Có nên quá khắt khe với ca sĩ Đan Nguyên
Vừa qua, câu chuyện ca sĩ Đan Nguyên về nước hoạt động từ thiện xã hội đang thu hút được sự quan tâm của dư luận, đã có nhiều quan điểm trái chiều về việc này, có người thì hoan hỉ chào đón vì đơn giản họ không cần biết anh ca sĩ này có lí lịch, nhân thân như nào, họ thích giọng ca của Đan Nguyên, nhưng có những người lại tỏ ra khắt khe, không hài lòng với quyết định của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch khi đồng ý cho Đan Nguyên về nước.
Về vấn đề này, có thể thấy, những năm gần đây, khi Việt Nam có những bước phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về mặt kinh tế, theo đó nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật cũng lên cao. Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ ra nước ngoài sau năm 1975, những người từng tuyên bố "còn cộng sản thì không bao giờ trở về quê hương". Thế nhưng khi nước nhà thanh bình, là mảnh đất màu mỡ và ăn nên làm ra của giới nghệ sĩ thì những tuyên bố tưởng chừng như đã được tạc vào đá núi ấy lại trở thành lời nói gió bay. Chế Linh, Khánh Ly hay "con nhạn trắng Gò Công" Phương Dung hay cả Chí Tài, Hoài Linh...đều tìm về Việt Nam để kiếm sống.
Suy rộng ra thì chúng ta đã chiến thắng, đã hàn gắn, hoà hợp với những khúc ruột vạn dặm. Người Việt Nam chẳng ai cực đoan đến mức không cho những người trước đây ở phía bên kia quay đầu là bờ, trở về với cội nguồn dân tộc, đất mẹ Việt Nam.
Thế nhưng trường hợp của ca sĩ Đan Nguyên lại khác. Nói một cách chính xác thì Đan Nguyên chính là sản phẩm thứ thiệt của văn hóa nhồi sọ. Sinh năm 1984 tại Thừa Thiên - Huế, vài tuổi đã sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình. Một đứa trẻ hồn nhiên như tờ giấy trắng, "nhân chi sơ tính bản thiện", chưa cảm nhận được những gì đã diễn ra và sự vận động, phát triển của Việt Nam. Anh ta bị những kẻ chống cộng cực đoan ở Mỹ nhồi nhét vào đầu cái gọi là "cộng sản tàn bạo, độc tài" và "Việt Nam đói nghèo vì cộng sản "...
Sự thống khổ cùng cực của một kiếp nhân sinh chính là lòng thù hận không dứt ra được. Những tổ chức chống cộng hải ngoại ghen ghét, tức tối, hằn học khi đất nước ta ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Họ chống lại quê hương, nơi đã sinh ra họ. Đan Nguyên đã bị nhiễm luồng tư tưởng đó và trở thành công cụ tuyên truyền chống cộng ở Hoa Kỳ. Rất nhiều bài hát anh ta khoác áo ngụy quân, khoác cờ vàng ba sọc đỏ, những thứ đã bị nhân dân Việt Nam chôn vùi cùng với chế độ tay sai, bán nước ngụy Sài Gòn ngày 30/4/1975.
Tuy nhiên, xét về mặt khách quan, thì Đan Nguyên cũng không có tội tình gì, vì từ bé anh đã bị nhồi nhét tư tưởng chống Cộng rồi. Nhân chi sơ, tính bản thiện, lớn lên trong môi trường đó thì khó có thể tránh được. Vậy cho nên, khi Đan Nguyên xin về Việt Nam, có lẽ anh ta cũng đã có những ý tưởng của sự hòa hợp dân tộc và cũng vì thế, với những người biết quay đầu là bờ, quay về với chính nghĩa dân tộc thì người Việt Nam rộng lòng tha thứ.
Vậy nên, cũng không nên quá khắt khe việc Đan Nguyên được về Việt Nam và đây cũng không phải là lần đầu Nhà nước đồng ý cho những thành phần chống Cộng về nước. Việc cho phép họ về Việt Nam cũng là một phép thử để những người chống Cộng như Đan Nguyên có cách nhìn khác về Việt Nam theo như những gì mà anh ta bị nhồi sọ từ bé, không giống như mấy báo đài lá cải như BBC, RFA, RFI... hay tuyên truyền.
Việc thay đổi nhận thức con người cần một quá trình, hy vọng sau chuyến về Việt Nam lần này Đan Nguyên sẽ hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là lòng bao dung và được chứng kiến sự phát triển của Việt Nam. Là người có ảnh hưởng ở Hải ngoại, nếu như Đan Nguyên có những thay đổi tích cực, dần từ bỏ quan điểm chống Cộng, lan tỏa hình ảnh đẹp về đất nước, con người trong nước với cộng đồng ở Hải ngoại thì thật đáng mừng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét