NGÀY TẾT LÀ KHI TA HƯỚNG VỀ CỘI NGUỒN DÂN TỘC
Ðoàn kết, hướng về cội nguồn luôn là truyền thống quý báu của mọi người con đất Việt. Dù xa cách bao lâu, dù ở đâu, làm gì, dù khó khăn, gian khổ đến đâu, bà con kiều bào vẫn luôn hướng về quê hương, mong muốn được góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với sự phát triển và vị thế ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2015, đến nay cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đại bộ phận đồng bào đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống và hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại. Người người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, các hội đoàn tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Vì điều kiện phải sống xa Tổ quốc nên chắc hẳn đồng bào luôn mang trong mình nỗi nhớ tổ tiên và cội nguồn da diết. Trong nhiều năm qua, cộng đồng người Việt đã có những đóng góp bằng cách này hay cách khác đối với đất nước. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xem công tác đối với người Việt là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những năm qua, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng đối với người Việt , các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại; tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó hơn nữa với quê hương, đất nước; phát huy tiềm năng tri thức của người Việt ; phát huy tiềm năng của đồng bào trong hợp tác kinh tế, đầu tư, kinh doanh… Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách theo hướng tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho người Việt trên các lĩnh vực: xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương, quốc tịch, hộ tịch, về đầu tư kinh doanh; về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Các hoạt động tập hợp, vận động, gắn kết đồng bào với nhiều nội dung phong phú và hình thức đa dạng hơn như tổ chức các đoàn đồng bào về thăm đất nước dịp Quốc khánh, Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, trại hè cho thanh niên, sinh viên kiều bào; các chương trình Xuân quê hương, người Việt ở nước ngoài với chủ quyền biển đảo… Rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học là người Việt đã về nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tích cực đóng vai trò làm cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế giữa các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài. Bên cạnh việc đem công sức, trí tuệ, tài chính đóng góp xây dựng quê hương, đất nước, NVNƠNN còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ đồng bào trong nước, vận động các cá nhân, tổ chức của nước sở tại hỗ trợ cho các dự án xã hội ở Việt Nam như xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục...
Trong năm 2021 vừa qua, đại dịch COVID-19 đã lan rộng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của bà con ta ở nước ngoài. Song, bà con đã nỗ lực thích ứng và phục hồi cuộc sống, công việc ở sở tại, đồng thời có nhiều hoạt động thiết thực với đất nước. Cho tới nay, thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, bà con đã quyên góp số tiền lên tới 80 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch trong nước nói chung và Quỹ Vắc-xin nói riêng, cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế. Nhiều kiều bào tại các nước như Singapore, Úc, Nhật Bản, Đức, Mỹ, Hàn Quốc… đã tích cực đồng hành với các cơ quan trong nước, hỗ trợ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vận động chính quyền sở tại, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận vắc-xin, thuốc và thiết bị, vật tư y tế phòng dịch. “Những nghĩa cử cao đẹp này không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mà còn là truyền thống đại đoàn kết, “lá lành đùm lá rách” quý báu của dân tộc Việt Nam ta”
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn là "chất xúc tác" quan trọng đối với những thành công của hoạt động ngoại giao nhân dân nước ta trong công cuộc đổi mới. Mỗi người Việt Nam ở nước ngoài là một vị Đại sứ gắn kết và vun đắp cho tình hữu nghị giữa đất mẹ Việt Nam với quê hương thứ hai của mình, đồng thời trực tiếp tham gia thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, công cuộc xây dựng, phát triển bền vững của đất nước, vì sự phồn vinh của dân tộc. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hoá, tôn giáo, bà con kiều bào ta đã và đang góp phần giữ gìn bản sắc và quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy, lan tỏa và giành được sự yêu mến của bạn bè các nước, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tết Nguyên đán là nét văn hóa đã ăn sâu vào tâm trí người Việt từ người già đến trẻ nhỏ. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, mọi người sẽ có một kỳ nghỉ lễ dài để nghỉ ngơi, sum họp gia đình. Trước sự giao thoa văn hóa của thời hội nhập, chúng ta cần giữ nét văn hóa cổ truyền Dân tộc, kết hợp đón nhận thêm những nét văn hóa mới. Trong xu thế hiện đại, hội nhập về văn hóa là điều không tránh khỏi và góp phần làm đa dạng nền văn hóa của đất nước. Nhưng “hòa nhập mà không hòa tan” là điều chúng ta cần hướng đến. Học hỏi để làm đa dạng, phong phú thêm nền văn hóa đất nước là điều cần thiết nhưng bảo tồn và phát huy truyền thống vẫn cần được chú trọng. Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp về các ngày Lễ, Tết trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, sẽ giúp thế hệ trẻ Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài hiểu, yêu và giữ gìn hơn nữa những tinh hoa dân tộc. Những nét văn hóa đặc sắc của Tết cổ truyền người Việt nằm sâu ở tầng giá trị, mà giá trị của Tết truyền thống không phải ở hình thức. Bởi vậy, mỗi công dân dù đang sinh sống trên đất nước mình, hay học tập, công tác và định cư ở nước ngoài đều hướng về cái tết sum vầy, tết đoàn viên và hướng về cội nguồn dân tộc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét