“Biến thể” của sự vô cảm trong thời đại 4.0
Mới đây,dư luận vô cùng bức xúc và lên án về hành vi biến tướng của tục bắt vợ liên quan đến sự việc "bắt vợ" tại Mèo Vạc, Hà Giang khi một bé gái đi chơi xuân đã bị một nam thanh niên còn khá trẻ khống chế, giằng co ở giữa đường trước sự chứng kiến của nhiều người.
Nhưng có lẽ, đáng lên án hơn cả là hành vi của những người xung quanh đã mặc cho bé gái kêu la, phản đối, nam thanh niên vẫn không dừng lại và những người đứng xem cũng không có ý can thiệp vì cho rằng thanh niên này đang bắt cô gái về làm vợ theo tục của người Mông và nhiều người thích thú quay phim, livetream như thể hiện một thói quen xấu của thời đại 4.0 ra vẻ ta đây hóng chuyện lạ và muốn cho bao người được biết.
Tính hai mặt của vấn đề, đó là một cách lên án, tố giác hành vi biến tướng của phong tục của đồng bào người Mông, giúp cho cơ quan chức năng có căn cứ đề xử lý hành vi của nam thanh niên, nhưng mặt trái của hành động này thì không phải ai cũng nhận thấy điều đó và chính vấn đề này đã nói lên mặt trái của xã hội thời đại công nghệ 4.0 khi con người ta đã vô cảm và trở nên vô cảm hơn, đồng nghĩa với việc nó làm tổn hại đến tâm lý, danh dự của những người được cả xã hội quan tâm vì hành hiếu kỳ quá trớn.
Đây không phải là trường hợp hi hữu vì nó đã diễn ra một thời gian dài và nay “biến thể” của tình trạng này càng rõ rệt hơn, nhất là các vụ tai nạn thương tâm, đánh ghen, ẩu đả... Người quay phim họ vô cảm đến mức lấy sự đau đớn, bất lực, tai nạn của người khác để thu hút dư luận vào mình, để thể hiện ta đây thạo tin, quan tâm theo kiểu của một con rô bốt.
Đã đến lúc chúng ta phải đối diện với vấn đề này và cần thẳng thắn để có sự điều chỉnh khi mà phản ứng đầu tiên của nhiều người đối với sự đau khổ, rắc rối của đồng loại không phải là lòng trắc ẩn hay sự đồng cảm, mà là sự phấn khích về cách nó sẽ diễn ra trên mạng xã hội.
Chúng ta đang sống trong một xã hội kết nối qua internet, nơi bất kỳ ai cũng là “miếng mồi” cho nguồn thông tin bàn tán trên mạng, và hành vi của con người chỉ là một câu chuyện được chuyển tiếp đến khán giả. Họ dùng máy quay của họ biến nạn nhân thành một niềm vui “ẢO” trong phút chốc nhưng lại vô tình làm trầm trọng thêm tình huống, và sau đó, khi kết thúc chỉ có nạn nhân là người hứng chịu mọi điều từ áp lực khi đối diện với dư luận cho đến tâm lý từ nội tâm họ.
Có lẽ những người hay thể hiện sự thạo tin cần đặt mình vào vị trí của người mà họ đang quay phim, chụp ảnh. Hãy nghĩ về khoảnh khắc tồi tệ nhất của bạn và bạn sẽ cảm thấy thế nào khi bị một người lạ quay phim và đưa lên internet. Hãy nghĩ xem nó có ý nghĩa gì đối với xã hội của chúng ta khi nỗi đau của người khác không còn khơi gợi lòng trắc ẩn và thay vào đó trở thành nguồn cung cho sự bàn tán, soi mói của mọi người trên mạng xã hội? Nó dạy chúng ta điều gì? Nó giúp chúng ta như thế nào? Chúng ta học được gì từ sự xấu hổ và lạm dụng nơi công cộng?
Tất cả chúng ta đều có những điều kỳ quặc. Tất cả chúng ta đều có lúc mất mát, đều có thể gặp phải tình huống không may. Tất cả chúng ta đều cảm thấy đau đớn, tức giận và tuyệt vọng. Và khi điều đó xảy ra, tất cả chúng ta đều mong muốn nhận về lòng trắc ẩn và sự quan tâm, thay vì bị sự sắc lạnh đến từ ống kính điện thoại vô cảm.
Có thể, không có bất kỳ luật nào quy định bắt buộc mỗi công dân phải ra tay giúp đỡ những người bị nạn khi chúng ta bắt gặp trên đường. Nhưng hãy thử đặt mình vào vị trí là thân nhân của nạn nhân, hay chính là nạn nhân nằm đó để có những ứng xử cho phù hợp. Nếu không thể nói hoặc làm điều gì tử tế thì cũng đừng làm trầm trọng thêm sự bất hạnh của người khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét