Thứ Hai, 4 tháng 4, 2022

Ở NƯỚC NGOÀI VẪN NGỤY TRANG BẮN TỐC ĐỘ MÀ THÔI!

 Ở NƯỚC NGOÀI VẪN NGỤY TRANG BẮN TỐC ĐỘ MÀ THÔI!



        Thời gian gần đây, trên mạng xã hội facebook trong nước thỉnh thoảng lại thấy người ta lại kêu ca về việc bị cảnh sát giao thông “núp lùm” bắn tốc độ. Thậm chí, có người vì bị phạt, đâm ra ấm ức liền chọn hình ảnh cảnh sát nước ngoài bắn tốc độ công khai làm viện dẫn, rồi tiến tới yêu cầu rằng cảnh sát giao thông Việt Nam không nên núp lùm, cứ đường đường chính chính mà làm.

        Bên cạnh ý kiến của những người bị bắn tốc độ phản đối việc cảnh sát giao thông “núp lùm” thì rất nhiều ý kiến ủng hộ việc làm này và cho rằng, cảnh sát giao thông “núp lùm” để bắn tốc độ đối với các phương tiện vi phạm là cần thiết. Dựa trên nguyên tắc, nếu một người tham gia giao thông tuân thủ, chấp hành tốt các quy định của pháp luật thì không có gì phải sợ cảnh sát “núp lùm” bắn tốc độ. Còn nếu đi sai, bị bắn tốc độ thì đừng có kêu trời, kêu đất rồi kêu gào, chửi bới.


        Thực tế đã cho thấy chạy quá tốc độ là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông. Có rất nhiều lái xe đã tìm cách đối phó với việc đo tốc độ công khai như đang chạy với tốc độ cao, khi phát hiện các trạm, chốt của cảnh sát giao thông sẽ giảm tốc độ hoặc né tránh. Ai đi xe khách rồi sẽ hiểu, rất nhiều bác tài chạy ẩu, vượt bất chấp, tới đoạn có công an thì đi rất ngoan, qua chốt lại phóng. An toàn của người tham gia giao thông trên cùng tuyến đường bị ảnh hưởng bất cứ lúc nào, và tính mạng của những người ngồi trên xe khách bị rất nhiều bác tài xem thường. Hậu quả là thời gian qua, có rất nhiều tai nạn giao thông mà nguyên nhân đến từ phóng nhanh, vượt tốc độ.

        Từ tình hình thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, việc lực lượng cảnh sát giao thông đo tốc độ các phương tiện tham gia giao thông, kịp thời phát hiện, xử lý những người lái xe chạy quá tốc độ sẽ góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Và Luật đã kịp thời quy định, ở Khoản 1 Điều 9 Thông tư 01/2016 của Bộ Công an nêu rõ về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT như sau: “Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”. Việc lực lượng cảnh sát giao thông kết hợp biện pháp công khai với bí mật (hóa trang) để đo tốc độ là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật đã được thực hiện suốt thời gian qua và cần phải khẳng định rằng, nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ những người dân tán thành yêu cầu tuân thủ luật khi tham gia giao thông.

        Tình trạng người tham gia giao thông không tuân thủ nguyên tắc, vi phạm về tốc độ rất nhiều, thế nên không chỉ riêng gì Việt Nam, mà hầu như các quốc gia trên thế giới, cảnh sát đều có thực hiện việc “núp lùm” bắn tốc độ. Ở nước ngoài, việc cảnh sát hóa trang, “núp lùm” để làm nhiệm vụ là một việc hết sức bình thường, báo chí nước ngoài thậm chí còn viết nhiều bài ủng hộ và kêu gọi người dân phải chấp hành luật giao thông nghiêm chỉnh nếu không muốn bị phạt./.

Không có nhận xét nào: