Thường Xuân là huyện miền
núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống (nhiều nhất là người Thái, Mường), điều
kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Những năm qua, hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) được đẩy
mạnh, nhiều người đi XKLĐ sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã mang
lại thu nhập cao, giúp gia đình thoát nghèo. Tuy nhiên những thị trường này,
yêu cầu lao động chất lượng cao, chi phí xuất cảnh cũng đắt hơn. Do đó, nhiều trường
hợp đã tìm hướng xuất cảnh trái phép sang nước ngoài để lao động chui.
Theo thống kê, hiện nay
trên địa bàn huyện Thường Xuân có trên 75 trường hợp đang lao động trái phép
tại nước ngoài (trong đó có khoảng 31 trường hợp có thông tin đang lao động
trái phép tại Trung Quốc). Đa số các trường hợp này đều có hoàn cảnh kinh tế khó
khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế; không ít trường hợp đi làm công nhân tại
các tỉnh khác, sau đó nghe lời dụ dỗ của các đối tượng nên đã xuất cảnh sang
nước ngoài lao động trái phép.
Việc
xuất cảnh sang nước ngoài lao động trái phép (bao gồm cả hành vi xuất cảnh trái
phép sang nước ngoài để lao động và hành vi sử dụng các giấy tờ hợp pháp để xuất
cảnh sang nước ngoài sau đó trốn ở lại lao động trái phép) không chỉ là hành vi
vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều rủi do cho chính người dân:
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi xuất nhập cảnh trái
phép sẽ được xử lý theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính
phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng,
chống bạo lực gia đình và Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi và số lần vi phạm để áp dụng chế tài phù
hợp, có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với hình thức xử phạt hành chính, Điều 18, Nghị định 144/2021/NĐ-CP
quy định:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến
5.000.000 đồng đối với hành vi: (1) “qua lại biên giới quốc gia mà không làm
thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật”; (2) “sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị
đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh để nhập
cảnh, xuất cảnh”.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi “Sử dụng hộ chiếu giả, giấy thông hành giả, giấy tờ có
giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh
giả”.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi:
(1) “Chủ phương tiện, người quản lý phương tiện,
người điều khiển các loại phương tiện vận chuyển người nhập cảnh, xuất cảnh
Việt Nam trái phép” (đồng thời phương tiện sẽ bị tịch thu theo quy định
tại điểm a, khoản 8 điều này); (2) “Tổ chức, môi giới, giúp sức, xúi giục, chứa
chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, ở lại nước ngoài, nhập
cảnh, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép”.
Về trách nhiệm hình sự, theo
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:
- Điều 347. Tội vi phạm quy định về xuất
cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép quy định: “Người nào xuất cảnh,
nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến
50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
- Điều 348. Tội tổ chức, môi giới cho
người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép quy định:
“1. Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với
người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập
cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
2. Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu phạm
tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: (a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
(b) Phạm tội 02 lần trở lên; (c) Đối với từ 05 người đến 10 người; (d) Có tính
chất chuyên nghiệp; (đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới
500.000.000 đồng; (e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm nếu phạm
tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: (a) Đối với 11 người trở lên; (b)
Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; (c) Làm chết người. Ngoài
ra, người phạm tội còn có thể bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.
Trong quá trình xuất cảnh lao động trái phép, người dân có thể gặp
phải những rủi do như bị cướp, lừa đảo, bị chủ lao động ngược đãi, không trả
tiền lương, bị lực lượng chức năng của nước sở tại bắt, giam giữ, thậm chí
nhiều trường hợp đến nay chưa thể quay trở về nước.
Nhằm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng
này, trong thời gian qua cơ quan Công an đã liên tục tuyên truyền, vận động
người dân không xuất cảnh trái phép; phạt tiền 25 người có hành vi xuất nhập cảnh
trái phép; ngoài ra, xử lý hình sự 2 đối tượng có hành vi tổ chức cho người
khác xuất cảnh trái phép.
Để công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình
trạng công dân xuất cảnh lao động trái phép tại nước ngoài đạt hiệu quả cao đòi hỏi sự tham gia của
cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, tự giác thực hiện của nhân dân; nhất là
phát huy vai trò, trách nhiệm của các chi bộ Đảng, khu phố, thôn, xóm, sự gương
mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, những người có uy tín trong cộng đồng.
Cụ thể là:
1. Tự giác chấp hành quy định của pháp luật khi xuất cảnh, nhập
cảnh, lao động. Không tham gia xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép; không
chứa chấp người xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép; không tổ chức, môi
giới, đưa dẫn người khác xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép; không ở lại
nước ngoài lao động trái phép khi không có hợp đồng lao động hoặc đã hết hạn
hợp đồng lao động.
2. Luôn đề cao ý thức cảnh giác, không
nghe, không làm theo những đối tượng có hành vi dụ dỗ, lôi kéo xuất cảnh lao
động trái phép tại nước ngoài.
3. Khi phát hiện hành vi xuất nhập cảnh
trái phép, đề nghị người dân thông báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan
Công an nơi gần nhất hoặc qua số điện thoại Công an huyện Thường Xuân
02373.873.003.
Mỗi công dân hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, kiên quyết đấu tranh, tố giác kịp thời các hành vi xuất nhập cảnh trái phép nhằm góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét