Đối diện: Phản bác luận điệu “Đảng, Nhà nước không lo cho dân”
Nhận diện sự xuyên tạc, vạch trần âm mưu phía sau luận điệu bôi nhọ chính sách an sinh xã hội và phòng chống dịch là những nội dung trong chương trình Đối diện với chủ đề “Phản bác luận điệu: Đảng, Nhà nước không lo cho dân”.
Khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị vào cuộc để có từng liều vaccine, từng viên thuốc đặc trị để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Những món quà Tết được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền trao tận tay từng người dân. Những ngôi nhà mới khang trang đón người dân vào ở. Cả hệ thống chính trị vào cuộc với những nỗ lực chưa từng có để lo cho người dân có một cái Tết ấm cúng.
Bất chấp thực tế đó, các thế lực thù địch, phản động vẫn rêu rao luận điệu rằng: “Đảng, Nhà nước bỏ mặc người dân trong dịch bệnh, để người dân phải vật lộn mưu sinh để tự cứu mình”.
Năm 2021 là một năm mà phần lớn người dân trong cuộc đời mình khó có thể quên được. Một năm mà mỗi người phải trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau khi mà dịch COVID-19 diễn biến cực kỳ phức tạp với những ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của đời sống, từ kinh tế – xã hội cho đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng.
Dù phải đối mặt những thách thức chưa từng có tiền lệ, với nỗ lực không ngừng của Đảng, Nhà nước, toàn bộ hệ thống chính trị và quan trọng nhất là sự đoàn kết trên dưới một lòng nên trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng có thể nói rằng, cuộc sống của người dân vẫn được chăm lo ở những mức cơ bản nhất. Để rồi gác lại những đau thương mất mát phía sau, một cái Tết ấm cúng đủ đầy với không khí ngập tràn hy vọng cho một năm mới tốt lành là điều mà người dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc đã cảm nhận được.
Thế nhưng, trên mạng xã hội có những thế lực tìm mọi cách phủ nhận thực tế đó. Bằng những hình ảnh cắt ghép, những câu từ xảo trá với một thái độ hằn học bất mãn, những kẻ đã quay lưng lại với Tổ quốc, ráp tâm phá hoại đất nước đã tìm cách vẽ nên hình ảnh một Việt Nam tang thương, điêu tàn sau dịch bệnh, một đất nước mà thân ai người nấy lo, chỉ có dân tự cứu mình.
Luật điệu thực chất đã quá quen thuộc này chỉ hướng tới một mưu đồ duy nhất. Đó là gây mất niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng và xa hơn là lật đổ chính quyền.
Dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, xuất hiện trên mạng internet một phóng sự của RFA với tiêu đề hơn 12.000 dân Hội An thiếu đói. Tuy nhiên cả thành phố Hội An chỉ còn khoảng 30 hộ thuộc đối tượng cứu trợ xã hội. Với tiêu đề này người xem đã thấy sự phi lý trong cách đặt vấn đề mang tính kích động.
Trong khi đó Đài Á châu tự do có bài viết mô tả cuộc sống bần cùng của người dân trước Tết. Thế nhưng các phỏng vấn lại không hề thuyết phục. Các phóng viên còn thực hiện phỏng vấn một người làm nghề đòi nợ thuê dù nghề này không còn được pháp luật cho phép nói về khó khăn trong đòi nợ.
Cũng trong dịp Tết, nhóm khủng bố Việt Tân tưởng tượng ra thảm cảnh hàng chục triệu người Việt Nam đói ăn không có Tết nên nghĩ ra chiêu trò tự gói vài trăm chiếc bánh chưng, bánh tét rồi lu loa lên rằng để gây quỹ cứu dân. Nhưng thực tế người dân nào trong nước lại cần tới sự hỗ trợ từ một tổ chức khủng bố.
Dù mới đầu năm nhưng cũng chính nhóm này rêu rao rằng trong năm 2022, Việt Nam sẽ có tới 15 triệu người dân thiếu đói. Thế nhưng nhìn năm ngoái, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt mức cao chưa từng có với gần 49 tỷ USD và dự báo còn cao hơn trong năm nay. Một quốc gia xuất khẩu nông sản lớn của thế giới thì không hiểu làm thế nào người dân lại có thể thiếu đói được. Không gì khác đây là giọng lưỡi kích động nhằm gây hoang mang cho người dân Việt Nam.
Từ lâu nay, bôi nhọ xuyên tạc Đảng, Nhà nước Việt Nam đã luôn là chiêu trò của các thế lực thù địch. Thế nên, vẽ nên một bức tranh ảm đạm bất chấp thực tế một cái Tết no ấm đủ đầy của người dân là chuyện chẳng có gì khó hiểu. Những luận điệu này đã trở nên lạc lõng bởi thực tế hàng triệu người dân trong nước đã đón năm mới ấm áp với bao nghĩa tình sẻ chia.
Phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ Nhà nước Việt Nam, những thế lực thù địch đã không hề đếm xỉa đến yếu tố lịch sử. Bởi từ khi thành lập nước năm 1945 đến nay, hai chữ Nhân dân vẫn luôn được trang trọng đặt ở vị trí trung tâm. Nếu không vì dân, làm sao Đảng, Nhà nước có thể mang lại hòa bình cho đất nước hình chữ S, Bắc – Nam liền một dải? Nếu không vì dân, làm sao đất nước có thể đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế – xã hội, vị thế quốc tế được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo?
Tết Nhâm Dần – một cái Tết ngay sau quãng thời gian khó khăn, cũng có người từng nghĩ về Tết với tâm trạng lo âu, thấp thỏm vì kinh tế khó khăn. Bất chấp khó khăn về kinh tế, dịch bệnh, Tết Nhâm Dần lại là một cái Tết mà niềm vui có thể cảm nhận được ở ánh mắt, nụ cười của người dân trên mọi miền Tổ quốc. Đó là kết quả từ những nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước, toàn hệ thống chính trị, mà xét cho cùng để làm được như thế, chẳng thể vì mục tiêu gì khác ngoài hai chữ: Nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét