Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

HÀ NỘI KHẨN TRƯƠNG LÊN KẾ HOẠCH TIÊM VẮC-XIN COVID19 CHO TRẺ TRƯỚC TÌNH HÌNH PHỨC TẠP CỦA DỊCH BỆNH

 

HÀ NỘI KHẨN TRƯƠNG LÊN KẾ HOẠCH TIÊM VẮC-XIN COVID19 CHO TRẺ TRƯỚC TÌNH HÌNH PHỨC TẠP CỦA DỊCH BỆNH

Thời gian qua, thông tin về việc Thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân Thủ đô. Nếu việc tiêm chủng được triển khai sớm, mức độ bao phủ vắc-xin ở Hà Nội được mở rộng thì việc trở lại học trực tiếp của học sinh các cấp sẽ được đảm bảo và ổn định hơn.

Bên cạnh đó, nguy cơ bùng dịch trở lại ở thủ đô vẫn ở mức cao, đồng thời, mặc dù số lượng trẻ em bị nhiễm COVID-19 ít hơn so với người lớn nhưng đây vẫn là đối tượng có khả năng mắc và truyền bệnh COVID-19 cho những người khác. Do đó, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 là một trong những biện pháp có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm bệnh, ngăn ngừa sự lây lan và vắc xin cũng có thể giúp trẻ không bị bệnh nặng ngay cả khi trẻ nhiễm COVID-19.

Trước diễn biến dịch covid-19 còn phức tạp, nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á cũng như một số quốc gia Đông Nam Á đã triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em. Việc sớm triển khai tiêm chủng cho trẻ trước diễn biến dịch với sự xuất hiện của chủng Delta là rất cần thiết nhằm tăng miễn dịch cộng đồng cũng như bảo vệ sức khỏe trẻ em và sớm mở cửa trường học.

HÀ NỘI KHẨN TRƯƠNG LÊN KẾ HOẠCH TIÊM VẮC-XIN COVID19 CHO TRẺ TRƯỚC TÌNH HÌNH PHỨC TẠP CỦA DỊCH BỆNH

Là địa bàn có số lượng trẻ em đông, việc Hà Nội lên kế hoạch tiêm cho trẻ em ở các lứa tuổi với lộ trình phù hợp là rất kịp thời, chủ động. Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và CDC Hoa Kỳ nhấn mạnh về ý nghĩa của vắc xin Covid-19 cho trẻ em khi góp phần gia tăng tỷ lệ bao phủ miễn dịch cộng đồng, tiến tới khống chế đại dịch trong tương lai. Ngày 14/10/2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP về việc hướng dẫn tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi (trẻ từ lớp 6 đến lớp 12) gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur. Theo đó, trước hết có thể triển khai tiêm cho lứa tuổi 16-17 và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Nếu các địa phương xây dựng được kế hoạch và chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết thì có thể việc tiêm chủng sẽ được bắt đầu trong những tháng cuối năm 2021. Ngoài ra, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng khuyến cáo rằng trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech COVID-19 với chỉ định tiêm 2 mũi và mũi 2 cách mũi đầu tiên 3 tuần sau đó.

Theo các chuyên gia y tế, Việt Nam cần phải tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng mạnh mẽ, để sớm đạt được 70% dân số tiêm vắc xin. Đặc biệt, phải triển khai tiêm chủng cho cả trẻ em chỉ khi đó, chúng ta sẽ tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng. Thế giới đã có nhiều loại vắc xin tiêm được cho trẻ em. Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo khẩn trương tiêm cho trẻ em, do đó, việc tiêm vắc xin cho trẻ em nên sớm được triển khai.

Tiêm vắc xin Covid cho trẻ cần chú ý những gì?

Điều cần lưu ý đầu tiên để trẻ từ 12-17 tuổi được thực hiện tiêm chủng vắc xin Covid-19 là cha mẹ, người giám hộ của trẻ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu ban hành kèm theo Công văn 8688/BYT-DP.

Trước khi tiêm vắc xin Covid-19, trẻ nên ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, uống đủ nước, không sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc, tuân thủ các quy định phòng chống dịch như: khai báo y tế trước khi vào điểm tiêm chủng, đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế nói chuyện, tiếp xúc với người khác tại điểm tiêm chủng và đảm bảo khoảng cách theo quy định.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi thực hiện chủng ngừa, các chuyên gia y tế nhấn mạnh việc sàng lọc những trường hợp trẻ có bệnh nền, có tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc, vắc xin hay bất kỳ dị nguyên nào khác trước khi tiêm là rất quan trọng. Về tinh thần chung, tất cả các loại vắc xin đều phải thận trọng, không riêng vắc xin Covid-19.

Sau khi tiêm vắc xin, trẻ cần phải ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện và xử trí kịp thời những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, trẻ cần tiếp tục tự theo dõi ít nhất 7-28 ngày sau tiêm tại nhà, thông báo bác sĩ ngay nếu nổi mề đay, mệt tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều…

Việc tiêm vắc xin cho trẻ là cần thiết vì thế lãnh đạo Bộ Y tế và thành phố Hà Nội đã và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết, mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe người dân. Người dân thành phố hãy tiếp tục tin tưởng vào những quyết sách của Hà Nội để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình thường cho người dân.

Không có nhận xét nào: