Thứ Ba, 12 tháng 4, 2022

Lạm bàn về phong trào #MeToo đến Việt Nam qua đơn tố cáo của Dạ Thảo Phương

 

Lạm bàn về phong trào #MeToo đến Việt Nam qua đơn tố cáo của Dạ Thảo Phương

Dạ Thảo Phương – nhà thơ nữ nổi tiếng một thời, đã lên tiếng trên facebook tố cáo nhà văn Lương Ngọc An, hiện đang giữ vị trí Uỷ viên BCH Hội nhà văn Việt Nam và Phó TBT báo Văn Nghệ, từng cưỡng bức, thao túng tình dục cô trong vòng 10 tháng cách đây 22 năm. Sự việc dễ dàng khiến nhiều người cảm động và khăng khăng cho rằng đó là sự thật, Báo Văn Nghệ lúc ấy – nơi cô và ông Lương Ngọc An cùng làm việc – đã không xử lý sự việc chính đáng, khiến cô bị oan. Tuy nhiên, sự việc có nhiều điểm khuất tất khiến cho lời tố cáo của cô thiếu hợp lý và không có cơ sở, không khỏi khiến nhiều người nghĩ rằng lời tố cáo này là một lời vu cáo.

Lời tố cáo của Dạ Thảo Phương nương theo phong trào #MeToo được khởi xướng tại Mỹ và các nước phương Tây. Phong trào này khuyến khích chị em phụ nữ lên tiếng tố cáo những người đàn ông xâm phạm tình dục. Nhanh chóng, trong trào #MeToo đã tấn công nhiều người nổi tiếng như Johnny Depp, Woody Allen…, và cũng càn quét sự nghiệp cũng như đời tư của không ít người đàn ông khác. Có nhiều trường hợp là tội phạm thật sự, nhưng phần nhiều hơn là người đàn ông đã bị tổn thương và đánh mất cuộc đời sau những lời tố cáo thiếu căn cứ nhưng được cổ vũ bởi cơn giận dữ của cộng đồng mạng.

Mike Tunison, một người đàn ông làm việc tại cửa hàng Dave & Buster (tại Mỹ) đã từng bị cáo buộc cưỡng hiếp phụ nữ và bị buộc phải đình chỉ công việc phóng viên tại The Washington Post đã kể lại hành trình phá hoại cuộc đời chỉ vì những lời tố cáo thiếu căn cứ. Trước khi bị cáo buộc, ông là một cây viết nổi tiếng, đã từng được NXB HarperCollins xuất bản sách. Vào tháng 10 năm 2017, ông ta bất ngờ nằm trong khoảng 70 người đàn ông được đưa vào danh sách Sh-tty Media Men, một bảng danh sách có nguồn gốc từ cộng đồng về các cáo buộc hành vi sai trái và tấn công tình dục chưa được công bố. Người đàn ông kể rằng: “Không từ ngữ nào có thể diễn tả được sự kinh ngạc của tôi khi thấy mình bị buộc tội “quấy rối”, “rình rập” và “đe dọa thể xác”. Đau đớn hơn nữa là việc danh sách được cho là riêng tư này nhanh chóng bị rò rỉ ra công chúng thông qua một số phương tiện truyền thông trực tuyến lớn cũng như phương tiện truyền thông xã hội… Đối với cuộc đời của tôi, tôi không thể bắt đầu giải thích cách tôi đã trải qua từ cuộc sống và sự nghiệp mà tôi cảm thấy tự hào, đến việc bị các đồng nghiệp của tôi tránh né và bị trừng phạt vì những điều tôi không làm.”


 Tên của Tunison trên danh sách “Sh-tty Men”.

Nếu các chính trị gia quyền lực hoặc các diễn viên nổi tiếng không bị ảnh hưởng mấy đến phong trào #MeToo thì những cây viết có uy tín bậc trung, không thế lực, dễ dàng bị các chị em làm cho gục ngã mà không hiểu mình đã phạm tội từ bao giờ. Mọi cuộc hẹn hò của Tunison cũng thất bại vì chỉ cần search Google có thể ra được kết quả về một người đàn ông mang tội danh xâm hại tình dục. Không có điều tra, pháp luật không vào cuộc, chỉ có đám đông giận dữ tự phán xét theo cảm tính của mình.  Moira Donegan, người phụ nữ khởi xướng danh sách, đã viết trên tạp chí New York vài tháng sau khi nó được phổ biến rằng cô ấy “ngây thơ vì [cô ấy] không hiểu những thế lực nào có thể khiến tài liệu này lan truyền.”

Câu chuyện của Mike Tunison được đăng đầy đủ tại đây:  'Being wrongly #MeToo'd has ruined my life' (nypost.com)

Một nghiên cứu vào tháng 2 năm 2005 của Bộ Nội vụ Vương quốc Anh đã tổng hợp dữ liệu về 2.284 trường hợp hiếp dâm được báo cáo cho thấy rằng có 216 trường hợp hiếp dâm sau đó bị phát hiện là sai sự thật, sáu trường hợp dẫn đến bị bắt và hai cáo buộc được đệ trình. Tại Mỹ, 10% trường hợp bị tố cáo cáo là sai sự thật, tương tự như ở Anh, mà câu chuyện của Tunison là điển hình, không một người đàn ông nào thực sự được đền bù thiệt hại hay trả lại sự trong sạch. Cả cuộc đời của họ, nếu không đủ quyền lực để chống lại sự tấn công từ đám đông, liên tục sống trong án treo.

