TẦM QUAN TRỌNG CỦA BIỂN VIỆT NAM TRONG BẢO VỆ QUỐC PHÒNG - AN NINH
Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có địa chính trị và địa kinh tế rất quan trọng không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có. Với đường bờ biển dài trên 3.260km đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Cùng với trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn về tài nguyên biển và hải đảo.
Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của nước ta là xấp xỉ 0,01 (nghĩa là cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển), đứng đầu các nước Đông Dương, trên Thái Lan và xấp xỉ Ma-Lai-Xi-a.
Là quốc gia biển nên vấn đề an ninh biển vô cùng quan trọng đối với Việt Nam, tác động lớn đến phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Với các vùng biển rộng lớn, bờ biển dài, địa hình bờ biển quanh co, khúc khuỷu, có nhiều dãy núi chạy lan ra biển, chiều ngang đất liền có nơi chỉ rộng khoảng 50km (tỉnh Quảng Bình), nên việc phòng thủ từ hướng biển luôn mang tính chiến lược.
Hệ thống quần đảo và đảo trên vùng biển nước ta cùng với dải đất liền ven biển thuận lợi cho việc xây dựng các căn cứ quân sự, điểm tựa, pháo đài, trạm gác tiền tiêu, hình thành tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, với thế bố trí chiến lược hợp thế trên bờ, dưới nước, tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển của đất nước.
Vùng biển nước ta nằm trên tuyến giao thông đường biển, đường không thuận lợi, nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Sử dụng đường biển sẽ có nhiều thuận lợi trong việc cơ động chuyển quân và tiếp tế hậu cần, sử dụng vũ khi công nghệ cao từ xa, tận dụng được yếu tố bất ngờ.
Biển là chiến trường rộng lớn để ta triển khai thế trận quốc phòng toàn dân – thế trận an ninh nhân dân trên biển để phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh từ xa đến gần, trong đó có các khu vực biển trọng điểm như vịnh Bắc Bộ; vùng biển quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; khu dịch vụ kinh tế và kỹ thuật dầu khí DK1, DK2; vùng biển Tây Nam.
Với những nét độc đáo của vị trí địa lý, cũng như những vai trò quan trọng của biển Việt Nam, đây không chỉ là nơi gặp gỡ, giao thoa của nhiều hệ thống tự nhiên, văn hóa lớn trên thế giới, một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, một thị trường có sức mua khá lớn, mà còn là nơi có vị trí quan trọng về quốc phòng-an ninh của đất nước, nơi hội tụ nhiều cơ hội phát triển.
Chính vì thế, nơi đây cũng là nơi rất hấp dẫn các thế lực đế quốc, bành trướng nhiều tham vọng và cũng là nơi rất nhạy cảm trước các biển chuyển trong đời sống chính trị thế giới. Trong những năm qua, trước sự nhăm nhe của các nước trong và ngoài khu vực đến vùng biển có địa chính trị rất quan trọng này, Việt Nam đã có những biện pháp cả cứng rắn lẫn mềm dẻo để linh hoạt một mặt giữ vững được chủ quyền biển đảo đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của các nước trên thế giới để khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế bền vững./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét