Vượt biên lao động tại Campuchia - Cạm bẫy trực chờ
Thời gian qua do dịch bệnh phức tạp nên việc tìm kiếm việc làm trở nên
khó khăn gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội, bên cạnh đó nhu cầu tìm
kiếm việc làm của người dân ngày càng cao. Gần đây hoạt động lôi kéo, môi giới
đưa người Việt sang Campuchia làm việc do các đối tượng người Trung Quốc cầm
đầu, có sự tham gia của cả người Việt Nam và Campuchia diễn biến hết sức phức
tạp, các đối tượng “cò”, "mô giới" đưa người sang Campuchia triệt để
lợi dụng đánh vào tâm lý người dân với những lý do như: Lao động công việc nhẹ
nhàng, không yêu cầu trình độ mà thu nhập cao, việc xuất cảnh theo đường tiểu
ngạch đơn giản, không cần chi phí về các thủ tục xuất cảnh, ký kết hợp đồng lao
động…Đối tượng thông qua các ứng dụng
mạng xã hội đăng bài tuyển lao động với nhiều lời lẽ "có cánh" để thu
hút sự chú ý và lòng tin của những người đang có nhu cầu tìm việc.
Từ cuối năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện Thường Xuân có khoảng hơn 20
người tin lời các đối tượng môi giới đã xuất cảnh trái phép sang Campuchia để
làm việc. Tất cả các trường hợp trên bỗng chốc biến thành “nô lệ” bị bóc lột
bằng đủ mọi cách, bị khống chế, đối xử thậm tệ nhưng không biết cầu cứu ai, yêu
cầu làm các công việc phạm pháp như thực hiện các thủ đoạn lừa đảo trên không
gian mạng để làm ra tiền cho các đối tượng chủ quản, nếu không đủ sẽ phải đóng
tiền phạt, đánh đập, ép buộc ký giấy vay nợ yêu cầu liên hệ gia đình để đóng
tiền chuộc từ 70 triệu đến 150 triệu nếu muốn về Việt Nam, nếu không có tiền
chuộc thì bị bán đi cho chủ khác, thậm chí có trường hợp bị chặt ngón tay gửi
về gia đình gây sức ép đưa tiền chuộc…
Việc xuất cảnh trái phép, nhập cảnh, cư trú, lao động bất hợp pháp ở nước
ngoài sẽ gặp nhiều hệ lụy như: Không được bảo hộ, đảm bảo quyền lợi về tính
mạng, sức khỏe, tài sản; bị các cơ quan chức năng nước ngoài bắt giữ, xử phạt,
đẩy đuổi vì nhập cảnh, cư trú trái phép…
Đối với hành vi “Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp
đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái
phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định” được xác
định là các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 6, Điều 4, Luật Xuất
cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam hiện hành.
Tùy vào mức độ, số lần vi phạm của hành vi xuất nhập cảnh trái phép sẽ bị
áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày
31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh,
trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu
nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự
theo quy định của Bộ luật Hình sự. Cụ thể:
- Điều 18, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 3.000.000
đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không
làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật”; Phạt tiền từ
30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi Chủ phương tiện, người quản
lý phương tiện, người điều khiển các loại phương tiện vận chuyển người nhập
cảnh, xuất cảnh Việt Nam trái phép hoặc Tổ chức, môi giới, giúp sức, xúi giục,
chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, ở lại nước ngoài,
nhập cảnh, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép.
- Bộ luật Hình sự hiện nay quy định: Điều 347: “Người nào xuất cảnh, nhập
cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính
về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Điều 348:
Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam
trái phép quy định, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 10 năm theo
từng mức độ phạm tội, ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt từ 10 đến 50
triệu đồng; Điều 349: Tội tổ chức môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài
hoặc ở lại nước ngoài trái phép có mức phạt cao nhất đến 15 năm tù; Điều 350:
Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép mức
phạt cao nhất đến 20 năm tù.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh sẽ bị xử lý kịp nghiêm
minh theo quy định của pháp luật Việt
Để tránh bị dụ dỗ, lôi kéo, lừa đảo gặp phải những rủi ro. Công an huyện
Thường Xuân khuyến cáo người dân:
1. Khi muốn tìm kiếm việc làm cần phải tìm hiểu kỹ càng, không nên nôn
nóng mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin bởi những lời mời chào về cơ hội “việc nhẹ
lương cao” trên mạng xã hội, hãy tìm hiểu kỹ lưỡng mọi thông tin và lựa chọn
công việc uy tín; đề cao ý thức cảnh giác, không tin theo những lời dụ dỗ, lôi
kéo của các đối tượng để xuất nhập cảnh trái phép như: Hứa hẹn đưa ra nước
ngoài làm việc mà không cần hợp đồng lao động, không yêu cầu trình độ mà có
việc làm ngay, không cần giấy tờ đi lại quốc tế hoặc hướng dẫn tự đến các khu
vực cửa khẩu biên giới sẽ có người đưa đón…Đồng thời tuyên truyền, cảnh báo cho
những người xung quanh về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, rủ rê lôi kéo người
dân xuất cảnh sang Campuchia làm việc.
2. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi xuất cảnh, nhập cảnh,
lao động ở nước ngoài. Không xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép; không
chứa chấp người xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép; không tổ chức, môi giới,
đưa dẫn người khác xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép.
3. Khi phát hiện hành vi tổ chức, môi giới, giúp sức, xúi giục, chứa
chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép
hoặc tự ý xuất nhập cảnh trái phép, đề nghị người dân thông báo ngay cho chính
quyền địa phương, cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý
theo quy định của pháp luật./.
@NKT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét