Sáng ngày 6/11, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành thương mại. Sau 10 năm khởi công, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và cả nước đã hoàn thành, bắt đầu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, mở ra loại hình vận tải công cộng mới.

 

ĐƯỜNG SẮT CÁT LINH – HÀ ĐÔNG CHÍNH THỨC VẬN HÀNH

Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố Hà Nội đã ký kết bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông để đưa vào vận hành và khai thức thương mại. Tuyến đường sắt này có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 hành khách. Về tần suất, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông có biểu đồ hoạt động giờ cao điểm 6 phút/chuyến, bình quân có 10 chuyến/giờ/hướng.

Căn cứ theo tình hình dịch bệnh, để tránh việc quá trình vận hành không có khác, trong giai đoạn đầu vận hành theo phương án từ thấp đến cao để đánh giá khai thác phù hợp với mức độ dịch vụ của người dân. Tuần đầu dự kiến vận hành 15 phút/chuyến, tuần thứ 2 sẽ là 10 phút/chuyến, lượng khách đi đông sẽ điều chỉnh biểu đồ. Giá vé được TP.Hà Nội phê duyệt chính thức, giá mở cửa là 7.000 đ/lượt, theo chặng là 8.000đ-15.000đ/lượt. Giá vé ngày là 30.000đ/ngày. Vé cũng được bán theo tháng (không định danh 200.000đ/người, có định danh là 100.000đ/người). Những đối tượng được miễn phí đi xe buýt sẽ được miễn phí đi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. 

12 nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Ga Cát Linh, Ga La Thành, Ga Thái Hà, Ga Láng, Ga Thượng Đình, Ga vành đai 3, Ga Phùng Khoang, Ga Văn Quán, Ga Hà Đông, Ga La Khê, Ga Văn Khê, Ga Yên Nghĩa) được bố trí nhiều tiện ích như thang máy, thang cuốn, thang bộ, bảng biển thông tin hướng dẫn về giờ tàu; tin tức, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, hệ thống thu soát vé tự động, hệ thống thông gió, thoát hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế, camera giám sát an ninh...

Một tin vui đến với người dân Thủ đô, sau khi Bộ Giao thông Vận tải bàn giao dự án cho Hà Nội, tàu chạy miễn phí từ 9h, những ngày sau từ 5h30 và kết thúc lúc 22h. Để đảm bảo an toàn, trong 15 ngày đầu, Metro Hà Nội sẽ huy động toàn bộ nhân lực để hướng dẫn hành khách. Như vậy, người dân Thủ đô sẽ được thoải mái trải nghiệm các dịch vụ của tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam, check in cùng thăm quan Thủ đô từ trên cao.

Việc đưa vào vận hành và khai thác thương mại tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam là sự nỗ lực rất lớn của Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội. Mặc dù chậm so với tiến độ dự kiến nhưng sự xuất hiện của tuyến đường sắt trên cao đầu tiên sẽ là bước đột phá, là điểm khởi đầu cho quá trình hiện đại hóa mạng lưới giao thông tại Việt Nam, bắt kịp sự phát triển của thế giới.