Trong cuộc ly hôn năm 2001 của người mẫu Donya Fiorentino và nam diễn viên Gary Oldman, Fiorentino đã tố cáo chồng mình đã gây ra một vụ tấn công gia đình - điều mà anh ta cho là chưa bao giờ xảy ra. Sau một cuộc điều tra mở rộng, Oldman đã được xóa bỏ hành vi sai trái và được trao quyền nuôi con hợp pháp, Fiorentino bị yêu cầu hạn chế tiếp xúc, có sự giám sát của nhà nước phụ thuộc vào việc cô đã vượt qua các cuộc kiểm tra ma túy và rượu. Tuy nhiên, vào đầu năm 2018, Fiorentino trả lời phỏng vấn của các phương tiện truyền thông và khơi lại cáo buộc hành hung khi đề cập đến phong trào Me Too. Bài bình luận của cô trùng vào thời điểm chiến thắng của Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 90 (cho màn trình diễn của anh ấy trong The Darkest hour năm 2017), khiến người dùng Twitter lên án và các phóng viên mô tả là "đáng thất vọng”. Đại diện của Oldman chỉ ra kết quả phòng xử án năm 2001, cáo buộc Fiorentino sử dụng Me Too như "vỏ bọc thuận tiện để tiếp tục hoạt động bán hàng cá nhân", và yêu cầu báo chí không cho phép phong trào này "bị lạm dụng như một công cụ gây tổn hại cho những người tử tế bởi những người có ý đồ rất xấu ”.

Dù nhiều lời kêu gọi phong trào #MeToo chỉ nên tố cáo với bằng chứng rất cụ thể, và yêu cầu pháp luật quy định rõ phạm vi của xâm hại tình dục, nhưng những người phụ nữ của phong trào #MeToo mà đại diện là Tarana Burke nói rằng phong trào chỉ có ý nghĩa “trị liệu” tâm lý và mang đến lợi ích cho xã hội. Thậm chí, Burke còn cho rằng việc 10-15% trường hợp bị tố cáo sai sự thật cũng không sao cả, vì nó vẫn có lợi. Nhưng Burke và những người phụ nữ có xu hướng thái quá và cực đoan của phong trào MeToo không tính đến trường hợp phong trào này đã khiến những người đàn ông ở cấp quản lý ngần ngại thuê các nhân viên nữ, vì bất cứ khi nào và lý do gì cũng có thể bị tố cáo vì xâm phạm tình dục mà chẳng hề hay biết. Một cuộc khảo sát của LeanIn.Org/SurveyMonkey năm 2019 cho thấy 60% nam quản lý cho biết "quá lo lắng" khi bị cáo buộc quấy rối khi cố vấn, giao tiếp xã hội hoặc gặp gỡ trực tiếp với phụ nữ tại nơi làm việc. Một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Organization Dynamics, được xuất bản bởi Elsevier, cho thấy nam giới miễn cưỡng tương tác với đồng nghiệp nữ của họ hơn đáng kể. Các ví dụ bao gồm 27% nam giới tránh các cuộc gặp trực tiếp với đồng nghiệp nữ, 21% nam giới cho biết họ sẽ miễn cưỡng thuê phụ nữ cho một công việc đòi hỏi sự tương tác chặt chẽ (chẳng hạn như đi công tác), và 19% đàn ông miễn cưỡng thuê một phụ nữ hấp dẫn.

Dẫu rằng phong trào MeToo bắt đầu với một tinh thần tốt đẹp, nhằm bảo vệ những người phụ nữ yếu đuối, và mang tính giáo dục răn đe đối với những người đàn ông tùy ý xâm hại thân thể phụ nữ, nhưng khi quá đà thì nó đã gây tổn thương cho nhiều người đàn ông, hủy hoại cuộc đời của họ và chia cắt mối quan hệ xã hội giữa đàn ông và phụ nữ. Sự tố cáo chỉ có ý nghĩa khi đúng với bản chất của sự việc, và tốt nhất là có bằng chứng. Tương tự như vậy, ở sự việc của Dạ Thảo Phương, sự tố cáo không có cơ sở nhưng đã gây tổn hại cho uy tín của một người đàn ông, vốn dĩ đã bị trừng phạt nặng vì sai lầm vì có hành vi bạo ngược với đồng nghiệp nữ của mình  từ 22 năm trước. Nếu sự việc là có thật, tại sao Dạ Thảo Phương không đâm đơn kiện từ năm 2000, vì Lương Ngọc An thời ấy chỉ là một nhân viên quèn không có địa vị xã hội trong khi Dạ Thảo Phương và chị gái đã rất nổi tiếng và có thế lực vững chắc trong văn đàn? Tại sao khi con đường quan lộ của ông Lương Ngọc An rộng mở, Dạ Thảo Phương và chị gái mới lên tiếng để “tự trị liệu” cho chứng bệnh trầm cảm của mình? Một cuộc điều tra cần được làm rõ và cộng đồng mạng cũng cần tỉnh táo trước làn sóng phẫn nộ tập thể không dựa trên bằng chứng và sự công bằng.

Không có nhận xét nào: