nhà, cũng không có yên ổn mà làm ăn.
Tôi khẳng định, không một ai ở đất nước này có suy nghĩ rời bỏ hoặc nhân nhượng về chủ quyền, đặc biệt là những nhà lãnh đạo. Nếu để mất Biển Đông thì quân đội Việt Nam, các nhà lãnh đạo sẽ có tội với đất nước, và cũng sẽ không yên với dân được. Trong quân đội, từ trên xuống dưới, đều coi Biển Đông là sống còn. Chủ quyền lãnh thổ là điều chúng ta tuyệt đối không bao giờ buông tay.
Người Việt Nam cần đặt lòng tin vào Đảng, Nhà nước trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Thêm vào đó, mỗi người chúng ta có thể có những hành động thiết thực hơn để giữ nhà mình, làm sao để đất nước phát triển, thật nhanh, thật vững chắc - đó chính là giải pháp quan trọng nhất để giữ chủ quyền. Tôi muốn chúng ta phải xử lý vấn đề với sự khôn ngoan và tỉnh táo tuyệt đối, đấu tranh giữ chủ quyền, nhưng đừng để mất hòa bình, đừng cản trở sự phát triển của đất nước.
Tôi từng nói: "Nếu thêm cho tôi một dollar xuất khẩu nông sản thì sẽ bớt áp lực đi một dollar để bảo vệ chủ quyền Biển Đông". Đất nước phát triển, biên cương càng vững chắc. Mà phát triển không phải là để đổ tiền mua vũ khí. Trái lại, Trường Sa phải giàu lên để đất nước ngày càng giàu mạnh. Đó chính là giữ nhà. Đừng để những vụ tham ô, tham nhũng bào mòn lòng tin và sức mạnh quốc gia, đó là giữ nhà. Đừng vì yêu ghét mà không nắm bắt, tận dụng cơ hội phát triển của Trung Quốc để Việt Nam cùng phát triển. Đó là giữ nhà. Mỗi người dân hãy cùng đóng góp phát triển, xây dựng kinh tế, để đất nước hùng mạnh. Đó chính là giữ nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét